Thứ Bảy, 11 tháng 7, 2009

Nguyễn Đức Phú Thọ

GIỚI THIỆU CÂY BÚT TRẺ

NGUYỄN ĐỨC PHÚ THỌ


Sinh ngày:9-9-1989.

Quê quán: Đà Nẵng.

Sinh viên lớp Ngữ văn, khóa 8, ĐH An Giang.

Hội viên Hội Văn học nghệ thuật tỉnh An Giang.

Có thơ đăng trên các báo và tạp chí: Văn Nghệ Trẻ, Hồn Việt, Mực Tím, Áo Trắng, Tài Hoa Trẻ, Văn Nghệ Tp.HCM, Thất Sơn...

Email: phutholx1989@gmail.com.

Tự bạch: "Thơ là sự chắt lọc, dồn nén nhưng cũng đầy ngẫu hứng của cảm xúc. một bài thơ thật sự hay khi chúng hòa quyện được cả nhạc và ý. Tôi luôn phấn đấu để viết được những bài thơ hay..."


Mùa yêu

Con sẻ chúi vào ô kính
Dở dang nửa cuộc hành trình
Chênh vênh hai chiều hư thực
Tôi cầm gương soi tâm linh.

Ngày như bức rèm phủ dụ
Bàn tay ấp một bàn tay

Nhìn đời bằng đôi con mắt
Mà tôi vẫn vấp víu say…

Cởi khuy trắng ngần sương nõn
Trăng bồng tụt cúc áo bay
Gần mà môi không chạm được
Tay xòe đôi ngón buốt cay!

Con sẻ gõ vào ô kính
Nhắc tôi mùa ướt phong phiêu
Vấp chân giữa thềm cỏ rối
Em
Gieo tôi

Vào mùa yêu...


Mơ quan họ

Tôi đánh rơi câu quan họ
Người ơi về nhặt giùm tôi
Sông xưa có về phố cũ
Lẻ tình con sáo bơ vơ…

Tôi đánh rơi câu quan họ
Mùa xoan tím biếc một vùng
Người ơi phố chừ đôi ngả
Có còn chân bước ung dung?

Mái chèo khua đằm bến nước
Câu ca ngậm bóng trăng tà
Người ơi giũ màu áo lụa
Xuân thì âm vọng khúc ca!

Tôi đánh rơi câu quan họ
Người ơi noãn búp sen tơ
Giấu nhụy tình trong tòa lá
Gối đầu lên cỏ tôi mơ…

Thơ viết trong ngày bình yên

Những quán phố em qua không hắt nắng
Ngày bình yên như ly dâu kem
Mím môi nhìn dọc lối hai hàng cây đại lộ
Lá thẫm xanh dang tán vẫy nền trời.

Anh gọi một phin đen và chọn góc khuất ở chỗ ngồi số 3
Với chiếc lọ cắm đầy những bông núc nác
Thứ búp hoa không hương thoang thoảng
Mà bỗng nhiên thấy lòng thẳm sâu.

Chiếc kính râm đã được xếp gọn trên bàn
Ngày không còn đen nữa!
Qua khe hở, giọt nắng rơi như phiến pha lê.
Mùa trôi qua rồi sẽ lại gọi gió về

Dòng tin nhắn trọn trong "Ngày bình an nhé”
Kỷ niệm không dưng mà hò hẹn nhau trong một chiều sẫm mây và ơ hờ lá đổ
Phố kịp lên đèn
Cho những chiếc ô màu nhấp nháy phía cơn giông…

Đôi khi

Đôi khi tôi rót nỗi buồn vào chiếc cốc
Và ngồi ngắm vạt mây bay ngang trời
Thấy những hồn nhiên hoán dụ
Trên đọt cây non ướt đẫm sương.

Đôi khi soi vào con chữ trong quyển sách
Tôi thấy những khuôn mặt người
Dán vào gương nụ cười ám ảnh
Xòe tay đếm từng đốt trêu ngươi…

Đôi khi một cái chớp mắt cũng khiến tôi băn khoăn
Ngồi mường tượng ra những khung cảnh cổ tích
Mặc viên đá rơi tõm vào nơi bùn sâu ký ức
Thác nụ hôn thành chao chát những rãnh cày…

Đôi khi và đôi khi…
Nơi góc vườn sau của bà vẫn dư vang một vài câu chuyện cổ
Nhưng tôi không nép vào trú ngụ
Cứ gieo mình trôi trong trầm mặc cuộc đời.

Và khi thả nỗi buồn vào chiếc cốc
Tôi hóa cánh câu ngực gầy dốc gió thắp bình minh…


NGUYỄN ĐỨC PHÚ THỌ


Thứ Hai, 6 tháng 7, 2009

Bởi có những mùa đi tìm cuộc sống

TÁC PHẨM DỰ THI THƠ BÚT MỚI 2009
Bởi có những mùa đi tìm cuộc sống
NGUYỄN ĐẶNG TƯỜNG VI
Có những mùa non nớt đã đi qua
Ta ép vội ánh nhìn của người vào trang sách còn chưa học thuộc
Chiếc lá thuộc bài ngày nào xanh thắm
Giờ úa vàng và vụn vỡ dưới những con chữ mãi chưa ép được vào trái tim.

