Thứ Tư, 26 tháng 8, 2009

…Vào đại học

…Vào đại học


NGUYỄN HỮU HÔN



Hình như nơi đó rất vui
Bạn bè tôi lớn lên ai cũng tìm về phố
Những bước chân quê, trụi trần bé nhỏ
Bây giờ rất xa rồi

Bao nhiêu phố phường hỡi thành phố - bạn tôi ơi!
Mà những con đường quê bỗng hóa thành bé nhỏ
Nơi tuổi thơ lớn khôn từ cọng cây lá cỏ
Và những trái tim yêu thương chẳng so sánh bao giờ

Vậy là mai tôi cũng rời xa quê
Bạn sẽ đón tôi bằng mái đầu cháy nắng?
Có cười với tôi nụ cười chân quê và bình lặng?
Như ấu thơ của những cánh diều.

Hay đón tôi bằng một trái tim ngu ngơ
Nơi ngã tư Sài Gòn nồng nàn tuổi trẻ
Dán một tấm bản đồ vào ba lô tôi nhé!
Tìm những con đường rất gần sẽ về quê cũ xa xôi…

Điên điển tím

Điên điển tím


HOÀNG PHỤNG THUYÊN


Út nghe gì chưa, mấy anh chị trong Mùa hè xanh sắp về xóm mình rồi đó.




- Út biết rồi, Út còn biết tên chị về ở nhà Út nữa nghen.




- Sao biết chị hay vậy?




- Trần Ngọc Minh không là chị chứ còn gì nữa. Hehe.




Nhà Út có mỗi Út là con gái, còn lại là năm anh, suốt ngày ăn hiếp Út là giỏi. Làm biếng nè, ở dơ nè, cái gì cũng bắt Út làm hết, thấy bắt nản. Giờ Út có chị rồi, sướng quá xá luôn.




oOo




Sáng giờ Út nhờ ngoại chải tóc thiệt đẹp, bận bộ đồ mới ra hiên ngồi chờ. Út nghĩ hết rồi, chị Minh mà đến Út và chị sẽ đi hái điên điển nè, bắt cá nè... Đủ việc để hai chị em làm hết à.




- Bác Tư ơi, ra đón người đi.




- Dạ, có con.




Chưa chi Út đã chạy ra trước.




- Hả?




Sao lại thế này, “chị” của Út sao biến thành ông nào lạ hoắc vầy. Lộn rồi, lộn người rồi. Chắc luôn.
- Không, không phải. Lộn rồi chú ơi, nhà con đón chị Minh mà.




- Thì Minh chứ sao, nhưng là anh Minh, nhóc con ạ.




Minh lấy mũ xuống, nhét vào balô. Đưa tay xoa đầu cô nhóc tinh nghịch vừa chào hai người lớn trong nhà.




- Con là Minh, Trần Ngọc Minh. Từ nay con sẽ về ở trọ nhà được không ạ.




- Không, không, Út không cho. Ai cho ông vô ở nhà tui.




- Út, không được hỗn.




Út mím môi, kiềm chế cơn tức giận, quay đầu chạy vào nhà. Ai cần anh làm gì, Út thích chị thôi, bộ có năm ông anh rồi chưa đủ hả?




- Minh à, nhà này thật ra có đến năm cháu trai lận nhưng họ đều lần lượt bỏ xứ mà đi. Còn con Út ở nhà với ông bà đó thôi. Thấy nó vậy chứ thật ra con nhỏ hiền khô và hiếu thảo nhứt xóm này đó.
Minh chỉ cười chứ không nói gì, mỗi nhà mỗi cảnh mà. Hóa ra Út mong ước có một người chị, hèn chi hồi nãy thấy Minh nó phản ứng dữ dội vậy.




oOo




Út len lén nhìn Minh. Minh biết cô nhóc đang nhìn mình sau cánh cửa liền quay lại trừng mắt lên. Bị bất ngờ, Út giật mình, đầu đập vô tường cái “bốp”.




- Ui da!




- Anh xin lỗi, em có sao không? Ai biểu không ra chơi mà đứng trong này làm gì. Bộ Út sợ đen hả?




- Tui... à Út mà sợ đen gì, không thấy Út đen thui rồi sao? Người sợ đen là anh Minh thì có, con trai thành phố có khác, trắng bóc à ha. Mà sao ốm nhách vậy chứ, giống con gì ta...




Nãy giờ bị nói khía đủ điều Minh đều im lặng. Kệ nó chứ, nhóc con ý mà, cho nó chọc tí cũng hay hay.




- Biết rồi, Út biết rồi. Anh giống y chang con cá kèo. Từ nay gọi là anh Kèo đi. Haha.




- Anh gì?




- Anh Kèo.




- Con cá kèo trong lẩu ấy hả? Con cá ốm nhách toàn xương không à, xấu hoắc. Anh đẹp trai mà.
- Giờ anh có chịu là anh Kèo không nè?




Út chống nạnh, mắt trợn, miệng chu ra trông “vẩu” chịu không nổi.




- Chịu, chịu. Út bình tĩnh.




Út phá ra cười, coi bộ anh Kèo của Út cũng thú vị ra phết. Mà cũng thương Út lắm nghen, tưởng dân thành phố không biết làm gì vậy mà lùi khoai, làm diều... đều giỏi hết. Còn hát thiệt hay, mấy đứa trong xóm ghen tị ra mặt. Út sướng quá còn gì.




- Út, tí nữa ra ruộng với ngoại.




- Thôi, cho em nó ở nhà học bài. Con ra ruộng với ngoại sẵn tiện làm cây cầu với mấy anh em luôn.




- Anh Kèo số một.




Út cười tươi hết cỡ, khoe hai chiếc răng sún.




- Anh Kèo hả?




- Dạ, anh Kèo đó ngoại.




Ông Tư quay nhìn Minh tủm tỉm cười. Minh cũng cười, nụ cười thấy thảm. Ai ngờ thằng sinh viên 20 tuổi mà bị con nhỏ 10 tuổi xách mũi không trời!




oOo




Về miền sông nước mới thấy mình sướng. Ở nhà có bố mẹ chăm sóc, ra đường đi xe máy, chui vào giảng đường ngồi mát rồi xài laptop, nghe MP3... Ở đây đến điện người ta còn quý, con nít lớn lên được đi học là vui lắm rồi. Đi học về là lao đầu ra làm kiếm bát cơm. Cực cũng có, vui cũng có, niềm vui của tuổi thơ đúng nghĩa.




- Anh Kèo đi hái bông điên điển không?




- Hái về ăn hả?




- Dạ, ăn cũng có, bán cũng có.




Con nít xóm này giỏi ghê luôn, tí tuổi đầu mà biết làm đủ việc giúp gia đình rồi. Út chèo thuyền ra con lạch nhỏ. Giữa dòng, những bông hoa tím biếc đẹp không ngờ.




- Hái đi Út.




- Hái gì, chưa đến khúc có bông điên điển mà.




- Út không thấy sao, tùm lum nè. Đó, mấy bông tim tím kìa, đẹp vậy ăn chi uổng Út ha.




- Trời ơi, anh Kèo ngốc ơi là anh Kèo ngốc. Điên điển màu vàng mà, đó là lục bình. Bộ trước giờ anh không biết đâu là lục bình, đâu là điên điển hả?




- Thì anh cũng có ăn mà đâu để ý.




Minh bối rối thú nhận. Không biết thì im luôn cho rồi, còn bày đặt nhiều chuyện làm chi không biết.




- Mà điên điển tím cũng đẹp anh ha, đâu cứ nhất thiết là hoa vàng.




Út ngưng chèo, đưa tay hái cành lục bình mân mê trên tay.




