Thứ Ba, 29 tháng 12, 2009

Tuổi vừa đi qua

Tuổi vừa đi qua


HUỲNH THANH NHÀN





Từ biệt mùa hoa chưa kết trái


Nỗi buồn không ướt chút màu đêm


Cửa ngõ vườn thơm ta khép lại


Giữ lấy nguyên sơ những êm đềm



Từ biệt bao niềm vui bé nhỏ


Lấp lánh trong hồn như sao bay


Con đường thơ mộng bâng khuâng gió


Ngoảnh đi ngoảnh lại đã xa rồi



Bỏ lửng khúc nhạc lòng xao xuyến


Hoài cổ còn nghe điệu du dương


Sợ rằng khi chép ra trọn vẹn


Mai sau lạc mất giữa đời thường.

Chiều cuối năm…!

Chiều cuối năm…!


HUỲNH THANH HOÀI



Tuy Hoà chiều nay mưa bất chợt. Những sợi mưa nhè nhẹ tưới mát cho phố thị nhộn nhịp chiều cuối năm. Cơn mưa lạ làm lắng xuống cái dư vị ồn ã náo nhiệt của dòng người. Phố trở nên đẹp hơn với những đường cong đầy sắc hoa. Xuân về với những đường mưa vội vàng đến hồn nhiên rơi xuống như vỗ nhẹ vào đất, vào vạn vật nơi đây. Mưa lướt trên tóc mướt, trên má nóng và sà trên mi cong… Mưa đến rất nhẹ như rây hạt lên thành phố thân yêu. Phải chăng mưa đang muốn kí gởi một chút gì đó dư âm của mùa đông đã qua? Chợt mưa dừng hẳn để lại vô số những vạt nước vắt lủng lẳng trên lá chỉ chờ một cơn gió vô tình thổi qua là được cớ rơi ồ ạt xuống.



Nhìn lá ướt, nhìn nụ hoa đáng hé nở, đang e ấp ngậm những hạt mưa tinh tuý của trời đất thì mới chợt hay ta đã đánh rơi những ngày cổ tích. Cái tất bật làm một kẻ cô đơn lầm lũi mãi vùi chặt mình với những điều xa xôi, cái tất bật làm lãng quên bao nhiêu vạt nắng đã đi ngang qua đời, bao nhiêu đường mưa đã ghé đợi lòng thổn thức. Lãng quên, tránh né tất cả… để rồi giờ đây chợt hay đã đánh rơi một mùa.



Chiều cuối năm, không còn những lo toan cho cuộc sống bộn bề, không còn ghì chặt mình vào những ước vọng, vào những khát khao. Chiều cuối năm, ta lại được là chính ta, được tìm về một chút thời gian ít ỏi của cuộc sống mà chiêm nghiệm lại những gì đã qua.



Sắc hoa của mùa mới làm lòng thêm rộn rã, những vạt mưa vội vàng còn sót lại của mùa đông cũ làm tim thêm thổn thức, cái ánh chiều nhè nhẹ của tiết trời sang xuân lại làm hồn người thêm nhẹ nhõm… Tất cả, những mảng màu mới chớm nở của bức tranh xuân ấy đã làm chậm lại, làm lắng đọng lại những giai điệu réo rắt đến dồn dập của nguồn tình cảm sôi nổi vốn ti ềm ẩn trong lòng người.



Cái tuổi 18 thật không đủ sức làm con người ta có thể kết luận lại những qui luật khắc nghiệt của guồng quay vĩnh cữu ác liệt mà thời gian in hằn lên cuộc sống, lên mọi kiếp đời. Chỉ vì ngày hôm nay được sống cho chính mình, không lo âu chỉ im lặng và suy tư, được tìm về những kí ức vụng dại ngỡ đã lãng quên trong sâu thẳm, được sống lại những phút giây rời rạc nhoi nhói của con tim, được trở về những cung bậc thật nhất mà từ lâu ta đã cố ý hay vô tình huyễn hoặc mình lãng quên. Trở về với quá khứ để được nhận ra điều ấy.



Bất giác ta đưa mắt nhìn ra, có vẻ dòng người trên phố lại tấp nập hơn nữa: cô gái gánh hoa đi bán dạo, anh tài vội vã đón khách cho kịp đêm giao thừa, tiếng người kì kèo mua bán, tiếng trẻ nô đùa náo nức chào xuân, bóng dáng những cặp tình nhân đưa nhau đi dạo phố và đâu đó còn có cả những kẻ cô đơn ngồi bên góc nhỏ nhâm nhi giọt đắng của vị cà phê phin… họ là ai? Những người ta chưa hề biết tên? Là những “nhân vật quan trọng, ưu tú cả ngày mai”?... Ta là ai trong số họ, là ai giữa biển người chât ngất.Ta chỉ tìm chính ta giữa vạn con ngươi ấy. Là hạt bụi nhỏ giữa đất trời hay đoá hoa toả sắc cho đời. Ta là ai mà cũng chẳng là ai. Phải chăng Xuân đến gợi những điều dang dở và tiếp tục gợi những bắt đầu gian nan, nó khiến con ngươi ta lúi húi, loay hoay mãi trong cái vòng chùng chình ấy. Một thử thách khó khăn đang chờ phía trước? Cuộc hành trình khẳng định mình, khẳng định ước mơ chưa bao giờ là dễ đi… Xuân đến nên vui chăng?

Thắp nến

Thắp nến


HOÀNG VÂN KHÁNH


Thắp lên một ngọn nến
Cho căn phòng của em rực sáng
Cho cành huệ trắng
Nồng nàn tỏa hương vào đêm


Thắp một ngọn nến nữa em
Ước mơ đan những điều diệu vợi
Cho giấc mơ về bối rối
Ngập ngừng một bước chân qua

Khi ngọn lửa rực lên như màu nắng vỡ òa
Em mở toang cánh cổng
Cười cho môi thêm hồng
Rộn ràng xuống đường giữa phố đông

Ðêm bình yên và đêm rất trong
Góc phố em qua ngọt ngào hoa sữa
Thắp một ngọn nến nữa
Ðợi bình minh lên.


Tản mạn ngày thứ 365!

Tản mạn ngày thứ 365!


CAO THỊ KIM THOA



Buổi sáng, trời mờ ảo sau màn sương, mọi người khẽ khàng lướt qua nhau rất nhẹ. Tôi cũng rảo bước trong sớm mai ấy bằng những bước chân cố gắng cho thật êm. Sự trong lành của buổi mai cuối năm làm cho cho con người ta không nỡ quấy rầy dù còn có một ngày dài tấp nập đang chờ phía trước.



30 tết, một danh từ đã thông dụng như một tính từ gợi lên cái không khí của một ngày gấp gáp, ngày của bận bịu, ngày của sắm sửa, chợ búa, bày biện, quét dọn, ngày của háo hức và sum vầy. Cái ngày ấy thật lạ, vì dẫu là một đứa trẻ lên ba lẫn một con người đã đi gần hết cuộc đời vẫn chung một cái bồi hồi, náo nức như thế.



Ba mươi tết với tôi, dù là một đứa trẻ con hay một cô bé mười tám vẫn cứ bận rộn như ngày nào và những cái sự bận bịu ấy cũng hệ trọng dần theo năm tháng. Hồi còn bé, ngày cuối năm, tôi lo tắm rửa cho thật sạch sẽ, thơm tho bằng nồi nước thơm lừng nấu từ đủ thứ lá của bà, cố gắng ngoan ngoãn và không làm vướng chân mẹ, người luôn có đủ thứ việc bận rộn mà ngày này lại càng như bận hơn. Và quan trọng nhất với chị em tôi ngày ấy là sáp lại bên chiếc nong tròn đựng những thứ gạo nếp, đỗ xanh, thịt lợn và những tàu lá dong xanh mướt. Mỗi đứa sẽ là tay phải, tay trái mỗi khi bố cần thứ này, thứ kia, và mong chờ đến cái giây phút bố làm riêng cho hai đứa những cái bánh chưng nhỏ xinh.



Lớn lên thành thiếu nữ, theo cách nói của mẹ, tôi được nhận cái sứ mệnh cao cả và đầy hấp dẫn là hộ tống mẹ đi chợ tết. Những phiên chợ cuối năm tấp nập người mua, kẻ bán những thứ hàng như là có hương vị của tết dưới con mắt trẻ thơ ngày nào vẫn luôn ám ảnh tôi. Ở nhà, tôi cũng có dịp trổ tài bằng một ít “con gái” có được trong những lọ hoa cắm kiểu cách, những tấm thiệp, phong bao đỏ trên cành mai vàng hay bày biện bàn tiếp khách, đĩa bánh kẹo… Thế mà thấy vui hơn cả được nhận lì xì.



Và được mong đợi nhất, là giây phút cả đại gia đình cùng quây quần bên mâm cơm cuối năm. Ông nội tươm tất trong bộ lễ phục chỉ dành cho những ngày hệ trọng, kính cẩn thắp những nén hương thơm mùi tết lên bàn thờ gia tiên và khấn bằng những lời văn cổ kính mà tôi chưa bao giờ hiểu hết. Những ồn ã của một năm lắng lại, những lo toan của một năm gác lại, những công việc của một năm cất đi… tất cả mọi người chan hoà trong những lời chúc tụng và những mong ước tốt đẹp nhất. Trên màn hình ti vi không khí đón tết trên cả nước cũng được phát đi khắp nơi tưng bừng.



Trong khoảnh khắc ấy dường như 364 ngày đã qua không còn quan trọng nữa, mọi người đã dành ngày thứ ba trăm sáu lăm này để trả hết nợ với thời gian và kí nhận một năm mới nhiều hứa hẹn. Và giây phút kim đồng hồ lệch sang giới hạn của 0h tôi đã có một lời hứa với mùa xuân.

Ngày cuối cùng của năm cũ, và thơ...

Ngày cuối cùng của năm cũ, và thơ...


