Thứ Sáu, 30 tháng 10, 2009

Đời còn dành cho con trang thơ

Đời còn dành cho con trang thơ

NGUYỄN THỊ DIỄM CHI

Khi con té đau
Là lúc con tức tưởi khóc òa chạy đi tìm mẹ
Méc mẹ đánh giùm viên gạch, cành cây
Chướng vật nào làm con vấp ngã
Khi trái gió trở trời bắt đầu cơn ho lả
Trong chấp chới mắt nhìn
Con cầu cứu mẹ chém cơn ho
Đời mẹ quanh năm lặn lội thân cò
Con sốt ư?
Sao cứ lạnh se lòng
Khi mẹ về ấm áp cả trời đông
Vòng tay mẹ như một loài linh thảo
Mẹ chăm chút cho con từng miếng cơm manh áo
Để mai sau lớn lên
Góp mặt vào đời


Mới ngày nào con còn khoe điểm mười
Nước mắt mẹ rưng rưng
Giờ xõa tóc làm duyên trong áo trắng
Mẹ lại tiếp nối những tháng ngày thức khuya dậy sớm
Chăm chút cho con môi thắm, má hồng
Tình yêu ư?
Thêm một chuyện não lòng
Con cay đắng như thuở nào vấp ngã
Nhưng mẹ không còn đánh vào cành cây, viên đá
Chỉ lặng lẽ dang tay
Ôm con để dỗ dành
Mỗi niềm đau
Là một bước trưởng thành
Con được khóc, thỏa lòng trong tay mẹ
Rồi bất cứ niềm đau nào có lẽ
Con cũng sẽ ngã vào lòng mẹ, mẹ ơi
Xin cảm ơn đời
Còn dành một trang thơ

Chưa tới một giờ nơi đường biên giới

Chưa tới một giờ nơi đường biên giới
ĐOÀN TÚ ANH

Em về nhé! - Cô nói, bàn tay lơi dần khỏi thanh barie sơn hai màu đỏ trắng trước mặt anh. Nhưng cô vẫn chưa bước đi, có vẻ như không hề muốn bước đi. Cô quay lưng lại phía anh, nhón chân lên nhìn đăm đăm mảng đồi mờ hơi sương trước mặt:

- Anh nhìn xem, đồi bên kia như một thảo nguyên. Thảo nguyên, anh biết chứ? Như em đã tưởng tượng qua các truyện ngắn của nước Nga em đọc ngày còn nhỏ. Cỏ xanh ngút ngàn và sương mù giăng giăng như thế này. Đẹp tuyệt. Mà anh đã đọc những truyện như thế bao giờ chưa?

Cô đột ngột quay lại, nhìn anh dò hỏi. Anh cười ngượng nghịu, lúng túng đốt thuốc, giữ que diêm cháy thật lâu trong lòng bàn tay như mong muốn được sưởi ấm, dù chốc lát. Anh lắc đầu, khe khẽ:

- Chưa. Nhưng anh hiểu thảo nguyên cũng như có thể hình dung chút ít về nó. Giông giống như ngọn đồi bên kia chứ gì?

Cô cười, vẻ sung sướng như đã tìm được người đồng điệu, và xem đồng hồ, lo âu lặp lại:

- Em về nhé!

- Đúng 8 giờ xe khởi hành. Em ở đây thêm một chốc nữa đi. Vẫn còn sớm lắm.

Anh nài nỉ. Ánh nhìn dường như hoảng hốt. Cô dựa người vào thanh chắn, đối diện là anh trong chốt gác tuềnh toàng. Vài người Miên thồ hàng qua trên những chiếc xe máy cũ bám đất màu đỏ quạch. Họ dừng lại, nói vài câu gì đó. Tiếng Campuchia. Cô không hiểu. Cửa khẩu buổi sáng lạnh và ít người qua lại. Anh và cô tiếp tục đối diện nhau qua thanh barie làm biên chắn.

- Anh buồn không? - Cô hỏi.

