Chủ Nhật, 19 tháng 4, 2009

Những mùa thi

Những mùa thi


NGUYỄN HỮU HÔN


Không còn ai đạp chung những vòng xe
Về phía con đường quán cóc
Không còn ai nhớ, và nghe
Về những ngày đi học


Gã con trai hay buồn
Xếp ước mơ để một ngày rong chơi cùng ký ức
Một cuộc hẹn nhau, những mái đầu rối bù, rối ngược

Những cái lắc đầu, mình bận quá, mùa thi
Mang cánh diều chòng chành vác tuổi thơ đi
Với ta bây giờ là đại học
Bây giờ không còn là 12 dại khờ thằng nhóc
Bây giờ là cà phê đêm, là tơi tả học bài…

Thèm một cái choàng vai
Những mùa thi khờ dại
Ước mơ ngờ nghệch biết sẽ là miền xa ngái…



Mùa phượng cuối

Mùa phượng cuối



VÕ THỊ LỆ
ĐH KHXH & NV Tp. HCM





Tháng 3 đi qua, bao giờ học trò cũng mang tâm trạng khác mọi ngày. Học trò để ý nhiều hơn đến những hàng phượng vĩ. Thưở cắp sách đến trường, ai cũng mong mùa hè đến nhanh để thỏa sức với cánh diều lộng gió và những cuộc vui cùng bè bạn. Nhưng có một mùa hè học trò mong thời gian trôi chậm…thật chậm. Bạn bè tôi thường gọi đó là mùa phượng cuối của học sinh.




Người ta luôn nhận ra dấu hiệu của mùa này với mùa khác bởi những đặc trưng của nó. Hạ có màu vàng vọt của nắng, màu đỏ rực của hoa phượng và màu… lo lắng của mùa thi. Học trò cuối cấp là vậy - khi màu đỏ của phượng bắt đầu xuất hiện cũng là lúc những quyển lưu bút được chuyền từ người này qua người khác kèm theo lời nhắn “ Nhớ tặng mình một tấm hình làm kỉ niệm”. Trước đây, lớp tôi may mắn được học ở tầng 2. Giờ ra chơi, cả lớp đứng kín hành lang rồi nhìn xuống con đường tấp nập cộ xe. Nơi đó, chuyến xe nào sẽ mang những ước mơ các cô cậu lớp 12 trở thành hiện thực?




Chọn ngành thi, vẫn là vấn đề muôn thưở của học trò cuối cấp. Bỗng dưng thấy vầng trán nhỏ lớp trưởng nhăn lên như bà cụ. Vài cặp mắt đăm chiêu, vài tiếng thở dài…Cô chủ nhiệm thường đùa đó là “nét riêng” của học trò cuối cấp. Những tiết học bị trống trở nên quý báu, cả lớp đèo nhau lên nhà nhỏ bạn “vặt” những trái xoài chưa kịp đổi sắc vàng, những làn khói bay lên giữa đám bắp, những khuôn mặt lem màu lọ vừa hì hục thổi cho nồi bắp mau chín vừa nhìn nhau cười giòn tan. Trong phút chốc, bao nhọc nhằn toan tính bị thiêu rụi bởi ngọn lửa giữa trưa hè.




…Mùa khai trường năm sau…Lớp tôi mỗi đứa một nơi và có những ngả rẽ riêng. Niềm vui trong cuộc sống được cảm nhận dưới nhiều góc độ khác nhau. Nhưng trong những lời tâm sự có chung một điều không biết đó là sự tự hào hay nuối tiếc. Nơi mỗi đứa đang sống không có nhiều hoa phượng. Những con đường thẳng tắp nguyên một màu nắng chứ không tạo thành vệt dài. Ngôi trường tôi đang học hội tụ khá nhiều loài hoa - giản dị có, kiêu sa có nhưng vẫn không tìm thấy sự sống của loài phượng. Chúng tôi nhận ra mùa hè bằng kì thi kết thúc học phần và bảng thông báo chuyến dịch mùa hè xanh. Chẳng tìm thấy những giờ giải lao thả hồn cùng mây gió, chỉ có tiếng sột soạt của những bịch xôi cho bữa sáng, tiếng lóc cóc của máy vi tính. Vội vã.