- Tía má Út thương Út lắm nghe. Hôm sinh nhật Út 6 tuổi, má muốn mua cho Út cái cặp mới nên ráng hái thật nhiều hoa để bán. Tía cứ chèo, cứ chèo đi xa hơn, rồi mất hút. Tía má đi xa quá đâu ai biết mà cứu. Ngày ấy, bông điên điển rải vàng cả khúc sông. Út thấy người ta đem tía má về mà biết gì đâu. Tía má nằm đó, yên lặng... Ngủ thật rồi. Ai cũng ngủ, bỏ Út lại đó. Chiều dần buông, nhuộm tím cả khúc sông, nhuộm tím cả bông hoa điên điển mà má đang nắm trong tay. Ai cũng khóc, ông bà Út khóc, anh Út khóc, chỉ có Út là không khóc. Út chỉ biết đứng đó nhìn tía má, nhìn bông hoa điên điển tím má đang cầm trên tay. Ừ, điên điển tím đẹp lắm nhưng mà buồn và đau...
Minh im lặng, quá nhiều nỗi đau trong Út. Ngày sinh nhật cũng là ngày tang của tía má em. Vậy mà Út vẫn dám đối mặt với nó, vẫn trở thành người con, người cháu hiếu thảo. Vẫn trở thành một cô bé lanh lợi và đáng yêu của ngày hôm nay.




- Út đâu có khóc, má nói Út mà khóc là xấu ra cho coi, anh Kèo ha.




- Ừ, Út đâu có khóc.




Minh quay mặt đi, cố gắng cười. Út cười mà khuôn mặt bé thơ đẫm ướt. Út cứ khóc đi, khóc cho đã rồi cười lên Út nhé. Con thuyền đã đến giữa dòng tự lúc nào, hai bên bờ điên điển vàng cả khúc sông, nhuộm vàng cả mặt nước. Chiều cũng dần buông, sắc tím vàng hòa quyện, bao trùm cả không gian. Út cười, đưa cây khều xuống một chùm điên điển đưa cho Minh. Hương hoa thoang thoảng, Minh lặng ngắm đóa hoa miền sông nước. Điên điển tím trong ký ức và hóa vàng trong tương lai, Út nhé...

Chủ Nhật, 16 tháng 8, 2009

Nguyễn Thị Hậu

GIỚI THIỆU CÂY BÚT TRẺ

Nguyễn Thị Hậu





Năm sinh: 1986

Quê quán: Đồng xuân, Phú Yên

Tốt nghiệp chuyên ngành Báo chí

Trường CĐ Phát thanh –Truyền hình


Tự bạch: Thơ là sự chuyển tải cảm xúc từ những hình ảnh dung dị của cuộc sống đời thường. Khi tôi còn viết, nghĩa là tôi vẫn sống, vẫn yêu, vẫn trăn trở, vẫn cố gắng và đón nhận những bao dung tự cuộc đời…


Blog: nguyenthihaupy.blogspot.com


Email: haunguyenyenphu@yahoo.com.vn
haunguyenyenphu@gmail.com


Điện thoại: 0984 633 105


Con tằm rứt ruột nhả... thơ


NGUYỄN THỊ HẬU

(CĐPTTH 2, TP.HCM)





Tôi có quen anh bạn làm thơ. Có lần anh hỏi: "Em làm thơ vì điều gì?". Tôi trả lời: "Vì cảm xúc...!". Anh có vẻ phật lòng, ánh mắt đăm chiêu đến lạ! Hai mươi tuổi, hời hợt quá, tôi đã không để ý!




Mà quả thật lúc đó tôi đã trả lời đúng với những gì mình suy nghĩ. Cuộc sống vây lấy tôi, tác động vào các giác quan, tình cảm và tôi viết, không cảm xúc là gì!




Tôi bước vào năm đầu cuộc sống sinh viên. Một thành phố mới, con người và những mối quan hệ mới càng tạo cho tôi nhiều nguồn cảm xúc. Bạn bè đọc thơ tôi, có đứa thích vì trong đó bắt gặp cả hình ảnh của mình: đang yêu, đang phân vân, đang chới với... Có đứa chép vào sổ vì trong đó có cả hình ảnh của những người cha, người mẹ lam lũ trên cánh đồng... Thế nhưng cũng có đứa lắc đầu bảo thơ của thế hệ 8X mà sao cứ nhuốm một màu bàng bạc, cứ như thời của T.T.KH.! Người đọc có quyền nhận xét. Mặc kệ, tôi làm thơ theo cảm xúc cơ mà!




Rồi những sáng tác của tôi thưa dần. Thậm chí có lúc dòng cảm xúc của tôi hầu như khô cạn. Khổ nỗi, niềm đam mê đã vận vào người thì khó lòng dứt ra được!




Có những ngày tôi lang thang trên phố, cố vỗ về những cảm xúc miên man trong đầu. Những ngã tư đèn đỏ đông nghịt. Tiếng cãi vã của một vụ đụng chạm. Mấy túi nilông ném vội xuống lề đường. Cảnh vật trước mắt tôi cứ trôi đi. Tôi bỗng giật mình nhận ra một sự chai sạn cảm xúc từ từ...




Tôi sợ! Sợ một ngày nào đó mình sẽ không làm thơ được nữa. Đọc lại những bài thơ của mình sao cứ thấy nhàn nhạt và thấp thoáng đâu đó những hình ảnh và ngôn từ cũ kỹ...




Tôi gọi điện cho anh bạn ngập ngừng: "...Em đã sai?!". Anh bảo rằng thơ là sự thăng hoa của cảm xúc và người làm thơ phải trăn trở theo từng nhịp thở của cuộc đời mới viết thành con chữ. Anh đọc tôi nghe bài Tuyệt cú của Giả Đảo:




Nhị cú tam niên đắc



Nhất ngâm song lệ lưu



Tri âm như bất thưởng



Quy ngọa cố sơn thu.




(Có hai câu thơ mà ba năm mới làm xong, vừa mới ngâm thì hai dòng lệ đã tuôn; nếu bạn tri âm không thưởng thức, ta sẽ về ở ẩn nơi núi xưa trong mùa thu).




Có người làm thơ để gửi gắm chia sẻ tâm tình với mọi người. Có người làm thơ như một sự giải tỏa, dẫu chỉ viết cho riêng mình. Và dù ở góc độ nào, xét cho cùng đó cũng là tinh túy của cuộc đời và đều đáng trân trọng. Thế nhưng nếu viết một cách hời hợt bằng những cảm xúc mơ hồ thì chẳng là thơ nữa. Tôi chợt nhớ đến hình ảnh con tằm oằn mình rút ruột nhả tơ!




Tôi lại nhớ đến một tác giả mà tôi thích ngay từ những bài thơ đầu tiên được đọc, thích cách dùng chữ dung dị mà cứ như dòng sông ấm áp chảy giữa đời thường:




Chăn trâu đốt lửa trên đồng



Rạ rơm thì ít gió đông thì nhiều



Mải mê đuổi một cánh diều



Củ khoai nướng để cả chiều thành tro




(Chăn trâu đốt lửa - Đồng Đức Bốn)




Hay:



Bây giờ con chẳng còn gì



Cúi đầu lạy mẹ con đi về trời...




Không cần phải lên gân hay cầu kỳ kiểu cách, nhưng đằng sau mỗi con chữ là cả một con tim dạt dào tình yêu cuộc sống, sự khắc khoải đau đáu với đời. Tôi bỗng thấy nợ anh bạn một câu trả lời!



