Thứ Sáu, 27 tháng 2, 2009

Truyện ngắn của nhà văn Đoàn Thạch Biền

Truyện ngắn của nhà văn Đoàn Thạch Biền

Đoàn Thạch Biền, sinh năm 1948. Quê quán Nam Định. Hiện công tác tại báo Người Lao Động Tp.HCM. Hội viên nhà văn Việt Nam.

Đã in 6 tập truyện ngắn, 2 tập truyện dài và một tập kịch ngắn. Một số tác phẩm nổi tiếng như: Tình nhỏ làm sao quên, Mây bay trong đầu, Tôi thương mà em đâu có hay, Tôi hay mà em đâu có thương, Những ngày tươi đẹp, Mùa hè khắc nghiệt...

Thực hiện tuyển tập thơ văn cho tuổi mới lớn Áo Trắng; làm “bà đỡ” cho những tập sách đầu tay của các tác giả trẻ, cả hai mảng đó đều làm anh... lõm túi.

Với giới văn trẻ, ĐTB là một ân nhân, một người anh lớn lại vừa như một người bạn, đơn giản vì anh rất hiểu họ, luôn quan tâm và chia sẻ với những tác phẩm của họ.

Văn của ĐTB giàu chất triết lý mà cứ dí dỏm, bông đùa, giăng mắc những sợi tơ tình cảm rắc rối, khó hiểu của lứa tuổi học trò. Anh để lại trong lòng người đọc ấn tượng đặc biệt với những nhân vật có cách xưng hô lạ đời, đáng yêu: ông và em.

Nhà tiên tri ảo
ĐOÀN THẠCH BIỀN

Mắt Tùng sáng lên khi anh thấy cuốn sách có tựa “Cuộc đời của một nhà tiên tri Do Thái”, nằm giữa đống sách cũ để ngổn ngang ở góc nhà. Anh cầm cuốn sách lên. Bìa sách vẽ một ông già râu tóc bạc phơ, có vầng trán cao và đôi mắt sâu hoắm như đang nhìn chằm chằm vào anh. Cuốn sách đã quá cũ, nhưng vẫn còn đọc được. Chỉ đáng tiếc là nó đã mất mấy trang cuối. Có lẽ đó là lý do khiến ông chủ hiệu sách cũ đã để nó nằm trong đống sách dưới đất, thay vì để trên kệ như những cuốn sách khác còn nguyên vẹn. Dù sao Tùng cũng thấy vui khi trả tiền vì đã mua được loại sách anh đang sưu tầm. Bước ra khỏi cửa hiệu sách cũ, anh tự nhủ: “Mình sẽ đọc cuốn sách ngay trong đêm nay”.Đang chạy xe Honda trên đường, Tùng nghe có tiếng la: “Cướp! Cướp!”. Anh quay lại nhìn, Một chiếc Suzuki phóng ào lên, tiếng máy rú nghe lạnh gáy. Tùng lóng ngóng lái xe chệch ra tim đường. Chiếc Suzuki tông vào xe anh. Tùng ngã nhào, đầu đập mạnh xuống đường. Đau buốt...

Khi Tùng mở mắt, vật anh thấy đầu tiên là chai nước biển treo lơ lửng ở bên giường. Rồi khuôn mặt của Ngân - vợ anh - cúi xuống mừng rỡ :

- Ồ, anh đã tỉnh rồi!

Tùng cố nhớ lại mọi chuyện nhưng chẳng nhớ được gì. Anh cảm thấy đầu đau nhức, đưa tay trái lên bóp trán thì đụng lớp băng. Ngân nắm tay anh kéo xuống để dọc trên giường nệm.

- Anh đừng cử động. Anh mới giải phẫu xong. Bác sĩ nói anh bị chấn thương sọ não và gãy ống xương chân trái.

Tùng nhắm mắt lại. Đầu óc anh hiện ra ông già râu tóc bạc phơ, có vầng trán cao và đôi mắt sâu hoắm. Anh thều thào nói :

- Cuốn sách đâu?

- Sách gì?

- Sách anh mới mua.

- Trời ơi! Sắp chết đến nơi mà còn lo sách với vở! Nào, anh mở miệng ra để em đút cho miếng cháo.
Tùng định nói nữa nhưng muỗng cháo đã làm anh nghẹn họng.

* * * * *

Sau mười ngày nằm bệnh viện, Tùng được chuyển về nhà. Cái đầu đã tháo băng nhưng chân trái vẫn còn bó bột và anh phải đi đứng nhờ đôi nạng. Hàng ngày bé Ly được vợ anh chở đi học lớp 3 bán trú đến chiều mới về. ở nhà một mình, Tùng chẳng biết làm gì ngoài việc xem tivi và chơi game trên máy vi tính. Nhưng anh vẫn không quên được cuốn sách đã mất. Anh đã nhờ bạn bè đến chỗ anh gặp tai nạn để tìm, thậm chí còn hỏi những người bán hàng hai bên đường nếu ai lượm được cuốn sách thì xin chuộc lại bằng tiền. Nhưng cũng chẳng ai biết. Có lẽ cuốn sách quá cũ, nằm lăn lóc trên đường đã bị người ta lượm quăng vào sọt rác. Có tiếng gõ cửa. Tùng chống nạng bước ra mở cửa. Hưng, bạn thân làm việc cùng công ty với anh, bước vào.

- Ông khỏe chưa?

- Cũng đỡ. Mời ông ngồi. Ông có tìm ra cuốn sách tôi đánh mất không?Hưng ngồi xuống ghế, đốt thuốc hút :

- Ông quên cuốn sách vớ vẩn đó đi. Ráng tĩnh dưỡng rồi vào công ty giúp tôi một tay. Công việc cuối năm tất bật làm tôi muốn điên cái đầu.

Trong đầu Tùng lại hiện ra ông già râu tóc bạc phơ, có vầng trán cao và đôi mắt sâu hoắm. Tùng nhìn Hưng bằng đôi mắt đó và nói :

- Ông đừng lo. Ông sắp được thảnh thơi rồi.

- Sao? Thảnh thơi là sao?

- Ông có muốn tôi nói thật không?

- Trời đất! Bạn bè bao lâu nay, tôi có nói dối ông điều gì đâu.

- Thứ tư tuần tới ông sẽ chết. Vậy ông còn bốn ngày nữa để sống. Hoặc ông lo làm cho hết mọi chuyện cần làm, hoặc ông cứ vui chơi thoải mái. Tùy ông.

Hưng trợn mắt nhìn Tùng :

- Ông điên rồi à! Ai lại đùa giỡn kiểu đó.

- Tôi không nói đùa. Ông không tin tùy ông nhưng ông sẽ chết vào ngày đó.

Hưng đứng dậy, hét lớn :

- Ông khùng rồi! Ông nên nhờ bác sĩ khám lại cái đầu. Nếu ông không xin lỗi, tôi sẽ chia tay ông.

- Vậy tôi xin lỗi anh trước bởi sẽ không còn dịp nào nữa.Vào lúc đó Ngân chở bé Ly về nhà. Thấy mặt Hưng đỏ bừng có vẻ giận dữ, nàng hỏi :

- Có chuyện gì vậy anh Hưng? Mời anh ngồi chơi chút đã.

- Cám ơn chị. Chị vào lo cho ông chồng của chị đang nổi cơn khùng kia kìa!

Hưng lấy xe, nổ máy chạy đi. Ngân dẫn bé Ly vào nhà. Thấy Tùng ngồi cúi đầu ở ghế, nàng hỏi :

- Anh làm gì mà anh Hưng giận dữ vậy?

- Anh chỉ nói sự thật.

- Sự thật gì?

- Anh ấy sẽ chết vào ngày thứ tư tuần tới.

- Trời đất! Nói vậy mà anh cũng nói được hả?

- Anh chỉ muốn giúp anh ấy biết trước ngày chết để thu xếp mọi chuyện cho êm đẹp.

- Nhưng làm sao anh dám quả quyết điều anh nói là đúng?

- Chính ông già trong cuốn sách anh làm mất đã giúp anh biết điều đó.Ngân lắc đầu, thở dài :

- Đầu óc anh bị trục trặc rồi. Sáng mai em sẽ xin nghỉ việc đưa anh đi bệnh viện khám lại cái đầu.

Có tiếng gõ cửa. Ngân ra mở cửa. Bà Năm hàng xóm tươi cười bước vào :

- Chào cô Ngân. Bảy giờ tối qua nhà tôi bỏ giấy hốt hụi nha. Còn cậu Tùng khỏe chưa?Ngân nói đỡ lời chồng :

- Anh ấy đỡ rồi bà Năm. Tối con sẽ qua bà.

- Thôi tôi về.

Bà Năm vừa đi, Tùng nói với vợ :

- Tối em qua nhà bà Năm bỏ tiền cao mà hốt hụi đi. Bà ấy sẽ chết vào thứ hai tới.

Ngân nắm chặt hai tay, gào lên :

- Trời ơi là trời! Sao anh nhìn ai cũng thấy người ta chết vậy. Anh nhìn tôi thử nói xem bao giờ tôi chết?

Tùng nhìn Ngân lắc đầu :

- Thật đáng tiếc, anh chưa đủ khả năng nhìn xa được. Anh chỉ nhìn được những cái chết sẽ xảy ra trong vòng một tuần mà thôi.

* * * * *

Chiều thứ hai, Ngân đi làm về ghé bệnh viện lấy phim chụp vết thương ở đầu Tùng. Bác sĩ nói vết thương đã lành, trắc nghiệm tâm lý cũng cho biết Tùng là người bình thường, không có gì phải lo ngại. Ngân cảm thấy an tâm vì chồng đã bình phục.

Chở bé Ly về đến đầu ngõ, Ngân chợt nghe những tiếng khóc vang lên từ nhà bà Năm. Ngân dừng xe, hỏi thăm một người trong nhà và biết bà Năm đã bị điện giật chết lúc ba giờ chiều. Ngân tái mặt. Không phải nàng sợ đã không nghe lời chồng bỏ tiền cao hốt hụi để giờ đây dây hụi có thể bị đứt. Nàng tái mặt vì thấy chồng đã tiên đoán đúng cái chết của bà Năm.

Bước vào nhà, Ngân thấy Tùng đang ngồi chơi game ở máy vi tính. Nàng để hồ sơ bệnh của anh lên bàn.

- Bác sĩ nói anh bình thường.

Tùng vẫn chăm chú nhìn vào màn hình và nói :

- Anh cũng nghĩ vậy.

Bé Ly chạy đến bên anh :

- Ba cho con chơi với.

Tùng bế bé Ly đặt ngồi ở ghế bên. Đưa con chuột cho con, anh nói :- Tới phiên con cứu công chúa. Nhớ coi chừng con rắn gác cửa nghe.Buổi tối. Ngân định điện thoại cho anh Hưng biết cái chết của bà Năm để anh đề phòng, nhưng nàng phân vân không dám gọi. Báo cho anh Hưng biết, cả nhà anh ấy sẽ lo lắng. Nếu chuyện không xảy ra như anh Tùng dự báo thì gia đình anh ấy sẽ nghĩ gì về vợ chồng nàng? Ngân đành im lặng chờ đợi đến ngày thứ tư.