Thật lâu, nhỏ bạn học ở Đà Lạt mới mail cho tôi những dòng chữ gõ vội trong giờ học cùng những tấm ảnh nhỏ đứng nép mình dưới gốc phượng tím. Vậy mà trước đây tôi bảo nhỏ bịa chuyện, “ làm gì có phượng màu tím?”. Muốn một lần lên Đà Lạt, một lần chạm tay vào những cành phượng tím, một lần… để những kỉ niệm về mùa phượng cuối không còn là nỗi nhớ âm ỉ khi mùa hạ lại về...

Viết cho học trò năm cuối

Viết cho học trò năm cuối

VÕ THỊ NGỌC DUYÊN

Lũ học trò năm cuối thật là ngoan
Cặm cụi hết mấy mùa thi rồi nhỉ
Có cô bé muốn trở thành thi sĩ
Học xong rồi đi nhặt lá tương tư


Học xong rồi ngồi viết những lá thư
Gửi ai đấy bàn trên hay bàn dưới
Gửi nhanh lên kẻo hạ về tức tưởi
Mưa là thôi ướt áo đấy em à

Mưa mà coi có một kẻ thật thà
Ô của mình cứ nghiêng che người khác
Mưa ồn ào mà có người cứ hát
Bài hát này ai cũng thuộc hết ta?

Là học trò năm cuối sẽ đi xa
Dẫu muốn nói cũng xin người đừng nói
Để lòng mình không bao giờ nhức nhối
Chuyện của mai hãy để đến ngày mai..

Mưa hạ

Mưa hạ



PHAN MAI THƯ NHÃ


Nắng cháy nóng nửa mùa đã mệt nhoài con phố. Từng bước chân thấm nặng giọt mồ hôi. Ướt áo ai vạt nắng đầu mùa lúng liếng, nhẹ nhàng thoang thoảng hương hạ một chiều mưa! Ừ,…là cơn mưa hạ ngập ngừng trước gió, tóc ai tung xỏa giữa trời mây, trong suốt từng giọt lung linh cổ tích. Bài hát nhỏ thích nhất bỗng dịu dàng cất lên, vang vọng trong không gian mà nhịp nhàng tận tiềm thức.


“Nhớ em vội vàng trong nắng trưa
Áo phơi trời đổ cơn mưa…”


Là bài hát "Một mình" của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Hôm nay, nhỏ cũng…một mình…Ngẩn ngơ nhìn làn mưa trong suốt hồi lâu, nhỏ bật cười…Mùa hạ lạ thật, chẳng khác nào tâm trạng của một cô gái mới lớn, chợt nắng, chợt mưa, hồn nhiên đến lạ! Nhoẻn miệng cười, nhỏ thấy mình so sánh thật chính xác, chỉ có điều…trái tim nhỏ dường như cũng thích bắt chước mùa hạ mất rồi! Nắng trốn ở đâu cho nhỏ một mình?! Bâng khuâng chiều nội trú…buồn hiu! Mưa nhạt nhoà trên mắt ai, nhớ…


Nắng rải một màu vàng rực trên con đường đầy hồi ức. Nắng ngập đầu nhuộm đầy một màu vàng beng béc…Nắng lặng lẽ đến theo tiếng ve với những nhành phượng rực lửa và nhí nhảnh xen qua kẽ lá rơi trên mắt ai, "ai ấy" vội vàng đưa tà áo che duyên làm nắng vui mừng hồn nhiên nhảy lên những vũ điệu nhộn nhịp theo gió…




Nhớ mái tóc chẻ ngọn khét mùi nắng giữa trưa hè đi bắt cá. Nhớ cánh diều vi vút tận triền đê tung cao cùng những bước chân bé xíu và hương hoa dại ngan ngát bao trùm cả không gian ngày thơ bé. Nhớ làn da ngăm vì ăn nắng trong những chiều vùng vẫy dưới nước. Biết làm sao khi tha thiết nhớ về những cơn sốt làm bà lo lắng ngồi bên cả đêm mệt nhoài chiếc lưng còng bé xíu và những lúc mẹ thủ thỉ gội đầu bên ao dặn rằng đừng dang nắng…


Nhỏ nhìn cơn mưa hạ với bao tiềm thức trỗi dậy, không gian tràn ngập nắng thuở nào xa nhớ! Đưa tay hứng những giọt mưa, nhẹ nhàng ngửi thấy mùi khen khét thân thương phảng phất đâu đây!...