- Không biết nữa - Anh cười, không rõ buồn vui - nhưng những ngày tết đến thì buồn cực kỳ. Đồn vắng lắm. Chỉ có gió là nhiều. Buổi sáng ngồi ở đây thấy sương mù như mờ mịt hơn. Nhớ nhà mà không khóc được. Không thể nào khóc được…

Cô kín đáo nhìn đồng hồ, 10 phút đã trôi qua rồi. Trên đồi, bạn bè cô í ới gọi nhau sửa soạn hành lý, tranh thủ ghi địa chỉ, hi vọng vào một điều gì đó vững bền hơn ở ngày mai, cho những mối quan hệ mới mẻ từ cuộc gặp này. Cô không muốn, đúng ra là không tin vào điều ấy. Cô một mình tìm xuống đây, nơi đường biên mỏng mảnh và chật hẹp được đánh dấu bằng thanh barie sơn hai màu trắng đỏ cách đều nhau. Điều này không có trong hình dung của cô. Chưa bao giờ có. Cô bảo:

- Anh kể tiếp chuyện của anh đi.

- À - Anh lại cười, như bằng lòng - Có gì đâu. Gác. Đi tuần. Nghỉ ngơi. Lao động chân tay với mấy hecta đất quanh đây để cải thiện đời sống và tăng thu nhập. Lâu lắm rồi, dễ chừng đến bốn, năm năm nay không còn biết đợi chờ ai nữa. Ra, vô nhẵn mặt bọn đực rựa. Đôi khi kiếm cớ gây sự với nhau để có sự thay đổi nho nhỏ trong sinh hoạt thường ngày.

Gây mãi rồi cũng chán, lại chụm vào nhau kể chuyện gia đình và người yêu. Kể mãi cũng hóa nhàm, khi mà gia đình chỉ chừng ấy người, chừng ấy sự kiện, người yêu thì xa lâu quá cũng trở thành người lạ. Nhìn bốn phương tám hướng chỉ thấy bạt ngàn rừng. Bóng con gái hiếm hoi như đồ cổ.

Cô phì cười vì cách ví von có vẻ rất… thời thượng của anh. Anh im lặng. Cô lại nhìn quanh quất. Cỏ bông lau trắng xóa, trải bạt ngàn. Cô kể:

- Anh biết không, ở thành phố người ta nhuộm xanh đỏ tím vàng những cụm cỏ bông lau này, bán ở những góc đường sầm uất. Người thành phố ưa mang cỏ hoa vào nhà để làm duyên, anh ạ.

- Nó tên là bông lau à? - Anh ngạc nhiên - Thế mà chẳng có ai nói cho anh biết cả. Chỉ tưởng là cỏ dại, không tên tuổi, mà nhiều thế, quen thuộc quá nên chẳng ai buồn để ý. Hay tại anh qua cái thời lãng mạn rồi. Cuộc sống khô cạn dần nên cỏ hoa cũng hóa thành phù phiếm.

- Em về nhé! - Cô dứt khoát rời tay khỏi thanh barie - Biết đâu sẽ chẳng bao giờ em còn gặp lại anh. Biên giới đẹp nhưng buồn quá!

Anh vẫy tay. Cô chạy vù lên đường đất đỏ với hai hàng tràm hoa vàng trải rộng. Trạm gác xa hút dưới chân đồi. Bạn bè cô đã leo lên xe ngồi, mong chóng về lại thành phố để rũ sạch bụi bặm bám trên người. Cô tựa người vào thành xe. Sân khấu tối qua giờ còn vương vãi những cành ngọc lan và hoa tràm vàng ủ rũ. Hình như tối qua một cành ngọc lan đầy ắp hương vừa bẻ từ trên cây xuống được ấn vào tay cô vội vã. Cô không nhớ mình đã bỏ nó ở đâu. Cô đã thức rất khuya. Hát và trò chuyện, dù sương khuya ướt tóc, lạnh run vai.