Thơ Nguyễn Thị Hậu

Thơ Nguyễn Thị Hậu


Nơi gửi lại tuổi thơ

Không lỗi hẹn ngày về thăm chốn cũ
Dấu vết xưa loang lỗ vệt cỏ gà
Giếng nước còn không mấy mùa hạng đi qua
Bên bến vắng bãi ngô cờ xao xác

Có tiếng vọng đò nhỏ nhoi cơn gió lạc
Mấy thưở phù xa sao cứ khuyết bồi
Bóng người xưa giờ bỗng hóa xa xôi
Trách làm chi kí thác đời dâu bể

Vườn nhà ai rụng tím đầy hoa khế
Mấy ngõ cong cong như đợi tự bao giờ
Kẽo kẹt ru hời nhịp võng trẻ thơ
Tay chạm dậu thưa đã mấy mùa xa vắng

Tay chạm dậu thưa mà nghe hồn lẳng lặng
Đóa dâm bụt đỏ màu chiu chắt với thời gian
Hăng hắc lá khô, nghe đất thở khẽ khàng
Trước vườn xưa,ta gặp lại tuổi mình của một thời
xa lắc…




Gửi lại Tuy Hòa

(gửi ngày lạc phố...)





Tuy Hoà ơi có gì vương vấn thế
Nắng nhạt màu phố cũ có dài hơn
Đường vắng em xác lá có giận hờn
Ai lẻ bước một mình lên tháp vắng






Ai lẻ bước một mình lên núi Nhạn
Câu thơ chông chênh rơi rớt giữa chiều
Biết anh còn nhung nhớ một miền yêu
Rưng rứt gió cuốn bao lời tình tự






Rưng rứt gió rát chân người lữ thứ
Ta lướt qua nhau tấp nập dòng đời
Giữ Tuy Hòa câu thơ cứ buông lơi
Xin gửi lại cả một mùa xa lắc...





Nửa đêm Núi Nhạn

Nửa đêm Nhạn tháp trăng mơ
Vàng khuya một mảnh ta chờ đợi ta
Đêm nghiêng mái tóc ngọc ngà
Ta nghiêng kí ức đi qua tháng ngày

Giọt thơ ai hứng đầy tay
Bao nhiêu khoảng lặng vỡ đầy hư không
Lục thương, bát nhớ… đèo bòng
Buông tay… lỗi nhịp… ừ, không còn gì!

Tự tình trăng cứ tình si
Rêu phong Nhạn tháp nói gì cùng ta
Trả thương,trả nhớ những là…
Còn ta - Nhạn tháp- trăng và thơ thôi.





Mai về

(cho anh Giang San)


Mai về gửi trúc bên hiên
Giọt trăng rơi xuống một miền cỏ lan
Con đò bến cũ đã sang
Bỏ quên người khách trỡ tràng đứng trông

Mai về gom gió mùa đông
Gói hanh hao để ấm nồng bàn tay
Hình như ta của hôm nay
Ngu ngơ tìm lại những ngày đã qua

Gặp người xưa của hôm qua
Chạm nhau ánh mắt biết là chông chênh
Phải đâu mây trắng bồng bềnh
Trả câu lục bát mông mênh cuối trời

Cũng đành một kiếp rong chơi
Gửi bao ray rứt mù khơi…mai về

Phan Nguyễn Trà Giang

Phan Nguyễn Trà Giang

Sinh nhật: 23/05/1991

Quê quán: Quảng Nghiệp, Phước Hưng, Tuy Phước Bình Định.

Là cựu học sinh trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Quy Nhơn, Bình Định.

Đậu đại học ngành Sư phạm Ngữ Văn với 24 điểm

Là tân sinh viên của Khoa Ngữ Văn, Trường ĐH Quy Nhơn

Có bài đăng trên Đài PT-TH Bình Định.,Tập san Tếng nói tuổi thơ (Đài Tếng nói Việt Nam), Báo Áo trắng.

Tự bạch: Chưa phải là cây bút chuyên nghiệp nên không thể gọi là quan điểm sáng tác được. Nhưng với mình, viết văn là cách mình biết tin tưởng hơn vào một điều gì đó. Có thể hơi trẻ con, nhưng mình thích những câu chuyện với cái kết có hậu, cứ như một giấc mơ, như một câu chuyện cổ tích ... mà mình từng ước ao thuở nhỏ.
Mưa trên phố núi




PHAN NGUYỄN TRÀ GIANG


Cựu học sinh chuyên văn trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, Quy Nhơn



Ngày thầy đến, cả phố núi ướt sũng người bởi cơn mưa rào bất chợt của những ngày giao mùa giữa xuân và hạ. Như những người trước đây từng đến nơi này, thầy "ra mắt" chúng con, "ra mắt" buôn làng bằng một nụ cười hiền hậu và ánh mắt thân thương nhất cùng những lời nói ấm áp: "Thầy sinh ra ở phố biển hiền hòa và thơ mộng với những hàng dừa xanh chạy dài tít tắp quanh bờ biển. Nơi ấy, có sóng trắng vỗ bờ, có biển xanh rì rào trong gió, và có cả con nước khẽ khàng vỗ ru mạn thuyền trong những chiều bình yên.


Tình yêu của thầy dành cho phố biển cũng giống như tình yêu của các con dành cho phố núi vậy. Cơn mưa ban chiều đã làm thầy bất ngờ đến sửng sốt. Lạ kỳ thật! Phố núi làm gì có những con mưa rào chợt đến rồi chợt đi như phố biển! Hình như từ những bước chân đầu tiên, thầy đã yêu nơi này mất rồi!".


Lũ học trò vỗ tay hoan hô. Con cười - nụ cười của một đứa con gái 15 tuổi nửa nghi ngờ, nửa thách thức: "Liệu thầy có dành trọn vẹn tình thương cho nơi này như lời thầy đã hứa không? Người thành phố vô cảm lắm, thầy ạ! Rồi thầy cũng giống như cơn mưa rào chiều nay thôi!".


Thầy dạy con học chữ và học cả những điều giản dị trong cuộc sống. Con biết, mình phải nhìn đến tương lai bằng niềm hi vọng, hướng về quá khứ bằng lòng vị tha, và hơn hết, con phải biết đặt lòng tin vào lòng tốt của con người. "Nhưng thầy ơi, tin làm sao được khi phố biển nửa hiền hòa, nửa xô bồ, tấp nập kia lại là nơi níu kéo bước chân ba con đi theo một người đàn bà khác, để lại mẹ con bơ vơ nơi phố núi nghèo khó này?". Con khóc. Thầy ôm con vào lòng, vỗ về, an ủi: "Nín đi con!".


Mùa nước lũ, trường được nghỉ học. Con vào rừng kiếm thêm ít cá cho mẹ đem ra chợ bán. Trượt chân, con té xuống suối. Chơi vơi giữa dòng nước chảy xiết, con chẳng còn biết gì nữa, cứ tưởng mình đã... Nhưng không, có một bàn tay nào đó kéo con trở lại, kèm theo lời trách móc vừa giận, vừa thương: "Sao con khờ thế? Nước lũ kia mà...!". Là thầy! Khi con thoát khỏi bàn tay của tử thần cũng là lúc dòng nước hung dữ kia cuốn thầy đi về một phương trời vô định, đi mãi... Ngày thầy đi, phố núi vỡ òa trong cơn mưa dai dẳng, thổn thức khôn nguôi...


Lên cấp ba, rời phố núi, con đến với phố biển để học ở trường chuyên của tỉnh. Phố vắng thầy, buồn đến nao lòng. Con nhớ, lúc còn sống thầy từng bảo: "Sau này chết đi, thầy muốn mình trở thành sóng trắng để được tan vào lòng biển cả”. Chiều nay con đến với biển, sóng xô bờ rất khẽ, mơn man khắp đôi chân trần dính đầy cát của con như thầm thì to nhỏ: "Nếu con học giỏi thì cuộc đời con sẽ đẹp như một bài thơ. Cố lên, con gái ạ!". Là thầy đang nói với con, phải không thầy? Bất giác, con khẽ mỉm cười: "Thầy ơi! Con sẽ làm tất cả những điều thầy mong đợi. Thầy cứ tin ở con, thầy nhé!". Dường như sóng cũng đang mỉm cười...