SONG PHẠM





Những ngày cuối năm



Vứt tôi lại một ngách con đường



Em đi…



Theo cơn gió sớm mai, theo con nắng



Cùng trăm thứ lo toan, nghìn điều sắm sửa



Những thường tình tất bật cùng bao hứa hẹn, đợi chờ…



Em đi…



Tôi ngồi lại một mình trong ngách nhỏ



Tung những hòn cuội ký ức



Ðếm một hai ba…



Từng con sẻ bé loi choi nhặt rêu trên mái ngói



Chẳng cần biết xuân - hạ - thu - đông… càng không biết



Tết là gì




Ngách nhỏ tôi ngồi



Vừa hình dung em vừa hát nghêu ngao…



Làm giật mình con dế ngủ ngày gáy vang giấc mơ màu cỏ biếc…



Ðùa đám lá khô cong sắc úa



Tôi thử tìm một dòng suối, một dòng tóc



Tìm một “mùa cây trái thơm tho” trên đóTôi tìm em…



Chỉ hút mắt con ngõ thênh thênh đầy gió



Và một bầy trẻ nhỏ



Lô xô khoe áo mới trong chiều…




Ngày cuối năm



Mỗi người mỗi đắn đo



Mỗi người một toan tính



Chẳng ai kịp lắng nghe tiếng nói của ai



Chẳng ai kịp đợi chờ hơi thở của ai…



Tất cả…



Không chỉ riêng em - thơ tôi…



Cũng bị cuốn quay vào trốt xoáy đời sống tít mù



Rốt ráo bánh xe



Nghiền những chim sẻ, những đám mây, những lá khô cong sắc úa riêng tôi…



Chỉ còn giọt sương, chỉ còn giọt nắng sớm mai xuân đọng lại trên cái siết tay, trên tiếng thở dài lặng nghe nhau trong đêm trừ tịch…




Ngày cuối cùng của năm cũ



Vứt tôi lại một ngách con đường



Em đi…

Thứ Ba, 22 tháng 12, 2009

Giáng sinh mười tám...

Giáng sinh mười tám...



NGUYỄN TRẦN THIÊN LỘC



Giáng sinh.



Như mọi năm thì viết thư cho ông già Noel. Năm nay lớn rồi, biết là ông sẽ không đến, không bao giờ đến nữa, thế mà vẫn viết thư cho ông. Còn xin thêm một cái laptop. Nhưng có lẽ ông chẳng đủ tiền mua.



Nghĩ cũng lạ. Điều ước nhiều khi có giá đàng hoàng. Mà cũng tăng vùn vụt như xăng.



Nhớ hồi xưa xa lắc, cứ tới Giáng sinh mà được ông già Noel tặng ống kẹo sôcôla khoảng hai ngàn đồng là mừng hết lớn (đó là theo thời giá ngày xưa, giờ ống kẹo đó cũng năm ngàn rồi). Lớn lên một chút, đi học lớp 1, lớp 2 đã biết tính toán rồi thì ước gì tối nay ông già Noel tặng mình một hộp phômai Con bò cười, hồi đó khoảng mười mấy ngàn. Sôcôla với phômai thì ngon ngang ngửa nhau, mỗi thứ một kiểu.



Phômai cắn một phát ngập răng, rồi nghe cái vị béo ngậy, mằn mặn tan dần tan dần trong miệng. Sôcôla ngọt ngào, lại có một cái gì đó quyến rũ đặc trưng không thể tả. Nhưng so ra thì xin phômai sẽ được nhiều hơn, lợi hơn. Thế nên điều ước Con bò cười theo đuổi đến mùa Giáng sinh lớp 5.



Lên lớp 6, thấy bạn bè chuyền nhau cái máy điện tử cầm tay bấm bíp bíp bíp thì thèm lắm. Về nhà viết thư ngay cho ông già Noel, ông ơi con muốn một cái máy xịn hơn máy của thằng Tí Em. Viết xong nhờ mẹ gửi. Mẹ mở ra kiểm tra lỗi chính tả rồi nói chơi điện tử hư mắt, ông già Noel không cho đâu. Nghe mẹ nói vậy cũng hơi lo lo nhưng vẫn hi vọng. Mấy năm trước xin sôcôla có sôcôla, xin phômai có phômai, năm nay đâu lẽ nào lại khác.



Đêm Giáng sinh cứ thấp thỏm không ngủ được, cứ nhất quyết phải đợi ông già Noel. Mẹ la, bảo nếu con không ngủ thì ông già Noel sẽ không đến. Mình lắc đầu nguầy nguậy nói không không, con phải thức tới sáng để đợi ông. Nói xong câu đó thì nằm xuống ngáy khò khò. Chán thật!



Sáng mở mắt ra là lật ngay gối lên, thấy bì quà thì mừng húm. Hí hửng mở ra rồi tiu nghỉu. Vẫn là Con bò cười.



Từ đó ghét Con bò cười (chỉ ghét cái mặt con bò thôi, vẫn thích phômai), rồi giận luôn ông già Noel. Tự nhủ lòng từ nay không bao giờ viết thư cho ông nữa. Quyết tâm lắm nhưng đến năm lớp 7 thì hết giận ông. Tại thằng Thành xách hai cái máy bộ đàm ba nó mua cho đi khoe khắp lớp. Ông thật là may!



Cặp bộ đàm chỉ liên lạc được với nhau trong chừng mười mét thôi nhưng thằng nào cũng khoái. Cứ chia nhau một thằng đứng trên bảng, một thằng đứng cuối lớp rồi rống lên, alô alô, địch chạy về hướng bắc, hai tên, một cây súng, alô. Chỉ vậy thôi, không có bộ đàm nghe còn rõ hơn, vậy mà cứ tranh nhau giật. Giật qua giật lại một lát thì ăngten ra ăngten, pin ra pin, lò xo ra lò xo.



Còn thằng Thành thì hét lên, chết chình chinh, tụi bay đền dzô, tụi bay đền dzô. Cái thằng ngu, cứ nói chung chung tụi bay tụi bay, đứa nào cũng tin chắc là chẳng phải mình, khỏi cần lo. Thế là một chốc một lát tản đi hết, có thằng còn làm bộ mở sách ra học bài ra vẻ ta đây không liên quan. Chỉ còn thằng Thành mếu máo ôm đống vụn khóc hu hu.



Tối đó về viết thư nói ông già Noel ơi, con hết giận ông rồi, con thích cái máy bộ đàm ông ạ.



Không nói ai cũng biết, sau đêm Giáng sinh năm đó mình lại tiếp tục giận ông già Noel.
Giáng sinh,



Giáng sinh,



Giáng sinh...



Năm nay mười tám tuổi, Giáng sinh mơ cái laptop. Mơ ước khơi khơi vậy thôi chứ cái máy điện tử có hai lăm ngàn mà ông cũng chẳng thèm mua thì mong gì đến cái laptop mười mấy triệu bạc. Hơn nữa, mười tám tuổi là lớn rồi.



Thế nhưng đêm Giáng sinh này vẫn sẽ thức. Không phải để đợi mà là để nhớ. Nhớ về ông già Noel. Nhớ về những mùa Giáng sinh trước. Đã xa lắc xa lơ...

Tôi, nhỏ và Noel

Tôi, nhỏ và Noel



TINHCA




Với tôi Noel chỉ đơn giản là cái lạnh thấu xương tràn về khu phố, những hang đá đẹp, tiếng chuông nhà thờ ngân vang lúc nửa đêm… Nhưng tất cả đã thay đổi khi tôi gặp nhỏ.


Noel năm ấy, một cô bé ôm cái túi đầy quả châu, dây kim tuyến... đi đứng thế nào mà đâm sầm vào xe tôi. “Em xin lỗi anh!” - nhỏ thốt lên.


Nhỏ nom trạc tuổi tôi. Hí hửng vì được gọi “anh” và được làm quen với một người xinh xinh như nhỏ nên tôi chỉ cười: “Em vội lắm hả?”.


Nhỏ khẽ gật đầu. “Vậy anh giúp em được không, vì chiều nay anh rảnh lắm”. Nhỏ lại gật đầu.
Hóa ra nhà nhỏ và nhà tôi chỉ cách nhau một con hẻm. Nhỏ vội vội vàng vàng vì đang chuẩn bị trang trí cây thông để kịp đón Giáng sinh.


Tôi chở nhỏ về rồi cùng nhỏ loay hoay trang trí cây thông Noel. Trò chuyện một lúc tôi biết nhà nhỏ chỉ có hai người: nhỏ và mẹ. Bố mất sớm, mẹ nhỏ làm công nhân. Mỗi năm, nhỏ thường đón Giáng sinh ở nhà thờ. Nhưng năm nay được một đứa bạn cho mượn đồ trang trí cây thông nên nhỏ tổ chức đón tại nhà.


Tôi và nhỏ vừa gặp nhau nhưng dường như đã quen từ lâu lắm. Tôi và nhỏ trò chuyện rất tự nhiên, thân mật.


Đó cũng là lần đầu tôi tự tay trang trí cây thông đón Giáng sinh. Cái không khí chuẩn bị ấy sao giông giống không khí chộn rộn đón năm mới. Có cái lâng lâng, có cái ấm cúng, hạnh phúc, bồi hồi…


Cả chiều và tối hôm ấy tôi đã dự một lễ đón Giáng sinh lần đầu tiên trong đời thật vui vẻ, ấm áp. Tôi, nhỏ và mẹ nhỏ cùng ăn, trò chuyện và tặng quà cho nhau. Tôi ngại quá chừng vì không kịp chuẩn bị món quà nào. Nhỏ chỉ cười và bảo sẽ phải tặng bù vào năm sau.


Tôi nhận được một chiếc móc khóa xinh xắn và một đôi găng tay từ nhỏ và mẹ của nhỏ. Rồi hai người cùng mở những phần quà cho mình. Quà của nhỏ là chiếc bút mực hình con thỏ, quà của mẹ nhỏ là chiếc khăn choàng thật đẹp.


Tiễn tôi ra về, nhỏ nói với theo “Noel năm sau, anh nhớ đến chơi với em và mẹ nữa”. Tôi mỉm cười, bảo: “Anh sẽ tặng quà Noel muộn cho em”. Lòng tôi khe khẽ ngân lên những giai điệu Tôi nghe lòng vui lắm và lên kế hoạch tặng quà Giáng sinh muộn cho nhỏ.


Ngày tôi đem món quà Giáng sinh muộn đến thì chỉ thấy trên cánh cửa dòng chữ: “Mẹ và em chuyển nhà. Xa lắm. Hôm nào có dịp sẽ về thăm anh! Thúy Quyên”. Lòng tôi chơi vơi lạ. Bây giờ tôi mới biết nhỏ tên là Thúy Quyên.


Nhỏ của tôi năm nào vẫn chưa một lần về thăm tôi. Mà nếu nhỏ có về cũng sẽ không gặp được tôi vì tôi đang ở một nơi xa xôi, quanh năm nắng ấm.


