Thứ Hai, 8 tháng 6, 2009

Gặp gỡ Tuy Hòa

Gặp gỡ Tuy Hòa





Giao lưu ĐH Phú Yên: “Tình nhỏ làm sao quên”

Đúng 15g ngày 2-6-2009, tại hội trường trường Đại học Phú Yên đã diễn ra buổi giao lưu thân tình giữa nhóm chủ biên báo Áo Trắng với các cây bút trẻ của Phú Yên. Đại diện báo Áo Trắng có nhà văn Đoàn Thạch Biền và nhà văn Nguyễn Đông Thức; về phía trường ĐH Phú Yên có tiến sĩ văn học Nguyễn Thị Thu Trang, thầy Trần Lăng (nhà thơ Đinh Lăng), thầy Nguyễn Văn Tâm (nhà thơ Sơn Thới); phía báo đài có nhà văn Huỳnh Thạch Thảo (T/c Văn Nghệ Phú Yên), nhà thơ Đào Đức Tuấn (Đài Phát thanh Phú Yên); Nhà thơ Đào Tấn Trực (Trưởng GĐAT Phú Yên ) cùng sinh viên hai lớp ngữ văn của trường và đông đảo các thành viên trong CLB Sáng tác trẻ Phú Yên.

Mở màn buổi giao lưu, tiến sĩ văn học Nguyễn Thị Thu Trang rưng rưng hoài niệm khi giới thiệu về sự trở lại trường lần thứ hai của nhà văn Đoàn Thạch Biền. Cô Trang nhắc về những kỷ niệm vẹn nguyên một ngày cách đây 14 năm khi lần đầu tiên nhà văn về giao lưu với sinh viên khoa văn của trường.

Tiếp đến nhà văn Đoàn Thạch Biền giới thiệu sơ lược về báo Áo Trắng và hành trình dài hơi của chuyến giao lưu GĐAT ở bốn tỉnh miền Trung vừa qua của hai nhà văn.

Không khí buổi giao lưu sinh động hẳn lên khi bạn Bùi Nguyên Bảo (thành viên CLB Sáng tác trẻ Phú Yên) bắt đầu pha trò: “Mong các anh chị cười một miếng được không ạ?”. Nguyên Bảo “phát pháo” đầu tiên” bằng câu hỏi góp ý, xây dựng cho Áo Trắng: “Làm sao để AT gần gũi hơn với giới trẻ và thực sự trở thành tờ báo của học trò như Mực Tím, Hoa Học Trò?”. Nhà văn Đoàn Thạch Biền cho biết những chuyến gặp mặt GĐAT như thế này cũng không ngoài mục đích cải tiến tờ báo tốt hơn. Một bạn sinh viên đưa ra thắc mắc thật dễ thương: “Sao AT giá cao thế? Cách thức gửi bài cho AT như thế nào?”. Các câu hỏi đều được nhà văn Đoàn Thạch Biền trả lời một cách thấu đáo.

Là một người làm nghiên cứu và giảng dạy văn học, cô Trang có cách lý giải thú vị về AT: “Cái tạng của Áo Trắng “ngụi hơn” so với các tờ báo khác, đó cũng chính là nét đằm sâu, duyên dáng, tình tứ, tinh khôi của một tờ báo vốn dành cho tuổi học sinh, sinh viên”

Chia sẻ nghề văn, nhà văn Nguyễn Đông Thức làm cả hội trường ồ lên thích thú vì có phát biểu lạ: “Chúng tôi không xúi các bạn theo thơ văn vì công việc này vô cùng đơn độc và khổ ải nhưng nếu quả thật bạn yêu thích nó chúng tôi sẽ sẵn sàng giúp đỡ và khích lệ bạn”

Một bạn sinh viên hỏi: “Làm sao để nuôi dưỡng cảm xúc và đi tìm nguồn cảm hứng, “bí quyết” giữ cảm xúc của mình tươi trẻ như lứa tuổi mới lớn mà mình muốn viết đến?”