Thứ Sáu, 7 tháng 8, 2009

Nhật ký thực tập sư phạm

Nhật ký thực tập sư phạm
TRƯƠNG CHÍ HÙNG (CLB Văn thơ ĐH An Giang)

Ngày…tháng…năm…
Mình vừa soạn xong mấy thứ cần thiết để sáng mai dự lễ… “ra mắt”. Đã học ở trường ba năm phổ thông “quen nước quen cái” rồi, năm trước cũng đã kiến tập hai tuần ở đây tương đối “xuôi chèo mát mái”.

Vậy mà bây giờ, chỉ nghĩ tới chuyện ra mắt sáng mai thôi đã thấy hồi hộp quá trời. Ngày mai mình sẽ trở thành “thầy giáo” rồi. Ôi, hai tiếng ấy mới thân thương làm sao! Mình ước gì nó không bị giới hạn trong dấu ngoặc kép nữa. Mà sao mình tham lam quá quá vậy? Cái gì cũng phải từ từ chứ. Trước hết mình phải học làm thầy thì mới thành thầy... chính thức chứ! Hãy cố lên và đừng bao giờ nôn nóng NT ạ!

Ngày mai là một ngày rất đẹp đó. Ta đón ngày mai bằng nụ cười và trái tim thì ngày mai sẽ đón ta bằng trái tim và nụ cười. Nhớ nhé NT!

Ngày…tháng…năm…

Quả là một ngày tuyệt vời! Mình không ngờ các em học sinh lại chào đón mình nhiệt tình đến như vậy. Mình và hai bạn nữa sẽ thực tập chủ nhiệm một lớp 10 chuyên văn, giảng dạy cũng lớp chuyên văn luôn. Còn gì thích bằng nữa chứ?

Ngay khi làm quen buổi đầu mà một số em đã mạnh dạn “khoe thơ” với mình rồi. Tuy chỉ là những bài thơ “con cóc” thôi nhưng làm mình thích lắm. Các em cũng yêu văn thơ như mình. Tin rằng sự thân thiện, gần gũi ban đầu này sẽ làm thầy trò mình hiểu nhau hơn và công việc sắp tới sẽ thuận lợi.

Các em có biết rằng các em đáng yêu lắm không? Các em đã cho thầy sống lại một thời áo trắng đầy hồn nhiên, tinh nghịch. (Sao mình xưng “thầy” gọi “các em” vẫn thấy ngượng ngượng thế nào ấy!).

Hãy mỉm cười đi NT ạ, những ngày sắp tới còn nhiều điều thú vị lắm!

Ngày…tháng…năm…

Hôm nay là ngày đầu tiên mình dự giờ lớp mình. Tiết dự giờ là tiết… vật lý. Không sao, mình chỉ muốn biết các em học tập thế nào thôi. Tội nghiệp lắm, ban xã hội, học mấy môn tự nhiên yếu quá. Điểm số học kỳ vừa rồi của các em cũng khiến mình lo lắng. Không khéo vài em phải thi lại hoặc ở lại lớp mất.

Mình sẽ tổ chức cho các em học nhóm để tự ôn tập? Có lẽ khó khăn đây (các em nhà xa không à). Nhưng mình phải cố gắng chứ, mình tin rằng nếu cố gắng chắc sẽ làm được.

Giờ đây, mình không còn đơn thuần làm việc vì trách nhiệm, bổn phận nữa mà vì các em, vì những học sinh đáng yêu của thầy!

Ngày…tháng…năm…

Hôm nay mình được dự giờ cô giáo cũ của mình. Hạnh phúc lắm! Mình được sống lại ký ức của bốn năm về trước.

“Buổi sáng này con lại học giờ côTrời se lạnh lòng con se nỗi nhớ…”

Chỉ bốn năm thôi mà dường như tất cả đã thay đổi. Mình phải cố gắng hơn nữa để không bị “bánh xe thời gian” nghiền nát.

“Trở lại trường xưaMọi người gọi mình là “thầy cô giáo mới”Không, mình vẫn là học trò - không đổiĐang học từng nét phấn rơi”

Ngày…tháng…năm…

Chán quá đi! Chuẩn bị giáo án cả tuần, làm trực quan mấy ngày, đứng lớp “khô cổ đổ mồ hôi”... vậy mà chỉ được xếp loại trung bình khá! Tại sao? Mình và mấy bạn trong nhóm không hài lòng lắm về cách nhận xét, đánh giá kém thuyết phục của giáo viên hướng dẫn. Có lẽ mình chưa quen cách làm việc với giáo viên?

Nhưng không sao, mình được các em học sinh quí lắm. Các em thích giờ mình dạy (mình nhận thấy điều ấy), thích phát biểu, năng động trong xây dựng bài... Đó là tất cả những gì mình được. Mình cảm thấy bấy nhiêu thôi cũng đủ hạnh phúc rồi. Mình thật sự rất yêu thương các em.

NT ơi sao lại thế? Mới chập chững đứng lớp đương nhiên phải vấp váp rồi. Cố lên nhé! Đừng bao giờ nản chí!

Ngày…tháng…năm…

Từ chiều đến giờ mình buồn nhiều lắm. Mình đã đến nhà em B..Hoàn cảnh em thật đáng thương. Bố em chạy theo “tiếng gọi ái tình” để lại mẹ con em trong sự túng quẫn nặng nề về tinh thần lẫn vật chất (em còn đứa em gái nhỏ mới 3 tuổi). Sao người ta có thể làm như vậy chứ?! B. đã nghỉ học ba ngày để đi làm cỏ mướn phụ mẹ. Tiếp chuyện mình chưa đầy 5 phút thì mẹ B. đã khóc, em cũng không cầm được nước mắt.

Lúc ấy quả thật mình muốn khóc lắm nhưng nước mắt không chảy ra ngoài. Mình khuyên B. “hãy suy nghĩ thật kỹ và chọn con đường đúng đắn. Thầy tin em đủ nghị lực vượt qua tất cả”. Mình không thể làm gì hơn (đó là điều khiến mình buồn). Mong em và mẹ em sẽ hiểu những gì mình nói. Mong em sẽ trở lại lớp học trong nay mai để tiếp tục cùng bạn bè đắp xây những ước mơ tươi đẹp!

Ngày…tháng…năm…

Nói sao cho hết niềm vui hôm nay? B. đã đi học lại. Sau khi biết hoàn cảnh B., lớp em đã trích tiền quĩ, cộng với tiền đóng góp liên hoan tết, tiền thưởng văn nghệ mừng xuân… tặng cho B.. B. đã đi học lại, niềm vui này lớn biết chừng nào! Cảm ơn các em học sinh đầy nhân ái của thầy! Thầy tự hào về các em!

Em T. tặng mình bài thơ do em sáng tác. Nhan đề “Những tiết học không quên với thầy…”. Khỏi nói cũng biết mình xúc động và hạnh phúc thế nào rồi. Ôi, mình đã để lại trong em ấn tượng đẹp đẽ đến vậy sao? Thầy cám ơn em, T. à! Em có biết là bài thơ hồn nhiên, xinh xắn của em đã khơi dậy trong thầy lòng yêu nghề mãnh liệt?

Lớp mình đã học khá mấy môn tự nhiên lên rồi. Xứng đáng thôi bởi vì các em không ngại đường xa đến trường để cùng ôn tập. Việc sắp tới của mình là làm sao tổ chức cho chương trình ngoại khóa văn học thật thành công. Mình tin là thành công!

Ngày…tháng…năm…

Còn hơn một tuần nữa mới kết thúc thực tập vậy mà hôm nay mình đã thấy buồn. Sắp xa các em rồi sao? Nhiều em đã đưa lưu bút cho mình viết. Viết gì đây hỡi các em, tình cảm thầy trò mình làm sao có thể viết hết, nói hết?

Mình đã hoàn thành thực tập giảng dạy. Nhìn chung khả quan đấy nhưng sao mình vẫn không hài lòng. Mình sẽ cố gắng hơn nữa sau này! Tội nghiệp P. và T. nhóm mình, sao cứ “cháy giáo án” hoài. Mong các bạn sẽ dạy tốt những tiết còn lại!