Mười hai

Mười hai
NGUYỄN HỮU HÔN


Bỗng dưng thấy mình lớn hơn một chút
Mười hai ơi sao quá đỗi nghi ngờ
Mới ngày nào còn dỗi hờn nghịch ngợm
Có đứa buồn có đứa cũng mộng mơ.

Bỗng dưng thấy mình ngoan hơn một chút
Mười hai vùi đầu vào sách vở lo toan
Ta dậy sớm, chạy đua cùng thời gian đang mỏi mệt
Chỉ tội nhỏ em hai mắt cứ xoe tròn.


Bỗng dưng thấy người ta xinh hơn một chút
Con gái dịu dàng trong mắt những bạn thân
Tóc xù kiếng cận bớt đùa trong giây phút
Lạ nhỉ, mười hai cũng có đứa bần thần.


Nhanh lên chứ giữa mùa thu đến lớp
Mỗi nét chữ hồng là mơ ước em gieo
Gửi những niềm tin vào chân trời rộng mở
Mười hai bắt đầu, thuyền mơ ước buông neo.

Có một cơn mưa giữa ráng chiều

Có một cơn mưa giữa ráng chiều
NGUYỄN ĐẶNG TƯỜNG VI
11A3, THPT Ngô Gia Tự

- Sau ráng chiều là gì hả chú?





- Là bình minh.





- Không! Là đêm chứ!





- Bình minh.

Bé lớn lên ở một góc nhỏ thành phố, hoàn toàn tách biệt khỏi không khí ồn ã, nhộn nhịp. Nơi bé ở, bốn bề là hoa, những loài hoa đủ hương, đủ sắc. Anh đã choáng ngợp trước một sắc vàng hướng dương rực rỡ. Bé bảo yêu hướng dương, yêu mùa xuân, yêu nắng, yêu mặt trời, yêu cuộc sống. Nhưng bé không yêu bình minh. Bé bảo bình minh tươi sáng và hoàn hảo quá. Mà cuộc sống này, làm gì có cái hoàn hảo được như bình minh? Bé thích ráng chiều. Khi những áng mây bay cả về trời, chân trời phía tây rọi màu mỡ gà lên những đóa hướng dương của bé, bé biết một ngày nữa lại qua, cuộc sống lại sắp có thêm một ngày mới. Bé đâu thích màn đêm. Nhưng quả thật, sau ráng chiều, bé chỉ thấy đêm mà thôi.

- Ai đây hả ba?

- Má con đó!

- Thế má đâu rồi ba?

- Má đến bình minh rồi con à.

- Bình minh là đâu hả ba?

- Bình minh ở xa lắm. Khi nào con thấy mệt mỏi, con sẽ đến bình minh.

Ừ! Má bé đã đi đến bình minh mất rồi, một nơi rất xa, mà rồi bé cũng sẽ đến.

Bé sinh ra vào một ngày mưa mùa xuân cách đây lâu lắm. Ba nói, mùa xuân năm ấy rất đẹp. Cơn mưa lúc ráng chiều bé ra đời cũng rất đẹp. Hướng dương nở vàng rực cả cánh đồng hoa. Bé hồng hào, xinh xắn như hoa. Ba kể, má bé chưa kịp nhìn đôi mắt đen láy giống má của bé thì đã buông tay về với đất. Khi sinh ra, bé không khóc như bất kỳ đứa trẻ nào, bé chỉ cười, cười khi giọt nước mắt nóng hổi, vô thức của má bé rơi xuống đôi má phúng phính của bé.