Có những mùa nước mắt đã đi qua
Khi trái tim mình ăm ắp những vết thương tưởng chẳng bao giờ vá lành được nữa
Ta bắt gặp ánh nhìn dịu dàng khuất sau xa mờ khoảng cách
Chợt thấy vết chỉ vá tim chỉ còn là vệt khói vô hình.

Có những mùa ta đi tìm chân lí sống cho riêng mình
Thấy thế giới rộng, dài, và sâu thẳm
Những thất bại và thành công nối nhau trôi qua cuộc đời như đoàn tàu trăm toa tít tắp
Chân lí tưởng chai sạn rồi
bỗng một ngày bừng lên như nắng hạ trong tim anh thi sĩ ngày nào.

Có những mùa ta thấy lại mình ngày xưa với chiếc lá thuộc bài chỉ còn là nắm bụi
Ta bắt gặp cái đau đáu nhìn từ xa mờ kí ức
Và nhận ra tình yêu chỉ là vệt cắt ở một thời điểm nào trong quá khứ
Đã qua rồi thì mãi mãi chẳng cắt được lần hai chỗ vết thương nay đã liền da.

Có những mùa ta thấy chơi vơi vì thiếu một ánh nhìn của nhân ảnh nào xa ngái
Cuộc sống như mái nhà rộng lớn
nhưng không có chỗ dừng chân cho những viễn khách thiếu một bậc thang để vin vào
Ta thè lưỡi nếm nước mắt ngày ta chinh qua đau khổ
Chẳng có vết thương nào liền da sau khi đã cắt vào quá khứ
Rồi biết chơi vơi cũng là chất vita nuôi lớn con người.

Bởi có những mùa chiếc lá thuộc bài đã nát vụn rồi nhưng bụi vẫn bay vào cay xè mắt
Ta lớn lên từ cái dụi mắt gạt đi nỗi nhớ một đôi mắt chỉ dám ngoái nhìn.


"Mầm" dưới ống kính của MPK

Thứ Sáu, 3 tháng 7, 2009

Cuộc thi thơ Bút Mới lần 8

CUỘC THI THƠ BÚT MỚI LẦN 8 "TÔI ĐI TÌM TÔI"
http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=315404&ChannelID=61

Cứ mỗi hai năm, báo Tuổi Trẻ lại tổ chức cuộc thi thơ Bút Mới dành cho các cây bút thơ HSSV.

Cuộc thi thơ Bút Mới lần 7 đã được tổ chức năm 2007 với chủ đề "Thời tôi đang sống" trên tập san Áo Trắng bộ mới.

Năm 2009, ban biên tập báo Tuổi Trẻ mời bạn đọc, bạn viết yêu thơ trong và ngoài nước tham dự cuộc thi thơ Bút Mới lần 8 "Tôi đi tìm tôi" - tiếp tục tổ chức trên Áo Trắng.

Nội dung:

Bằng thơ, các bạn trẻ tự phác họa chân dung mình với tất cả sự trăn trở, bộc bạch mọi nỗi niềm nhằm tự khẳng định, tìm đến và hội nhập trong "cái chung" của cuộc sống hôm nay.

Thể lệ:

- Mỗi bạn dự thi tối đa năm bài thơ và tối thiểu ba bài.

- Mỗi bài thơ không dài quá 32 dòng.

- Thơ dự thi phải là bài chưa hề đăng báo và sách đã xuất bản.

- Cuộc thi chấp nhận mọi sự thể hiện (từ thơ truyền thống có vần điệu đến thơ tự do), đặc biệt khuyến khích sự cách tân được thể hiện sáng tạo độc đáo.

- Người dự thi thơ phải thuộc độ tuổi 17-25 (sinh năm 1992-1984).

- Dưới mỗi bài dự thi, ngoài bút danh cần đề họ tên thật, năm sinh, địa chỉ, điện thoại để ban tổ chức tiện liên lạc.

- Bài dự thi cần được viết sạch sẽ trên một mặt giấy (đánh bằng máy vi tính càng tốt), gửi về tập san Áo Trắng (60A Hoàng Văn Thụ, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM).

Email: tapsanaotrang@tuoitre.com.vn.

Ngoài bì thư hoặc trên đầu email xin ghi rõ "Thơ dự thi Bút Mới lần 8".

- Thời hạn nhận bài dự thi từ nay đến 31-12-2009.

- Kết quả công bố trên tập san Áo Trắng số xuân 2010.

Giải thưởng:

- Giải nhất (một giải): 5.000.000 đồng.

- Giải nhì (hai giải): 3.000.000 đồng/giải.

- Giải ba (ba giải): 2.000.000 đồng/giải.

- Giải khuyến khích (bảy giải): 1.000.000 đồng/giải.

- Và một giải đặc biệt của riêng nhà thơ - giám khảo Lê Thị Kim tặng gương mặt thơ trẻ nhiều triển vọng nhất: 3.000.000 đồng.

Ban chung khảo:

- Nhà thơ Lê Minh Quốc

- Nhà thơ Lê Thị Kim

- Nhà thơ Đoàn Vị Thượng

Đơn vị tài trợ: Trung tâm luyện thi chất lượng cao Vĩnh Viễn.