11 giờ trưa thứ tư, Ngân nhận được điện thoại của Tùng. Anh nói: “Một người trong công ty của anh điện thoại cho hay Hưng vừa mới chết ở ngay trong văn phòng làm việc vì bị nhồi máu cơ tim. Chiều nay đi làm về em hãy ghé thăm vợ anh Hưng. Còn bé Ly, anh sẽ đi taxi tới đón”.

* * * * *

Rồi từ Ngân, nhiều người đã biết được khả năng “nhìn thấy cái chết” của Tùng, Họ đến nhờ anh coi giúp bản thân mình hay coi cho người thân. Có người biết mình sắp chết đã trở nên sống đạo đức hơn với ước muốn “để đức lại cho con”. Có người trở nên ăn chơi trác táng vì nghĩ dù gì đi nữa mình cũng sắp chết rồi. Thậm chí có người còn đi vay nợ để ăn chơi vì biết sắp “xù nợ đời”. Người ta gọi anh là nhà tiên tri số một, nhưng cũng có kẻ gọi anh là “Tùng quạ” vì anh chỉ bảo được cái chết như loài quạ.

Một sáng thứ hai, bé Ly vào chào ba đi học. Tùng đã tái mặt và run rẩy ôm chặt lấy con :

- Hôm nay con nghỉ học, ở nhà chơi game với ba.Bé Ly lắc đầu :

- Cô giáo sẽ la con tội trốn học.

- Không. Má sẽ xin phép cho con nghỉ vì bệnh.

- Con có bị bệnh gì đâu ba?

- Đang có dịch sốt xuất huyết, ba muốn con ở nhà để ba dễ theo dõi. Con đi thay quần áo mặc ở nhà rồi ra đây chơi game với ba.Bé Ly vừa ra khỏi phòng, Ngân đóng cửa lại và lo lắng hỏi :

- Có chuyện gì sắp xảy ra cho con vậy anh?

Tùng ứa nước mắt nói :

- Nó chỉ sống được một tuần nữa. Anh không muốn xa con một phút nào.

Ngân ôm tay anh lắc mạnh :

- Thật vậy không anh?

- Anh cầu mong lần này anh đoán sai.Ngân sụt sùi khóc :

- Anh có cách gì cứu con không?

- Anh không phải là ông trời.

- Biết trước cái chết của con mà không giúp được gì cho nó, em cảm thấy như mình có tội.

- Em cứ đi làm bình thường, đừng để nó nghi ngờ. Chiều về, em nấu cho con những món ăn gì nó thích. Còn anh sẽ thuê xe taxi dẫn nó đi chơi. Chúng ta hãy cố giúp nó những ngày còn sống được hạnh phúc. Cái chết đến, nó sẽ cảm thấy đỡ đau đớn hơn.

Có tiếng đập cửa và tiếng bé Ly gọi :

- Ba ơi ra chơi game đi ba.

Tùng chống nạng đứng dậy mở cửa.

- Nào cha con mình cùng chơi game.

* * * * *

Một tuần được nghỉ học, được ba má chăm lo ăn uống và được dẫn lên Đà Lạt nghỉ mát, bé Ly trông hồng hào và mập hẳn ra.

Sáng thứ hai, bé Ly mở cửa cho mẹ dắt xe đi làm. Bé thấy ở hàng rào có bông hoa cát đằng mới nở, bé hái định tặng ba. Một con rắn xanh lè nhỏ bằng chiếc đũa đã mổ vào tay bé. Bé hét lên. Tùng chống nạng chạy ra, lấy dây cột chặt phía trên vết rắn cắn. Anh vào nhà gọi taxi qua điện thoại. Năm phút sau xe đến. Anh bồng con vào xe, hối thúc tài xế chạy nhanh đến bệnh viện cấp cứu. Bé Ly đã chết ngay khi xe chạy đến cổng bệnh viện.

Tùng đã đập đầu vào quan tài bé Ly đến ngất xỉu. Vết thương cũ bị động và anh phải vào nằm ở bệnh viện.

Sau một tháng điều trị, người ta chuyển Tùng đến một bệnh viện tâm thần. Bác sĩ khám bệnh cho anh rồi cười hỏi :

- Nghe nói anh có tài đoàn đúng ngày người ta chết. Vậy anh có thể đoán tôi chết ngày nào, năm nào không?

Tùng nhìn chăm chăm ông bác sĩ rồi nói :

- 2050.

Ông bác sĩ :

- Tôi sống lâu vậy à?

Cô y tá đứng bên hỏi :

- Còn tôi?

Tùng nhìn cô y tá nói :

- 2050

- Tôi sẽ chết cùng năm với bác sĩ à? Thế còn anh sẽ chết năm nào?

- 2050.

Cô y tá nhíu mày rồi bật cười phá lên. Cô chỉ tay cho bác sĩ thấy con số trên áo bệnh nhân của Tùng: 2050.

HẾT

Thứ Hai, 23 tháng 2, 2009

Bài học về tình yêu


Bài học về tình yêu


TRẦN LÊ THUẬN ÁNH



Sáng mồng một Tết mẹ âu yếm gọi con gái dậy, ôm con gái vào lòng và thủ thỉ với con gái chuyện tình yêu. Con gái vừa xấu hổ vừa thích thú lắng nghe. Có lẽ mẹ con gái là người mẹ đặc biệt nhất trên đời. Các bà mẹ khác hễ nghe con gái lén phén chuyện yêu đương là gắt ầm lên, cấm đoán đủ mọi thứ. Còn mẹ con gái lại dạy cho con “Bài học về tình yêu” ngay trong ngày đầu năm này!



Suốt ba tháng qua mẹ con gái biết có người gọi điện cho con gái thường xuyên và cũng đã gặp con gái vài lần. Từ dạo ấy, con gái có nhiều thay đổi. Con gái tươi tắn hơn, hoạt bát hơn và cũng chú ý đến hình thức nhiều hơn. Ngay chính con gái cũng cảm thấy ngạc nhiên về chính mình: “Mẹ ơi, dạo này con điệu quá mẹ nhỉ?”. Mẹ cười như không hề thấy gì là lạ: “Con gái lớn phải điệu thôi”. Sau mỗi lần nói chuyện với người ấy, con gái đều thuật lại cho mẹ như muốn tự thanh minh: “Chả có gì đâu mẹ ạ, con vẫn còn bé lắm”. Lần nào mẹ cũng chỉ cười lặng lẽ. Con gái không giấu được mẹ đôi má ửng hồng và niềm vui long lanh nơi khóe mắt.



Tối ba mươi Tết, pháo hoa vừa dứt, người ấy gọi điện đến chúc Tết, con gái tưởng như hạnh phúc ngập tràn trong cái Tết 18 tuổi. Thêm một lý do mà buộc lòng mẹ phải mở một lớp dạy cấp tốc về tình yêu trong một thời điểm không dễ gì quên.



Mẹ kể cho con gái nghe về những mối tình thời đi học của mẹ. Tình yêu tuổi học trò đẹp như pha lê, long lanh, trong suốt song cũng mong manh và dễ vỡ. Đến tận bây giờ khi nhớ lại mẹ vẫn bồi hồi xao xuyến với những vui buồn, hờn giận vu vơ. Mẹ bảo con gái phải thành thật với chính mình, không nên chối bỏ những rung cảm đầu tiên vì chính những rung cảm ấy sẽ làm cho con dần lớn lên. Mặt khác mẹ cũng bảo rằng đừng qua đắm đuối với tình cảm ấy vì có thể nó sẽ qua nhanh như những giọt mưa xuân mà thôi. Giọng mẹ sâu lắng như đã dự cảm điều sẽ đến: “Nếu mối quan hệ này đổ vỡ, tất nhiên con sẽ buồn, nhưng mẹ mong con đừng tuyệt vọng và đừng đổ lỗi cho ai. Con hãy cảm ơn người ấy và cảm ơn cuộc đời đã cho con những bài học đầu tiên để vào đời. Con gái cười: “Mẹ lo xa quá!”.



Nhưng mẹ chẳng lo xa tí nào. Ngay trong những ngày Tết ấy, con gái phải nghẹn ngào nói với người ấy: “Cảm ơn những gì anh đã dành cho em, anh đừng gọi điện và đừng tìm em nữa”. Nước mắt con gái lặng lẽ rơi khi biết tình cảm và sự quan tâm của người ấy không chỉ dành riêng cho mình. Mẹ bảo tình yêu có cả vị ngọt và đắng. Bây giờ thì con gái đã hiểu, nước mắt mặn chát là vị đắng của tình yêu.



Con gái buồn buồn ngồi nhìn cơn mưa xuân trong ngày mùng năm Tết. Cơn mưa mang cái lạnh mơn man, lan tỏa làm lòng con gái dịu lại. Những nụ hồng he hé đón lấy mấy hạt mưa, làm cánh hoa thêm thắm đỏ. Con gái mỉm cười: “Tình yêu tuổi học trò cũng như những cơn mưa xuân kia thôi, chóng đến chóng đi để lại những dư âm ngọt đắng cho tuổi mười tám nhiều mộng mị”.
Lời mẹ nói sáng mồng một tết con gái vẫn nhớ rõ: “Tuổi thanh niên không chỉ biết yêu mà còn phải biết sống con ạ. Hãy sống trong sáng lành mạnh, hãy phấn đấu cho tương lai tươi đẹp mai sau. Cuộc sống tươi đẹp sẽ đem đến cho con một tình yêu đích thực trong đời.



Con gái đi học lại sau những ngày nghỉ Tết. Chỉ có mười ngày Tết với những đổi thay trong tình cảm, con gái thấy mình như đã lớn lên một chút. Và con gái bắt đầu mơ mộng về một điều kỳ diệu nào đó sẽ đến trong ngày Valentine.

Giao lưu với nhà văn Đoàn Thạch Biền (Báo Áo Trắng)


Cà phê hẻm


Nguyễn Hữu Hôn hiện đang là sinh viên năm 4 trường ĐH Công nghệ Bưu chính viễn thông Tp.HCM, một trong những gương mặt thơ tiêu biểu hiện nay.
Hôn là người đầu tiên gây dựng nên Bút nhóm Rơm vàng, vườn ươm thơ văn trẻ nổi tiếng một thời ở Phú Yên.
Cây bút trẻ cựu học sinh chuyên Lý, trường THPT Lương Văn Chánh này đã từng đoạt nhiều giải thưởng thơ trên các báo Thiếu Niên Tiền Phong, Nhi Đồng, Mực Tím, Tài Hoa Trẻ... song đáng chú ý nhất là Giải nhì cuộc thi thơ Bút Mới lần thứ 7 năm 2008 trên Báo Tuổi Trẻ Tp.HCM với bài thơ "Cà phê hẻm".