Và như thế, bé thành đứa trẻ mồ côi, không mẹ và có lẽ không cha.

Ba là người thân duy nhất của bé.

Bé không phải là con ba. Cả cuộc đời, ba bám chặt đồng hoa này mà nuôi bé, thực hiện lời hứa với một người dưng.

Má bé không đẹp mà tàn tạ. Ba gặp má bé vào một sáng mùa đông, má bé rũ rượi giữa cánh đồng hướng dương. Lúc ấy, má có mang bé đã sáu tháng. Ba bế má vào nhà, chăm sóc, cưu mang má. Ngôi nhà vắng lặng ấy có thêm bàn tay phụ nữ, thêm những tiếng nói cười.

Anh hãy nuôi nó, nó đáng thương lắm!

Ba hứa, và đã mất cả cuộc đời cho lời hứa ấy.

Chưa một người đàn bà nào bước qua được cánh cửa nhà ba, sau má.

oOo

- Nếu sau này mất đi, chú ước mình sẽ trở thành cái gì?

- Hướng dương.

- Em sẽ là ráng chiều.

- Đừng là ráng chiều. Ráng chiều là tàn lụi.

- Không! Em sẽ ráng chiều!

Bé hay nói về kiếp sau với ước mơ trở thành ráng chiều. Những lúc ấy, gương mặt bé buồn đến lạ lùng.



oOo


Đó là tình yêu, phải không ba? Tình cảm ba dành cho má con. Ba chờ đợi gì ở má con? Chờ một linh hồn về trả ơn sao? Má con không về đâu ba! Và lẽ ra, tình yêu ba dàn cho má không nên bắt đầu. Với má, ba chỉ là người dưng.

Bé chạy vụt đi. Bóng bé khuất dần sau bụi hướng dương. Làm gì khi người ta lớn nhỉ? Lớn, và đủ lớn để hiểu cuộc sống không bao giờ như ta mong muốn.

Chú ngồi cùng em được không?

Chiều hôm ấy, bé ngồi ở vườn hướng dương đến tận đêm. Khi anh tìm ra bé, tóc bé đã ướt đẫm sương đêm. Tay bé lạnh cóng. Anh có cảm cảm giác bé đang ở nơi nào xa lắc, chứ không phải ngồi trước mặt anh. Anh bế bé vào nhà khi gà đã gáy sáng. Bé không khóc như mọi khi. Bé chỉ thiếp đi khi những giấc mơ chập chờn trước mắt. Đôi khi, người ta mệt mỏi vì những giấc mơ.

Gần đây, bé hay chịu những cơn đau lạ lùng, những cơn đau chợt đến và không thuốc nào chữa được. Đôi mắt ba nhìn bé buồn lắm. Nếp nhăn trên trán ba sâu thêm rất nhiều.

Từ lúc sinh ra, bé đã yếu ớt. Ba bé lờ mờ nhắc đến một căn bệnh nào đó mà bé không hiểu hết. Chỉ biết, rồi nó sẽ mang bé đi khỏi ráng chiều.

Ba bé rất ít nói. Nếu nói, ông chỉ nhắc đến má bé. Căn nhà lúc nào cũng trầm lặng. Quanh năm tràn ngập gió, tràn ngập nắng, hương hoa và những ráng chiều. Cứ nhốt mình vào một nơi như thế này thì sự bình yên sẽ mãi tràn ngập quanh người ta phải không? Nếu thế, hẳn người ta sẽ lười biếng lắm nhỉ? Lười bước ra với cuộc đời.

Bẵng đi một thời gian, anh không đến vườn hoa. Bé đã bảo anh làm thế, bé muốn anh hãy bước ra khỏi cuộc đời bé.

Và anh đã bước đi.

Cuộc đời thật rộng. Anh đi tình nguyện. anh gặp nhiều người, nhiều cuộc đời, anh cười nhiều hơn và tập cách mang nụ cười đến cho người khác. Anh thấy yêu những đứa trẻ đen đúa, ngây ngô, có nụ cười hồn nhiên và hay gọi anh bằng “chú” - như bé. Trong giấc mơ anh, tiếng gọi trong veo từ đồng hoa vẫn vọng vào từng ngóc ngách.


oOo

- Ba biết sẽ tới. Đã ba năm rồi!