Đoàn Đại Trí

GIỚI THIỆU CÂY BÚT TRẺ

ĐOÀN ĐẠI TRÍ

Sinh ngày: 9-4-1983

Quê quán: Đồng Tiến, Ứng Hòa, Hà Tây (cũ)

Hiện là SV năm 4 ngành an toàn hàng hải, ĐH Nha Trang. Thành viên gia đình Áo Trắng Nha Trang.

Điện thoại: 0973138804

Đã có thơ đăng trên: Văn Nghệ Trẻ, Thanh Niên, Tài Hoa Trẻ…
Tự bạch: "Với tôi, thơ là những vọng âm của quá khứ; là cánh đồng chiêm trũng với chiếc nón và dáng mẹ tất tả đường trơn; là thị xã Hà Đông đêm xa nhà trọ học; là những người con gái tắt ngang qua tôi để lại nỗi đau dọc đường ray số phận...".


Em cho...


Em cho tôi chút nụ cười

Nhìn ai cũng ngỡ mắt người ngày xưa


Em cho tôi một bông đùa

Đa mang ra kẻ nửa mùa yêu thơ

Cho tôi chút ít ngẩn ngơ

Bao mùa cải đắng lỡ đò rau răm


Dành cho tôi tuổi mười năm

Sao tình mãi khuyết vầng trăng dậy thì


Em cho tôi sợi dây diều

Loay hoay buộc mãi mà chiều vẫn rơi

Em cho tôi, em cho tôi

Cho bao nhiêu thế mà người vẫn xa.


Hoa dại


Mong manh mỏng mảnh ven đường cỏ

Dìu dịu nghiêng về phía quê hương

Cảm ơn sắc tím trinh nguyên đó

Hoa dại cho mình một chút khôn.


Tình cờ


Cũng tình cờ như ngày xưa ấy

Ta qua đường và gặp được nhau

Em cầm tay ai mà tôi thấy

Ngón ngón đời mình lạnh và đau.


Mười năm


Mười năm giờ gặp lại em

Đâu còn cái thủa lấm lem gấu quần

Nhắc vui mấy chuyện xa gần

Sao tôi buồn lại mấy lần từng vui.

Phương Trinh


GIỚI THIỆU CÂY BÚT TRẺ


PHƯƠNG TRINH


Phương Trinh, 25 tuổi, hiện là phóng viên báo Mực Tím. Đã in 2 tập truyện.


Nhân tượng là một nghề mới ở Việt Nam nhưng đã có từ lâu ở phương Tây. Trong công viên, người ta đứng làm nhân tượng các danh nhân, các nhân vật nổi tiếng trong kịch, tiểu thuyết... để nhận vài đồng khen thưởng của người xem. Cô gái trong truyện đã làm nhân tượng quan sát người yêu và ứa nước mắt cho cuộc tình của mình. Đã bao giờ bạn thử làm nhân tượng quan sát người tình của mình? Vui hay buồn? Hay như tựa một ca khúc của Trịnh Công Sơn: “Rồi như đá ngây ngô”?


Vì không là đá


PHƯƠNG TRINH


Mấy bức tượng này ở đây từ bao giờ thế nhỉ? Cậu nhóc, chắc chỉ nhỏ hơn Lâm chừng vài tuổi, đang đứng ngây ra trước mặt cô. Anh chàng ngắm nghía "bức tượng" trắng toát, hồ nghi rằng nó không có thật.


Nghe đám đông cách đó một khoảng bàn tán về nhân tượng, anh chàng càng băn khoăn hơn. Cậu nhóc lấy tay gõ vào đầu gối Lâm một cái đau điếng. Cô kêu lên: "Ui da!". Anh chàng giật nảy người, gãi gãi đầu: "Xin... xin lỗi... chị là người à?". Đang đau, Lâm cũng phải cười xòa, cái nghề nhân tượng là vậy. Cậu nhóc bước lùi vài bước, trợn tròn mắt nhìn Lâm trở lại tư thế tượng.


Mấy đứa bạn bảo Lâm đi làm gia sư, đi tiếp thị, gì cũng được, sao phải làm nghề này. Nhưng từ lâu rồi, Lâm rất yêu những bức tượng điêu khắc. Tình cờ đọc thông tin tuyển người làm nhân tượng, Lâm tìm đến ngay. Cô mặc một chiếc áo bó sát người và được hóa trang trắng toát như một bức tượng, rồi tập tạo dáng, tập đứng bất động.


Công việc là lạ này giúp Lâm kiếm được một khoản tiền kha khá nhưng cũng rất nhiều cực nhọc. Nhưng có một lý do khiến Lâm muốn gắn bó với việc làm nhân tượng ở công viên này, một lý do mà Lâm không thể nói ra cùng bạn bè, cũng không thể hiểu nổi mình.


Công viên này đối diện với quán nước mà ngày xưa Lâm cùng anh hay ngồi. Những ngày cô đứng ở đây, anh ngồi bên kia quán nước, một mình, và không mất nhiều thời gian để nhận ra cô. Có vài lần anh bảo Lâm "uống nước nhé" nhưng cô cứ viện hết lý do này đến lý do nọ để chối từ. Cô chối từ cả điện thoại của anh. Nhưng rời công viên này thì cô không muốn! Cô vừa sợ lại vừa mong được nhìn thấy anh ngồi một mình nơi quán nước ngày nào...