Tối qua cô không hề nhìn thấy anh. Cô không lưu luyến một ai ở đây. Cô có người yêu nơi thành phố đợi cô về. Người yêu cô sớm chiều đến cơ quan đều đặn, mệt mỏi vì phải va chạm với nhiều người. Người yêu cô chưa từng biết cảm giác thèm đến vô cùng không khí đông người như chàng trai cô chưa kịp hỏi tên. Cả cô cũng thế. Cô chưa bao giờ cảm thấy cuộc sống bộn bề mà cô đang sống chính là mơ ước của người mà cô mới gặp sáng nay.

Hơn tám giờ xe khởi hành. Cô nhìn qua cửa xe, thấy con đường đất đỏ trượt dài phía sau và hun hút trước mặt. Có tiếng ai thảng thốt trong xe: “Hình như họ khóc”. Cô giật mình, chồm người ra cửa xe, chỉ thấy cỏ bông lau trắng ngợp các sườn đồi. Đường biên có người bạn chưa biết tên qua rồi. Cô không kịp vẫy tay từ giã. Bên ngoài cửa xe, chỉ còn gió thổi run run những đóa tràm vàng.

Mưa II

Mưa II

NGÔ THỊ HẠNH


Hạt mưa dĩ nhiên là rơi xuống
em rơi ngược
cô đơn như rừng chỉ còn một chiếc lá…

Đầu ngón tay chai vì cầm bút
vẫn không trải hết lòng mình
như nỗi ám ảnh về tình yêu và cái chết
em thét gào, rồi lại bảo em hãy lặng câm

Chiếc đồng hồ cát vỡ (không phải tại em)
vẫn òa tiếng nấc
mưa và gió cuốn trôi tất cả
hun hút cuộc đời về phía không anh.

Sapa tuyết trắng xóa

Sapa tuyết trắng xóa
DƯƠNG BÌNH NGUYÊN

Cô nói: Ngày mai Sapa có tuyết. Thật ra Sapa có tuyết thì cái xứ đó đào lê rụng sạch, chỉ còn trơ lại những cái cành khẳng khiu vươn lên trên triền núi như những đôi tay già.

Sapa có tuyết thì mấy bà già Mông mặt sẽ biến thành ruộng nẻ, mắt bắt vào màu tóc, bơ phờ và buồn như sa mạc trắng. Nhưng một bọn phố nhiều khi hiếu kỳ và trưởng giả, thích tìm những thứ mới lạ hơn, dù tuyết Bắc Kinh, tuyết Ba Lan đã từng khiến thịt da tím tái, từng đói ríu đói rít bao nhiêu mùa đông nằm bẹp trên giường tầng nhai bánh mì đen. Nhưng Sapa nhiệt đới gió mùa mà có tuyết thì cứ ồ à hết lên, giờ lên Sapa rẻ như đi siêu thị ăn hot dog, lại có một lời mời gọi, cái thói trưởng giả đang cố giấu nhưng nó cứ bật ra. Leo lên đó, chụp được vài tấm hình về post lên trang web ảnh, lấy le cho thiên hạ chơi. Anh đi Sapa. Một mình.

Cô đợi anh ở cửa nhà. Cái nhà có những chậu hoa cẩm tú cầu rất lộng lẫy, đặc biệt phản cảm với vẻ xù xì của những cột gỗ vàng óng, bán bánh bán cà phê cho Tây ba lô không hơn một xu không thiếu một xu. Cái nhà đó là của hồi môn bố mẹ cô trước khi leo lên đỉnh núi Hàm Rồng ngồi đã kịp để lại. Khi nào lấy chồng, cô ở hay bán, nó vẫn là một tài sản thực sự. Một tài sản xa lạ với núi đá nhưng có giá với dân thành phố. Cô nhuộm tóc vàng, nói tiếng Kinh lơ lớ nhưng nhắn tin điện thoại như thần buôn thuốc cãi nhau. Anh hôn vội lên má cô gái, thế nào honey, em có ok (ổn) không? Em có ok, nhưng đã dùng hết rồi, tối nay đi mua tiếp. Anh cười nhăn nhở, rửa mặt xì xoạp sau bếp rồi tự lấy cho mình một chiếc bánh sừng bò ăn với bơ và nói, anh sẽ leo lên đỉnh Hàm Rồng, chụp tuyết từ sân mây. Cô bảo, anh cứ đi, đường trơn anh nên đi đôi giày vải này thì hơn. Một đôi giày khổ to, hình như của một thằng Tây ngủ quên không kịp mang đi.