Cô D. vừa yêu cầu mình làm báo cáo về chương trình ngoại khóa. Cô nói trường đánh giá cao chương trình này. Mừng lắm! Đây là một trong những “mô hình” mình học được ở đại học và áp dụng hiệu quả tại trường phổ thông. Chắc chắn nó sẽ là tiền đề tốt để mình tự tin hơn trong tương lai. Cố lên NT ạ!

Ngày…tháng…năm…

Buổi chia tay với lớp chiều nay sao mà quyến luyến quá! Mình muốn nói thật nhiều vậy mà đứng trước lớp lại nghèn nghẹn không nói được.

“Các em có biết không, các em mới chính thật là thầy!”

Các em đã dạy cho mình “bài học làm thầy” đầy yêu thương. Có thể sau này mình sẽ được dạy nhiều thế hệ học sinh nữa, nhưng mình tin chắc sẽ không bao giờ quên lớp học hôm nay.

Mình đã sống những tháng ngày của một người thầy thật sự!

Mình đã cùng vui đùa, hát hò, lao động, thể thao, dã ngoại… với các em. Mình cho các em tri thức và khát vọng, các em cho mình lòng yêu mến và niềm tin mãnh liệt vào nghiệp “trồng người”.

Giã biệt các em, những học trò mình không bao giờ quên!

Thắm thiết ân tình GĐAT Phú Yên và GĐAT An Giang

Thắm thiết ân tình GĐAT Phú Yên và GĐAT An Giang

TƯỜNG VI








Chụp ảnh kỷ niệm. Ảnh: An Bang



Trên đường đi thực tế miền Trung, đoàn Gia Đình Áo Trắng (GĐAT) An Giang dừng chân ghé thăm xứ nắng gió Tuy Hòa.


Vào lúc 19g 30 ngày 28-7-2009, tại Hội trường Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Phú Yên buổi giao lưu bắt đầu với lời giới thiệu của hai MC tài hoa đến từ hai GĐAT: Phương Trà (GĐAT Phú Yên) và Chí Hùng (GĐAT An Giang). Đến buổi gia lưu, phía GĐAT An Giang có nhà thơ Mai Bửu Minh - Trưởng GĐAT An Giang, nhà thơ Trịnh Bửu Hoài - Chủ tịch Hội VHNT An Giang, các cây bút U30 của GĐAT An Giang: Tiến Thịnh, Thanh Thảo, Phú Thọ, Chí Hùng, Hoàng Hưng… Phía GĐAT Phú Yên có nhà thơ Đào Tấn Trực – Trưởng GĐAT Phú Yên, nhà văn Đào Minh Hiệp – Chủ tịch Hội VHNT Phú Yên, nhà văn Huỳnh Thạch Thảo, nhà thơ Huỳnh Văn Quốc của Hội VHNT Tỉnh, Cao Vĩ Nhánh – Trưởng CLB Sáng tác trẻ Phú Yên, Phụng Thuyên, Thư Nhã, Nguyên Bảo, Tường Vi, Kim Thoa, Yến Ly, Bảo Trâm, Kim Chung, Kim Liên, Lệ Hằng, Thuận Ánh… hiện đang là những cây bút triển vọng của CLB Sáng tác trẻ Phú Yên.







Nhà văn Mai Bửu Minh giới thiệu đôi nét về GĐAT An Giang


Ảnh: An Bang



Nhà thơ Mai Bửu Minh thay mặt các thành viên GĐAT An Giang mở lời với một chất giọng ngọt ngào phương Nam: “GĐAT như một ngôi nhà định hướng cho con đường của những cây bút trẻ, và bước tiến của các cây bút trẻ cũng chính là thành công của GĐAT”. Hằng năm, GĐAT An Giang tổ chức được các chuyến đi thực tế, trại sáng tác, những chuyến giao lưu thân tình như lần giao lưu với GĐAT Phú Yên này và xuất bản tuyển tập thơ văn của các thành viên. Qua nhiều năm hoạt động, GĐAT An Giang ngày càng trưởng thành, lớn mạnh và đạt được nhiều thành công như thế.










Nhà thơ Đào Tấn Trực giới thiệu về lực lượng sáng tác trẻ của GĐAT Phú Yên


Ảnh: An Bang



Trưởng GĐAT Phú Yên cũng phát biểu với chất giọng đặc trưng xứ nẫu: “GĐAT Phú Yên trẻ hơn cả về tuổi thành lập và tuổi đời các thành viên. Nên GĐAT Phú Yên đang học tập, từng bước trưởng thành và khẳng định mình”. Thời gian qua, sáng tác của các thành viên GĐAT Phú Yên dần tiến chân vào các tờ báo lớn ở địa phương và trung ương, và đạt được nhiều giải thưởng văn thơ có giá trị. Chưa tổ chức được những chuyến đi thực tế, trại sáng tác là điều GĐAT Phú Yên rất tiếc và đang trăn trở. Nhưng tin rằng, vào một ngày không xa, tiếng nói của GĐAT Phú Yên sẽ lớn mạnh hơn.










Chủ nhiệm CLB Sáng tác trẻ Phú Yên bật mí về các thành viên dễ thương của mình


Ảnh: An Bang





Không khí buổi giao lưu sinh động, tình tứ hẳn lên với màn văn nghệ của hai GĐAT. Bài hát “Bốn phương trời” được bắt lên cùng đầy đủ cả tiếng đàn, lời ca, và tiếng vỗ tay vang rộ. Một không khí thật ấm áp và thân tình! Sau lời giới thiệu của MC Phương Trà, “cô bé có gương mặt khả ái” Tường Vi (GĐAT Phú Yên) thỏ thẻ phát biểu và góp vui bằng một bài thơ của Nguyễn Hữu Hôn – nhà thơ trẻ tài năng của Phú Yên. Một cô gái nhỏ nhắn đến từ GĐAT An Giang khiến mọi người ồ lên hào hứng khi ngâm thơ bằng chất giọng vọng cổ vùng sông nước An Giang.


Kim Thanh mở màn tiết mục Văn Nghệ

Ảnh: An Bang


Tường Vi mở màn tiết mục đọc thơ

Ảnh: An Bang



Đi vào phần chính, các cây bút trẻ đến từ 2 GĐAT trao đổi với nhau về kinh nghiệm và những khó khăn “rất trẻ” trong sáng tác. Kim Thoa (GĐAT Phú Yên) than: “Đôi lúc có cảm xúc nhưng không nặn đâu ra được ngôn từ để viết”. Phú Thọ (GĐAT AG) chia sẻ những kinh nghiệm quý báu để học tốt môn văn, vì Phú Thọ đã từng đạt được 9,5 điểm môn văn - một số điểm đáng nể trong kì thi Đại học. Lệ Hằng (GĐAT PY) gây bất ngờ cho mọi người khi “đổi vai” từ người được phỏng vấn sang người phỏng vấn Phú Thọ: “Việc sáng tác có giúp ích được gì cho việc học? Làm sao để dung hòa sáng tác và học tập?”. Ban đầu, Phú Thọ có vẻ ngập ngừng vì bất ngờ, nhưng sau vài giây trấn tĩnh, Phú Thọ trả lời rất chuyên nghiệp: “Học văn để chúng ta nắm được cái sườn cốt lõi, còn sáng tác là cái nôi nuôi dưỡng cảm xúc và chất văn”. Các nhóc CLB STT Phú Yên mê tít cách trả lời rất hay và độc đáo của Phú Thọ.