Lại một mùa Noel sắp về. Tôi đeo đôi găng tay nhỏ tặng năm nào, nghe hơi ấm ngày xưa vây quanh. Mình sẽ gặp lại nhau, phải không nhỏ?

Giáng sinh an lành!

Giáng sinh an lành!

LẠI THỊ NGỌC THƯ


Một mùa Giáng sinh nữa lại về! Thành phố biển đón Giáng sinh trong cái se lạnh của đất trời, trong niềm hân hoan của mọi người về một đêm thánh vô cùng. Khi đất trời và con người đều hòa cùng một nhịp, bản Jingle bells lại được cất lên hòa với tiếng chuông nhà thờ ngân vang cùng muôn vàn ước nguyện.
Buổi tối Giáng sinh đến bên tách cà phê nóng và những bài hát. Cây thông Noel lung linh với những hàng kim tuyến rực rỡ và huyền ảo cùng những trái châu xinh xắn đủ màu sắc. Bỗng thấy nôn nao nhớ lại câu chuyện về cây thông Noel mà có lần một người bạn đã từng kể mình nghe.
Cây thông Noel bắt nguồn từ nước Đức vào thế kỷ 16. Martin Luther là người đầu tiên thắp nến trên cây thông Noel. Ông là người lãnh đạo phái cải cách tôn giáo Tin Lành. Vào một đêm gần ngày lễ Giáng sinh, khi trở về ngôi nhà nhỏ của mình, ông phát hiện ánh sao lung linh chiếu rọi trên nhành thông trước nhà. Vậy là ông đã dựng lại hình ảnh cây thông Noel và ánh sao kia bằng cách gắn lên cành thông những ngọn nến lung linh như những ngôi sao trời lấp lánh... Về sau ngọn nến ấy được thay bằng những trái châu, những vòng kim tuyến, nhằm làm cây thông đẹp và lung linh hơn. Có lẽ vì vậy mà cây thông Noel gắn liền với ánh sao hi vọng, với ước mơ của mọi người về một năm mới hạnh phúc và an lành.
Đêm Giáng sinh, giữa cái lạnh của đất trời, cây thông làm bừng lên ngọn lửa của tình yêu thương giữa người và người. Một ngọn nến, một cây thông, một chiếc bàn ăn và cả nhà quây quần bên mâm cơm ấm áp, hòa cùng niềm vui an hòa của mọi người trên thế gian. Ý niệm hạnh phúc từ cây thông thật giản dị và đầy ý nghĩa. Noel không phải là ngày của riêng một đạo nào. Noel là ngày của yêu thương.
Tiếng chuông nhà thờ ngân vang. Kỷ niệm những ngày thơ bé lại ùa về. Ngày bé, khi mùa Giáng sinh về, ba vẫn thường chở chị em tôi đi khắp phố phường hòa cùng không khí Giáng sinh với mọi người. Kỷ niệm ngày bé thật ngọt ngào, và cho dù đã ba mùa Giáng sinh trôi qua ba không ở bên tôi, nhưng tôi vẫn cảm thấy ấm áp - ấm áp như món quà của ông già Noel cưỡi tuần lộc mang đến cho trẻ thơ trong chiếc vớ đặt ở đầu giường.
Một mùa Giáng sinh nữa lại đến. Có ai đó thì thầm thật khẽ: "Chúc bạn một mùa Giáng sinh an lành!". Nghe đâu đó tiếng chuông nhà thờ ngân vang, bing boong, bing boong...

Giáng sinh ấm áp

Giáng sinh ấm áp
ĐỖ THANH VÂN



Sài Gòn đón Giáng sinh theo cách thức đúng điệu Sài Gòn. Tất nhiên là vẫn không có tuyết, nhưng khăn quàng và áo khoác đủ màu sẽ ngập tràn khắp nẻo. Không có những cây thông xanh chính hiệu, thì những cây thông Noel bằng nhựa, tết dây kim tuyến, giăng đèn, treo chuông sao vẫn thắp sáng bừng bao gương mặt trẻ háo hức. Không hẳn là bữa ăn thịnh soạn những ngỗng quay, những bánh táo, thì mọi người vẫn có thể có bánh kem tươi, khoai tây chiên, cà ri nóng hôi hổi hay dăm trái bắp nướng vừa thổi vừa ăn. Thiệp óng ánh lời chúc mừng. Nhạc vui khắp nơi. Tiếng chuông lễ hân hoan gióng nhịp.


Tất nhiên là chẳng có ống khói để ông già Noel bụng bự đáng yêu chui vào, điều đó không có nghĩa là không có quà cho những đứa trẻ ngoan. Bằng chứng là những ông bố bà mẹ cũng không kém phần mũm mĩm đáng yêu của chúng ta vẫn sẽ “thậm thụt lén lút” đi tìm cho bằng được chỗ bọn-trẻ-tinh-quái-nhà-mình giấu đi những đôi giày! Có một tinh thần Gíang sinh thắp sáng ấm lòng người Sài thành khi mùa đông gõ cửa.

Tuyết…

Tuyết…
PHAN MAI THƯ NHÃ


Tôi thích bà chúa tuyết của Nôbita, đó là một người bạn thật sự, người đã hy sinh để cứu bạn mình, người đã để mặc mình tan ra thành nước trong ánh nắng mặt trời gay gắt để Nôbita vượt qua một đêm dài ác mộng…Tuyết đẹp và ngon…đó là tưởng tượng của tôi về những bông tuyết phúng phính rơi rớt trên nhành cây thông rét mướt…vì chưa bao giờ tôi được nhìn thấy và nếm tuyết thật sự, lần đầu tiên tôi biết đến tuyết là khi tôi giở vào câu chuyện Bạn của Thần tuyết, có cảnh Nôbita ngập tràn rong tuyết…Thật kì diệu…tuyết mới lạ làm sao…Tôi còn nghe rằng vào giáng sinh, tuyết sẽ trắng xóa trong không gian, in những vết chân người vào đất…Những vết chân bé xíu…Và trong biết bao mùa giáng sinh, tôi đã ngẩng đầu nhìn lên bầu trời chờ đợi, chờ một bông tuyết rơi vào tiềm thức nhưng rồi lúc nào tuyết cũng ngập tràn trong giấc mơ tôi…chỉ là giấc mơ mà thôi…


Hôm nay là giáng sinh, một giáng sinh có vẻ an lành và hạnh phúc…Tôi đã không còn chăm chú lên bầu trời để tim tuyết, không còn phụng phịu với ba vì sao tuyết lại chẳng rơi trên sân nhà mình, không còn mang nước mắt vào giấc ngủ khi đợi mãi mà chẳng thấy đâu cái gì trăng trắng trên nền trời mờ mịt…Ngày thơ bé dại khờ qua lâu lắm rồi…Có người nói rằng ước mơ duy nhất là được đi dưới tuyết, bên cạnh người mình thích…nhưng vì không có tuyết nên chỉ cần đi dưới trời lạnh là hạnh phúc lắm rồi…một mơ ước mới giản dị làm sao!!! Giản dị vì nó được chảy ra từ trái tim yêu thương thật sự…tôi đã mỉm cười thật lâu khi nghe xong điều đó…Và…bây giờ…đi bên tôi là người có ước mơ giản dị ấy, người đã lo lắng khi cầm lấy bàn tay lạnh ngắt của tôi và nhét vào túi áo…Giáng sinh thật an lành…

Một mùa đông khác

Một mùa đông khác

TẠ THANH LAN


Cuối cùng rồi ta cũng sẽ qua một mùa đông

Không có quá nhiều sự lựa chọn ngoài một tách trà gừng thật cay thật nóng
Ô cửa sổ quán quen mở ra một vòm trời rất rộng
Nơi đó, những cánh chim màu xám vụt lướt qua
Mau chóng như một giấc mơ không lành lặn

Anh của em!
Em của anh!
Chưa bao giờ chúng ta nói với nhau những điều rất thật
Chưa bao giờ dừng coi tình yêu là một trò đùa
Dù biết rằng kẻ thắng người thua đều chung niềm quặn thắtAnh đơn giản như một ngọn gió
Em hoang hoải như một câu hát bay dọc sườn đồi
Mãi không tìm đến nơi…

Phố lẳng lặng như khi tàn cuộc chơi
Những hàng cây mệt nhoài đu mình vào buổi sáng bắt đầu ngày lạnh giá
Có hai người bật khóc
Một người nhớ mùa đông
Một người tiễn mùa đông

Chờ một bầu trời mưa

Chờ một bầu trời mưa

CAO THỊ KIM THOA



Tôi gặp Đạt lần đầu tiên trong cuộc giao lưu giữa hai ngôi trường. Vẻ ngoài nhút nhát, ít nói chỉ có ánh mắt là dường như rất chăm chú nhìn mọi người, nếu không nhìn ánh mắt ấy tôi có lẽ sẽ nhầm Đạt là một cậu bạn của ai đó kéo theo đầy lạ lẫm. Ấn tượng về Đạt ngày ấy không đủ cho tôi nhớ cậu ta trong buổi học đầu tiên vào cấp III.

Tôi trở thành học sinh THPT và mọi thứ dường như quay ngược một trăm tám mươi độ. Trái với một liên đội trưởng hoạt bát năng nổ luôn cừ khôi trong tất cả mọi thứ: học tập, đoàn đội, bạn bè, gia đình… tôi thành một kẻ bình thường, hết sức bình thường, nhiều khi nhìn lại tôi ngỡ đánh mất mình. Đạt thì khác cậu ấy nhanh chóng biết dành sự chú ý, tin cậy của mọi người và không lạ gì khi Đạt trở thành bí thư lớp tôi. Ấn tượng về sự hoàn hảo của cậu bạn không chỉ tôi cảm nhận được mà dường như Đạt tuyệt vời trong mắt của tất cả học sinh và cả thầy cô trong trường. Còn tôi lại phải học dần cách kìm nén những thói quen của một lãnh đạo, của một học sinh ưu tú, làm quen với một vị trí tầm thường. Không ai bắt cả, tôi tự nguyện, dù biết không dễ dàng nhưng với tôi thì dường như là không còn cách nào khác. Rồi tôi bắt đầu quen dần với vị trí này và ít nhất là cảm thấy dễ chịu với cảm giác được tự do theo đuổi những ý nghĩ của riêng mình. Duy nhất có một thói quen tôi không bỏ được đó là ngồi lì ở Dạ Khúc, cái nơi mà những kẻ thủ lĩnh thường hay kéo tới túm tụm, có khi là một kế hoạch phối hợp tác chiến, có khi là tán gẫu về tương lai, những triết lí non trẻ chợt nhận ra trong cuộc sống dở dở, ương ương, già hơn tuổi trẻ con nhưng chưa đủ để sáp nhập vào thế giới của người lớn. Chọn một góc bàn khuất sau hòn non bộ, vơ đại một cuốn sách nhưng rồi để đó không buồn đọc, tôi ngắm nhìn lũ cá cảnh đang tung tăng bơi quanh mỏm đá. Chợt nhận ra có lẽ mình cũng giống một trong số những chú cá ấy, muốn bơi ngược dòng hay nhảy lên một cách đầy hưng phấn nhưng không đủ sức mà đúng hơn là không đủ can đảm thế là lại bơi theo đàn, chấp nhận một quỹ đạo buồn tẻ.
Đạt đến bên tôi khi nào không hay, có lẽ cậu ấy đi cùng với những chiến hữu của cậu ấy vì một dịp gì đấy, là bí thư Đoàn trường cơ mà. Đạt cắt ngang dòng suy nghĩ của tôi bằng một câu hỏi như thể chúng tôi đã quen nhau từ lâu lắm rồi.