Cà phê hẻm
NGUYỄN HỮU HÔN

Tôi vẫn hay về quán cà phê cũ

Gió gầy một góc đường

Cà phê hẻm

Ngồi đau những nhớ thương…

Đôi khi bà hỏi tôi sao dạo này không đến

Cái cô kia vẫn có khi vác ba lô giá vẽ ghé về…

Tình trong tay một hôm biến mất

Yêu là những tách cà phê!

Khi đi hoang đâu đó về thăm ngõ

Xoay ly nâu thảng thốt thấy mình gầy…

Bà ạ cô ấy sẽ không về qua nữa

Cháu cũng không vẽ vời, đã cuối mùa heo may…

Đi bao nhiêu giấc mơ là đủ hết buổi chiều

Ngồi bao nhiêu cà phê là thấy lòng lắng lại?

Em chất đầy con hẻm

Không nắm nổi lòng tay…

Bỗng dưng thấy nhớ những con đường của nắng

Bà hết cà phê ngồi kể những chuyện tình…

Thơ Nguyễn Hữu Hôn

Thơ Nguyễn Hữu Hôn

TTO - Một chàng trẻ tuổi, với quần jeans, nhạc rock, cà phê đường phố... Có quan sát, nhiều khi dưới những góc nhìn khá sâu, có suy tư, thậm chí về những vấn đề khá nặng nề... Thế nhưng, dường như chẳng hiểu vì sao, đọc những vần thơ vẫn thấy toát lên một “gam” chung hồn hậu, bình yên, trong trẻo...
Có thể bởi Nguyễn Hữu Hôn mới từ quê về phố, mang sẵn một cái nhìn thơ từ thuở còn ngồi ghế học đường, nay đã lớn thêm lên, cái lớn thêm lên không gượng ép...

Nguyễn Danh Lam

Phố miền Trung

Tất cả các thành phố tốt nhất là ngồi ở buổi chiều
Uống cà phê buổi tối
Trầm mặc những giấc mơ đi về giữa con đường xác xao cỏ rối…
Phố miền trung…

Tất cả những dãy phố đều buồn và mênh mông…
Dù những con đường đi trong lòng thành phố khá ngắn
(Những con đường đi về nơi vui tươi thường dài thẳm)
Tất cả những dãy phố đều rất hiền…

Tốt nhất là nên ngồi ở phố với chiếc quần bạc thếch jeans
Ra đường nửa đêm cũng chẳng ai thèm hỏi
Thế nhưng bao giờ chùn một bàn chân với…
Về thôi và khóc với mặt trời…

Buổi sáng nào đó thức dậy hỏi núi hỏi sông
Hỏi phố cổ, những mùa mưa có bao giờ không thấy lũ
Mặc định mình lớn lên như những mùa ông trời làm trò gào rú…
Buổi chiều có kẻ kết thúc đời mình trên những sân ga…

Những con phố mắt cà phê

Hà Nội phố cà phê nằm trong hẻm
Nhìn ra thấy Hàng Hành hiền lành
Nhìn ra thấy mùa về lạ lẫm…
Mắt cà phê nâu đen trầm ngâm…

Gã miền Nam thích cà phê buổi sáng
Ngồi đếm hôm qua có một hai ba bốn giấc mơ
Mắt cà phê sữa đá
Phố đông vui chẳng để ý mùa về…

Bây giờ thì mình hiểu tại sao những đứa đi bụi hay ngồi cà phê
Cà phê hạt dẻ…
Bây giờ mình cũng biết tại sao những đứa thất tình hay ngồi lặng lẽ…
Cà phê đen không đá đường…

Bây giờ thì mình chẳng biết tại sao không quên buổi chiều vỉa hè Hàn Thuyên…
Giang hồ rủ nhau cà phê như một lời hò hẹn…

Mộ gió…

Có khi mình hỏi tại sao phải xây những ngôi mộ không
Giữ trong kí ức có ngọt ngào hơn một chút?
Có khi mình nghĩ hay là sợ nhớ nhớ quên quên…
Thảng hoặc nhờ gió nhắc?

Tối qua ngồi cà phê với Unlimited rock band,
Những người hát Mộ gió…
Hóa ra là cảm xúc điên khùng từ nỗi đau bão gió
Hồn nhiên…

Hình như là mình quên
Đã chôn 20 năm trong những ngôi mộ gió
Đã lấp ngàn ước mơ trong mặn mòi mùi biển cả…
Thảng hoặc nhớ quên chẳng ai nhắc nổi mình…

Thơ Nguyễn Hữu Hôn

Thơ Nguyễn Hữu Hôn

TTO - Một chàng trẻ tuổi, với quần jeans, nhạc rock, cà phê đường phố... Có quan sát, nhiều khi dưới những góc nhìn khá sâu, có suy tư, thậm chí về những vấn đề khá nặng nề... Thế nhưng, dường như chẳng hiểu vì sao, đọc những vần thơ vẫn thấy toát lên một “gam” chung hồn hậu, bình yên, trong trẻo...
Có thể bởi Nguyễn Hữu Hôn mới từ quê về phố, mang sẵn một cái nhìn thơ từ thuở còn ngồi ghế học đường, nay đã lớn thêm lên, cái lớn thêm lên không gượng ép...
Nguyễn Danh Lam


Phố miền Trung



Tất cả các thành phố tốt nhất là ngồi ở buổi chiều

Uống cà phê buổi tối

Trầm mặc những giấc mơ đi về giữa con đường xác xao cỏ rối…

Phố miền trung…


Tất cả những dãy phố đều buồn và mênh mông…

Dù những con đường đi trong lòng thành phố khá ngắn

(Những con đường đi về nơi vui tươi thường dài thẳm)

Tất cả những dãy phố đều rất hiền…


Tốt nhất là nên ngồi ở phố với chiếc quần bạc thếch jeans

Ra đường nửa đêm cũng chẳng ai thèm hỏi

Thế nhưng bao giờ chùn một bàn chân với…

Về thôi và khóc với mặt trời…


Buổi sáng nào đó thức dậy hỏi núi hỏi sông

Hỏi phố cổ, những mùa mưa có bao giờ không thấy lũ

Mặc định mình lớn lên như những mùa ông trời làm trò gào rú…

Buổi chiều có kẻ kết thúc đời mình trên những sân ga…




Những con phố mắt cà phê


Hà Nội phố cà phê nằm trong hẻm

Nhìn ra thấy Hàng Hành hiền lành

Nhìn ra thấy mùa về lạ lẫm…

Mắt cà phê nâu đen trầm ngâm…


Gã miền Nam thích cà phê buổi sáng

Ngồi đếm hôm qua có một hai ba bốn giấc mơ

Mắt cà phê sữa đá

Phố đông vui chẳng để ý mùa về…


Bây giờ thì mình hiểu tại sao những đứa đi bụi hay ngồi cà phê

Cà phê hạt dẻ…

Bây giờ mình cũng biết tại sao những đứa thất tình hay ngồi lặng lẽ…Cà phê đen không đá đường…


Bây giờ thì mình chẳng biết tại sao không quên buổi chiều vỉa hè Hàn Thuyên…

Giang hồ rủ nhau cà phê như một lời hò hẹn…


Mộ gió…


Có khi mình hỏi tại sao phải xây những ngôi mộ không

Giữ trong kí ức có ngọt ngào hơn một chút?

Có khi mình nghĩ hay là sợ nhớ nhớ quên quên…

Thảng hoặc nhờ gió nhắc?


Tối qua ngồi cà phê với Unlimited rock band,

Những người hát Mộ gió…

Hóa ra là cảm xúc điên khùng từ nỗi đau bão gió

Hồn nhiên…


Hình như là mình quên

Đã chôn 20 năm trong những ngôi mộ gió

Đã lấp ngàn ước mơ trong mặn mòi mùi biển cả…

Thảng hoặc nhớ quên chẳng ai nhắc nổi mình…

Thứ Bảy, 21 tháng 2, 2009

Xe đạp

HÀ THÁI HIỀN
Hà Thái Hiền hiện đang là sinh viên năm 2 lớp Nhật Bản học, trường ĐH Văn Hiến. Hiền từng đoạt giải nhất cuộc thi truyện ngắn trên Bản tin Nhịp Sống Học Đường năm 2006 và là cây bút trẻ nhất đoạt giải 3 cuộc thi truyện ngắn trên Tạp chí Văn Nghệ Phú Yên năm 2007.


Xe đạp

HÀ THÁI HIỀN


Chiếc xe đạp màu đỏ ké- tróc sơn và quê mùa, ba dùng nó để chở cả nhà đi dạo phố.

Cái yên sau nhỏ xíu, chỉ đủ chỗ cho mẹ ngồi. Nhóc cố tình ngồi dịch tới trước, nhường chỗ cho mẹ. Mông nó kẹt giữa hai thanh sắt gỉ- hai lằn đỏ tím hằn lên cái mông be bé của nhóc. Con nhỏ gồng mình chịu đau để được đi chơi.


Những hôm cả nhà đương nhong nhong trên con “xích thố” thì trời đổ mưa bất tử, mẹ lại vạch cái áo rộng thùng thình của ba để nó chui vào. Ngộ ghê: Thế giới phía trong vạt áo! Nhóc nghe được những nhịp đập ấm áp của mẹ và cái mùi hăng nồng vững chãi từ tấm lưng của ba.


***

Bé Na gần nhà được ba má tập đi xe đạp. Xe tí hon của Na gắn hai bánh phụ và một cái giỏ trắng rất đẹp. Mỗi lần nhỏ Na đạp xe, cả góc đường lại rộn lên những âm thanh rào rạo, thấy phát ghét! Nhóc cũng muốn tập đi xe! Con nhỏ còm nhom khó nhọc dắt cái xe đạp bự chảng lên vỉa hè lớn. Nó ngồi trên sườn xe và trườn người lên để đạp. Mồ hôi mồ kê nhễ nhại. Được nửa vòng bánh, cái xe đổ nhào. Con nhỏ mếu máo dưới chiếc xe màu đỏ cồng kềnh- giữa trời đổ lửa, hai tay trầy trụa, và còn ê ẩm khắp người. Mẹ dìu nó vô nhà xức dầu rồi la một trận. Cả ngày hôm đó, Nhóc nằm xụi lơ trên giường.



Lên lớp 9, Nhóc lang thang mọi ngõ ngách bằng chiếc xe cũ kĩ, mang theo những chuỗi âm thanh chán ngắt cả một góc phố. Nhóc bắt đầu biết xấu hổ khi mọi người nhìn nó, và tủi thân khi thấy lũ bạn cùng lớp cưỡi trên những chiếc mini cáu cạnh. Con chiến mã của nó thì đã quá già nua và ọp ẹp: cái xe loang lổ sơn và gỉ sắt, chiếc giỏ méo hẳn sang một bên, còn thắng xe thì hỏng từ lâu, cho nên mỗi khi muốn dừng, nó phải nhảy ào từ trên xuống.