Nhà văn Đoàn Thạch Biền chia sẻ: “Để nuôi dưỡng cảm xúc và tìm nguồn cảm hứng thì chỉ có cách sống, đi và đọc. Nhưng sáng tác cần nhiều hơn thế, chính là sáng tạo. Có thể, với một khía cạnh cũ đã được nhiều người viết, nhưng anh khai thác theo một cách nhìn khác, hay một lối viết mới, thì nó mới trở thành một tác phẩm của riêng anh”. Nhà văn Nguyễn Đông Thức cổ vũ: “Để tìm được chỗ đứng trong làng văn nghệ, hay nhỏ hơn là trong một trang báo, chúng ta cần kiên trì. Mỗi khi viết được bài, các bạn đừng ngại mà hãy đưa ngay cho bạn bè đọc, rồi gửi cho các báo. Gửi một báo không được, thì hai hay ba báo. Hãy kiên trì viết, học tập, rồi sẽ đến một ngày sáng tác của các bạn được đăng và được công nhận”.

Đến phần phát biểu của thầy Nguyễn Văn Tâm làm cho cả hội trường lắng xuống khi thầy nhắc lại kỷ niệm với nhà văn Đoàn Thạch Biền (hôm đó cùng với GĐAT Quy Nhơn) lưu lại một đêm ở nhà thầy . Thầy làm mọi người chú ý khi chìa cho tất cả cùng xem cuốn sổ gia tài kỷ niệm với Áo Trắng trong đó có những bài đăng báo được lưu giữ cẩn thận.

Trưởng GĐAT Phú Yên Đào Tấn Trực đến trễ hơn một tiếng đồng hồ do bận coi thi tốt nghiệp nhưng đã nhanh chóng tạo ấn tượng bằng phong cách nói chuyện giản dị sâu sắc, bằng giọng thơ truyền cảm sâu lắng.

Sau phần khấy động phong trào của thầy Trực là các tiết mục thơ cây nhà lá vườn của sinh viên trường Đại học Phú Yên, bài thơ Nắng ban mai của bạn Đào Thị Khánh Duy, bài thơ Vòm lá sân trường của thầy Nguyễn Văn Tâm.

Cô Thu Trang bộc bạch: “Không khí giao lưu bây giờ mới thật sự bắt đầu khi những tiếng thơ hào sảng bắt đầu bắt nhịp. Chúng tôi thật lấy làm tiếc khi buổi giao lưu kết thúc ở đây nhưng điều đó không có nghĩa là hết, chúng tôi muốn qua đây bắt một nhịp cầu văn chương với Áo Trắng và với mọi người có mặt hôm nay”
Gặp mặt CLB STT PY: “Bất ngờ… phía câu hỏi”


Ngay sáng hôm sau, lúc 9g, tại quán Cafe Sách trong khuôn viên thư viện Hải Phú, CLB Sáng tác trẻ Phú Yên đã có buổi gặp riêng với nhà văn Nguyễn Đông Thức và nhà văn Đoàn Thạch Biền. Đến buổi gặp gỡ còn có nhà văn Ngô Phan Lưu, nhà thơ Lê Anh, nhà thơ Đào Đức Tuấn của Phú Yên và Nguyễn An Bang (sinh viên trường Đại học KHXH&NV TP.HCM)

Các thành viên CLB tha hồ nêu những thắc mắc về công việc viết văn. Bạn Kim Thoa hỏi: “Làm sao thẩm định được tài năng của một cây bút trẻ?” Nhà văn Nguyễn Đông Thức nói vui: “Không biết tôi với anh Biền có phải đạt đến bậc thượng thừa hay không nhưng nếu chỉ cần đọc nửa trang đầu là chúng tôi biết bài đó có dùng được không. Tôi đọc đoạn đầu và đoạn cuối để xem cách các bạn tạo sự lôi cuốn cho một tác phẩm ra sao. Cuối cùng sẽ là chiều sâu về nội dung. Lời khuyên cho các bạn là hãy tạo một cái mở ấn tượng, một cái kết có độ dư vang, điều đó sẽ khơi nguồn và lôi cuốn người đọc vào tác phẩm”.