- Cậu có vẻ khác nhiều so với ngày xưa?

Câu hỏi của Đạt, dĩ nhiên tôi nghe đến nhàm tai những câu tương tự từ lũ bạn. Bọn chúng có lẽ đang tiếp tục sự nghiệp tung hoành ở một ngôi trường nào đó, chỉ có tôi sớm từ bỏ. Không hẳn là buồn, một chút gì như bứt rứt khi tôi nghe nó. Điều làm tôi ngạc nhiên là câu hỏi của Đạt chứng tỏ hay ít nhất là mách bảo tôi rằng những gì cậu ấy biết về tôi nhiều hơn tôi nghĩ.

- Ừ chắc vậy! Còn cậu thì lại thay đổi quá nhiều, ngược lại với tớ. Hay đấy nhỉ? - Tôi thừa nhận như một kẻ đã sẵn sàng từ lâu cho sự thua cuộc.

- Cậu có nghĩ là con người ta luôn thay đổi vì một lí do nào đó không?

Tôi im lặng hồi lâu vì không biết phải trả lời cậu ấy như thế nào. Ngay chính bản thân tôi cũng không biết chắc vì sao mình bỗng dưng dừng lại. Chỉ là tôi thấy mình cần lựa chọn nó, một chút gì đó như mệt mỏi, e ngại khi cuộc sống trước mắt mở ra quá lớn.

Trên lớp tôi luôn quan sát tất cả mọi cử chỉ của Đạt, cũng may Đạt ngồi đầu dãy còn tôi cuối lớp, không khó khăn lắm để làm điều đó. Đôi khi cả lớp nhao lên vì một câu nói vui của thầy cô, Đạt thường kín đáo dành về tôi một ánh nhìn trìu mến và ấm áp. Tôi thấy rõ mình đang bối rối thực sự trước cái nhìn ấy, nhưng lòng thì lại như vừa dạo lên một khúc nhạc. Rồi tôi cũng biết cách che đi sự ngượng ngùng của mình trước khi tụi cùng bàn phát hiện ra điều khác lạ và còn bởi tần số cậu ấy nhìn tôi cũng tăng dần lên, tôi cũng thấy mình đang học cách cười lại với cậu ấy bằng ánh mắt. Thật kì lạ, nhưng tôi và cậu ấy đã nhìn nhau như thế cho đến gần hết năm học, không tiến triển gì thêm. Đôi khi những ánh mắt quá gần nhau làm chúng tôi thấy bối rối, chẳng hạn như khi cả hai đứng ở lan can tầng ba ngắm xuống sân trường đầy mưa. Sau lần đó tôi phát hiện ra chỉ tôi và cậu ấy có cái sở thích kì quặc này, tụi cùng lớp thấy mưa mừng húm vì không phải tập thể dục giữa giờ dưới cái nắng chang chang, kéo nhau vào lớp tán gẫu hay túm tụm dưới căn tin. Chỉ có tôi, Đạt và mưa. Tôi cách Đạt một ô lan can, chúng tôi cách mưa một mái hiên mà thấy tất cả thật gần.

Rồi mùa hè đến, trời không mưa mà xanh thẳm một màu tuyệt đẹp tuy vậy tôi vẫn mong chờ cái bầu trời màu xám tro để thấy một ánh mắt thật gần. Ngày chia tay cuối năm Đạt dí vào tay tôi một mẩu giấy nhỏ “Chiều nay, 2h ở Dạ Khúc. Tớ chờ cậu."

Không hiểu sao tôi có cảm giác như đây là lần hẹn hò đầu tiên của mình nên căng thẳng đến mức đã đến trễ gần mười phút, Đạt đã chờ tôi từ khi nào, cậu ấy ngồi ngay ở cái bàn tôi vẫn thường ngồi. Thấy tôi cậu ấy lại nở một nụ cười trìu mến. Tôi thấy bước chân mình thật lạ.

- Cậu có kế hoạch gì cho kì nghỉ hè chưa? Đạt hỏi tôi.

- À! Kế hoạch á? Tớ nghĩ sẽ làm những gì mình muốn nên từ từ sẽ lên kế hoạch sau.

- Thế à ? Đạt gật gù nhưng hình như còn muốn nói điều gì đó.

- Thực ra tớ muốn rủ cậu cùng tham gia Mùa hè xanh với bọn tớ.

Chiều hôm đó Đạt đã thành công khi dụ khị được tôi cùng tham gia vào chiến dịch Mùa hè xanh với câu lạc bộ Green Teen của cậu ấy. Và tôi đã có một mùa hè thực sự vui và ý nghĩa: đạp xe vì môi trường, tổ chức hội nghị “xanh”, rồi thì về với bản làng trở thành những thầy cô giáo trẻ của học trò miền núi, đêm đêm bập bùng bên ánh lửa cao nguyên, rộn ràng trong điệu nhảy Arap… Lúc mùa hè kết thúc cũng là lúc chúng tôi phải nói lời chia tay với bản làng , rời xa những nương ngô, rẫy sắn, những đôi mắt rưng rưng ngấn lệ…

Tôi trở về đen nhẻm vì nắng gió, mẹ nhìn trách móc : “Con gái mà chẳng biết giữ gìn gì hết trơn!” Nhưng ánh mắt mẹ ánh lên niềm vui vì mẹ biết con gái mẹ đã tìm lại được mình. Sau này khi ngồi đọc lại những trang nhật kí mà tôi và Đạt đã ghi chung vẫn thấy bồi hồi nhớ lại những ngày hè tuyệt vời nhất trong đời và tôi cũng biết được bí mật vì sao ngày ấy Đạt thay đổi. Có những khi ta có một ảnh hưởng đặc biệt tới người khác mà chính ta cũng không biết được.

Thơ đoạt giải Haiku bằng tiếng Việt

Thơ đoạt giải Haiku bằng tiếng Việt

Giải nhất: Đứa trẻ

Xó chợ
Chiếc lon trống
Hạt mưa mồ côi

Nguyễn Thánh Ngã (Lâm Đồng)

Giải nhì: Đêm

Trăng khuyết treo trời đêm
Sợi mây trắng choàng qua đỉnh núi
Dòng sữa chảy êm đềm


Trần Xuân Thái (Đắc Lắc)

Giải ba: Đêm

Tiếng vạc đêm đo trời
Mẹ gọi từ xa xăm nỗi nhớ
Gió hụt hơi thắt lòng
Nguyễn Đức Mẫn (Hà Nội)

(Theo TTO)

Thứ Tư, 9 tháng 12, 2009

Bất chợt đông về…

Bất chợt đông về…

PHAN NGUYỄN TRÀ GIANG


Sớm thức giấc, em uể oải bước ra ngoài hiên, chợt rùng mình vì cái lạnh mơn man trêu đùa khắp da thịt. Thoáng nghe chút hương hoa sữa thơm cuộn về theo làn gió. Một cảm giác, một nỗi nhớ gõ nhẹ ô cửa trái tim em tựa cánh chuồn đậu hờ trên lá biếc. Dường như... Mùa đông ở tận đẩu tận đâu đã về...



Mới đầu chỉ là nồng nàn một góc phố nhỏ xinh, nhưng rồi chàng gió tinh nghịch cứ trêu hoa mãi khiến nỗi ngập ngừng của hoa vấn vương trong từng bước chân phiêu du của anh gió đa tình. Cả con phố dài ngọt ngào hương hoa sữa. Dịu dàng. Mê đắm. Bâng khuâng. Những vòng xe mải miết quay tròn đưa em đi qua bao ngõ nhỏ quen thuộc. Không hiểu sao em có cảm giác đường đến trường hôm nay như dài hơn mọi ngày. Phố xá thênh thang hơn và nhịp đời lặng lẽ hơn. Hoa sữa đã gọi chút se sắt của những ngày đầu đông về với phố biển mặn nồng.



Em đến lớp với chiếc khăn choàng cổ mẹ đan vào mùa đông năm trước. Ấm áp, bình yên, đôi gò má em ửng hồng vì hạnh phúc. Sáng nay mẹ thầm thì :"Con gái cũng biết làm điệu rồi cơ à?". Em ngượng ngùng, bối rối. "18 rồi cơ mà! Có còn bé bỏng gì nữa đâu !". Em thẹn cười vì trộm nghĩ như vậy. Bài giảng văn của thầy lại đưa em trôi miên man trong dòng cảm xúc bất tận... Có phải cái lạnh đầu đông đã làm hồn người thêm mơ mộng?

Chiều bước nhẹ trên những tán cây làm hàng me dần dần cụp lá. Mắt lá lim dim, nghiêng nghiêng giấc mơ tròn xanh biếc. Em lặng người. Thành phố về đêm buồn vu vơ như cái nhìn lơ đễnh của người thiếu phụ tìm về chút kí ức của thời son trẻ. Đã hơn 100 năm, phố biển đi qua bao lớp sóng thăng trầm của lịch sử. Thời gian vô tình phủ lớp bụi mờ lên quá khứ, bao bọc lớp trẻ hôm nay bằng ánh hìn hờ hững, vô tình. Phố biển đấy: gầy guộc, xanh xao sau mỗi kì bão lớn; phố đấy: đằm thắm, lung linh trong suốt những đêm hè. Có ai giữa dòng đời xuôi ngược chắt chiu lại một xíu thời gian để nghĩ suy về phố; có khoảng bình yên nào trong tim dành cho phố sau mỗi kì biển động, sóng tràn? Bỗng dưng thấy nằng nặng trong tim một tiếng yêu chưa nói, nghe thương thương mảnh đất mẹ lam lũ, hiền từ. Phải chăng, gió đông đã đánh thức những xúc cảm xôn xao mà suốt 18 năm qua em chưa hề biết đến ?