Nó thấy ghét con ngựa sắt của mình và quyết định không đi xe nữa. Cho dù phải lết bộ hai ba cây số, nó vẫn bướng bỉnh không đạp xe. Ba mẹ nhìn cái mặt dưa leo trắng bệt của nó sau mỗi cuộc hành quân như vậy, thở dài.



***



Ngày Nhóc thành cô nữ xinh cấp ba trong tà áo dài trắng, ba dắt một chiếc mini màu xanh ngọc về nhà. Khỏi phải nói Nhóc mừng ra sao! Nhóc hãnh diện đạp xe tới trường mỗi sáng dù nhà cách trường chỉ một con phố nhỏ. Chiếc xe màu đỏ bị bỏ quên, nằm chỏng chơ trong góc nhà. Nhóc kêu ba bán nhôm nhựa. Chiếc xe chở bao kỉ niệm đi mất để đổi lấy năm chục nghìn. Ba tiếc, không nỡ bán, nó chậc lưỡi: “Bán cho rồi, để chật nhà lắm ba!”



***



Một ngày kia, cô nữ sinh áo trắng tốt nghiệp phổ thông. Nhìn bạn bè lao vút trên những chiếc xế nổ đời mới tiền triệu, cô lại thấy chán ghét chiếc mini xanh ngọc của mình. Cô nhóc lang thang qua những khu phố, xuýt xoa mỗi khi trông thấy một chiếc tay ga màu bạc mà cô ao ước. Bất chợt, Nhóc nhìn thấy một màu đỏ quen thuộc... “Ôi...?! Cái... cái xe cũ của mình?!”. Một thằng nhỏ đen nhẻm ngồi chênh vênh trên yên xe, cái chân ngắn cũn cố nhấn chiếc bàn đạp về phía trước: Không tới! chiếc xe liểng xiểng đổ nhào!



...Nhóc chợt sững lại. Biết bao ký ức vui buồn với chiếc xe đạp đỏ ùa về, đầy khoang tim Nhóc. Nhóc nhớ cái cảm giác ấm áp trong vạt áo ba, trên xe đạp lúc trời mưa; nhớ khi chiếc xe nặng thêm vì sự có mặt của thằng Tí- ngo ngoe ở cái yên móc phía trước; nhớ ngày con bé lớp bốn là nó hớn hở chạy đua với bé Na trên con ngựa sắt lịch kịch...



Nhóc chợt nhìn xuống chiếc mini xanh ngọc của mình. Nó đã chở Nhóc đến trường mỗi sáng - và chở những tuổi nào cho ai nhớ thương dạo khắp phố phường.



Bất giác, những giai điệu quen thuộc từ đài phát thanh khẽ ngân lên, lay động cả ký ức. Nhóc mỉm cười đạp xe đi, miệng khẽ hát:



“Quay đều, quay đều, quay đều...
Nhớ hoài những vòng xe...”

Cỏ giấy

HÀ KIỀU MY

Cây bút trẻ Hà Kiều My hiện đang là sinh viên năm 2 Khoa Báo chí, Trường ĐH KHXH&NV Tp.HCM, cựu thành viên bút nhóm Rơm Vàng. Cây bút trẻ này bước đầu gặt hái được những thành công đáng kể trên con đường nghệ thuật, đáng chú ý là giải nhì cuộc thi thơ 2008 với bài thơ Gồng gánh trên Tạp chí Văn Nghệ Phú Yên.

Cỏ giấy


HÀ KIỀU MY

ĐH KHXH&NV TP.HCM



Năm ấy, tôi quen hắn khi cùng học thêm môn Toán. Sẽ chẳng có chuyện gì nếu như thầy không cho “bài tập chạy”, nếu như tôi và hắn không lao vào giải Toán thật nhanh để được thầy xướng tên là người thông minh nhất. Cái danh hão ấy không mang lại lợi lộc gì cho chúng tôi nhưng cũng đủ cho tụi bạn tụm năm, tụm bảy xì xầm, ca tụng.

Trong lớp học thêm đó, tôi và hắn luôn luôn là người giải bài tập nhanh và đúng nhất. Nhưng bao giờ, tên hắn cũng được thầy trịnh trọng đặt trước tên tôi ( tức chết đi được), chỉ vì hắn có cách làm bài sáng tạo, không giống ai ( và đương nhiên là hay hơn tôi). Những lúc ấy, hắn thường quay sang phía nhóc bạn bên cạnh, nói thật to, như thể cố tình muốn tôi nghe thấy : “Bọn con gái chỉ có thể đứng thứ 2, sau mày râu chúng mình. Ừ nhỉ?”. Trời ạ, ghét thế cơ chứ. Sao lại có loại người chảnh thế cơ chứ. Thế là, tôi quyết tâm phải cho hắn thấy “uy lực” của phái yếu. Tôi dành nhiều thời gian hơn cho việc tham khảo và tìm cách giải bài tập hay. Liên tiếp những lần sau tên tôi được xướng cùng hàng với tên hắn. Những lúc ấy, tôi quay sang phía nhỏ bạn bên cạnh, nói thật to cố tình để hắn nghe thấy: “Bọn con gái chúng mình mà ra tay, số 2 thành số 1 mấy hồi. Ừ, nhỉ?”. Tôi nói chuyện với nhỏ nhưng cũng không quên liếc xéo để xem phản ứng của hắn. “Trời, nụ cười mới gian xảo làm sao. Hứ!”

Rồi hắn điều tra được nick chat của tôi. Hai đứa vẫn hay “rủa xả” nhau mỗi khi lên mạng. Tôi còn nhớ câu đầu tiên hắn chào tôi qua internet, đó là: “Bà cũng cao tay gớm nhỉ”. -“Xê, cũng tùy người thôi”.

Lần nào tui với hắn cũng tranh luận ác liệt qua những con phím, có khi là một bài toán, một câu văn, hay đại loại là một sự kiện xã hội…Khẩu chiến ròng rã gần một học kì, vậy mà vẫn không phân được thắng bại. Hắn đích thị là sao chổi của tôi mà. Kì thi học kì đến, tôi và hắn đều bận rộn. Lâu không gặp hắn, tự dưng thấy trống trải và nhơ nhớ. Gặp hắn khi kì thi vừa kết thúc, tự dưng tôi muốn giải hòa với hắn, không muốn dùng cái giọng đanh đá khi nói chuyện với hắn nữa.

“Mặt trời mọc đằng Tây hay sao bữa nay bà nữ tính phát sợ vậy?” Không chỉ có hắn, mà chính tôi cũng thấy mình hơi bị kì. Tự nhiên lại thay đổi chóng mặt khi nói chuyện với hắn. Thế là, tôi buộc phải lấy phong độ lại từ những cuộc khẩu chiến với hắn.
Một lần, có tên kia cùng lớp tỏ tình với tôi, tôi hân hoan khoe cho hắn biết. Ai dè, hắn bảo: - Kệ bà! Thấy hắn giận, tự nhiên, tôi thấy sao mà hắn trẻ con và đáng yêu quá.

Hắn hỏi tôi nếu là Mị Nương, tôi sẽ chọn Sơn Tinh hay Thủy Tinh. Hắn hỏi kì quá, thời nào rồi mà lại ví mình như Mị Nương hồi xửa hồi xưa, nhưng tôi cũng trả lời: -Tôi sẽ chọn ai kiếm được cho tôi cỏ bốn lá.

“Yên tâm, không ai rảnh rỗi kiếm cho bà cỏ ba lá huống chi là cỏ bốn lá”. Trời, ăn nói như vậy mà biểu sao không ghét cho được.

Một tuần, hắn không online, và cũng biến mất không đến lớp học thêm. Tôi hơi buồn vì không có ai đua với mình để giải bài tập nhanh của thầy. Chiều thứ hai, tôi đến lớp học sớm hơn mọi ngày. Trong hộc bàn, có một hộp quà màu đỏ của ai đó bỏ quên. Tôi mở ra, ồ, ba bông cỏ bốn lá và hai ông cỏ ba lá (bằng giấy màu), món quà mà tôi hằng mơ ước được sở hữu. Có cả một dòng thư được viết trên nền giấy trắng học trò: “Tôi tìm “quài” mà hông thấy cỏ bốn lá. Thế là đành tỉ mỉ gấp cho bà món quà này. Ba bông cỏ bốn lá tượng trưng cho tình yêu và may mắn. Hai bông cỏ ba lá tượng trưng cho tình bạn. Tôi mong chúng ta sẽ tiến từng nấc thang từ con số 2 lên con số 3. Đồng ý nhé”. Hắn! Đúng là hắn, là nét chữ như gà bới mà thầy vẫn hay chê đây mà. Cầm món quà của hắn trên tay, tôi thấy tim mình bỗng dưng đập loạn nhịp. Có phải nó đang… rung rinh?!

Lan tím

Lan tím
NGUYỄN THỊ THANH DUNG
12C, THPT Lê Thành Phương


Anh gửi em nhánh lan rừng
Mừng em mười tám đang chừng sắc xuân
Anh nói: lính giải phóng quân
Ngoài hoa lan tím chẳng còn thứ chi

Hoa kèm theo chiếc phong bì
Bên trong giấy trắng anh ghi sáu từ
“Tình anh hoa tím tương tư”
Cành hoa xinh quá, bức thư cũng tình
Em cười không nói lặng thinh
Áo em còn tím, chúng mình còn thơ…

Sáu năm hoa tím đợi chờ
Biết người em gái bây giờ sang ngang
Cành hoa lan tím lỡ làng
Anh ôm cơn gió nhẹ càng thêm đau.

Thứ Hai, 16 tháng 2, 2009

Nơi ấy có buồn không

Nơi ấy có buồn không

HOÀNG PHỤNG THUYÊN
























Hắn và nhỏ ở gần nhà nhau, chơi thân từ hồi mẫu giáo. Riết rồi hai đứa thành cặp bài trùng lúc nào cũng kè kè cặp cặp không tách rời nhau. Năm lên cấp ba, nhỏ bắt hắn lấy xe đạp qua chở mình đi học, hắn la lên:

- Thôi đi bà nội, kỳ lắm.

- Ông này hay, tui không mắc cỡ thì thôi chứ.

- Bà nói đó nghen.

Y lệnh, sáng hắn qua chở nhỏ đi học. Đúng được một bữa, bữa sau nhỏ trốn biệt. Hỏi mãi nhỏ mới nói:

- Mấy đứa nói mình bồ bịch đó.

- Rồi sao?

- Rồi... rồi vậy đó.

- Rồi bà mắc cỡ chứ gì, tui biết mà. Mai tui qua chở bà đi học tiếp, ngán gì tụi nó.

Lời nói hùng hồn của hắn khiến nhỏ phì cười.

- Ông không sợ ế bồ hả?

- Thì bà làm bồ tui nghen.

- Dzô dziên.