Lâm vẫn còn nhớ đêm hôm ấy, cái đêm mà anh trả lời tiếng yêu của Lâm rằng anh chỉ xem Lâm là bạn, Lâm cũng có khác gì một bức tượng đâu. Nỗi buồn tạc cô vào đêm. Mắt mở trừng và cả người mình gần như không cảm giác. Chỉ có nước mắt chảy rất âm thầm và những suy nghĩ rối tung trong đầu Lâm. Trực giác đã đánh lừa Lâm! Lâm không thường sai lầm trong trực giác. Thế mà...


Những ngày sau đó, Lâm nhìn thấy anh cạo nhẵn đầu, ngồi trong căngtin trường, tiều tụy đến xót lòng. Hai người chào nhau vô cùng kiểu cách. Đêm hôm đó, Lâm về nghe lại bản nhạc "Những mùa hoa bỏ lại", từng câu chữ thấm vào tim: "chợt thấy yêu thương giờ hóa xa lạ...".


Một năm trôi qua, anh đã phần nào ổn định được chỗ làm chứ không quá vất vả như ngày đầu gặp Lâm. Anh gởi Lâm tấm thiệp trong ngày sinh nhật cô có những chiếc lá khô xếp thành hình trái tim và nút thắt màu tím qua đường bưu điện. Lời chúc của anh vẫn bình thường như ngày nào. Lâm nhận được nhưng im lặng. Làm sao cô hiểu được anh đang nghĩ gì. Có lúc cô muốn gặp lại anh, muốn nhận lời cùng anh đi uống nước, ít nhất là nối lại một tình bạn tốt đẹp ngày nào. Nhưng rồi khi anh trực tiếp đến tìm cô, Lâm lại tìm cớ này cớ nọ để tránh mặt. Mặc cảm bị từ chối là điều cô chưa thể vượt qua.


Có lúc Lâm tự hỏi nếu anh đừng nhắn tin, đừng xuất hiện ở trường mà cô đang theo học, nơi mà cô đang làm, liệu có tốt hơn cho Lâm không. Khi ấy, anh mãi mãi trở thành một ký ức trong lòng Lâm, như một bông hoa khô ép vào trang vở. Còn đằng này... Bạn Lâm nói rằng người đàn ông, dù không yêu, vẫn muốn giữ tình bạn với cô gái yêu mình. Một năm đã trôi qua kể từ cái đêm đau đớn ấy, Lâm cũng muốn làm bạn với anh, cũng muốn ngồi gần anh nghêu ngao hát như ngồi gần bao bè bạn khác.


Thế mà sao khó quá. Có những điều giản đơn trong cuộc đời này cần rất nhiều nghị lực mới có thể làm được. Mà mãi mãi xa nhau thì sao? Cũng đâu có dễ dàng! "... nào dễ chóng phai trong lòng nỗi nhớ. Ngày tháng trôi qua cơn đau mịt mù..." kia mà! Những mâu thuẫn trói buộc lòng Lâm. Cô nghe mắt mình cay cay.


Đứa trẻ giật tay mẹ nó:


- Mẹ ơi, bức tượng biết khóc kìa!


Cuối ngày hôm đó, mấy anh chị làm chung hỏi Lâm:


- Gì vậy em, sao khóc?


Lâm chỉ mỉm cười bối rối. Khi chạy xe ngang qua quán nước, Lâm lại thấy anh ngồi đó, chìm vào bóng đêm. Sao không một lần dừng xe lại nhỉ? Hóa ra cái táo bạo ngỏ lời yêu với anh chỉ là một phút nhất thời. Rốt cuộc thì Lâm chỉ là một con người yếu đuối!


Lâm trở về nhà, mở máy ra, đọc blog của bạn bè. Hình như đứa nào cũng có nỗi buồn riêng. Cô đứng dậy nhìn ra cửa sổ. Dòng người ngoài kia vẫn còn tấp nập. Sài Gòn không có bão như miền Trung, không có lụt như miền Tây nhưng bão lòng thì cứ thế mà cuốn phăng đi những ngày tháng yên bình. Sống như thế nào cho đúng nhỉ?


Năm năm, mười năm nữa rồi anh, rồi bạn bè, và cả Lâm sẽ ra sao? Báo chí cứ không ngừng nhắc đến thế hệ 8x. Với Lâm và bạn bè, 8x là những ngày đi làm, đi học, miệt mài. Và cô đơn. Blog của đứa nào cũng mấy trăm friend mà đêm về chiếc bóng. Những đứa như Lâm hết cầu cứu chat, đến cầu cứu blog mà vẫn không sao khỏa lấp được những khoảng trống trong tâm hồn.


Có điện thoại, sếp của đội nhân tượng dặn Lâm chuẩn bị tinh thần hóa trang thành thiên thần. Ngày mai bắt đầu tập. Thiên thần ư? Sếp nói:


- Ừ, thiên thần có đôi cánh và... không khóc!


Lâm cười, một chút xấu hổ và ấm lòng len nhẹ. Cô cám ơn sếp rồi tắt máy. Ngày mai, ngày mai cô sẽ mang vào người đôi cánh thiên thần và bắt đầu từ đây cho đến hết những ngày làm nhân tượng, cô phải giữ vẻ mặt thanh thản, bình yên. Ít ra thì Lâm đâu có cô đơn. Đồng nghiệp, bạn bè rồi cả sếp đều quan tâm đến cô kia mà. Tuổi trẻ bao giờ cũng thế, bao giờ cũng chẳng hài lòng với những gì mình có. Không chỉ 8x, mà có lẽ 7x, 6x, ... mấy thập kỷ trước đây cũng thế.