Một tiếng rao đêm vẳng lên trong không gian yên tĩnh. Là bà cụ xóm chài với gánh quà khuya lầm lũi đi về trên phố. Em chạnh lòng, xót xa. Gió đông làm hồng thêm đôi má của người thiếu nữ nhưng lạnh lùng xô đẩy những nếp nhăn co ro trên khuôn mặt của người già. Khi đón nhận thứ quà đêm từ tay bà cụ - một lát khoai chiên, một chiếc bắp nướng - em rón rén đặt tờ bạc 10 nghìn gấp ngay ngắn vào đôi bàn tay run run vì gió lạnh : "Con biếu bà". Rồi em vụt chạy đi, rồi vụt nhớ. Có lẽ giờ này ở quê, bà cũng trằn trọc giữa đêm đầu đông trở gió, cũng thao thức hoài một câu hỏi về hạnh phúc của cháu con... Nước mắt em cay xè, rơm rớm hàng mi... Mùa đông ơi, đừng đem gió mùa về vội nhé, để bà em không phải thức giấc lúc nửa đêm lo lắng cho đàn gà chưa kịp lớn...



Sớm nay, bất chợt có cơn mưa rào vắt ngang qua giữa lòng thành phố...



Sớm nay, bất chợt đông về...

Thứ Hai, 7 tháng 12, 2009

Đồi hoa vàng, ngày trở lại

Đồi hoa vàng, ngày trở lại



NGÔ LIÊM KHOAN


Đồi hoa vàng ngày ta trở lại
Nhiều lối mòn của những dấu chân qua
Trên vạt cỏ xưa ta hò hẹn
Những ngôi nhà mái đỏ chen nhau


Em phảng phất trong màn sương bảng lảng
Hơi thở mùa đông đã lẫn mịt mù;
Từ góc phố cơn gió nghe ấm lại
Như ngày nào em khoác áo qua vai

Rồi sẽ quên những mùa trăng năm cũ
Từng buồn vui trên đồng cỏ dậy thì
Ngước mắt nhớ vòm xanh xưa đã khuyết
Chân bồi hồi con dốc hụt bước đi

Rồi sẽ quên những nụ cười tuổi nhỏ
Nếp nhăn trên khoé mắt tình đầu;
Em, con sông đã xuôi về biển cả
Muối có xát lòng từ ngọn sóng triều lên?

Đồi hoa vàng ngày ta trở lại
Vài khóm hoa nở chiếu lệ ven đường
Trên vạt cỏ xưa ta hò hẹn
Chỉ một chỗ ngồi lạnh lớp lá thông khô.


Đôi vai gầy…

Đôi vai gầy…

Tặng...


Trời mùa đông có những chùm mây bàng bạc treo lủng lẳng trên nhành cây Thượng Đế, có giọt mưa réo rắt vang lên trong cung đàn nỗi nhớ và có con đường ai về ướt đẫm những bóng ô…Tôi thích mùa đông!! Mùa đông buồn và hiền như chính cô bé đã từng tồn tại trong trí tưởng tượng của tôi cả thời thơ dại mỗi khi nghĩ về những đợt gió lạnh khe khẽ lùa vào cổ áo, một cô bé có đôi mắt xa xăm luôn nhìn xuống đôi giày vải thấm nước và luôn quàng chiếc khăn len màu lông chuột ấm áp, một cô bé chẳng bao giờ cười…




Tôi thích cái cảm giác được đi chung ô với một ai đó, được nhìn thấy một bên vai nhòe nước, đôi vai gầy một thấp một cao, đôi vai không phải của riêng tôi. Người ta nói những cơn mưa luôn làm nên nước mắt… Đúng vậy, đứng trước mưa dường như ai cũng buồn và nhạy cảm. Có cái gì đó trống tuênh trống toác, cái gì đó được ấn thật sâu vào nỗi nhớ và… khi nghe thấy những tiếng rơi tí tách lại òa lên nức nở. Mưa ở nhà ấm áp biết bao… Nhưng… đứng bên Đôi vai gầy cao lớn ấy tôi lại thấy nhỏ long, chiếc ô không làm nỗi buồn tan vào gió nhưng lại che hết những giọt mưa định làm nhòe mắt tôi…




Đêm nay trên con đường phố đầy những ánh đèn xanh đỏ, tôi nhè nhẹ bước trong tiết trời se se lạnh. Cơn gió vô hình nào đó ùa đến làm má tôi buông buốt… có mùi thơm của cỏ dại quê tôi… Nơi nào trong những dòng người tấp nập ngoài kia có hương thơm kì lạ của loài cỏ dại không tên ấy??!! Xoay người trong vô thức, tôi nghe tim mình đập mạnh và… đằng sau tôi là dáng người cao lớn ấy, Đôi vai gầy cười rạng rỡ đón cái nhìn ngạc nhiên của tôi với bàn tay nắm chặt nhành cỏ dại không tên, bàn tay ấm áp sẽ dắt tôi đi hết con đường ngào ngạt yêu thương này… Mùa đông chẳng phải đẹp và ấm áp thế sao…!!!




bonmatcatinh@yahoo.com

Chủ Nhật, 6 tháng 12, 2009

Mùa đông

Mùa đông

ÐÀO TẤN TRỰC

Nhặt những mảnh vỡ riêng mình
Trên cánh đồng mùa đông
Bao nhiêu năm khép mở tình yêu
Thêu thùa hạnh phúc
Bất chợt một ngày buồn
Em đi qua ngôi nhà
Màu cửa kính mùa đông hoen ố
Kỷ niệm cùng hư ảo phương xa
Ðôi lúc tự huyễn mình và gặm nhấm
Thời gian lột xác chân trời
Ngày mai ngái ngủ
Ðưa khát vọng chôn vào tĩnh lặng
Chừng ấy thi thể thời gian
Trái tim đang yêu giờ già hơn năm tháng
Thoáng chốc đã thành
Loang lổ… sóng sánh… bình yên.

Cổ tích dở dang

Cổ tích dở dang

CAO THỊ NGUYỆT KIỀU


THPT Quốc học Huế




Nếu bạn là một người ngày đêm vùi đầu vào sách vở, cười phá lên hoặc lắc đầu khi nghe đến chuyện cổ Andersen thì đây không phải là câu chuyện dành cho bạn.

Còn nếu bạn coi âm nhạc quan trọng hơn... thời tiết, coi những mẩu tình cảm tí xíu có tuổi thọ bằng tuần của tuổi học trò là "tình yêu, thì bạn hãy đọc câu chuyện này. Biết đâu bạn cũng giống như nhân vật chính trong câu chuyện đó.




o0o





Mười lăm tuổi. Tôi hoàn toàn cô đơn! Bố mẹ đi làm vắng, chị gái đi học xa, cô bạn thân chuyển trường, còn những người bạn khác thì coi trọng việc đi chơi và mua sắm hơn là ngồi nghe tôi tâm sự. Cộng với việc kết quả học tập giảm sút, tôi gần như chết đuối trong buồn khổ. Với đầu óc lãng mạn của một con bé học văn tuổi 15, tôi đã mơ về chuyện tình đầy hoa và ngập tràn ánh nắng cùng một chàng hoàng tử trong mơ.

Dường như giấc mơ của tôi đã trở thành hiện thực khi tôi gặp anh qua một diễn đàn trên mạng. Cùng cô đơn, cùng sở thích với nhau, tôi đã rất vui mừng vì được nhận anh làm anh trai. Những dòng tin nhắn không dấu, đã làm anh và tôi xích lại gần nhau hơn khi tôi được biết anh cũng thích thiên văn, mê nhạc Trịnh và cũng khao khát có một gia đình đầy đủ. 15 tuổi là tuổi của mộng mơ chứ không phải là tuổi biến ước mơ thành hiện thực. Tôi biết tôi còn quá bé, nhưng dù sao có một người anh trai sẵn sàng nghe điện thoại của mình vào lúc hai giờ sáng cũng là điều mà một con bé cô đơn và luôn tin vào cổ tích như tôi cần nhất.



o0o



Anh hẹn gặp đến lần thứ năm tôi mới đồng ý. Tôi tin anh, nhưng tôi luôn lo sợ rằng anh không như tôi tưởng tượng. Với tôi ngoại hình chẳng là gì cả, bởi vì anh có một tâm hồn đẹp trong mắt tôi. Tuy nhiên còn những góc khuất tâm hồn ở anh mà tôi không tìm thấy hết thì sao? Anh có thất vọng không khi đối diện với anh là một con bé bình thường, khác xa với suy nghĩ của anh? Nếu quả thật anh là một người như vậy thì tôi không thể gọi anh là anh trai nữa... Một người chỉ quan tâm đến ngoại hình của người khác không xứng đáng để người khác tôn trọng và tin tưởng.

Chiều. Những chiếc lá vàng trải thảm dưới chân. Ánh nắng hao gầy của mùa thu nhuộm lên cảnh vật một cái nhìn bàng bạc, yếu ớt. Vài cành phượng sót lại trong sân trường nhìn héo hắt và thảm hại, bởi phượng chỉ hừng hực khí thế và hùng tráng khi bung cánh một lúc, tô thắm cả một góc trời. Khung cảnh càng buồn thêm cùng mấy hàng liễu rủ nhẫn nại chải tóc bên hồ. Nhưng không hề gì. Tôi đang tràn ngập niềm vui nên nhìn đâu cũng thấy những điều mà không phải ai cũng cảm nhận được: bông cúc quỳ vàng tươi, nép mình vào gốc cây xà cừ nửa như âu yếm, nửa như muốn được chở che; nụ cười móm mém của bà cụ với đứa cháu trai như tia nắng nhảy nhót cạnh bà. Bầu trời cao vời vợi, điểm xuyết mây soi bóng xuống dòng sông êm đềm, thơ mộng...