Hắn khoái LilKnight, nhỏ thích Thùy Chi. Hắn mê xe như điên, nhỏ yêu các bé thú đến cùng cực. Vậy mà hai đứa chơi thân đến không ngờ. Tuy nhiên, hai đứa cũng có điểm chung duy nhất: ngắm phố đêm. Nói cho sang vậy, chứ thật ra hai đứa đi học thêm ở nhà thầy Thanh vào buổi tối. Cũng lạ, ở một thành phố nhộn nhịp, xô bồ vẫn có một con phố yên tĩnh đến lạ lùng. Một bữa hắn và nhỏ đang đi ngắm phố thì nhỏ chợt nói:

- Trời hôm nay nhiều sao quá hen?

- Bà khùng hả, đêm 30 làm gì có sao.

Đang nói giữa chừng thì hắn nghe cái "bịch", hoảng hồn quay lại thấy nhỏ đã nằm bất động dưới đất. Hắn sợ quá la lên rồi lật đật cõng nhỏ chạy về nhà. May mà nhà hai đứa ở gần đây nếu không thì chết chắc. Hôm sau, hắn lết thết qua thăm thì thấy nhỏ nằm kín trong chăn.

- Bà bị gì vậy?

- Tui... tui...

- Tui đang giảm cân nên nhịn ăn cho ốm, đẹp giống chị BOA chứ gì.

- Sao ông biết?

Nhỏ tròn xoe mắt vì bất ngờ.

- Tui rành bà quá mà. Suốt ngày than thở sao tui mập thế này, sao tui ú thế kia rồi nhịn ăn đến nỗi bị xỉu giữa đường. Bà đúng là rối loạn tâm sinh lý tuổi dậy thì mà. Hic, chỉ tội tấm thân ngọc ngà của tui thôi.

- Sặc, gì mà tấm thân ngọc ngà nghe muốn ói. Tấm thân... ghẻ thì có.

- Bà hay lắm. Nè, cho bà đó.

Hắn liệng luôn một bịch bự tổ chảng lên giường. Nào là bánh, kẹo, sữa, trái cây... Quá đã.

- Cảm ơn.

- Nếu lỡ không có tui thì sao hả?

- Gì cơ?

- Không có gì, ăn đi.

Nhỏ cũng không để ý đến câu nói của hắn và hồn nhiên chén hết tất cả mọi thứ hắn đem đến. Nhỏ thầm nghĩ: "May mà bố mẹ không biết chuyện mình nhịn ăn, đúng là ngốc thật".

o0o

- Bảy giờ tối nay đi chơi không?

- Đi liền, có đi ăn gì hông dzậy?

- Có, bà mập.

Đúng bảy giờ tối hắn đèo nhỏ trên xe đạp cà tàng đi dạo phố. Hai đứa đi lòng vòng một hồi cũng quay về góc phố quen thuộc. Hắn dừng xe lại, lấy trong túi ra gói quà nhỏ:

- Cho bà.

- Mở nghen. Hối lộ hả?

Nhỏ mở gói quà, lấy ra một sợi dây chuyền có hình trái tim bằng pha lê cực đẹp. Hắn nói nhỏ:

- Tui sắp đi rồi. Ba tui bảo lãnh hai mẹ con qua Úc. Ổng nói tui qua đó học cho bằng người ta, rồi thế nào tui cũng về Việt Nam làm việc. Bà chờ tui nghen?

Nhỏ lặng người, không biết nói gì, chỉ lặng lẽ gật đầu. Ngày hắn đi nhỏ cố tình không đi tiễn. Nhỏ không muốn mình khóc trước mặt hắn. "Để coi, bên ấy có gì tốt hơn không mà bỏ tui đi vậy cà” - nhỏ sụt sùi nói trong nước mắt.

o0o

Hắn đi được một tháng rồi, hai đứa ngày nào cũng nhắn tin kể lể mọi chuyện. Hôm nay, nhỏ lang thang trên góc phố quen thuộc. Đi một mình nhỏ mới cảm thấy hết nỗi cô đơn. Phố đẹp và cất giấu quá nhiều thứ khiến nhỏ phải ghen tị. Nhỏ chợt thấy buồn, vì không có ai chọc cười, không có ai để hành hạ và vì nhớ hắn...

o0o

"Tui có gửi thư cho ông đó”. Đọc tin nhắn của nhỏ mà hắn phì cười. Thời đại thông tin toàn cầu, suốt ngày chat chit chửi nhau ầm ầm mà bày đặt viết thư. Nói thế thôi chứ hắn vui lắm vì biết chắc nhỏ rất nhớ mình. Lật đật chạy xuống chờ thư của nhỏ, gần một tuần rồi chứ ít gì. Sao mãi không thấy nhỉ? Lục tung đám thư từ được gửi tới, hắn nhận ra thư của nhỏ trong một đống phong bì nhờ vào màu hồng rực rỡ không lẫn vào đâu được. Hồi hộp mở thư ra, hắn chợt thấy lòng xốn xang. Thư của nhỏ vẻn vẹn có năm chữ: "Nơi ấy... có buồn không?".

Chủ Nhật, 15 tháng 2, 2009

Valentine

Valentine

PHAN MAI THƯ NHÃ



Không khí lành lạnh của mùa xuân vẫn còn ăm ắp cả đất trời. Hoa đồng cỏ nội ngan ngát mùi hương, long lanh những giọt sương còn chưa kịp khô trên lá. Chồi non nhú mầm từ trong nắng sớm, bước thời gian chẳng đọng lại cùng thiên nhiên.










Thả mình trong cơn gió se se, nhỏ muốn tận hưởng hết cả mùa xuân, muốn hoà mình giữa đất trời tràn trề nhựa sống một cách ấm áp và trọn vẹn!

Từ cụm mây trắng đang khe khẽ cựa mình giữa bầu trời trong vắt lộc đầy, một chú én nhỏ dáo dác tìm bạn, lúng túng vì khoảng không sao rộng quá, đường nào về cho thoả mộng mùa xuân? Nhưng dường như đây là mùa của đôi lứa, mùa của hạnh phúc, nên từ xa xa…một chú én nhỏ khác đang vội vàng sum họp cùng bè bạn. Đó chẳng phải là món quà vô giá mà nàng tiên yêu thương ban tặng cho én nhỏ hay sao? Ngẩn ngơ nhìn, nhỏ thấy thật cô đơn! Giữa con phố ồn ào, tấp nập bao người qua lại mà nhỏ vẫn thấy sao đơn độc! Chim chóc cũng có đôi, lẽ nào…? Lắc đầu mỉm cười, vội vàng nhỏ bước đi…



Hôm nay là Valentine, đương nhiên nhỏ biết, đó là một ngày bình thường như bao ngày khác (ít nhất là đối với nhỏ), sẽ đến và sẽ qua đi vì thời gian chưa bao giờ dừng lại dù chỉ một lần. Chỉ khác một điều, Valentine, nhỏ thả mình dạo phố… Ngắm nhìn hoa đèn sáng rực những con đường, những tán cây rì rào trong gió và những cặp tình nhân tay trong tay hạnh phúc. Hôm nay là ngày của họ. Nhỏ chưa bao giờ nhìn họ bằng con mắt ngưỡng mộ, chỉ là sự tò mò trẻ con và nhỏ cũng chưa bao giờ dám vượt ra khỏi cái ranh giới giữa trẻ con – người lớn ấy. Nhỏ chưa sẵn sàng! Một lúc nào đó thì sẽ, nhưng bây giờ thì …Lại lắc đầu mỉm cười, từ từ ngẩng lên nhìn hoàng hôn đang nhuộm thắm dần cả không gian, tự nhiên nhỏ muốn làm một cái gì đó thật đặc biệt trong ngày hôm nay, nhỏ muốn tặng quà cho một ai đó, muốn đem đến cho ai đó một niềm yêu thương! Bất giác nhỏ xoay người vụt chạy thật nhanh về phía cuối con đường. Trên môi nhỏ, nụ cười rạng rỡ như ánh trăng rằm, hình như nhỏ đã biết mình thật sự yêu ai rồi!



Nhỏ bước vào một căn phòng ấm áp, lặng lẽ nhìn cô em gái đang hí hoáy vẽ những con vật ngộ nghĩnh, chị gái đang vội vàng đánh chữ trên chiếc máy tính xách tay cuối phòng và ba mẹ cặm cụi đọc báo ngày hôm nay. Nhỏ yếu ớt ra tín hiệu sự có mặt của mình: “Mọi người ơi!”. “Mọi người” vội vàng quay về phía nhỏ, chăm chú nhìn một cách tò mò. Gương mặt thỉu não của nhỏ làm ba lo lắng: “Một Valentine buồn hả con?”. Một phút im lặng. Mọi người nghi ngại chờ nhỏ gật đầu và…nhỏ chìa ra một cái bánh chocolate xinh xắn, hét toáng lên sung sướng: “Valentine, con yêu mọi người!”.



Trong căn phòng ấy, những ánh mắt nhìn nhau hạnh phúc và mãn nguyện.

Mây và núi

Mây và núi

NGUYỄN ĐẶNG TƯỜNG VI


- Tôi sẽ đi đến ngọn núi kia!

- Xa lắm đó!

- Gần mà! Chỉ cần vượt qua cánh đồng này thì sẽ đến ngọn núi đó thôi.

- Thấy đám mây kia không? Nó ở ngay trên ngọn núi thôi. Nhưng thật ra, nó ở rất xa ngọn núi ấy đó!

***

Minh họa: HƯNG DŨNGTôi và Bình thân nhau từ bé. Khi vừa ý thức được mình là một cá thể của cuộc đời, tôi và Bình đã là bạn thân. Trong tâm thức tôi, Bình là một cái gì đó quá đỗi bình thường, bình thường đến mức, tôi xem việc Bình luôn ở bên mình là điều dĩ nhiên.

Bình thường nói với tôi về những ngọn núi, về ước mơ được đến với những ngọn núi, được vượt qua cánh đồng mênh mông, rạt rào quê tôi, đến với những ngọn núi luôn mờ ảo, ẩn hiện cuối chân trời.

- Tôi thích đến chân trời hơn! Chân trời xa hơn, rộng hơn, đẹp hơn nữa.

Má thường nói tôi giống áng mây, tâm hồn tôi không dành cho miền quê này, không dành cho đồng lúa quê mình, không dành cho giọt mồ hôi mặn mà, chua chát quê mình, không dành cho nắng gió quê mình nữa. Má nói, tâm hồn tôi sinh ra đã dành cho chân trời tôi ao ước đi đến từ thuở ấu thơ.

- An đi đi! Cứ đến bất cứ đâu An muốn. Cứ đi đến bất cứ chân trời nào An muốn dừng. Cánh đồng luôn nhìn về phía chân trời mà!

- Chứ không phải núi sao?

- Không! Chân trời không bao giờ nhìn thấy núi đâu.