Lâm thấy đói bụng, cô nấu mì ăn một mình và lại nghĩ đến anh. Cuộc sống đã đưa anh đến với cô để cùng chia sẻ những tháng ngày khó khăn nhất của hai người, để rồi lời từ chối của anh lại mang đến cho Lâm những ngày khó khăn không kém. Mà có lẽ khi bắt đầu nghe lời tỏ tình của Lâm anh đã phải nếm trải những giây phút khó khăn rồi! Sao tình yêu thương lại có thể làm người ta khổ nhỉ? Lâm rút điện thoại ra nhắn tin cho anh và cho mọi người: "Chúng ta tình cờ sống giữa cuộc đời, tình cờ gặp và quen nhau, tình cờ cho nhau niềm vui và nỗi buồn. Nhưng tôi không tình cờ nhắn cho các bạn tin này bởi tôi cố tình muốn chúc bạn một chiều hạnh phúc".


Có thể anh sẽ trả lời tin nhắn này, có thể không. Nhưng người ta có cần phải tính toán quá nhiều để yêu thương không nhỉ? Có thể yêu thương sẽ làm người ta rơi nước mắt, nhưng đó là lẽ thường. Một nhân tượng như Lâm cũng biết khóc kia mà! Bởi nhân tượng cũng là người. Mà con người dĩ nhiên không là đá!

Nguyễn Thế Thọ

GIỚI THIỆU CÂY BÚT TRẺ
NGUYỄN THẾ THỌ

Sinh năm 1980 tại Đà Nẵng.

Tốt nghiệp ngành kế toán - kiểm toán.

Đã có thơ, truyện đăng trên nhiều tờ báo và website văn học.

Giải thưởng: Giải nhì thơ haiku tiếng Việt của Tổng lãnh sự quán Nhật Bản tại TP.HCM tháng 9-2007.

Đôi lời tự giới thiệu:

“Tôi làm thơ từ năm lớp 11. Rồi thử viết haiku cách đây hơn hai năm khi bắt gặp thể loại thơ rất độc đáo. Thử thách khi làm haiku là thái độ “thiền”. “Thiền” không có nghĩa là ngủ quên, mà là giữ cho tâm được tĩnh. Có người hỏi: bạn còn trẻ, viết haiku có hợp không? Tôi “thiền” bằng cách tập nhìn ngắm vạn vật xung quanh mình, nắm bắt được một khoảnh khắc nhỏ bé chợt thoáng qua, để ngẫm về một thế giới đẹp đẽ rộng lớn hơn. Tôi “thiền” ngay cả khi đang “thức” với nhịp sống hiện đại này. Thế thì có gì là không hợp?

Đôi lúc cũng cần thưởng cho mình một chút lắng đọng, để quân bình cảm xúc đời thường. Đó là cái khó và cũng là cái mà tôi thấy thú vị, muốn theo đuổi haiku”.

10 bài haiku dưới đây, hai bài đầu đã được giải:




NGUYỄN THẾ THỌ



1.
Con cá thở
Bọt bong bóng vỡ
Mưa phùn.

2.
Đóa hướng dương
Nhú trong vườn cỏ
Ngày không mặt trời.

3.
Trên gốc cây khô
Một nụ mầm mới
Giọt sương.

4.
Dưới cọng cỏ ấy
Con dế và giọt sương
Uống nhau.

5.
Giếng cạn
Ếch bỏ đi
Bầu trời rêu.

6.
Lẫn trong đám lá cũ
Một chiếc xanh
Mặt trời treo màu rũ.

7.
Bên ngoài bức tường
Con ve hát
Và đêm thả sương.

8.
Đàn kiến di cư
Trên bậu cửa
Mưa rào.

9.
Mặt trăng ham chơi
Rụng vào bông cúc
Phơi dưới mặt trời.

10.
Gió không thể lọt vào
Căn phòng ấy
Đông khô.

Võ Thị Hà

GIỚI THIỆU CÂY BÚT TRẺ

VÕ THỊ HÀ

* Sinh ngày: 23-3-1989

* Quê: Yên Thành, Nghệ An

* Bút danh: Mộc Anh, Thụy Ninh, Minh Hạnh...

* Hiện là sinh viên lớp K10 khoa sáng tác và lý luận phê bình văn học Đại học Văn hóa Hà Nội

* Email: vothiha1989@gmail.com

Các giải thưởng:

- Giải khuyến khích cuộc thi viết truyện thiếu nhi chủ đề Một ngày kỳ lạ năm 2008 của Nhà xuất bản Kim Đồng và Hội Nhà văn Đan Mạch tổ chức.

- Giải nhất cuộc thi viết "Thư gửi ông già Noel" và giải khuyến khích cuộc thi "Viết về người phụ nữ Việt Nam" do website Camnanggiadinh.com.vn tổ chức.

Tự bạch: "Có những lúc tôi hoang mang về bản thân. Nhưng ngay sau đó tôi lại viết như một cách để làm yên lòng cái tôi bướng bỉnh. Hai mươi tuổi, nghĩa là tôi vẫn hi vọng về mình lắm lắm".