Anh hồn nhiên xỏ đôi giầy không phải của mình, rồi mang cái máy ảnh vật vã trên vai leo núi. Có đi với anh không, honey? Em không có rảnh, anh cứ leo núi mà chụp tuyết, chụp mây, chụp mông mấy đứa con gái mới lớn hay chụp ngực bọn Tây cũng được, miễn sao tối biết đường mò về quán, em nấu cơm chờ. Gái Tây ngực bự, nhưng đầy tàn nhang. Anh lại cười, cái cười nhăn nhở đẹp trai làm bọn gái mới lớn nghĩ rằng hay ho, làm bọn trai mới lớn tức điên vì ghen tỵ và làm cho bọn đàn ông trưởng thành lo sợ vì phải giữ sao cho tim con gái mình không tung ra khỏi lồng ngực khi gặp nó. Còn cái nụ cười đó khiến cô mỗi khi nhớ đến là lên một cơn đau tim nhẹ. Hình như họ đã gặp nhau tám năm. Và cô đã gần bước vào tuổi ba mươi. Anh đi khắp nơi, sang Tây Tạng, đến Afganistan, qua Úc chụp Kanguru, về Bắc Cực chụp chim cánh cụt. Mỗi lần về lại làm loạt bài và ảnh trên các tờ báo in màu. Những tờ báo của một đám dân thành thị ít chữ lắm tiền mà cá 10 ăn 100 rằng, bà con nông dân có cho bổ túc thêm ba tháng văn minh cũng không thể hiểu hoặc có hiểu cũng không thấy gì hay ho ngoài son môi và vú với mông. Từ khi có phim của họ Trương, giang hồ trong giới cầm máy đặt tên anh là Tùy Phong. Và cô chờ anh khi nào ngọn gió tuỳ tiện đó tạt ngược lên cái xứ đá núi với gió với thi thoảng tuyết này. Giang hồ mỗi lần theo Tùy Phong leo lên đây cũng được hả hê xôi chè, gọi quán hoa cẩm tú phản cảm là mẫu đơn lầu.

Tối. Tùy Phong chụp một đống ảnh về, hỉ hả cởi vào cái laptop, honey, ở đây có chỗ nào có wifi không? Cô chưa kịp cập nhật wifi, không hiểu, Sapa cập nhật ăn chơi nhiều, chứ hitech thì chưa cập nhật lắm. Gái bản biết chat, biết nhắn tin, đắt một tí nhưng thế là đủ, cần gì biết wifi. Chán chết, sang năm anh sẽ lắp wifi vào đây, chắc chắn bọn Tây sẽ phát rồ và xếp hàng chờ lượt vào quán nhà mình. Cô nhìn Tùy Phong, ánh lên hy vọng, dù đã rất nhiều lần ngọn gió này hứa tuỳ tiện. Còn hơn anh chẳng hứa gì.