- Bé đâu hả ba?

Ba bé cúi đầu. Anh thấy lòng nhói đau.


“Gửi chú!

Cho em được nói lại một câu em từng nói “Lẽ ra, tình cảm của em và chú không nên bắt đầu”. Ngay từ đầu nó đã phi lý và sai lầm. Nhưng em chưa khi nào hối hận về tình cảm của mình.

Ba em và má em đều là những con người tuyệt vời. Khi má đến với ba, má đã trao đi rất nhiều, cả tấm lòng, cả tính mạng. còn điều má nhận lại? Căn bệnh khiến má chết đi. Cha ruột có yêu má hay không? Em không biết. Nhưng em biết, em được sinh ra trong tình yêu, chí ít là của má. Ba em đã hi sinh cả cuộc đời cho một tình yêu biết là không đền đáp. Họ là những người khiến em tự hào.

Đã từng có lúc em nghĩ, tình yêu chẳng qua chỉ là thứ tình cảm nhố nhăng, vô nghĩa. Nhưng giờ thì em tin, chẳng có gì là không thể, khi người ta biết yêu.

Cảm ơn cuộc đời đã mang chú đến với em.

Em vẫn cứ ước được là ráng chiều. Sau ráng chiều là sự lớn lên của hướng dương, phải không chú?
Bình minh đến rồi kìa! Có mưa ngâu nữa đó chú!”

Bức thư có kẹp theo tấm ảnh một cô bé mặc bộ áo dài trắng, tay ôm bó hướng dương, trên môi nở nụ cười tươi tắn.

Trở lại vườn hoa, anh đi thắp hương cho bé. Mộ bé được xây ở cuối vườn, nơi hướng về phía ráng chiều.

Anh vẫn ước được là hướng dương.



N.Đ.T.V
Email: nguyendangtuongvi@gmail.com
ĐT: (057) 3559386

Thứ Hai, 13 tháng 4, 2009

Cô bé không đi hài

Thơ Võ Thị Ngọc Duyên

Võ Thị Ngọc Duyên, cầm tinh con Rồng, hiện đang là sinh viên năm 3 trường ĐH Nha Trang, một trong những gương mặt thơ tiêu biểu hiện nay.

Duyên là cựu học sinh chuyên Văn , trường THPT chuyên Lương Văn Chánh, Phú Yên, từng đoạt giải 3 cuộc thi thơ Bút Mới lần thứ 7 năm 2008 trên Báo Tuổi Trẻ Tp.HCM với bài thơ "Cô bé không đi hài".

Cô bé không đi hài


VÕ THỊ NGỌC DUYÊN

Chào bé con không thích đi hài như cổ tích
Có hao gầy khuất lấp những nẻo đêm?
Lộc cộc một mình những đêm gió trở
Tiếng rao, lạo xạo rơi...

Bàn chân trần thuộc hết cả phố khuya
Lén nghe một cung đàn dang dở
Từng đêm
Dưới ô cửa không màu.

Bàn chân trần vì thương mẹ nay ốm mai đau
Tóc sương chưa đêm nào khuất gió
Một mình mỗi đêm gian khó
Lộc cộc tuổi già tha hương.

Bàn chân trần thơ ấu còn vương
Giẫm lá khô xạc xào qua từng hẻm phố
Nhớ nghe em âm thanh của những mùa lá đổ
Rồi một mai cổ tích sẽ quay về

Anh sẽ mang cho em đôi hài vạn dặm
Và khỏa lấp hết những tháng năm buồn.