Tất cả như đang cùng tôi dệt nên một mùa xuân hồng ấm áp giữa thu tím se lạnh này. Tôi đang trên đường đến gặp anh, người mà tôi vẫn mong muốn được gặp. Dừng lại một tiệm hoa bên đường, tôi chọn cho mình đủ 10 bông hồng trắng đẹp nhất, tươi nhất và buộc cho chúng chiếc nơ đỏ thắm. Mong muốn được gặp anh trong tôi cũng như những giây phút chờ tin nhắn, tưởng tượng mỗi phút, mỗi giây kéo dài ra hàng giờ. Vì vậy trong đời ai cũng ghét cảnh chờ đợi. Mệt mỏi. Dài...

Ba mươi phút trôi qua kể từ khi tôi đứng trong sân trường nhìn ra điểm hẹn.Tôi bắt đầu lo sợ. Hay là anh không đến? Tôi có đặt niềm tin vào nhầm chỗ không? Sau hôm nay liệu tôi nhận được một bài học về những - người - quen - chưa - biết - hết - tấm - lòng, hay là có được một người anh trai đúng như mong muốn?

Tiếng bước chân cắt đứt dòng suy nghĩ của tôi. Một chàng trai dong dỏng cao, mặc sơmi trắng trông rất nghiêm chỉnh. Và khuôn mặt anh - biết nói thế nào nhỉ? Quả thật anh rất ưa nhìn. Con người anh toát lên vẻ thư sinh và lịch sự. Anh dựa lưng vào gốc cây, lấy tay vuốt vuốt những bông hồng với vẻ rất nâng niu. Tôi định bước tới. Nhưng một bóng người bước qua khiến tôi dừng bước - là Uyên, cô bạn cùng lớp của tôi. Không hiểu sao tôi níu Uyên lại. Uyên vừa từ lớp học võ về, mặc bộ đồ trông rất... con trai, đôi giày thể thao dưới chân khỏe khoắn. Một thoáng suy nghĩ vụt qua trong đầu tôi. Hay là tôi nhờ Uyên đến gặp anh thử xem thái độ của anh thế nào nhỉ? Trao bó hoa cho Uyên, tôi nín thở chờ đợi...

Uyên đến, nhẹ nhàng đặt tay lên vai anh. Anh quay lại, nhìn sững hai giây, nụ cười trên môi như đóng băng. Tắt ngấm.Trước mặt anh không phải là cô em gái mà anh chờ đợi? Anh lúng túng, còn Uyên thì cười toe. Tôi nghe loáng thoáng lời anh nói:

- Xin... xin lỗi, hình như tôi nhầm...

Tôi ước gì gió đừng thoảng qua đây lời nói của anh. Tôi ước gì mình đã nghe nhầm. Trong chốc lát, lâu đài cổ tích trong tôi sụp đổ. Câu chuyện về hoàng tử và công chúa vỡ tan như bong bóng xà phòng: lung linh trong phút chốc và lụi tàn cũng chỉ thoáng giây...

Uyên trở về sau khi giao lại cho tôi bó hoa hồng cùng cái nháy mắt: "đã hoàn thành nhiệm vụ”. Câu nói của cô bạn bỏ lửng lơ nhưng dường như đã nói hộ những suy nghĩ của tôi: "Anh ta đẹp thật đấy, nhưng mày biết không, tao vừa đến thì anh ta bảo là nhầm. Có lẽ vì tao... Tao không có gì đáng chú ý ngoài cái dáng vẻ con trai. Nếu mày tới, có lẽ mọi việc đã khác. Nhưng theo tao thì... Mày thử suy nghĩ đi".

Đúng vậy. Nếu tôi tới thì sao? Anh có nói là mình nhầm nữa không? Anh từ chối một người đưa bó hồng trắng - dấu hiệu để chúng tôi nhận nhau - ra trước mặt anh, chỉ vì vẻ bề ngoài của người đó không như anh mong đợi?

Uyên đi rồi mà anh cũng không thèm ngoái lại nhìn, dù đó là người mà anh đã hẹn gặp, và cũng rất mong được gặp anh... Tôi nhắm mắt lại. Sau đó ba giây, tôi thở hắt ra. Tôi thật trẻ con! Sao tôi lại có thể đặt niềm tin vào một người mà mình chỉ được nói chuyện qua điện thoại, ngoài chút xíu liên hệ là một số điện thoại cỏn con, vậy mà cũng có thể tin tưởng một cách ngây thơ!

Tôi nhấc điện thoại lên, nhắn tin cho anh như một cái máy:

"Em xin lỗi. Có lẽ em cũng nhầm rồi. Anh không cần tìm cô em gái ngốc này nữa đâu. Em đang ở rất gần anh. Nhưng khoảng cách giữa anh và em giờ xa lắm...". Mười con số quen thuộc đến nỗi nhắm mắt tôi cũng có thể bấm đúng. Chút nữa thôi nó sẽ trở thành xa lạ với tôi.

Tôi đứng dậy, bước ngược hướng anh. Anh ở đó. Nhưng tôi sẽ không bao giờ bước về phía đó. Phía có anh, và một câu chuyện cổ tích còn dở dang...

Nhớ mùa đông

Nhớ mùa đông

LÊ VĂN LÂM
Tp.Hồ Chí Mính

Từng hốc mắt khô dần, khô dần

Đôi khi anh vẫn bật nhạc lên và hát theo quán tính
Dù đã tập quên những thứ cần quên.

Đã nhạt nhòe rồi, sao cứ nhớ đau đáu một mảng rêu nhức mắt giữa bức tường rêu?

Mùa đông xám từ mùa đông năm ngoái
Mùa đông xám từ khoảnh khắc cà phê lăn xuống tim (khoảnh khắc ấy giá em đừng ngoảnh lại)
Giá em đi, đừng ngoảnh lại bao giờ.

Một hẻm vắng.
Một cà phê. Một gió.
Chẳng có điều gì cô đơn giống nhau.

Và giấc mơ không trở lại

Và giấc mơ không trở lại
CAO THỊ KIM THOA

Phố. 21g30. Dòng xe cộ đã thoát khỏi ảo giác vội vã, lặng lẽ lướt qua nhau hiền từ như những hàng cây nơi bìa rừng trôi lại phía sau ô cửa sổ con tàu. Đêm nay gió vắng, chỉ có những vì sao chẳng ngần ngại lộ diện trên bầu trời quang mây, hàng muồng hoàng yến trút những cánh hoa vàng rực giờ chỉ còn những trái dài khẳng khiu.

Hôm nào cũng vậy, giây phút được chờ đợi nhất trong ngày chính là lúc bước ra khỏi lớp học thêm, rẽ sang con đường tắt nằm phía sau nhà hát trung tâm, nói là đường tắt thật ra còn xa hơn đường thường về nhà. Nhưng để tự thưởng cho mình món quà cuối ngày, tôi đạp xe đi, bình yên trong hơi thở của phố đêm.

Đã bao lần in dấu những vòng xe trên con đường này, vẫn hàng cây ấy, khung cửa sổ ấy, chỉ những cơn gió là đôi khi đổi hướng vỗ về ta về một giấc mơ cũ kỹ. Giấc mơ ngày nào ta ấp ủ, liệu hôm nay có đủ sức vươn dậy với cuộc đời hiện tại. Đâu thể trách thời gian tàn nhẫn mà chỉ trách ta không đủ kiên nhẫn cho một giấc mơ.

Ngày ấy, tôi nhận ra giấc mơ của mình vào một đêm mùa thu thưa gió. Tiếng harmonica vọng xuống từ căn gác bị tàng cây che khuất phân nửa chập chờn như ảo mộng. Khẽ nép mình, lặng lẽ ôm trọn khoảng âm thanh tình tự, nửa phần của đêm, nửa phần là tiếng kèn của chàng nghệ sĩ ẩn danh.

Phố lặng lẽ trôi đi giữa những thanh âm ồn ã và bực dọc, chỉ tiếng kèn là sống thanh thản giữa phố khuya. Tôi biết tiếng kèn ấy chưa bao giờ dành cho tôi, nhưng chẳng thể ngăn nổi mình lắng nghe bằng cả trái tim. Âm điệu ấy, nỗi buồn ư? Tôi không rõ, chính xác hơn, tôi thường gọi nó là "nỗi lòng của đêm".

Thật khó đoán định âm thanh kia rốt cuộc đọng lại nơi đâu trong nỗi lòng sâu kín. Chỉ biết dẫu không còn chàng nghệ sĩ tấu nhạc mỗi đêm, khi ngang qua khung cửa sổ ấy tôi lại nghe đâu đó vang lên tiếng harmonica huyền hoặc. Nàng Lọ Lem khi rời khỏi đêm vũ hội, trên cỗ xe bí đỏ thần kỳ điều gì sẽ đọng lại trong ký ức của nàng, âm thanh của buổi dạ hội như trong mơ, hay dáng hình chàng hoàng tử? Là tôi có lẽ là thanh âm kia, so với dáng hình hoàng tử nó bí ẩn hơn nhiều.

Chàng hoàng tử trong giấc mơ của tôi, chưa bao giờ tôi đủ can đảm để trao chàng một lời đề nghị, mặc dù tôi biết chàng có thừa hào hoa và phóng túng để đồng ý. Nhưng có một lý do để tôi biện minh cho mình, tôi không phải Lọ Lem. Tôi nhận ra trong giấc mơ ấy tôi chỉ là một gốc cây đơn độc bên ô cửa, lặng lẽ và xót xa chứng kiến tình yêu mê đắm của chàng.

Những gì tôi nghe được, lần đầu tiên, thứ hai, ba, bốn... và mãi mãi chỉ là bản Love concerto, chưa bao giờ là một bản nào khác. Cho đến một ngày gốc cây bên cửa sổ thay lá và hoàng tử đi tìm giấc mơ cho mình. Chàng có tìm thấy hay không thì cuối cùng chàng cũng đủ can đảm theo đuổi giấc mơ của mình. Còn tôi dù cây có thay lá một nghìn năm nữa, liệu tôi có đánh thức giấc mơ quay trở về?

...TỪ NAY KHÔNG NÓI YÊU EM NỮA...

Anh hứa từ nay không nói yêu em nữa


Anh hứa từ nay không nói yêu em nữa.

Cho mây trôi... trôi mãi tới chân trời.

Nắng mê mải nhuộm vàng hoa cải.

Theo cánh bướm vàng ai rong chơi.



Anh hứa từ nay không nói yêu em nữa.

Trời vẫn mưa rơi ướt cả con đường.

Gió cứ thổi vỗ vào từng kỉ niệm.

Anh mãi mơ về... nơi xa xôi.