Đó là câu cuối cùng Bình nói với tôi, trước khi tôi lên đường đi học đại học. Tôi mãi mãi không bao giờ quên được mùa thi năm ấy. Bình không thi đại học. Tôi hỏi tại sao. Bình không nói. Má tôi bảo:

- Thằng Bình nó như ngọn núi...

Má nói tôi dù có đi đến bất cứ đâu, cũng cần nhớ luôn có một ngọn núi nơi miền quê này lúc nào cũng chờ tôi trở về, chờ tôi dừng chân khi mệt mỏi. Má còn bảo, dù có là mây, có đi đến chân trời, thì cũng không được yêu con sóng nào.



Ngày đó, tôi ít hiểu lời má. Nhưng khi tôi đưa Dương về ra mắt, má bạt tai tôi một cái thật đau, đuổi Dương về thành phố.

- Tại sao vậy má?

- Má nói rồi! Con đừng có đưa con sóng nào về miền quê này.

- Con không hiểu!

Tôi thu xếp hành lý, đi khỏi nhà. Hai cái tết liền, tôi không về. Bình nhìn tôi và Dương bằng ánh mắt buồn buồn. Ánh mắt ấy ám ảnh tôi một thời gian rất dài.

Tôi và Dương chia tay.

- Em về với ngọn núi của em đi. Khi nào em thoát khỏi cái bóng của ngọn núi ấy, em hãy đến với anh.

Rồi anh đi. Anh ra đảo, và ở luôn ngoài đảo, ở luôn nơi chân trời tôi không bao giờ đến được.

Tôi ra trường với bằng tốt nghiệp loại giỏi. Có hai công ty nước ngoài mời tôi vào làm việc, nhưng tôi từ chối. Tôi về quê. Má ôm tôi khóc. Má khóc rất nhiều. Má không hỏi về Dương. Tôi cũng không nói với má tôi và Dương đã chia tay.

- An đi với tôi lên núi đi.

- Không! Tôi sẽ đưa má lên thành phố sống. Bình lên núi đi. Núi thích hợp với Bình hơn miền quê nghèo này. Còn tôi, tôi chỉ thích chân trời thôi!

Tôi lạnh lùng bỏ đi. Nhưng má không chịu theo tôi lên thành phố. Má nói má là cây lúa rồi. Lúa mà rời khỏi đất là sẽ chết. Má bảo tôi cứ đi đến đâu tôi muốn. Má nói má sẽ ở đây chờ tôi. Má bán hết số vàng má tích cóp cả đời, cho tôi làm vốn. Từ lúc lớn, đủ sức lo cho mình, đó là lần đầu tiên tôi nhận tiền má cho. Những đồng tiền ít ỏi, nhọc nhằn từ mồ hôi của má, và những hạt lúa khô khan, nhọn hoắt quê tôi, những hạt lúa cào xước bàn tay nõn nà của thiếu nữ quê tôi, và làm chai sạn cả bàn tay xương xẩu của những người già, cả đời chỉ biết có nắng gió, có tanh tao mùi bùn. Má lại khóc. Má nói tôi đi nhanh rồi về. Má nói tôi đừng bỏ má.

- Bình lên núi đi. Đừng chờ tôi nữa.

Rồi tôi đi. Đó là lần tôi xa nhà lâu nhất. Phần vì công việc, phần vì tôi muốn trốn tránh Bình và má. Má viết thư lên nói nhớ tôi, bảo tôi về. Tôi không hồi âm. Má lại viết tiếp. Nhưng lạ là má không hề nhắc đến Bình. Tôi thắc mắc. Nhưng bận bịu, mệt mỏi nên rồi cũng quên. Suốt năm năm liền, tôi không hề mảy may nhắc đến má, đến Bình với bất cứ ai, kể cả với chính mình.

Công ty bất động sản tôi gầy dựng suốt năm năm trời sụp đổ. Trắng tay. Tôi vác hành lý về quê.

Cái thoáng đãng của miền quê nhỏ bé làm đầu óc tôi thoải mái hơn đôi chút.

Má hỏi, tôi chỉ nói bâng quơ. Nhưng má biết hết.

Tôi ở nhà nửa năm. Thời gian ấy, Bình đi học tại chức ở xã. Chiều nào Bình cũng sang nhà tôi chơi. Có lúc Bình xách nước gội đầu cho má con tôi. Má tôi vui lắm. Những lúc ấy, tôi không gội đầu mà nấu nước, rồi ngồi gội đầu cho má, y như lúc bé, má thường gội đầu cho tôi. Tự dưng thấy lòng bồi hồi lạ. Bình không cười nhiều như má. Đã rất lâu rồi, tôi không thấy Bình cười, từ dạo Bình không thi đại học. Nụ cười của Bình buồn buồn, xa xăm như hồi ba má Bình mất. Bình thường ngồi trước hiên nhà tôi, nhìn xa ra cánh đồng, mà đúng hơn là chân trời phía xa, đằng sau ngọn núi trước mặt. Tôi không còn ngồi cạnh Bình như trước kia nữa. Chỉ có Bình ngồi đó. Má mắng tôi vô tình, bảo tôi ra đó ngồi với Bình. Tôi chỉ cười nhạt, rồi vào phòng đọc sách. Lâu, má không nói gì nữa. Suốt nửa năm trời, chiều nào Bình cũng ngồi như thế.

- An!

Bình cất tiếng gọi. Đó là một chiều mùa hè, hoàng hôn dát đỏ cả cánh đồng lúa tới mùa gặt. Lần đầu sau gần mười năm, tôi lại ngắm vẻ đẹp quê mình, bên cạnh Bình. Đã rất lâu rồi, Bình mới lại gọi tên tôi. Hơi ngạc nhiên, nhưng chỉ một chút thôi.

- Đẹp ghê.

- Ừ! Lâu rồi mới lại thấy quê mình đẹp đến thế! Lớn lên, cuộc đời cuốn con người ta vào những thế giới quá phức tạp! Không có thời gian để người ta nhìn lại nét đẹp của những gì thân thuộc như quê mình nữa!

Bình nhìn tôi. Nhìn rất lâu. Tôi không nói gì, chỉ nhìn mãi phía cánh đồng. Đêm dần xuống. Hoàng hôn biến mất. Bình và tôi ngồi đó lâu, rất lâu.

- Bình đâu má?

Sau buổi chiều hôm ấy, Bình không đến nhà tôi nữa. Tôi đến nhà Bình thì thấy đóng cửa. Tôi thấy lòng bất an, cảm giác lo lắng, khó chịu dâng lên.

- Nó đi rồi.

- Đi đâu?

- Nó lên núi.

Má đưa cho tôi một cái phong bì. Tôi run rẩy mở ra. Một lá thư, và một tài khoản, với số tiền 700 triệu.

“Khi An đọc được những dòng này, tôi đã không còn được ở bên An nữa. Tôi không chờ An nữa đâu. An đi đi. Tôi cũng sẽ đi, đi lên núi, đi theo ước mơ của tôi”.

Bình bán hết nhà cửa, ruộng đất, để lại số tiền ấy cho tôi.

Tôi khóc. Lần đầu tiên sau rất nhiều năm, tôi lại thấy nước mắt mặn chát khóe môi mình…

***

Tôi đã nghĩ, chắc có lẽ, tôi là mây thật, áng mây của má, và của Bình. Còn má, má chẳng phải cánh đồng như má nói. Má là một ngọn núi, như Bình. Bình đã trao cho tôi một tình yêu quá lớn, tình yêu để lại cho tôi món nợ mà có lẽ cả đời này tôi không bao giờ trả nổi. Còn má, má cho tôi tình yêu của cả cuộc đời má.

Mây ở ngay trên ngọn núi thôi, nhưng thực ra rất xa núi…

Nắng xuân

Nắng xuân

NGUYỄN THỊ NGỌC HUYỀN



Nắng ,


chạy trốn phương nào?




Nắng,


ánh vàng rực rỡ




Xua tan đêm giá lạnh


thắp ngọn lửa tình yêu!




Ánh nắng ...


dịu êm


kẽ hôn làn tóc đỏ.




Chị nắng


thẹn thùng


e ấp dưới cánh hoa.




Anh nắng


nghịch tinh


trêu đuà chị gió...


Nắng!

Hát khúc giao mùa

thần tiên

ấm áp.


Xuân về trên phố nhỏ

Nắng xuân tràn niềm vui

Phố ngày ấy trong em

Phố ngày ấy trong em


ĐÀO THỊ KHÁNH DUY


Chiều buồn! Lặng nhìn những cánh cò trắng bay phía xa nơi chân trời, sải đôi cánh mềm mại nhẹ lướt trên cánh đồng lúa mênh mông đương mùa trĩu hạt, lòng em sao nghe rạo rực lạ kỳ. Ánh mắt trầm như muốn theo dòng ký ức miên man đang từng bước nhẹ chạm về quá khứ.


Ngày ấy em là một cô bé quê ngây thơ đang dần hòa vào nhịp sống chốn thị thành. Mùa hạ tuyệt vời với niềm vui hân hoan khi em được bố thưởng một chuyến chơi xa vào nhà cô Xanh ở Sài Gòn náo nhiệt.


Ngày ấy, phố chìm trong những sắc nắng mùa hạ tràn ngập khắp các ngả đường. Sau bước chân bố, em vô tư dạo chơi trên từng con phố nhỏ. Đẹp thật! Đâu đó trong tâm hồn trẻ thơ của em thoáng ngang những cánh phượng hồng e ấp. Nắng theo gót em vào nô đùa nơi công viên rực rỡ màu hoa cỏ. Bố mỉm cười nhìn em, nhẹ đùa: “Con của bố cũng xinh như hoa trong nắng vậy đó!”.


Ngày ấy, phố trầm mình trong những cơn mưa rào bất chợt của mùa hạ. Mưa phố sao buồn quá. Nhưng em thấy phố buồn mà đẹp lắm! Những hạt mưa cứ đan chéo vào nhau nhẹ rơi xiên xiên trên những cành lá xanh nơi vệ đường. Rồi em thoáng thấy bóng ai đạp vội ngang qua nhà trên chiếc xe thể thao màu xanh nhạt. Vô tình hay ngẫu nhiên, chàng trai dễ thương ấy bất chợt nhìn lên bancông căn nhà có khung cửa hồng và bắt gặp ánh mắt trong veo của cô bé ngồi đếm mưa rơi. Trái tim em nhẹ rung trong chiều phố mưa đầu hạ rơi!


Ngày ấy, phố dịu hiền trong những buổi sớm mai em đạp xe dạo quanh ngõ nhỏ, cùng Minh, chàng trai mưa hạ. Ngày ấy, phố năng động trong những buổi chợ đêm rực rỡ sắc đèn và nhộn nhịp người mua bán. Trong những buổi chợ đêm ấy, em đã nhận được những bó hoa cúc vàng vừa chớm nở từ Minh. Phố đẹp mà lòng người cũng đẹp.