Chủ Nhật, 12 tháng 4, 2009

Tôi yêu

Tôi yêu




LÊ THỊ YẾN LY
CLB Sáng tác trẻ





Tôi yêu màu nắng sớm
Tỏa ánh sáng vàng rực
Ngập sắc trời biếc xanh
Lẫn nỗi nhớ mong manh

Tôi yêu màu lá me
Loay hoay khi về hè
Có ca sĩ ve sầu
Ngân khúc nhạc đồng quê

Tôi yêu ngọn cỏ non
Đẫm giọt sương long lanh
Phản chiếu một màu xanh
Cho hồn ai miên man

Tôi yêu cánh phượng đỏ
Rung rinh cơn gió nhẹ
Ướt đẫm hương mùa hè
Như giọt nắng tuổi hoa…

Thứ Năm, 2 tháng 4, 2009

Khoảng trời xa

VÕ THỊ LỆ

Sinh năm 1989
Sinh viên năm 2, Khoa Báo chí,Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn, Tp. HCM

Có bài đăng trên nhiều báo và tạp chí.

Đôi lời: Tôi thường mệt nhoài với những suy nghĩ. Cuộc sống cho tôi nhiều kinh nghiệm nhưng cũng làm tôi chai sạn trước nhiều cảm xúc. Lúc đó, tôi viết…viết về những kinh nghiệm…viết để cảm xúc vẫn nguyên vẹn trong từng con chữ

Khoảng trời xa



VÕ THỊ LỆ
Lớp BC k07, ĐH KHXH & NV, Tp. HCM



Nhìn về khoảng trời xa xa, ánh mắt Quanh rơi vào khoảng không bất định. Trước mắt cô là những sườn đồi khúc khuỷu, những con đường nhớt nhát sau cơn mưa xứ núi. Quanh thầm đếm những mùa mưa đi qua- bao nhiêu mùa mưa là ngần ấy thời gian cô gắn bó với ngôi chùa này. Nơi đây, không có tiếng sóng biển vỗ ầm ầm vào mùa động nhưng câu chuyện năm nào thỉnh thoảng vẫn trở về trong ký ức tựa như những đợt triều cường vẫn ập đến bất ngờ ở quê cô…


Ngày đó, Quanh là đứa con duy nhất của một gia đình làm nghề chài lưới. Quê Quanh tuy nghèo nhưng mọi người sống chan hòa với nhau. Mùi tanh nồng của cá cùng vị mặn mòi của biển thấm dần vào mạch máu cô.Tuổi thơ với bao điều tươi đẹp lúc nào cũng dang tay chào đón Quanh. Cô luôn phấn đấu để trở thành con ngoan trò giỏi. Ước mơ trở thành bác sĩ bao giờ cũng được người bạn trai là Nhuận Tú chia sẻ bằng cách cả hai nhặt những vỏ ốc xâu lại thành chuỗi rồi ném ra biển để ước mơ thành hiện thực. Cứ thế, những kỷ niệm của Quanh và Tú luôn có người bạn thứ ba là biển. Biển trong mắt Quanh dịu vợi tựa vòng tay của mẹ và ấm áp tựa bàn tay của Tú.



Nhuận Tú vốn lớn tuổi hơn Quanh. Tú sinh ra ở vùng biển nhưng được gia đình cho ăn học tử tế nên anh không chịu được cảnh sống cơ hàn. Thay vì học ở tỉnh với Quanh, anh quyết định thi vào trường Y của thành phố. Thương Tú làm trai phải có chí lớn, Quanh đành để người yêu ra đi với lời hứa sẽ về khi có sự nghiệp vững vàng. Hôm tiễn người yêu lên đường, biển không có những đợt sóng dữ dội làm xao lòng người ra khơi. Những tia nắng dường như cũng ngủ quên trong những giọt nước mắt của người ở lại.



Tố Quanh đang hoàn thành những môn học cuối. Cuộc sống quê cô trở nên khó khăn sau những đợt triều cường. Quanh bắt đầu làm quen với việc vá lưới để không tốn tiền thuê người- vừa phụ giúp gia đình, vừa lo việc học hành, vừa chờ đợi Nhuận Tú khiến tuổi xuân của Quanh trôi theo năm tháng.



Ngày Quanh tốt nghiệp, tấm bằng loại ưu không lấp đầy nỗi nhớ của cô về anh. Cô vẫn đứng trước biển mỗi buổi chiều nhưng không đủ sức để xâu những vỏ ốc thành chuỗi như ngày nào.