Thẳm


VÕ THỊ HÀ


Tôi không thể quên được ngày ấy, ngày tôi thấy ba chở một người phụ nữ trên đường.

Người phụ nữ có làn da mỏng manh và gương mặt ướt. Đêm về qua cửa sổ có mùi hoa mộc hương, tôi nằm trong bóng tối, nghe rõ cả tiếng kèn kẹt của chiếc xe chở rác hoen gỉ. Tiếng cô giúp việc gọi con mèo nhỏ về ăn tối thành điệp khúc hằng đêm, như chỉ nghe tiếng gõ chén ấy thì tôi mới nhắm mắt được vậy và trên gác hai, tiếng chân cô Út tôi quăng quờ trong đêm, buồn bã, vô hạnh.

Tôi dậy sớm, cắt một bó những nhành violet lai, tuốt lá gốc rồi cắm vào cốc thủy tinh chếch ngược bên ô cửa sổ hình vuông. Cứ ba ngày một, tôi thay hoa khác. Nhà tôi trong hẻm, sau nhà có một mảnh vườn hoang tím ngát màu cúc dại, mộc hương, hoa cỏ lào và rau má. Tôi yêu chúng vô ngần. Khi tôi đã lớn, nhiều hôm nhà vắng tôi len lén ra đó, ngồi bên tổ kiến già nua mà chủ nhân của nó luôn đi vắng hay đã vùi thân sau một trận mưa đêm. Hái đầy tay những nụ cỏ nụ hoa, tôi rời xa hẳn những hỗn tạp âm thanh thành phố.

Dáng ba tất bật dắt xe ra khỏi cổng, mẹ lật đật chạy ra với mũ bảo hiểm trên tay. Tôi muốn nhắm mắt trước cử chỉ chăm phụng, tuân phục của mẹ mà không được.Tôi uất khan trong lòng, ba có người khác, ba là như thế sao, chỉ chừng đó sao. Tôi đóng sập cánh cửa sổ, nghe tiếng chân trần thình thịch dọc cầu thang, cô Út hét gọi ba bằng giọng nhéo nhẳng vỡ òa ở âm cuối:

- Anh Hai! Anh Hai! Tiền này không có ông Hồ, không có ông Hồ không tiêu được anh Hai ơi!

Và giọng vỗ về trầm tĩnh đến kỳ lạ của ba:

- Út cần tiền để làm gì? Thích gì anh mua cho, giữ tiền không cẩn thận lại mất.

Sự trí trá đôi khi được giải thích một cách hợp lý và ngắn gọn như vậy đó, tôi chua chát nghĩ. Cô Út đâu có gọi tên được đồng tiền giả, và ba thản nhiên sắp đặt không cần lý do. Không biết ba thủ thỉ gì mà cô Út lại lủi thủi vào nhà, những bước chân chấp nhận như hàng ngàn lần khác hòa với ngột ngạt tiếng nổ máy xa dần.

- Su ơi! Út đói! Út đói! Su ơi!

Tiếng cô nheo nhéo, dỗi dằn. Thật lạ vì bao năm nay, từ hồi tôi mười tuổi khi ba mẹ đón tôi từ nhà nội lên phố, cô đau nặng vậy mà đôi lúc vẫn nhận biết mọi sự tỉnh táo cứ như là giả vờ vậy. Tôi tự đập đầu vào tường vì ý nghĩ tàn nhẫn của mình, mở tủ lạnh lấy đồ ăn mang ra bàn cho cô. Cô đang nghịch bông bưởi còn khép nụ, ngước lên nhìn tôi, nét mặt thanh thản và tươi tắn lạ thường như chưa có vụ ba đưa cho tiền giả vậy. Tôi tắt nguồn điện thoại, dắt xe ra ngoài, cô chạy theo níu lại.

- Su đi đâu? Đi đâu đó? Cho Út đi với, Út canh xe cho Su!

- Sao Út khôn dữ vậy? Bày đặt canh xe cho Su, Su hổng cần. Su đi có công chuyện, Út vô nhà chơi ngoan đi! Lát về Su mua quy gừng cho!

- Không! Út hết thèm quy gừng rồi! Cho Út theo với mà! Năn nỉ Su đó! Su à!

Tôi bực tức gạt tay cô Út ra, đề máy xe phóng vút đi, bỏ lại đằng sau một lô những vạ vật thường nhật của cô và tiếng dỗ dành cũng đã trở nên đơn điệu của cô giúp việc.

Gửi xe, tôi men theo cầu thang tối lên căn phòng sắp đặt ngẫu hứng của Khang, vừa đi vừa rủa thầm chốn keo xỉn diện tích này. He hé cửa, tôi nhìn thấy đôi dép lưới màu nâu được dẹp sang bên và một giọng người trầm ấm đến kỳ lạ. Khang không ở một mình, tôi thấy lạ vì mọi lần chỉ có tôi năng ghé thăm, bạn bè thì Khang chỉ hẹn ngoài hàng. Tôi gõ cửa. Khang ra, nắm gọn những ngón tay nhỏ xíu của tôi kéo vào.