Bùi Nguyên Bảo vừa viết báo vừa sáng tác nên quan tâm đặc biệt đến mối liên hệ giữa hai lĩnh vực viết báo và viết văn. Nhà văn Nguyễn Đông Thức đã chỉ ra sự hỗ trợ giữa hai công việc này đồng thời cũng lưu ý rằng nó có thể làm hại nhau. Chẳng hạn nếu bị chi phối bởi tính thông tin, tính logic rạch ròi của báo thì nó sẽ triệt tiêu chất bay bổng, tưởng tượng của văn. Hoặc ngược lại nếu quá chú trọng chất văn trong bài báo rất dễ rơi vào tình trạng văn nghệ hóa báo chí.

Nói về yếu tố tưởng tượng trong truyện ngắn, nhà văn Đoàn Thạch Biền cho rằng tưởng tượng phải dựa trên một cơ sở nào đó của hiện thực đời sống. Nhà văn kể về tác phẩm “Tình nhỏ làm sao quên” của mình. Nhân vật cô gái man man trong tác phẩm là có thật. Đó là một cô gái nhà văn tình cờ gặp trong chuyến đi viết kịch ở Đà Lạt, cô bé tâm thần luôn đi tìm một vật màu xanh rơi dưới cỏ. Dĩ nhiên khi đi vào tác phẩm nhà văn có cách lý giải riêng và sáng tạo lại về bản chất “man man” ở cô gái.

Nhà văn Ngô Phan Lưu thì có những góp ý thú vị về những cái không được nói hết trong nghệ thuật, cái mà nguyên tắc viết báo đã chỉ ra “show, don’t tell” (chỉ cho thấy chứ không nói về hoặc bình luận về điều đó). Nhà văn dí dỏm đưa ra ví dụ: chẳng hạn để diễn tả bạn Tường Vi đẹp ta không được dùng từ “đẹp” mà miêu tả Vi có mắt bồ câu thế nào, má lúm đồng tiền thế nào…

Cây bút trẻ Nguyễn Đặng Tường Vi mạnh dạn cho nhà văn Nguyễn Đông Thức “ngửi” bản thảo truyện ngắn “Đến từ trái tim” của mình để được nghe nhà văn nhận xét, góp ý. Đọc xong, nhà văn cười nói: “ngửi” mùi thì thấy được, khuyết điểm là chưa biết kiềm chế cảm xúc của mình”. Nhà văn Ngô Phan Lưu cũng đồng tình: “Trí tưởng tượng tốt, văn phong tốt, cần nén cảm xúc hơn vào câu chữ”. Cũng khá triển vọng nhỉ?! Hi vọng Tường Vi sẽ có những bước tiến mới trong thời gian tới”.

Giữa buổi gặp gỡ là cuộc tranh luận khá thú vị giữa bạn Tường Vi với nhà văn Ngô Phan Lưu về tính tự ái trong văn chương và việc học tập sáng tác. Nhà văn Ngô Phan Lưu kể câu chuyện về nhà văn Giả Bình Ao. Mỗi bài ông Giả Bình Ao gửi đi nếu không được đăng ông đều dán lên cột nhà và kiên trì chữa mãi cho đến khi tất cả các bài đều được bóc xuống và được in lên báo. Nhà văn cho rằng đó là sự kiên trì học hỏi. Bạn Tường Vi lại bướng bỉnh cho rằng như thế chứng tỏ ông Giả Bình Ao xem thường sáng tác của mình chứ không phải là học tập. Cuộc tranh luận đang đến phần gay cấn thì được nhà văn Đoàn Thạch Biền “hạ màn”: “Tự ái văn chương thì tất nhiên mỗi người cầm bút đều có. Mỗi người đọc có một cách nhìn khác nhau về một tác phẩm. Có người đánh giá tác phẩm của anh hay, cái kết mở rất hợp tình và sâu sắc. Có người lại cho cái kết ấy thể hiện sự non lép trong vốn sống. Vì thế, nên tiếp thu có chọn lọc những góp ý của bạn đọc, không nên máy móc mà thay đổi phong cách viết của mình”.