Cây bút trẻ Nguyễn Đức Phú Thọ chia sẻ kinh nghiệm sáng tác


Ảnh: An Bang

Lệ Hằng mè nheo với anh Phú Thọ


Ảnh: An Bang


Thanh Thảo (GĐAT AG) chia sẻ kinh nghiệm sáng tác trôi chảy hơn vì chị đang là giáo viên, đi nhiều, viết nhiều và từng trải. Chị khuyên thật chân tình: “Các em cứ học, cứ lớn, rồi các em sẽ trải lòng mình ra trang viết nhiều hơn. Khi các em đã bước ra được với cuộc đời, các em có cơ hội đi, những trang viết của các em sẽ giàu vốn sống”. Những cây bút trẻ thường gặp khó khăn vì thiếu vốn sống và nôn nóng trải lòng. Có lẽ, nghe lời khuyên của chị, trái tim mỗi người trẻ lặng xuống và hiểu hơn về hành trình sáng tạo nghệ thuật.




Lắng mình với thơ


Ảnh: An Bang


Những màn văn nghệ đặc sắc tiếp tục lôi cuốn mọi người. Bài “Vọng cổ Chợ Mới” ngọt lịm cất lên phía GĐAT AG khiến mọi người xúc động, thích thú. Còn cô bé Kim Chung (GĐAT PY) mạnh dạn đề nghị được hát chung với phần dạo nhạc của tay ghi ta Tiến Thịnh (GĐAT AG) để thêm phần thân mật. Cả hội trường vỗ tay mệt nghỉ cho một đề nghị bất ngờ, dễ thương và cực kỳ tâm lý, khôn khéo.



Không thể không nhắc đến một tiết mục đặc sắc của thi sĩ – họa sĩ – ca sĩ Tiến Thịnh của GĐAT AG. Lời ca trầm buồn cùng tiếng đàn réo rắt, bài “Khúc Thụy Du” có lẽ sẽ khắc thật sâu dấu ấn Tiến Thịnh trong lòng những người bạn Phú Yên này.



Kết thúc buổi giao lưu, nhà thơ Trịnh Bửu Hoài – Chủ tịch Hội VHNT An Giang phát biểu chia tay: “Chúng tôi chọn Phú Yên, vì chính mảnh đất nắng gió này ẩn chứa nhiều tiềm năng với những cây bút hứa hẹn sẽ nở rộn trong tương lai đáng để chúng tôi học tập. Hẹn gặp lại các bạn vào một ngày không xa ở một diễn đàn lớn hơn, khi các bạn đã khẳng định được tên tuổi của mình”.

GĐAT An Giang tặng quà lưu niệm cho GĐAT Phú Yên là những ấn phẩm vừa xuất bản của Hội VHNT AG và của riêng GĐAT AG. Cái bắt tay và nụ cười hồn hậu của hai Trưởng GĐAT khiến mỗi thành viên có mặt tại buổi giao lưu bùi ngùi xúc động. Anh phó nháy An Bang (sv Trường ĐHKHXH&NV TP.HCM) được giao toàn bộ máy ảnh với trọng trách ghi lại dấu ấn kỉ niệm chuyến giao lưu đáng nhớ này.



Lời cảm ơn chân thành từ phía Trưởng GĐAT Phú Yên


Ảnh: An Bang

Thứ Bảy, 1 tháng 8, 2009

“Vượt vũ môn”

“Vượt vũ môn”


HÀ KIỀU MY
(Trường ĐH Khoa học xã hội –
Nhân văn TP Hồ Chí Minh)

Những ngày cuối tháng sáu, xóm Sửu bỗng rộn ràng không khí đi thi. Người già bảo, chưa có năm nào bọn trẻ trong xóm đi thi đại học đông như năm nay. Tính từ nhà ông Bảy nằm ngoài đường lớn đến nhà cô Năm heo hút sau rặng tre, có đến hơn mươi đứa đậu tú tài, đang chuẩn bị “vượt vũ môn”. Thế là câu chuyện trưa hè của những người phụ nữ rôm rả hơn bởi có thêm chủ đề mới.

Má bán cặp heo để góp tiền cho Sửu thi đại học. Ba cũng gác lại chuyện nương rẫy, vội vàng “xuống núi” để động viên nó đôi lời. Anh Hai đang ở Sài Gòn, tranh thủ mấy ngày hè, đáp chuyến xe đêm để kịp về chở nó đi thi. Trước ngày lên đường, nhà Sửu trở nên nhộn nhịp và ấm áp hẳn. Mâm cơm chiều có nhiều thịt cá hơn ngày thường. Câu chuyện sum vầy của gia đình cũng thật ngọt ngào bởi những tiếng cười và ánh nhìn thân thương.

Má loay hoay dậy từ mờ sáng. Tiếng dép của ba cũng khua lên sau hiên nhà. Có tiếng suỵt rất khẽ: “Mình nhẹ chân thôi cho con nó ngủ”. Và chỉ còn tiếng lửa nổ lốp bốp nảy lên trong tiếng quạt mo rất đều.

Anh Hai chất hành lý lên xe trong khi chờ Sửu thắp nén hương cho ông bà. Thấy em đứng lặng rất lâu nên anh Hai trêu: “Khấn lâu vậy. Ông bà giận, phạt đậu cả ba trường, không đủ tiền khao đâu nhen”.

Má xếp cặp bánh chưng còn nóng hổi vào giỏ. Má dặn: “Đi đường xa có đói, hai đứa lấy ra mà ăn”. Cầm món quà từ tay má, giọng Sửu như nghẹn lại: “Cám ơn ba má. Con sẽ cố gắng”. Ba xoa đầu nó, rồi giục hai anh em đi nhanh kẻo nắng.

Con đường trong xóm bao ngày in dấu chân của Sửu và nhóm bạn, hôm nay trở nên thật đặc biệt. Ai như nhỏ Thắm con cô Năm, thằng Bình con ông Bảy cũng đang túi xách cồng kềnh đi thi đại học. Sửu thấy lòng ấm áp lạ kỳ. Trên hành trình “vượt vũ môn” của Sửu, ngoài những người bạn đồng hành, sau lưng nó còn có ba mẹ, thầy cô... luôn bên cạnh, dõi theo và động viên. Trên những rặng tre và trong mắt Sửu, nắng đã bắt đầu rạng rỡ.

Khói lam chiều

Khói lam chiều

NGUYỄN THỊ KIM CHUNG



Khói lam chiều mẹ nhóm bếp chiều hôm

Có về quê để ngồi nhìn lam khói

Xa lắm rồi biết bao giờ gặp lại

Một thoáng xa vời khói bếp hóa mông lung.


Người mẹ già thấp thỏm những sớm hôm

Bữa cơm chiều lúc lên đèn màn sương xuống

Mẹ còn phiền muộn với đường kim mũi chỉ

Giấc ngủ hờ nghe con nhớ - khóc xa xôi.


Con biết mùi khói từ thuở chửa thôi nôi

Còn mẹ nồng nàn đời bên lam chiều đổ

Có vui gì đâu màu lam chiều loang lổ

Một đời mẹ buồn rồi khổ bởi đàn con.


Có trở về để cay mắt khói chiều hôm

Sao nhỏ bé thế giữa núi trời thanh lặng

Khói bếp quyện cùng sương lam xuống

Là khói lam chiều nhuộm tím thẫm triền quê.

Phan Danh Hiếu

Giới thiệu trưởng Gia đình Áo Trắng Biên Hòa
PHAN DANH HIẾU

Phan Danh Hiếu tốt nghiệp khoa văn ĐH Sư phạm Huế 2004.
Hiện dạy học và viết báo ở TP Biên Hòa.

Đã đoạt các giải thưởng: Thơ Bút Mới 2003, Mực Tím 2003.
Có thơ và truyện đăng nhiều báo và tạp chí.
Các bạn có thể liên hệ email:
phandanhhieu@yahoo.com
ĐT: 0919.576.585.
Gửi thư: Phan Danh Hiếu, giáo viên Trường THPT Bùi Thị Xuân, P. Tân Tiến, Biên Hòa, Đồng Nai.