Ngày em trở về quê nhà là một ngày nắng hạ buồn. Không buồn sao được khi em phải xa phố. Không buồn sao được khi em phải xa những rung động nhẹ đầu đời. Buồn lắm! Buồn đến nỗi ngày xa phố, em đã khóc tức tưởi trong vòng tay bố. Bố bảo: “Khi vào đại học, con sẽ lại được trở về sống với phố mà”. Ừ nhỉ! Em sẽ gắng học thật giỏi để thi đỗ vào đại học ở phố này. Bởi em biết em sẽ không thể xa phố được. Cũng như em sẽ không thể nguôi ngoai nỗi nhớ chàng trai mưa hạ ngày nào. “Chắc chắn một ngày mình sẽ trở lại với phố. Chờ mình nhé, phố yêu!”.

Khúc ca xuân

Khúc ca xuân

LÊ THỊ YẾN LY


Khúc ca xuân gợi hơi thơ ấm áp
Đẫm nét tinh khôi e ấp buổi đầu
Nàng hoa khoe nhan sắc giêng hai
Là đóa quỳnh hương mới nở…

Khúc ca xuân miên man theo dòng chảy
Để thời gian lặng lẽ phía chân cầu
Hát điệu nhạc ru trái tim bỏng cháy
Khẽ chạm hồn ai ánh mắt say nồng


Khúc ca xuân thôi đừng ngân vang nữa
Vọng bóng âm thầm người khỏi chờ mong
Và một mai… một mai gió ngưng thổi
Dòng sông xuân thôi hát giữa dòng

Ngẫu khúc mưa

Ngẫu khúc mưa

CAO THỊ KIM THOA


Chiều nay, tan học, vừa bước ra khỏi cửa lớp, lòng bỗng bâng khuâng lạ khi trước mắt là một màn mưa trắng xóa.




Mưa để ta nghe lời than vãn giàu chất nhân văn của cô bán hàng rong: “Mưa như dzầy hoài chắc sập tiệm quá. Ngoài Thanh Hóa, Nghệ An người ta sống làm sao cho nẩu?”. Mưa để dân Phú Yên thấu hiểu phần nào những đau thương mất mát do thiên tai, lũ lụt gây ra ở đầu bên kia của miền Trung, để cùng chia sẻ dù ít nhất là bằng cảm nhận...




Mưa để cô cháu gái phương xa thấp thỏm nỗi lo cho ông bà ngoại. Cháu xem thời sự thấy quê mình ngập sâu trong nước, vội vã điện về cho ông bà. Nỗi lo căng dần theo từng tiếng tút...tút phía bên kia đầu dây.




Mưa để đứa con đi học xa nhà đắn đo theo từng nỗi nhọc nhằn của ba mẹ. Dù phải “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” ba vẫn quyết định cho cô con gái theo học ở một ngôi trường danh tiếng. Với ba mẹ, mưa là nỗi lo thường trực, dai dẳng. Ngọn mía, ngọn mì mới nhú mẹ cầu cho mưa xuống, cỏ dại vừa làm xong ba mong trời đừng mưa.




Mưa dắt cô học trò nhỏ trở về những ngày xưa tắm mưa cùng lũ bạn. Cái lũ bạn mà mùa nắng thì khét mùi tóc cháy, mùa mưa thì tanh mùi bùn đất. Đổi lấy niềm vui tắm mưa trẻ con ấy là những trận roi hằn mông của ba. Nhờ mưa mà bé đã được sống vẹn nguyên với chất thôn quê giữa lòng phố thị.




Đầu tiết bé còn tất tả chạy từ sân trường đầy nắng lên tít tầng ba thì hết tiết đã tí tách mưa trong sân trường xanh những bóng cây. Mưa để lũ bạn học thêm sau giờ chính khóa kiếm cớ xin cô nghỉ học rồi cả bọn kéo nhau đi ăn bánh xôi chiên. Có đứa nghịch ngợm trút thật nhiều tương ớt cho đứa bên cạnh. Đứa nọ thì thừa cơ hội bạn mình không để ý chộp ngay miếng bánh đang xơi dở, rồi cãi nhau chí chóe, rồi lại cười vang...




Mưa để ai đó đèo ai trên xe đạp, người ngồi phía sau tay cầm ô che mưa và miệng khẽ hát lên những ca từ tuyệt đẹp trong bài hát về nàng công chúa bong bóng. Mưa là cái cớ để tình bạn có thêm những giây phút khó quên, là đốm lửa sưởi ấm tình cảm trong nhau.




Và mưa làm nên dòng sông kỷ niệm của riêng mỗi người...

Xuân đợi

Xuân đợi

PHẠM THỊ THẾ NGUYÊN


Sớm tinh mơ em đến
Như luồng gió nhẹ nhàng
Thoảng một chút bụi ướt
Của mưa xuân vừa sang.

Sớm tinh mơ em đến
Mang theo một nhành đào
Lời em mềm như cỏ:
“Tặng anh chút mùa xuân”.

Sớm tinh mơ tôi đợi
Đợi em ghé qua nhà
Cùng hương xuân miền Bắc
Dạo nhạc bản tình ca

Tôi đã đợi như thế
Suốt mỗi độ xuân về
Lời em có là gió
Mà cuốn cùng khói mây

Cứ mỗi mùa xuân qua
Một mình tôi đứng đợi...

Chút ấm đầu xuân...

Chút ấm đầu xuân...
VŨ THỊ HUYỀN TRANG

… Cái lạnh tháng 12 như chút kỉ niệm cuối cùng mà Đông muốn để lại trong lòng người. Như lời giã biệt của một mùa đầy giá rét, đầy gió lạnh, đầy mưa và đầy nỗi nhớ... Sẽ không còn những cành cây dài khẳng khiu rụng lá, trơ vơ giữa những đêm đông lạnh buốt, không còn nghe xào xạc tiếng gió lùa trên mái, và cũng sẽ không còn cái nỗi nhớ quay quắt hơi ấm của mùa xuân... Và Xuân đến... trong sự chờ đón của tất cả những trái tim đang rung lên theo nhịp bước xuân về…


Xuân về, én sẽ về, hoa sẽ nở, cây sẽ đâm chồi nẩy lộc, bầu trời sẽ trong veo xanh thẳm, mặt trời sẽ nhẹ nhàng trải những vạt nắng vàng của mình xuống khắp cỏ cây và muôn vật, gió sẽ không lạnh buốt như Đông mà sẽ mang theo hơi ấm của nắng, của sự sống đang hồi sinh. Người sẽ lại gần gũi nhau hơn...


Đạp xe trên phố sẽ có thể đạp chầm chậm lại... nghe gió thổi bên tai, nghe hàng cây khẽ rùng mình rụng lá, rồi chợt nhận ra những chồi non đang dần nhú... sẽ có đủ thanh thản và bình yên để nhận thấy sự đổi thay của mọi vật. Qua rồi những vòng xe đạp vội tránh những cơn gió tái tê da thịt, lòng lại chợt ấm mỗi khi bắt gặp một nụ cười thật hiền, một ánh mắt thơ ngây của ai đó cũng đang suy nghĩ vẩn vơ như mình... Xuân, nhưng vẫn thấy thật lạnh, nhất là đối với những ai đang một mình.... cần lắm một bàn tay để lồng vào đấy, những ánh mắt yêu thương, và cả những trái tim sẵn sàng gạt những ích kỉ, suy tính tầm thường để nhường chỗ cho sự bao dung, nhân hậu...


Xuân mang đến cho con người nhiều hơn những gì mà họ có thể tưởng tượng... Nếu Thu mang đến cho con người những nốt trầm xao xuyến của trời đất, Đông mang tình yêu và nỗi nhớ trong giá rét, trong thổn thức, trong cô đơn, Hạ mang sinh lực của trời đất đang hồi sung mãn, thì Xuân lại mang đến sự khởi đầu đầy tuyệt diệu cho sự sống ấy...


Xuân mang đến cho ta một tình yêu đủ nồng nàn để sưởi ấm những trái tim băng giá, một niềm tin đủ lớn để thực hiện những hoài bão, ước mơ và một tấm lòng đủ rộng để san sẻ tình yêu thương cho đồng loại... Và cái Tết cổ truyền của dân tộc mình sẽ thêm ấm áp, thêm niềm vui bởi vì tình người - đó là món quà Tết ý nghĩa nhất mà mọi người dành đến cho nhau, và cũng bởi vì Xuân đến mang theo Tết, mang theo những khúc hoan ca không phải chỉ của trời đất mà còn của lòng người ....

Viết cho mối tình đầu

Viết cho mối tình đầu

LỆ HẰNG

Lộp bộp!Lộp bộp!



Mưa, mưa rồi. Những làn mưa mỏng thật mỏng giăng mắc cả không gian như những hạt tuyết bay lả tả trên sân trường. Bọn con gái tíu tít tung ô, bọn con trai hí hửng xin theo về cùng. “Mưa đẹp thật!” Giọng một ai đó vừa hoà vào tiếng mưa. Tớ giật mình quay lại nhìn đứa con trai lạ hoắc, là cậu đó, bằng con mắt mở to. Và cậu đã bước vào cuộc đời tớ với một chiếc ô cùng cơn mưa đang mỗi lúc một nặng hạt.



Cậu còn nhớ không, những cơn mưa như chỉ mới chiều hôm qua, cậu cùng tớ trú mưa dưới gốc cây trứng cá. Cậu đưa tay ra hứng mưa rồi vốc cả vào mặt tớ. Tớ giận dỗi đấm thình thịch vào lưng cậu thế mà cậu còn bẹo má tớ. “Con gái lớn rồi không cho phép cậu trêu như hồi còn bé nữa đâu nhé!” Cậu cười tinh nghịch. Nhưng cậu có biết đâu chính nụ cười ấy đã tắm mát những rong ruổi ngày thơ của tớ. Có lẽ tớ thích cậu từ đó.



Lên lớp 10, khi trái tim tớ bắt đầu biết lỗi nhịp trước một bạn trai thì cậu đã là một chàng trai biết làm điệu. Đám nữ sinh vây lấy cậu thật là đáng ghét. Ấy vậy mà cậu còn tỏ ra galăng nữa chứ. Tớ giận, thật giận nhưng vẫn cảm thấy hạnh phúc khi cậu đến đón tớ sau mỗi giờ học thêm. Cậu còn bảo được đưa tớ về nhà là niềm hạnh phúc của cậu, lúc ấy, hai má tớ nóng bừng lên. Tớ nhớ khoảnh khắc hai đứa đạp song song dưới những cơn mưa phùn. Tớ len lén nhìn cậu và rồi tớ không thể kiểm soát được nhịp đập của trái tim mình nữa. Tớ trách: “Dạo này cậu thích tán tỉnh con gái nhỉ?” Cậu cười. Lại cười. Tớ thấy lòng mình dịu hẳn. Mưa ơi, sao tớ lại thích cậu ấy đến thế!