Nơi ấy em đi. Xa... xa lắm.

Có cây cầu, bến nước, dòng sông ?

Con đường em đi, dài thăm thẳm.

Có bóng chiều heo hút chuyển sang đông?
















Em xa quá. Bây giờ em xa quá.

Nhớ em nhiều nên gió mới heo may?

Em xa quá. Biết bao giờ trở lại.

Cuống rạ đồng chiều. Ai mê say?



Anh hứa từ nay không nói yêu em nữa.

Hoa sữa thương ai dáng nhỏ vai gầy.

Trái sấu chín lăn trên ngõ vắng.

Nhớ bàn chân ai từng qua đây?



Anh hứa từ nay không nói yêu em nữa.

Để hoang vu tìm kí ức giăng đầy.

Để từ ấy chiếc cầu thành hoài niệm.

Nối hai miền nỗi nhớ rộng mênh mông.

Nguồn Blog Việt


Cảm nhận:

Một người đi...một người ép mình cố quên nhưng lòng cứ vương vấn nhớ.!. Lời hứa với em...hay tự hứa với chính lòng mình...Bài thơ trầm lắng một nét u buồn...không trĩu nặng, sâu thẳm mà man mác chơi vơi, lan tỏa vào không gian thấm cả vào cảnh vật...Chút nắng, chút gió...mưa rơi, sấu rụng...cùng hòa chung trong một niềm nhớ bâng khuâng...Nói không yêu nữa sao lòng vẫn tràn thương nhớ...Nói không yêu nữa sao bóng hình em vẫn thấp thoáng trong đời...

Phủ nhận một tình yêu nhưng lại chính là lời khẳng định tình yêu ấy đang rực cháy mãnh liệt hơn bao giờ hết!

Chủ Nhật, 29 tháng 11, 2009

Ba và con

Ba và con

PHAN MAI THƯ NHÃ


Nắng hôm nay nhẹ nhàng thanh thoát, từng cơn gió lặng lẽ ướt ban mai. Những bóng người thưa thớt đang vội vã bước chân trên con đường nhỏ để chuẩn bị hòa vào dòng đời tấp nập.Từng ngọn cỏ còn đọng mướt sương đêm đang chầm chậm đung đưa, nũng nịu với những viên sỏi bàng bạc cát bụi, với những búp hoa còn chưa hé mắt chào ngày…

Đường con về thơm nồng mùi nhựa đất, mùi bùn nặng và mùi của cỏ dại hương xa…Trái tim con như muốn òa vỡ giữa không gian bình yên, thân thương này. Đứng giữa con đường tinh sương còn nhuốm màu nằng nặng của màn đêm, nhìn lên những ngôi sao đang dần tan biến trên bầu trời mênh mông, chợt tự hỏi mình lớn tự bao giờ!!? Làn gió lành lạnh thổi òa vào chiếc cổ gài không kín nút, con bất giác rùng mình nhìn xuống đôi bàn tay đang ghì chặt bó hoa tươi còn trong suốt sương đêm, sao thấy lòng ngổn ngang suy niệm…

Con nhớ trên con đường này, ngày ngày đến trường con luôn đi một mình, tự tin và phấn khởi vì… biết rằng đằng sau, ba luôn dõi theo cái bóng nhỏ bé của con và dõi theo bước con về… Ba gieo vào lòng con niềm đam mê đọc sách từ ngày đó, con ê a lật từng trang sách mỏng và nghẹn ngào khi lật lại những ngày dại khờ năm xưa, những chuỗi ngày cứ nằm yên trong chiếc hộp kí ức, thỉnh thoảng được lên dây cót và nhẹ nhàng li la những nốt nhạc du dương khiến lòng con chùng lại, xốn xang… Nước mắt nào làm nên tuổi thơ…? Lúc đó con lên cấp hai, ngày đầu tiên háo hức đi học đã bị bạn bè xầm xì to nhỏ rằng con là con cưng của giáo viên, rằng đằng nào mà con chẳng được điểm cao… Nhìn những ánh mắt xoi mói, ngang ngược ấy, con òa khóc chạy về nhà. Nước mắt, tóc và mồ hôi bết đầy trên má con, con trùm kín chăn nức nở, mấy bạn xấu quá đi, con không thích đi học nữa, con muốn ở nhà với mẹ… Ba nhíu mày nhìn con nhẹ nhàng hỏi: “Chạy về như vậy có hèn lắm không con?”, nhìn dáng ba lầm lũi quay đi, con chợt thấy nặng lòng… Con hư lắm phải không ba?!!!

Phượng vẫn đều thay lá đổi hoa, con vô tư bước vào tuổi mười sáu, vô tư mang cái nắng gió của miền quê thân thương lên thành phố, bỏ lại những tháng ngày bình yên sống dưới bóng mát của ba. Đôi lúc cũng thấy sợ hãi trước những cái lớn lao của cuộc đời, nhưng mỗi khi nghĩ đến ba, nghĩ về sức mạnh ba đã tặng con thì con lại được tiếp thêm niềm tin và tự hào tiến lên phía trước. Cả bầu trời trong con luôn có hình dáng của ba thân yêu và cái sức mạnh tưởng chừng như vô hình ấy…

Hôm qua là Tết thầy cô, con về muộn mất rồi. Căn nhà màu tím hiện rõ trong màn sương vốn còn đang ngái ngủ. Dáng ba đang hì hục tưới những chậu cây cảnh xanh tươi làm con quặn lòng. Nghẹn ngào nhìn cái dáng thân thương ấy và nghẹn ngào gọi ba ơi… Ba quay lại đón con bằng cái nhìn trìu mến, nụ cười rạng rỡ làm lòng con ấm lại… Con òa vào lòng ba và tự hỏi con đã thật sự lớn chưa hả ba… Nụ cười ba cho con cả hạnh phúc và yêu thương này…


Gửi về cô giáo dạy Văn

Gửi về cô giáo dạy Văn

NGUYỄN THỤY DIỄM CHI

Có thể bây giờ cô đã quên em
Học trò nhiều quá, làm sao cô nhớ hết
Xa trường rồi, em cũng đi biền biệt
Vẫn nhớ lời tự nhủ, sẽ về thăm.

Có thể bây giờ chiếc lá bàng non
Của ngày em đi đã úa màu nâu thẫm
Ai sẽ nhặt giùm em xác lá
Như em thuở nào ép lá giữa trang thơ?

Ước gì… Hiện tại chỉ là mơ
Cho em được trở về chốn ấy
Giữa bạn bè nối vòng tay thân ái
Được vui - buồn - cười – khóc hồn nhiên.

Em nhớ hoài tiết học đầu tiên
Lời cô dạy: “Văn học là nhân học”
Và chẳng ai học xong bài học làm người!
Chúng em nhìn nhau khúc khích tiếng cười
Len lén chuyền tay gói me dầm cuối lớp.

Rồi giờ đây theo dòng đời xuôi ngược
Vì chua cay thuở nào cứ thấm đẫm bờ môi
Những lúc buồn em nhớ quá – cô ơi!
Bài học cũ chẳng bao giờ xưa cũ…

Thiên Bình yên ả

Thiên Bình yên ả



NGUYỄN ĐẶNG TƯỜNG VI




Truyện ngắn này mình lấy hình tượng một người anh lớn của mình. Nếu anh đọc mà thấy ngờ ngợ thì gọi điện cho em nha!! :D



Tặng anh N.!








Thầy giáo về làng!



Tiếng hét của lũ bạn đang chơi dưới gốc đa đầu làng làm chị em tôi buông thúng rau, chạy lên xem "thầy giáo về làng". Thầy - một chàng trai trẻ, vầng trán cao, đôi mắt sáng, vóc người cao gầy. Thầy mặc áo màu xanh tình nguyện - chiếc áo mà suốt thời gian giảng dạy sau này thầy luôn mặc, gìn giữ và nói đến với một ánh mắt sáng rực. Nghe tiếng reo của lũ trẻ con chúng tôi, thầy dừng lại, xoa đầu mấy đứa, mỉm cười. Nụ cười của thầy thật hồn hậu. Chợt thầy hướng ánh mắt về phía chị em tôi, và thầy gật đầu với chị tôi. Bàn tay tôi bỗng thấy đau vì cái siết tay của chị.



Chị tôi 17 tuổi, xinh gái nhất làng. Từ trước đến nay, chưa một chàng trai nào bước vào được trái tim chị. Thế mà, sau cái gật đầu của thầy chiều hôm ấy, chị lúc nào cũng nói với tôi về thầy.



Thầy được phân công dạy lũ trẻ lớp 1 chúng tôi ở trường làng. Ngày ấy, làng tôi nghèo lắm. Ngôi trường lợp bằng lá lụp xụp, trời mưa to một chút là dột ướt cả, gió to hơn mọi ngày thì chỉ chực đổ sụp xuống. Lũ trẻ con 7, 8 tuổi lít nhít đen đúa, bẩn thỉu, lúc nào cũng tíu tít hỏi thầy đủ thứ chuyện về thành phố. Thầy trả lời hết, từng câu một. Tôi nhớ, đã có lúc, tôi muốn lớn lên mình sẽ sống ở thành phố khi nghe lời thầy kể.



Thành phố đẹp thế, sao thầy không dạy ở thành phố mà về đây hả thầy?
Vì thầy yêu các em!



Lớp học vỡ òa với những tràng cười. Mãi tận sau này, khi đã đủ lớn, mỗi chúng tôi mới hiểu lời thầy nói đâu chỉ là một câu pha trò.





Những lúc rảnh, thầy theo chúng tôi đi bắt ốc, bắn chim, cấy dặm. Nhà đứa nào neo đơn, thầy hay lui tới đỡ đần công việc trong nhà. Thầy không ngại việc gì hết, chúng tôi làm gì, thầy làm nấy. Trên môi thầy luôn là nụ cười hiền tươi tắn. Chẳng hiểu sao, nhìn thầy, tôi luôn thấy một niềm hạnh phúc lạ lẫm với cái đầu bé xíu của tôi. Một niềm hạnh phúc trong khó khăn mà tôi chưa từng thấy.