An Bang tranh thủ chộp rất nhiều bức ảnh “đắt” mà nhân vật chính là các em gái xinh xắn của CLB. Những bức ảnh ấy biết đâu sẽ xuất hiện trên 1 tờ báo, hay biết đâu là đoạt giải thưởng nào đó chăng? Chuyện! An Bang – nhà báo ảnh tương lai nhà mình mà!

Buổi gặp mặt kết thúc với một bài tập dành cho các thành viên CLB Sáng tác trẻ do nhà thơ, nhà báo Đào Đức Tuấn đề xuất, và bạn Tường Vi “ra đề”: Cách nhìn của mọi người với những người cầm bút. Để xem các nhóc CLB mình “làm ăn” ra sao nhé!

Thông báo cuộc thi văn, thơ


Thông báo cuộc thi văn, thơ với chủ đề
“TPHCM nét đẹp tiềm ẩn” lần I, năm 2009


I.MỤC ĐÍCH:


Sau thành công cuộc thi ảnh nghệ thuật, báo chí với chủ đề “TPHCM- nét đẹp tiềm ẩn”, Tạp chí Du lịch TPHCM tiếp tục tổ chức cuộc thi văn, thơ cùng chủ đề “TPHCM- nét đẹp tiềm ẩn”.


Với mục đích nói lên vẻ đẹp của con người và phong cảnh TPHCM, một điểm đến an toàn và thân thiện. Phản ánh những sáng tạo của Ngành Du lịch TPHCM, những thành quả độc đáo của các công ty lữ hành, khách sạn nhà hàng tại TPHCM.


Tất cả bạn đọc Tạp chí Du lịch TPHCM đều có thể tham dự cuộc thi này.


II.VỀ VĂN:


Thể loại tùy bút, dài không quá 800 chữ.


III.VỀ THƠ:


Các thể loại thơ dài không quá 40 câu.


IV.GIẢI THƯỞNG MỖI THỂ LOẠI VĂN, THƠ:


1 giải nhất trị giá: 3.000.000 đồng


1 giải nhì trị giá: 2.000.000 đồng


1 giải ba trị giá: 1.000.000 đồng


5 giải khuyến khích trị giá: 500.000 đồng/ giải


V. BAN GIÁM KHẢO:


•Văn: Nhà văn Nguyễn Đông Thức, Nhà văn Mường Mán, Nhà văn Đoàn Thạch Biền.


•Thơ: Nhà thơ Lê Minh Quốc, Nhà thơ Lê Thị Kim, Nhà thơ Nguyễn Thái Dương.


VI. THỜI GIAN NHẬN BÀI DỰ THI VÀ CHẤM THI:


Từ ngày 1.5.2009 đến ngày 15.12.2009. Bài dự thi xin gửi về: Tạp chí Du lịch TPHCM, 140 Nguyễn Đình Chiểu, Q.3, TPHCM. Email: tapchidulichtphcm@yahoo.com.vn.


Những bài dự thi qua vòng sơ tuyển sẽ được giới thiệu trên Tạp chí Du lịch TPHCM từ số phát hành tháng 5.2009 đến ngày trao giải.


Kết quả cuộc thi sẽ được công bố trên Tạp chí Du lịch TPHCM số phát hành tháng 1.2010.


BAN TỔ CHỨC