Rồi từng cơn mưa qua đi, đêm nào tớ cũng gấp hạc giấy, tớ nghĩ nếu đủ 1000 con thì ước nguyện: “Cậu là mối tình đầu của tớ sẽ thành hiện thực”. Tớ đã chờ những cơn mưa che cùng chiếc ô như ngày nào. Tớ đã viết cho cậu hàng mấy chục bức thư kể từ sau mỗi giấc mơ thấy nụ cười đáng yêu của cậu. Tớ vui vẻ nhận làm quân sư giúp cậu “đối phó” với những tình cảm mà người ta dành cho cậu. Thế nhưng sau nụ cười ấy, tớ vẫn thường hay rất lo lắng: “Liệu trái tim cậu có bị xao động chưa?”.



Và rồi tớ nhớ vào cái hôm tớ đem 1000 con hạc bé tí xinh xinh đến lớp, cậu đã gửi cho tớ một bức thư nhỏ. Làm sao tớ quên được nét chữ quen thuộc ấy: “Có lẽ tớ đã thích cô bé lớp bên. Tớ phải làm sao đây, giúp tớ với!” Đó là lần đầu tiên mà tớ không chờ chiếc ô của cậu. Tớ chợt nhận ra rằng, nước mưa cũng có vị mặn chát.



Tớ đã ốm vì bị nhiễm lạnh. Từ ngày đó, tớ ghét những cơn mưa, tớ ghét cái cảm giác cô đơn đến khó tả khi nhìn hạt mưa cứ vô tư rơi rỉ rả ngoài cửa lớp. Mưa hồn nhiên vươn trên những nhành phượng, chốc chốc lại sà xuống bất chợt vào đôi bạn đi trên sân trường.



Tớ nhớ về những ngày tháng đã qua…Lộp bộp, lộp bộp! Mưa càng lúc càng to, sân trường cũng bắt đầu vắng dần. Tớ nghe trong tiếng mưa giọng nói quen thuộc: “Người ốm không được về một mình dưới mưa đâu, cùng về nghe!” Giọt nước mắt đáng ghét bỗng chảy dài trên má. Tớ không biết mình đã khóc cho một cái kết thúc hay sẽ là mở đầu cho một tình bạn mới.



Ôi mối tình đầu của tôi ơi!

Khúc ca của gió

Khúc ca của gió
TRẦN LÊ THUẬN ÁNH

Chẳng biết cô nàng Vương Linh lang thang ở đâu mà mang vào lớp nguyên con sâu tổ chảng. Vừa bước vào lớp, nhỏ Tuyết Vy đã la toáng lên:

Trời ơi! Con sâu! Sâu nái!


Vương Linh nhìn ngang ngó dọc:


- Sâu đâu?


Trên đầu mày đó!


Vương Linh hét toáng lên, mặt tái mét không còn giọt máu. Trên đời, cô nàng huyền đai vovinam này không sợ trời không sợ đất chỉ sợ... sâu. Vương Linh giậm chân giậm cẳng:


- Ai lấy nó xuống giùm tui với! Tui xin hậu tạ một chầu chè.


Vừa lúc Phong ôm cặp lò dò vô lớp. Thấy cô bạn nhảy tưng tưng, miệng la oai oái, anh chàng rút cây thước kẽ hất con sâu xuống rồi đem con sâu ra ngoài. Lũ bạn vỗ tay lốp bốp.


Anh hùng cứu mỹ nhân! Ha, ha... thằng quỷ Thiên Vũ oang oang cái miệng.
Phong hất hất mái tóc rễ tre:


- Tui là anh hùng thì chính xác 100% rồi, nhưng đây mà là mỹ nhân à?


Nói rồi hắn ôm cặp xuống bàn ngồi để lại nỗi tức cành hông cho Vương Linh.


Thật ra, từ lâu Vương Linh và Phong đã có mối bất hòa. Nhà hai đứa ở sát cạnh nhau, nhị vị phụ mẫu thường xuyên qua lại và ký kết hiệp ước cho tụi nó khi tụi nó còn co ro trong bụng mẹ.


Nhưng mặc kệ cái hiệp ước ấy, hai đứa chẳng bao giờ ôn hòa được với nhau. Lúc nhỏ, hơi tí là đánh nhau, không nói chuyện với nhau đến cả tuần. Lớn lên, đằm tính lại một chút hai đứa không còn đánh nhau đến toạt da nhưng vẫn cãi nhau chí chóe. Ví dụ như:


- Ê, bà làm gì mà tấp rác sang phía nhà tui thế hả?


- Nó tự bay sang chứ ai tấp!


- Tự bay sang mà lại biết dồn đống thế này à?


- Do nó có tinh thần đoàn kết đáng khen chứ bộ!


Hay:


- Nè ông kia! Mấy cây cảnh của ông rụng lá xuống đầy sân nhà tôi đây này!


- Nó rụng thì bắt nó nhặt, kêu tui làm gì?


- Tui có bảo chúng nhặt nhưng chúng bảo gọi cậu chủ Thanh Phong qua nhặt giúp!


- Ừ, để tôi qua! Sẵn tiện cho tôi “nhặt” luôn poster Châu Kiệt hôm qua “đánh rơi” ở nhà bà luôn!


- Ấy, ấy! Thôi, coi như tha cho ông đấy!


oOo


Hôm nay là sinh nhật lần thứ mười bảy của Vương Linh. Cái tuổi bẻ gãy sừng trâu. Vương Linh nhận được bao nhiêu là quà cùng những lời chúc mừng. Nhưng vẫn còn thiếu một người.


- Ê, ông biết hôm nay là ngày gì không?


- Biết! Mười bảy tuổi rồi, dịu dàng chút coi! Hôm nay là sinh nhật của bà chứ gì!


- Biết sao ông còn làm lơ?


- Chả phải hồi sáng tôi đã bắt sâu giúp bà sao! Chỉ có hôm nay mới thế chứ còn thường ngày thì đừng mơ!


- Ông...


- À, suýt nữa thì quên chầu chè! Chút nữa tan học tui chờ bà đi ăn chè, cấm chuồn cổng sau chạy làng đấy!


- Ai thèm chạy làng! Đồ con trai keo kiệt, chả galăng chút nào! Sau này ông ế dzợ luôn. Xí!


oOo


Lúc ra về Vương Linh thấy có một món quà xinh xắn đã nằm sẵn trong giỏ xe. Về đến nhà (tất nhiên là sau khi trả tiền ba ly chè cho Phong, con trai gì mà ăn chè phát khiếp!), Vương Linh mở tất cả những gói quà ra. Món quà nào cũng xinh xắn và có một tấm thiệp be bé đề tên người tặng. Duy chỉ có món quà trong giỏ xe là không như vậy. Wa! Một chiếc chuông gió. Không biết của ai. Vương Linh còn nghi nghi ngờ ngờ không biết có đúng là nó dành cho mình không.


Đến mấy hôm sau Vương Linh cố điều tra nhưng chẳng có kết quả gì. Bố đi công tác về. Vừa vào đến nhà bố đã rung rung cái chuông gió ấy và bảo:


- Ui cha, nhà mình có cái Phong Linh xinh quá! Đâu ra vậy?


Bấy giờ, Vương Linh mới chợt hiểu ra: Phong Linh là chuông gió, chuông gió là Phong Linh.

Câu lạc bộ Sáng tác trẻ Phú Yên

Câu lạc bộ Sáng tác trẻ Phú Yên


Thành lập vào ngày 5.1.2008, hơn một năm qua Câu lạc bộ Sáng trẻ Phú Yên (CLB STT PY) đã bước đầu gây được tiếng vang trong giới sáng tác trẻ Phú Yên.

Tiền thân của CLB STT PY là Bút nhóm Rơm Vàng, từng chiếm được nhiều tình cảm yêu quý của bạn đọc trẻ Phú Yên. Vào cuối năm 2007 Rơm Vàng có nguy cơ tan rã, là một người hết lòng tâm huyết với bút nhóm, bút trưởng Cao Vĩ Nhánh không đành lòng để những đứa con tinh thần của mình lạc lõng nên một lần nữa anh ráo riết tìm nguồn tài trợ, giúp đỡ để xây dựng nên một nhóm sáng tác mới mang tên CLB STT PY. Thật may mắn, nhờ bắt gặp sự bảo trợ, dìu dắt tận tình của Chi hội Văn học thuộc Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Phú Yên, CLB dần dần đi vào ổn định

Hôm ra mắt, CLB đã có một buổi giao lưu, học hỏi thân tình, bổ ích, thiết thực xung quanh các vấn đề phương pháp sáng tác, tìm kiếm và xử lý đề tài, trau dồi, gọt giũa ngôn ngữ… với các nhà thơ, nhà văn tên tuổi của Phú Yên như:
Đào Minh Hiệp, Ngô Phan Lưu, Triệu Lam Châu, Huỳnh Văn Quốc, Phương Trà…

Từ khi ra đời đến nay, CLB STT PY thật vinh dự được hai lần giao lưu với các nhà văn, nhà báo đến từ Thành phố Hồ Chí Minh:
Nhà văn Đoàn Thạch Biền (Báo Áo Trắng), Nhà báo Ngọc Thúy (Báo Mực Tím).

Hơn một năm qua, hàng loạt cây bút trẻ triển vọng của CLB như: Huyền Trang, Thế Nguyên, Yến Ly, Kim Thoa, Ngọc Huyền, Phụng Thuyên, Nguyên Bảo, Khánh Duy, Thư Nhã, Anh Thư, Tường Vi, Lệ Hằng, Thuận Ánh…bắt đầu định hình phong cách sáng tác riêng và đã góp mặt trên nhiều tờ báo từ trung ương đến địa phương:
Báo Phú Yên, Tạp chí Văn Nghệ Phú Yên, Thiếu Niên Tiền Phong, Mực Tím, Áo Trắng, Tài Hoa Trẻ…

Chất keo từ niềm đam mê viết lách không chỉ gắn kết các thành viên với nhau trên phương diện sáng tác mà họ còn yêu thương, quan tâm, giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống.

Hiện tại CLB gồm 25 thành viên, hầu hết là các bạn học sinh trên địa bàn thành phố Tuy Hòa và các vùng lân cận. Cựu bút trưởng Bút nhóm Rơm Vàng Cao Vĩ Nhánh giữ chức chủ nhiệm. Quy trình tập hợp bài của CLB chủ yếu qua email nên vào những dịp đặc biệt CLB mới tổ chức họp mặt, trao đổi bài vở.

Phương châm hoạt động của CLB là không ngừng phấn đấu, rèn luyện để ngày càng có những trang viết hay hơn, đặc sắc hơn. CLB hy vọng sẽ là địa chỉ văn chương thú vị để các tâm hồn yêu thích văn chương ghé thăm. CLB rất mong được giao lưu, học hỏi với các bạn đọc trẻ trên cả nước.


Xin liên hệ với CLB theo địa chỉ: caovinhanh@gmail.com
Điên thoại: 0979 091 522