***



Cạnh trường học là một dòng sông rộng. Chị gọi nó với cái tên Thiên Bình, có nghĩa là bình an. Mùa lũ, nước sông đục ngầu phù sa và dữ tợn. Chị bảo Thiên Bình đang khóc, vì hai bờ phải xa nhau.
Nhà tôi ở ngay cạnh trường. Đôi lúc, chị đứng ngoài cửa sổ lớp học lõm lời thầy giảng. Tôi thấy chị tập viết. Ban đầu, chị mắc cỡ, lén lấy que củi viết lên đất. Dần dà, có những chữ khó không viết được, chị mới mon men sang nhờ tôi giúp. Chẳng biết thầy phát hiện chị đứng ngoài cửa lớp nghe lén từ lúc nào mà một buổi chiều, thầy sang nhà tôi. Gặp chị, thầy hỏi có muốn học viết chữ không. Gò má chị ửng đỏ. Chị gật đầu.



Từ đó, thầy sang nhà tôi vào mỗi buổi tối tập viết cho chị. Chị rất năng học bài, chẳng hiểu vì ham học hay vì thầy.



Chị mơ mộng hơn trước. Chiều chiều, chị thường ra bờ sông mân mê những bông cải vàng. Chị hay cười, và có lẽ vì nụ cười và niềm hạnh phúc ấy, mà tôi thấy, dường như, chị đẹp lên thật nhiều.
Mùa hè đến, chúng tôi tổng kết năm học và có ba tháng hè vui chơi. Thầy bảo thầy phải về quê thăm nhà, đã lâu lắm rồi thầy không về. Buổi tối trước hôm đi, thầy đến nhà tôi như thường lệ. Nằm trong phòng, tôi nghe thầy bảo với chị: "Ngày mai thầy về quê!". "Bao lâu hả thầy?". "Thầy không biết!". Rồi im lặng. Thật lâu sau đó, tôi nghe tiếng thầy kéo cửa ra về, và chị chạy ào vào ôm tôi khóc. Chị khóc suốt đến gần sáng.



Chị bảo chị không ra tiễn thầy đâu. Chị sợ thầy thấy đôi mắt sưng húp của chị. Chị đứng trong nhà lấp ló nhìn ra bến sông. Tôi muốn mắng chị sao lại tự làm khổ mình như thế. Nhưng chợt thấy đôi mắt tội nghiệp của chị, tôi lại thôi.



Lũ trẻ chúng tôi bu quanh thầy bên bến sông để tặng quà. Qùa của chúng tôi đơn giản chỉ là chục trứng, kí khoai, con vịt xiêm… Điều đáng quý là đứa nào cũng rất quý và lo lắng cho thầy.



Thầy đi rồi về nhen thầy!





Tôi muốn thay chị nói với thầy như thế. Thầy không hứa, chỉ xoa đầu tôi mỉm cười.



Tàu xuất bến, thầy đứng ở mũi thuyền vẫy tay chào chúng tôi. Trong một thoáng, tôi thấy đôi mắt thầy hướng về phía chị, mỉm cười và gật đầu chào như lần đầu gặp chị. Nhìn vào trong nhà, chị đã đứng hẳn ra sân, vừa khóc vừa vẫy tay chào thầy.



Thầy đi thật lâu. Thời gian ấy, chị tôi buồn tê tái. Chiều chiều, chị ra bờ sông ngồi như ngóng chờ ai đó. Đôi mắt chị luôn ngân ngấn như sắp khóc. Chị đánh dấu từng ngày lên tờ lịch nhỏ treo trong phòng. Thầy đi hai tháng, hơn 60 ngày chị mòn mỏi chờ mong, tờ lịch chi chít những dấu vạch.



Thế rồi, thầy cũng về vào một buổi hoàng hôn. Đang chơi bắt nẻ một mình ngoài sân, trông thấy dáng thầy trên một con thuyền đang tiến vào bờ. Tôi hét to:



A! Thầy về!



Tôi chạy khắp xóm reo to báo với mọi người. Đám trẻ túa ra bao quanh bờ sông chờ thầy đáp thuyền. Chị tôi đang bệnh nằm trong giường chợt chạy ào ra vòng tay ôm chầm lấy thầy, và khóc. Cả lũ chúng tôi đang ríu rít vui mừng, vác hành lí hộ thầy bỗng chùng xuống im lặng. Thầy nhẹ nhàng xoa đầu chị:



Ngốc ạ! Thầy đi rồi về mà!



Mấy ngày sau đó, thầy tu sửa trường lớp chuẩn bị cho năm học mới. Từ thành phố về, thầy mang cho chúng tôi rất nhiều quà: sách vở, cặp sách, bút, cả quần áo, và dép cao su nữa. Đứa nào cũng vui hớn hở vì nhận được quà.



Thầy tặng cho chị tôi một cây bút và quyển vở thật đẹp đã phóng sẵn mấy trang chữ. Chị khoe với tôi cùng một gương mặt rạng rỡ. Có đôi lúc, tâm trí tôi thảng hoặc sự lo lắng cho chị, mặc dù tôi biết thầy là người đáng tin cậy.



Mùa lũ đến. Sau những trận mưa xối xả, làng quê tôi xao xác. Trường xiêu vẹo và gần như đổ sụp. Thầy vất vả đi chặt lá dừa lợp mái. Lũ con nít chúng tôi chia nhau giúp đỡ thầy. Có đôi lúc, tôi thấy thoáng trên gương mặt thầy sự mệt mỏi. Nhưng đôi mắt thầy vẫn chưa bao giờ tắt đi sự nhiệt tình và niềm hạnh phúc.



Lũ về. Ào ạt. Hình như Thiên Bình của chị đang nhớ thương ai đó, nên nước mắt mới chảy nhiều như thế. Chiều chiều, chị hay ra đứng bên bờ sông. Chị bảo chị muốn nói chuyện với Thiên Bình, có như thế Thiên Bình mới thôi nhớ thương và không khóc nữa.



Một buổi tối, thầy đến nhà dạy chữ cho chị tôi như thường lệ. Tối hôm ấy, thầy ở nhà tôi đến tận khuya. Khi thầy ra về, chị tôi đòi theo tiễn. Hai người đi thật lâu. Sau đó, chị tôi về với một đôi mắt ướt và rạng rỡ hạnh phúc. Đêm ấy, chị ôm tôi, thút thít bảo thầy nói yêu chị. Cả đêm, chị không ngủ được. Tôi giả vờ ngủ, nhưng sự thật, tôi không chợp mắt đến tận sáng. Không biết từ khi nào, tình yêu của chị dành cho thầy đã lớn đến như thế.



Sáng hôm sau, thầy qua đời khi cố gắng cứu một đứa trong lớp nghịch dại bị rơi xuống sông.



***



Chị đã thôi không khóc nữa. Chẳng biết nỗi đau đã vơi đi, hay nước mắt chị cạn mất rồi. Những buổi hoàng hôn, tôi thường thấy chị ngồi bên bờ sông, tay đung đưa nghịch làn nước đục ngầu phù sa.



Chị cũng không gọi sông là Thiên Bình nữa. Đứng trước sông, tôi thấy đôi mắt chị ráo hoảnh đến lạ lùng. Đôi mắt chị chưa bao giờ vô hồn như vậy.



Một buổi chiều, đang ngồi bên bờ sông, chị đột nhiên ngoắc tay gọi tôi. Tôi líu ríu xỏ đôi dép nhựa chạy ra ngồi xuống bên chị. Chị vòng tay, hôn lên trán tôi một cái thật sâu. Rồi hai chị em tôi ngồi như thế. Lâu, tôi than mỏi chân và chạy vào nhà. Chị níu tay tôi lại, nhìn tôi. Tôi chợt có linh cảm rằng chị sắp đi xa. Chị đang ngồi trước mặt tôi, nhưng đôi mắt chị đã đi đến một nơi nào xa lắm. Khi bước chân vào nhà, tôi nghe sau lưng mình có tiếng thút thít của chị.



Buổi chiều hôm ấy, chị không về nữa.



Tôi đã để chị đi.



***



Không ai tìm thấy chị. Mọi người dị nghị rằng chị tự tử. Chỉ có tôi biết, buổi chiều hôm ấy, chị đã đi. Tôi tự hỏi, nếu ngày ấy thầy không nói yêu chị, liệu chị có đi, hay nằm lại nơi dòng sông này? Tôi đã nhủ với lòng mình, nếu mai này có thóang gặp chị trên bất cứ một chặng đường nào, tôi cũng sẽ không gọi chị đâu. Bởi với tôi, buổi chiều ấy, chị đã hóa thành dòng Thiên Bình xinh đẹp nơi này rồi.





Không ai bảo ai, mọi người đều đặt bàn thờ thầy trong nhà. Ở nơi trang trọng nhất trong nhà tôi, bức hình của thầy và của chị hướng về nhau, và luôn mỉm cười.



Có một thầy giáo khác về dạy chúng tôi. Nhưng vị trí của thầy trong trái tim chúng tôi thì không ai có thể thay thế được. Mỗi đứa ấp ủ cho riêng mình một ước mơ có màu xanh tình nguyện như chiếc áo thầy vẫn mặc.



Tôi học, lớn lên. Tôi lên thành phố trọ học. Thành phố đẹp như lời thầy nói, lấp lánh ánh đèn và đô hội, nô nức. Tôi cũng đã hiểu vì sao thầy rời thành phố đến với chúng tôi. Có lẽ, trong trái tim thầy, đám trẻ con bẩn thỉu, ngôi trường làng xiêu vẹo đẹp đẽ hơn thành phố này. Và chị đẹp hơn bất cứ người con gái thành phố sang trọng nào.



Mùa hè năm ấy, tôi mặc chiếc áo xanh, bước đến bờ sông chào thầy và chị. Rồi lên đường.



Khi ngoái đầu lại, tôi thoáng thấy nụ cười của thầy và chị lấp lánh trên dòng sông Thiên Bình yên ả.



Họ cười thật hạnh phúc.

Thăm thầy

Thăm thầy

ĐOÀN ĐẠI TRÍ



Lâu rồi con mới về thăm



Ai ngờ thầy đã hoa râm mái đầu



Tóc xanh nhuộm những dãi dầu



Thời gian ơi cứ làm đau lòng người.




Con ngồi nghe tiếng thầy cười



Như mưa rơi nhẹ xuống đời long đong.



Xưa thầy từng dạy con rằng



Tương lai đẹp lắm những trang vui buồn




Mang theo lời ấy lên đường



Con đa mang với văn chương tháng ngày



Xác xơ chữ mỏng câu gầy



Thầy ơi thơ cũng đắng cay muôn phần!




Xứ người đi mãi chồn chân



Thôi xin về lại quê mình ngày xưa.



Vang trong xa lắc xa lơ



Lời thầy vọng giữa bến bờ nhân gian…