Hoa xuyến chi

Lâu lắm thành phố mới có một ngày nắng đẹp như hôm nay. Con sông hiền hòa uốn khúc giữa lòng phố và sóng vỗ nhẹ nhàng dưới chân cầu nghe miên man như câu hát.



Tôi thả bộ dọc theo cây cầu nối đôi bờ thơ mộng định bụng sẽ dừng lại ở đâu đó và ghi lại cho mình một bài thơ để kỷ niệm một ngày đẹp trời và hơn hết để lấy tinh thần cho một công tác mới mà tôi sẽ nhận vào ngày mai. Tôi miên man và lẩm nhẩm một vài câu thơ thì bỗng trong trẻo sau lưng một giọng nói nhỏ nhẹ:



- Anh sẽ cho em đi theo cùng chứ ?



Tôi ngoảnh lại và nhìn xung quanh xem thử có phải tôi là người được may mắn nhận được câu hỏi kia không. Và xuất hiện trước mặt tôi là một cô bé có đôi mắt đen tròn lúng liếng, khuôn mặt trắng ngần được điểm tô bằng hai lúm đồng tiền xinh xắn, để mỗi khi cười lại thấy hiện lên nét ngây thơ và trong sáng vô cùng. Tôi ngạc nhiên và hỏi em:



- Em cũng làm thơ à ?



Em gật gật đầu và như chừng đồng cảm lắm. Khi đó nghĩa là tôi sẽ bắt đầu có một người bạn, ít nhất là bây giờ có một người bỗng dưng nhận mình là một người làm thơ. Tôi cũng gật gật đầu ra chiều đồng ý. Thế là đôi mắt ấy long lanh sáng và hồ hởi một nụ cười má lúm. Chúng tôi đứng sát lan can cầu nhìn ra sông rộng. Thấy tít tắp giữa dòng một con thuyền với những đợt sóng lấp lóa ánh mặt trời. Cô bé nhướng cặp mắt nhìn xa xôi và bất chợt khuôn mặt ấy buồn buồn. Nhìn dễ thương như một nụ hồng. Tôi thấy mình tự dưng bâng khuâng đến lạ. Chắc cô bé đến nơi này và mang cho tôi một niềm cảm hứng?



- Năm nay em bao nhiêu tuổi ?



- Em hả ? Mất hết ý niệm về thời gian rồi.



- Thật sao ?



- Ư! Từ hồi lên tám cơ!



- Sao vậy ?



- Một tai nạn



- Mất trí nhớ à ? Tôi chọc vui.



- Không…



- Thế thì sao ? Tôi hơi nóng ruột. Và cô bé thì im lặng, khuôn mặt hơi buồn như đang đau một điều gì đó thẳm sâu. Con sông trước mặt tôi như cũng gợn lên từng đợt sóng buồn xao xác. Hồi lâu, em quay qua tôi nhỏ nhẹ:



- Ba má em mất lâu rồi. Trong một vụ tai nạn.



- Ồ! Anh xin lỗi vì…!!!



- Không sao, em quên chuyện đó rồi. Với em đó như là một giấc mơ. Em cũng đã từng sống với những tháng ngày đau khổ. À! Mà thôi không nhắc chuyện này nữa.



- Ừ! Có lý. Tôi ủng hộ em và niềm nở một nụ cười thông cảm, làm cô bé cũng cảm thấy vui vui và đôi mắt ấy lại long lanh.



- Còn anh, anh làm nghề lang thang à ? Cô bé quay sang tôi giọng hóm hỉnh.



- Ừ! Lang thang đấy, anh thấy cái nghề này cũng vui và hay hay nữa. Khi thích thì mình đi, không thích thì mình đứng ngồi. Có ai bắt được đâu…



Cô bé gật đầu. Chúng tôi cùng cười. Nắng trước mặt sông lấp loáng. Trên cao mây nhởn nhơ lang thang trôi qua bầu trời trong như những niềm vui.



oOo



Ngôi trường cấp III hiện lên trước mắt tôi với những dãy phòng học khang trang. Sân trường rợp bóng cây, vài chiếc lá bàng đỏ ối rụng xuống mơ màng như tôi đang đứng trước một ngày xa lạ. Lớp tôi chủ nhiệm nằm tít trên lầu bốn ở cuối dãy hành lang. Từ xa nhìn tới đã thấy ba bốn khuôn mặt ló ra chờ đợi.



Tôi cố lấy bình tĩnh và nở một nụ cười thật tươi để chuẩn bị “chiến đấu”. Nhưng khi bước vào tôi mới thấy sự chuẩn bị của mình quả là thừa thãi, bởi không như tôi nghĩ, học trò rất là ngoan. Ít nhất là lúc này đây, cả lớp đứng dậy nghiêm trang và chào tôi bằng một câu tiếng Anh hơi ồn ào: “Good morning teacher”. Tôi thấy hơi tức cười và bối rối vì tôi là giáo viên Văn mà trò lại chào như chào một giáo viên Anh ngữ.



Màu áo trắng tinh và những khuôn mặt ngời lên ngoan ngoãn khiến tôi quên mất mình phải nói câu gì. Tôi ra hiệu cho các trò ngồi xuống. Bất ngờ một khuôn mặt đỏ dừ đang cố lấy quyển vở che mặt khiến tôi chú ý. Và chợt à lên trong trí, hừm, lại cô bé hôm qua, láo thật. Như đoán biết được tôi đã phát hiện ra, trò liền quả quyết bỏ ngay quyển vở xuống và đưa mắt nhìn tôi thách thức và nguýt một cái dài như… cây số. Hừ, lại láo nữa, dám nguýt cả thầy cơ đấy, tôi thầm nghĩ…



Buổi chiều tôi lại vòng xe lên cầu Mới, đứng vịn vào lan can ngắm nhìn cảnh hoàng hôn đang chan hòa trên mặt sông. Sau lưng dòng người vẫn hối hả ngược xuôi.



- Chào thầy ?




Một giọng nói nghe quen quá, tôi ngoảnh lại và gặp nụ cười của cô bé:



- A! Chào em, một sự ngạc nhiên phải không?



- Bình thường. Mặt trò tỉnh bơ làm tôi phát tức.



- Phải nói là: Thưa thầy em thấy bình thường chứ, ai lại nói trống không vậy bao giờ ? - tôi chỉnh.



- Vâng! Em xin lỗi …



Một thoáng im lặng bởi cách xưng hô phải thay đổi. Trò bắt đầu tinh quái:



- Sao thầy nói thầy làm nghề lang thang ? Cô bé nói mà mắt chăm chú nhìn tôi không chớp.



- Trời ạ, bộ không thấy thầy lang thang hết lớp này đến lớp khác là gì ? Người ta còn bảo nghề giáo viên là “Suốt đời tôi làm nghề hát rong” mà…



Cô bé cũng thấy có lý nên xoay tôi sang hướng khác:



- Mà thầy ơi, nhà thầy ở đâu ?



- À, ở chỗ lối vào khu chung cư Bình An, cái nhà lầu cao cao đó…



- Trời, nhà thầy giàu vậy sao. Trò tròn xoe mắt và tôi thì như mở cờ trong bụng.



- Hic, không phải… nhà thầy ở bên cạnh cái nhà lầu đó.



Nghe thế cô trò cười híp mắt.



- Thầy tếu ghê!



- Mà này, thầy chưa biết tên em ?



- Em ấy à ? Tên em gắn liền với một loài hoa dại. Hoa xuyến chi…



- Hoa xuyến chi ? Vậy sao ? Em đã bao giờ thấy hoa xuyến chi chưa ?



- Em chưa một lần.