Một người đàn ông có mái tóc dài, khá thẳng nhưng tôi dám khẳng định là tóc tự nhiên. Anh nhìn tôi khẽ gật đầu. Và tôi thấy rõ mắt anh rất đẹp, màu nâu, sâu thẳm. Tôi ngồi xuống tấm đệm nhung vuông vắn màu hồng phai với bàn tay vẫn được giữ chặt trong tay Khang.

- Anh Viễn, bạn anh. Phương! Anh Viễn à!

Anh nhìn thẳng vào tôi cười hiền hậu, đặt vào tay tôi chén trà ấm. Chúng tôi nói chuyện thoải mái về những bìa sách của Khang. Anh cũng vẽ bìa, giờ đã vẽ ít hơn nhưng tôi vẫn thấy quen tên anh dưới những bìa sách của một nhà xuất bản đang lên, những bìa sách có hình những con chữ như nhú lên từ những bờ đất gầy màu cỏ úa. Anh về, Khang tiễn ra cửa, mình tôi ngồi lại cảm giác mình bần thần như đang mượn cảm xúc của người khác. Đếm bông hoàng lan sáu cánh cong cong như ngón tay út điệu đà ngoài cửa sổ, muốn chạm tay vào quá chừng. Khang trở vào, áp môi lên trán tôi.

- Sao Su buồn vậy?

- Anh Viễn về rồi à!

- Ừ, về rồi. Anh bảo Su dễ thương lắm đó!

- Ảnh bạn với Khang hồi nào mà giờ mới thấy vậy?

- Cũng lâu rồi, anh em đồng nghiệp mà. Gặp nhau ở mấy hội thảo, thấy nói chuyện hợp gu, thế là thân. Su đói không? Mình đi ăn gì đi?

Tôi khe khẽ lắc đầu, chắc bộ dạng thiểu não lắm. Khang đặt nhẹ tay lên trán tôi, rồi ôm cả mái tóc dài buồn bã.

- Su sao vậy? Su đau ở đâu? Nói Khang nghe.

Tôi dụi đầu vào ngực Khang lúc lắc đầu, không nói. Khang không hỏi thêm. Chúng tôi cứ ngồi lặng im như thế đến lúc tôi ngủ quên lúc nào không hay.

Khuya vừa chạm ngõ, tôi bưng bát xúp kề môi, nghe đắng trên đầu lưỡi. Tôi nói muốn về nhà, cay đắng nhận ra mình vẫn chưa thể xa được nó. Úp mặt trên lưng Khang, tôi khóc. Nửa hẻm, tôi giục Khang về, anh không chịu, bỏ mặc chiếc xe tróc sơn, dẫn tôi vào.

Mẹ chờ tôi ở cổng, cái cổng viền giàn hoa giấy lỗi mùa. Khang chào, mẹ không đáp lời, nghiêm khắc nhìn tôi. Tôi nói với Khang, giọng khô khốc:

- Em vào nhà đây. Mai gặp.

Rồi mặc kệ anh, mặc kệ mẹ, tôi vào nhà.

Đón tôi không phải là ba mà là cô Út. Cô ngồi bệt dưới đất, một tay gác lên thanh đặt tay của ghế bành, nghịch với con mèo trắng tròn tũn. Tôi có cảm giác cô dõi theo từng bước chân của tôi, ánh mắt có lúc dài dại, có lúc sắc xoẹt như cứa cái gót hồng tròn trĩnh của tôi. Tôi đóng sập cửa, mở toang cửa sổ, nhìn ra màn đêm nhung mị. Tiếng bước chân nhẫn chịu mặc định của mẹ.

- Mẹ! Ba vẫn chưa về sao?

- Con đi đâu suốt ngày hôm nay?

Tôi nhìn sâu vào mắt mẹ, thầm nghĩ ngày xưa mẹ có từng đi với một ai đó về khuya như tôi không nhỉ. Nếu con gái tôi sau này cũng như tôi, tôi biết nói với nó sao đây. Tôi không muốn mẹ buồn, thật sự. Và tôi biết rõ mẹ sẽ không hỏi gì thêm, khi tôi không muốn trả lời hay vì mẹ đã có câu trả lời, tôi không biết nữa. Tôi thương mẹ vô cùng, đến nỗi có cảm giác như ba đã phản bội tôi vậy. Bước chân mẹ về phòng sau cánh cửa khép nhẹ, vẫn nhẫn chịu như từ xưa vẫn vậy.

Lại một buổi sáng, trong ngái ngủ tôi nghe tiếng chân cô Út chạy sầm sập xuống cầu thang, nhưng lại mở cửa phòng tôi rất khẽ.

- Su à! Cho coi cái này hay lắm! Hay lắm nè!

Tôi he hé mắt, bỗng dưng muốn giả vờ tò mò bí mật của cô như một cách chuộc lỗi cho hành động thô bạo hôm qua. Cô Út quơ quơ một tấm hình trước mặt tôi, loáng thoáng gương mặt ba tôi và nhiều người khác, lẫn giữa quen lạ ấy là một gương mặt ướt. Tôi giật lấy tấm hình trên tay cô Út. Ba tôi không đứng cạnh người đó. Tôi ném nó ra ngoài cửa sổ, mặc cô Út trợn tròn mắt, tôi kéo xệch đôi dép bông vào toilet.