Mới đó, Quanh đi làm được nửa năm.Tú vẫn bặt âm vô tín. Bạn bè bảo tình yêu của hai người là quả bóng pha lê mong manh- dễ vỡ. Quanh chỉ cười vì cô tin vào tình yêu dành cho Nhuận Tú cũng như trong suy nghĩ của Quanh, biển bao giờ cũng mang một màu xanh hiền hòa.



Biển động. Những con sóng lấn sâu vào bờ lấy đi một phần của những túp lều lụp xụp dùng để buôn bán cá. Nhuận Tú về quê vào một ngày biển chưa lặng những đợt sóng, bãi cát không còn chỗ trống cho trẻ con hò hét bởi những chiếc thuyền vẫn nằm im ỉm. Giờ đây, anh đã là một bác sĩ có chút tiếng tăm và có người con gái bên cạnh. Quanh đứng chôn chân giữa đống lưới đang rối bời tựa đầu óc cô, tay bấu chặt vào cái thang tre đang gác hững hờ bên mui thuyền.Những miếng nhựa còn sót lại trên cát đâm vào chân cô. Nhức nhối.



Tú về vài ngày rồi trở về mảnh đất phồn hoa đô thị. Quanh thấy hơi thở gấp gáp mỗi lần nhìn anh sải những bước chân trên biển nhưng vô ích. Anh không bộc lộ chút cảm xúc, dường như với Tú bây giờ Quanh chưa bao giờ tồn tại. Từng đợt gió quất vào tai Quanh, vạt áo bluse bị hất về phía trước, cái lạnh chạy dọc sống lưng. Biển vẫn một màu xanh như thưở hai đứa yêu nhau.



-Mày là đứa con gái…



Cha Quanh bỏ lửng câu nói bởi cơn tức giận đã lên tận cổ. Cô chỉ biết ngồi trước bậc thềm, nước mắt chực tuôn.Giờ đây, trong mắt gia đình Quanh là đứa con gái mù quáng trong tình yêu, bao nhiêu công sức nuôi cô ăn học chủ yếu là cậy nhờ lúc tuổi già, vậy mà cô lại xin việc ở một nơi “khỉ ho cò gáy”. Quanh như người sắp chết đuối giữa biển khơi nhưng chưa tìm được bến đỗ an toàn. Trong tình yêu cô luôn chung thủy, trong sự nghiệp cô luôn cống hiến hết mình. Lẽ nào đó là sai lầm của Quanh?



-Cô tỉnh rồi à?



-Sao tôi lại ở đây?



-Lúc trưa mấy chú tiểu thấy cô bất tỉnh giữa đường đi lấy nước nên đã đem cô về đây. Tôi là người chăm nom chùa này.



Tố Quanh cố nhớ lại những gì diễn ra trước đó…Tiếng la hét của cha, tiếng khóc của mẹ, tiếng bước chân chạy ra khỏi nhà, tiếng sóng biển xa dần, tiếng suối chảy róc rách…Tất cả ập tới khiến đầu Quanh quay cuồng.



-Tôi…



Ánh mắt Quanh từ từ khép lại, thân thể cô ngã quỵ trước bậc thềm…



-Thưa cô, đã tới giờ làm lễ!



Quanh đứng thêm một lát rồi trở vào trong. Mọi người đã đứng đông nghịt trước sân chùa để chuẩn bị lễ khánh thành bệnh viện từ thiện cho trẻ em có hoàn cảnh không may. Những thửa ruộng bậc thang bên cạnh dòng suối, những âm thanh hỗn hợp phát ra từ hàng cây chắn lũ khiến Quanh không hình dung được biển có còn những đợt sóng dữ dội. Nhưng kỷ niệm năm nào thỉnh thoảng lại về trong ký ức tựa những đợt triều cường bất ngờ ập đến quê cô. Một khoảng trời xa hiện ra trước mắt Quanh…

Chiếc cầu vồng tình yêu

Chiếc cầu vồng tình yêu


NGUYỄN THỊ HỒNG THÚY
11S1, THPT Duy Tân




Ngày ấy tôi và ấy thường dắt tay nhau đi trong mưa, dưới những tán cây xanh mướt và rồi cười giòn tan đến mức vỡ tung những chiếc bong bóng bập bềnh.