- Thế mà cũng bày đặt “Tên em gắn liền với một loài hoa… dại”. Tôi cố gắng kéo dài từ “hoa dại” để thử gân cô bé. Nhưng phản ứng lại câu đùa của tôi là một sự bâng khuâng, dường như tôi đã vô tình khơi dậy trong em điều gì đó thẳm sâu. Giọng cô bé buồn buồn:



- Ba má em đặt tên em như vậy. Mà nghe đâu má em rất thích loài hoa này nên bà đã đặt tên cho em.



Tôi hơi bất ngờ trước cách ăn nói của cô học trò này. Hình như ẩn chứa trong từng lời nói là một nỗi buồn thẳm sâu. Tôi nhẹ nhàng nói:



- Rồi một ngày thầy sẽ chỉ cho em loài hoa ấy. Nó đẹp lắm, đẹp như cái tên má em đặt cho em…



- Thầy hứa với em chứ ? Em muốn biết vì sao má em lại thích loài hoa này…



- Ừ, thầy hứa với em…



oOo



Chủ nhật, tôi ngồi cẩn thận ghi chép từng hồ sơ của học trò vào cuốn sổ nhỏ. Với học trò Nguyễn Lê Xuyến Chi, tôi hơi ngần ngại khi đọc được mấy dòng chữ ngắn ngủi mà em viết trong sơ yếu lý lịch. Ba má đều mất, ở với cậu, cậu làm nghề phụ hồ. Phần ghi số nhà và điện thoại đều bỏ trống. Tôi còn biết thêm, ba của em đã từng lớn lên ở cô nhi viện trước khi gặp má em. Tôi chạnh lòng trước mất mát của em.



Có lẽ chính vì thế mà đôi mắt của trò luôn ánh lên tia buồn bã và cô đơn đến tội nghiệp. Nhưng kỳ lạ thay đã vài tháng làm công tác chủ nhiệm ở lớp này, tôi thấy em học rất giỏi và nhanh nhẹn, năng động trong mỗi tiết học khác hẳn với cái vẻ buồn buồn mỗi lần gặp tôi. Đang suy nghĩ miên man chợt mùi hương xuyến chi nhẹ nhàng theo gió len vào trong căn phòng nhỏ.



Tôi hít một hơi thật dài và đứng dậy bước ra ngoài khoảng sân nơi phần đất tôi cố công đào xới trồng lên một luống hoa xuyến chi để thực hiện lời hứa với cô trò nhỏ. Sau những cơn mưa phương Nam, luống cây xanh mượt và nở đầy những bông hoa trắng li ti. Những bông hoa tinh khôi dưới ánh nắng mặt trời rực rỡ. Trong tôi đang đầy ắp những dự định về những bất ngờ tôi sẽ dành cho cô bé.



Nhưng rồi một buổi sáng kia…



- Thầy ơi, em sắp xa thầy.



Tôi cười cười, lại bắt đầu giở trò đây. Thấy thầy có vẻ không tin, trò liền nghiêm nghị:



- Em và cậu sắp sang Mỹ định cư cùng ông bà ngoại. Nhưng thầy đừng nói cho lớp biết nghe thầy.



Em có vẻ ngập ngừng. Lúc này tôi tin là em nói thật vì hơn ai hết tôi biết ở xứ sở này em chẳng còn ai ngoài một người bà con thất nghiệp. Có thể điều đó tốt hơn cho em chăng. Và bỗng dưng thấy lòng mình cũng buồn rưng rức. Tôi không nói một lời nào cả, chỉ thấy gió từ ngoài hành lang tấp vô cay xè đôi mắt. Em lẳng lặng đi xuống chỗ ngồi và nằm úp mặt lên bàn. Tôi nhìn thấy đôi bờ vai nhỏ nhắn ấy khẽ rung lên…



Những ngày sau đó tôi không gặp em nữa. Lớp học rầm rì chuyện Xuyến Chi nghỉ học bất thường nhưng chẳng ai biết nhà Chi ở đâu. Ngay cả tôi cũng không biết bây giờ em đang ở Việt Nam hay đã bay sang trời Âu?



Chủ nhật tôi lang thang dọc triền sông và lại lên cây cầu đứng ngắm nhìn xa xôi. Đúng chỗ này đây, cách đây nửa năm tôi đã gặp cô học trò tội nghiệp, người đã cho tôi những kỷ niệm đẹp về buổi đầu làm nghề thầy giáo. Cô bé đã cho tôi biết cách quan tâm đến những nỗi đau của người khác.



- Thầy à, em Xuyến Chi nè!



Tôi giật mình, lần đầu tiên trong đời có một cảm giác ớn lạnh dọc sống lưng. Tôi ngoảnh lại nhìn quanh quất nhưng kỳ thực không thấy em. Ai đùa chăng ? Chợt có tiếng cười khúc khích. Tôi xoay người lại. Trời ạ, thì ra cô bé đang ngồi thụp xuống sau lưng tôi nãy giờ. Tôi mừng rỡ:



- Thầy tưởng em đi rồi, hic… Sao em nghỉ học lâu vậy? Thầy và các bạn rất nhớ em.



- Em đi rồi chớ bộ, đi rất xa, xa lắm. Nhưng em nhớ thầy còn nợ em một chuyện nên em quay về.



- Thầy nhớ rồi, hoa xuyến chi ?



- Vâng! Thầy cho em được nhìn loài hoa ấy chứ ?



- Ừ, ngay bây giờ… Về chỗ trọ của thầy đi, có các bạn nữa.



Đôi mắt em long lanh một niềm tin tưởng. Tôi dắt xe xuống lòng đường ý bảo em ngồi lên tôi chở đi. Nhưng tôi cũng chẳng hiểu vì sao cô bé lại biến đi đường nào mặc tôi dáo dác tìm quanh. Tôi cười thầm, chắc lại giở trò ú tim đây ?! Nghĩ thế tôi lại dắt xe dựa lan can nhưng chờ hoài cả buổi không thấy em quay lại. Tôi cảm thấy bực bội kinh khủng. Đành quay xe về nhà với cái bụng cồn cào đói.



oOo



Sáng thứ hai khi tôi bước vào lớp đã nghe xôn xao một điều gì đó bất ổn. Một không khí buồn buồn bao trùm lên cả lớp. Quế Anh lớp trưởng nghèn nghẹn báo cho tôi:



- Thầy ơi… bạn Chi mất rồi!



Một thoáng nhíu mày và như chợt nhớ ra điều gì, tôi tỉnh bơ vì tôi biết rất rõ ngày hôm qua tôi mới nói chuyện với em:



- Làm gì có chuyện đó, nay mai Chi sẽ trở lại lớp mình đấy.



- Không thầy ơi, bạn ấy mất cách đây bốn hôm rồi. Bạn ấy bị tai nạn. Nhà nội em ở ngoại thành hôm qua em về thăm nội mới biết chuyện này.



Và như để chứng minh là mình nói đúng, cô bé vừa nói vừa chìa tờ báo địa phương ra trước mắt tôi. Tôi bắt đầu thấy run run và người tự dưng thấy lành lạnh: Nguyễn Lê Xuyến Chi, học sinh trường THPT… tôi chưa kịp đọc hết đoạn tin đã thấy mắt mình nhòe đi. Thôi đúng rồi! À mà không, tại sao hôm qua ? Có lẽ nào!? Tai tôi ù đi. Trước mắt tôi tưởng chừng như tất cả đang quay cuồng. Một cảm giác trống trải và sợ hãi đang vây bám lấy tôi khiến tôi rùng mình ớn lạnh.



Xuyến Chi đã ra đi thật, mộ em nằm giữa cánh đồng bạt ngàn hoa xuyến chi, loài hoa dại mà em chưa và sẽ không bao giờ còn biết nó nữa. Như chiều nay, trước con sông này đầy sóng. Tôi cầm bó hoa xuyến chi trên tay rồi thả những cành hoa trắng muốt từ từ rơi xuống dòng sông. Phía xa kia, tận cuối dòng sông tím ngát hoàng hôn, một ngôi sao nhỏ bay vút lên cao mãi, cao mãi.