Tan trường, Khang chờ tôi ở cổng. Anh đưa tôi đi Garden Café, bảo Viễn đang chờ. Tôi ngồi sau xe anh, bất chợt đưa ngón tay cái lên gần miệng và thổi, một cách vận dụng mẹo vặt chữa hồi hộp. Chúng tôi đi dưới tán lá rợp dẫn vào góc quán quen thuộc. Hai mái đầu đang chờ, có một mái tóc con gái, tôi cảm thấy mình như người hụt hơi, bước chân muốn chững lại. Hai mái đầu cùng quay lại, tôi không nhìn Viễn, chỉ nhìn một gương mặt ướt. Tay tôi bỗng lạnh đi. Tự kéo ghế ngồi, tôi không thể không mỉm cười.

Nga là tên người đó và không cần giới thiệu, nhìn vào mắt Viễn tôi biết anh có mối quan hệ đặc biệt với Nga. Nga cũng có đôi mắt thẳm, tóc đen và mềm, nói chuyện hơi điệu và tỏ ra ngây thơ. Tôi cảm giác cô là người sắc sảo, sắc sảo hơn nhiều so với tuổi của mình. Bên cạnh cô, nét nhân trung sâu của Viễn dường như khổ hạnh thêm. Mọi người nhấm nháp cà phê và tán chuyện một cách sôi nổi, chỉ có tôi ít nói hơn thường ngày, dốc từng ngụm qua cuống họng, vô cảm, mà không cần đường. Khang nhìn tôi lạ lùng. Chắc anh nghĩ tôi phiền lòng vì chuyện chạm mặt với mẹ tối qua. Mặc, tôi không giải thích, mặc dù trên đường về anh gặng hỏi.

Chuyến đi thực tế với một nhà xuất bản tách tôi ra khỏi Khang. Một chiều nắng đẹp, bước ra từ thư viện tôi nhìn thấy Viễn bên kia đường. Viễn chạy xe chở tôi chầm chậm trên phố. Chúng tôi lang thang trên phố ăn đêm, phố sách, nụ cười làm tôi phút chốc quên đi ánh mắt khi anh nhìn gương mặt ướt. Viễn đưa tôi về khi chúng tôi đã thấm mệt. Xe anh khựng lại trước hẻm vào nhà tôi.

- Nhà em trong này?

- Dạ. Sao anh?

- À, không!

Tôi thoáng thấy vai Viễn khẽ run lên khi tôi bảo anh dừng ngay sát cổng. Một bóng người nhỏ nhắn ngồi trên cái bệ ximăng ghép kiểu cạnh gốc hoa giấy già cỗi. Không phải mẹ tôi. Tiếng xe đánh thức bóng người. Là Út tôi. Cô ngước mắt thẳng về phía đèn xe. Và đôi mắt bỗng dại đi. Viễn cũng nhìn như bị đóng đinh vào mắt cô, thẳm nhức.

Tiếng máy nổ ngột ngạt, là tiếng xe quen thuộc bao năm nay của ba tôi. Hai ánh đèn rọi thẳng vào nhau. Ba tôi cũng nhìn trân trân vào Viễn. Bốn người chúng tôi đứng dưới gốc hoa giấy, xác rụng đầy, không ai nói một lời. Ánh mắt ba nhìn tôi như một dấu hỏi lớn có hình câu liêm, ngoặc xuống. Ông tắt máy, ôm lấy bờ vai mỏng đang dần rũ xuống của cô Út, nhìn Viễn khô khốc:

- Người ta nói nó bị điên tình. Mười năm nay như cái xác không hồn, khi tỉnh khi mê. Tội tình ướt mặt!

Ba lại nhìn tôi, rười rượi. Chúng tôi dìu cô Út ruột rà tội nghiệp đang rũ đi vào nhà. Tôi nắm lấy tay cô, những ngón gầy mềm lành lạnh. Bất giác nhìn xuống đuôi mắt, thấy thẳm sâu nhức nhối.

Đêm, bên cửa sổ phòng cô Út, ba hỏi tôi về Viễn. Tôi nói là bạn. Và rồi lẽ ra nên im lặng về phòng, tôi lạnh lùng:

- Và là người tình của Nga, người đàn bà có gương mặt ướt!

Tôi không rõ mình có nhẹ nhõm hay hả hê khi nói ra điều ấy. Ngay tối hôm ấy tôi vứt thẻ sim vào thùng rác nhà bếp. Ngày Khang về, tôi nói lời chia tay. Thủ tục du học đã làm xong, tôi muốn xa ngôi nhà có giàn hoa giấy lỗi mùa, muốn rời xa những khổ hận gầy mòn. Ba không nói gì với tôi, chỉ chở mẹ đi sắm sửa mọi thứ đồ, dù là nhỏ nhặt nhất cho tôi.

Sáng tháng tư, nắng man mát, hơi gió buồn im im, lần đầu tiên tôi ra mảnh vườn hoang sau nhà cùng với Út, sau không biết bao nhiêu chu trình ba ngày bỏ rỗng. Chúng tôi hái đầy tay những cúc dại, cỏ lào, mộc hương, violet. Tôi chải tóc cho cô Út bên cạnh tổ kiến già nua lạnh vắng, ướt giọng trên vai Út gầy: "Có bao giờ em thấy buồn, mắt sâu chìm trong đáy hồn, một người nhìn em dạt dào thầm kín vẫn chưa lần đến bên em, nắng đêm dọi trên má hồng..."