Trong những trò chơi rượt bắt thuở nhỏ ấy luôn là người thắng cuộc. Giở trò con gái, tôi quay mặt đi, giấu khóe mắt cay cay, phần tức vì thua, phần giận vì bị ấy trêu chọc, có lúc tôi òa lên khóc rồi nhào đến đấm tới tấp lên cái lưng thô kệch của ấy. Rồi đâu lại vào đấy, tôi và ấy lại quấn quýt bên nhau.


Theo thời gian, chúng tôi lớn dần lên. Ấy vẫn là thằng bạn hiền khô ngày ngày sang đèo tôi đến lớp, vẫn là chiếc thùng chứa để tôi trút vào đó bao niềm vui nỗi buồn, bao nụ cười và cả những giọt nước mắt.


Tôi và ấy cùng đậu vào một ngôi trường dân lập ở thành phố. Tôi luôn mang mặc cảm điểm thấp hơn ấy nên không dám gặp ấy. Bất chợt một hôm gặp ấy trong sân trường. Như không kiềm được, tôi chạy đến bên, tựa vào vai khóc ngon lành như những ngày còn bé. Cũng từ đấy, ấy trở thành “mặt đất” hứng những “khoảng trời mưa bụi” của tôi. Ấy lại cút kít đạp xe ngược gió chở tôi đi học. Tôi rón rén vén gọn tà áo dài trong tay và ngã lưng vào ấy mỗi khi nắng gắt. Nắng mênh mang xô đuổi nhau trên bờ vai đẫm mồ hôi của ấy. Trái tim tôi tự dưng bồi hồi đến lạ…


Một thời gian dài tôi và ấy không gặp nhau. Tim tôi như thắt lại khi nghe tin ấy nghỉ học. Tôi thấy nhớ ấy vô cùng. Con đường như dài ra bất tận khi không có ấy ở bên.


Những ngày không có gã bạn thân bên cạnh dường như cuộc sống của tôi đảo lộn tất cả. Một chuỗi ngày trống trải và tẻ nhạt. Quyển nhật ký dày lên trông thấy.


Tôi lao vào học sau bao lá thư gửi đi không có lời hồi đáp. Những bài kiểm tra liên tiếp ập đến đã lấp dần chiếc hộp kỷ niệm giữa tôi và ấy.


Cuộc đời có những cái duyên kỳ lạ. Tôi đã gặp ấy trong bộ dạng của một anh công nhân còm cõi. Tôi lặng đi nghẹn ngào. Ấy ngậm ngùi kể về chuyện gia đình rồi chép miệng, thở dài. Thì ra là thế, ba ấy mất, mẹ ấy bệnh nặng, ấy phải vào đời sớm để có tiền nuôi mẹ. Vậy mà bấy lâu nay ấy luôn im lặng. Đúng là gã bạn tồi!


Nhìn nụ cười gượng gạo trên khuôn mặt khắc khổ, chai sần của ấy trông ghét quá! Tự dưng có cái gì đấy như nỗi xót xa dâng lên ngút ngàn trong trái tim chừng như hóa đá của tôi. Giá như tôi có thể sà đến bên ấy, kể lể với ấy và đánh vào ấy một cái thật mạnh để trút hết bao hờn trách, hiểu nhầm bấy lâu nhưng tôi đã không làm được.


Chúng tôi chia tay nhau, ấy nhanh chóng mất hút giữa dòng đời nhộn nhịp. Ấy đến và đi như một chiếc cầu vồng sau mưa. Để lại trong tôi bao sự chống chếnh. Lục tìm trong ký ức hình ảnh về một khuôn mặt dễ thương, bầu bĩnh của ấy ngày nào, tôi như chết lặng.


“Ấy ơi…”, âm thanh vang lên rồi rơi tõm, vỡ tan vào khoảng hư vô. Tôi nghe trên má mình nóng hổi những giọt tiếc nuối.