Họ ăn cơm, gió từ các ngọn núi lao xuống, quét thị trấn rùng mình. Nhưng lửa bếp vẫn đỏ, rượu vang vẫn rất thơm và ngoài kia bão tuyết vẫn cứ chạy miên man qua những ngọn lê, ngọn đào, miên man qua những mái nhà Mông bé xíu lưng chừng trời. Honey à, mình đi ngủ đi. Cô không thực sự hiểu từ honey. Nhưng cô thích. Cảm giác là một từ trìu mến. Vâng, đợi em đun nước để anh ngâm chân đã, honey. Cái từ cuối ngượng nghịu. Và anh lại cười. Lửa bảo nụ cười đó nhăn nhở.
Cô lấy khăn bông lau chân cho anh. Cô sợ anh sẽ bị cước vì không quen với trời lạnh buốt. Rồi bếp tắt. Và chăn ấm. Mồ hôi anh rơi xuống ngực cô, nóng bỏng. Anh có yêu em không? Hỏi gì lạ thế, honey? Một cái rướn cuối đến tê tái khắc khoải, như mọi lần, cô không bao giờ được nhận một câu trả lời sòng phẳng cho tương lai của mình.

Nhưng lửa bếp vẫn đỏ, rượu vang vẫn rất thơm và ngoài kia bão tuyết vẫn cứ chạy miên man qua những ngọn lê, ngọn đào, miên man qua những mái nhà Mông bé xíu lưng chừng trời. Honey à, mình đi ngủ đi...

Hết đông qua xuân vào hạ sang thu, rồi tuyết lại kéo về. Lần này anh nghe tin tuyết trên mục dự báo thời tiết. Em phát thanh viên xinh xinh chỉ tay lên Sapa, cũng thuộc bầy đoàn thành phố, khen đó là hiện tượng hiếm thấy và chắc chắn sẽ hút khách du lịch lên cái xứ đá và gió ấy. Anh lại leo mẫu đơn lầu. Honey, em có ok không? Cô đang ngồi đó, bình thản, cho cậu bé tóc vàng ăn sữa. Người đàn ông ngoại quốc đang lúi húi trong quầy bar. Cô mỉm cười, em rất ổn. Khách Tây nườm nượp vào quán của cô thật. Nhưng lửa năm nay không là lửa năm trước. Cô cũng khác cô năm trước. Vì cô không phải là một miếng bánh để dành. Ngọn gió năm nay không tuỳ tiện được nữa rồi. Tuỳ Phong bước ra ngoài thềm. Tuyết phủ tràn lên chân anh. Trắng xoá

Thứ Sáu, 23 tháng 10, 2009

Thơ viết ở biển

Thơ viết ở biển

HỮU THỈNH
Anh xa em
Trăng cũng lẻ
Mặt trời cũng lẻ
Biển vẫn cậy mình dài rộng thế
Vắng cánh buồm một chút đã cô đơn

Gió không phải là roi mà vách núi phải mòn
Em không phải là chiều mà nhuộm anh đến tím



Sóng chẳng đi đến đâu nếu không đưa em đến
Dù sóng đã làm anh nghiêng ngả
Vì em.

Có một Hà Nội khác

Có một Hà Nội khác



NGUYỄN HỮU CÔNG





Không ít nhạc sĩ đã để lại dấu ấn, tên tuổi khi viết về Hà Nội. Cũng viết về Hà Nội, nhưng Nguyễn Đức Cường thổi vào lòng người nghe luồng gió mới trong cảm nhận của riêng anh về Hà Nội.



Bước xuống phố sáng tinh mơ, dạo qua góc công viên Có bao điều, người người chào bình minh đang đếnNhìn cụ già tập dưỡng sinh, sao trong tâm ta thấy bình yênMột Hà Nội rất thân quen...

Trong đoạn mở đầu, hình ảnh"cụ già tập dưỡng sinh" là hình ảnh có sức gợi rất lớn. Duy chỉ hình ảnh ấy thôi cũng đủ chứa đựng bao điều mà người nghe có thể hình dung về một Hà Nội yên bình dù chưa một lần đặt chân đến.



Tôi sinh ra và lớn lên ở miền Trung, miền đất của nắng và gió, chưa hề bước chân lên đất Hà thành. Tôi đã nghe không ít những sáng tác của lớp cha anh đi trước viết về Hà Nội. Hà thành trong sáng tác của những nhạc sĩ ấy hiện lên thật hùng vĩ với những ca từ hoàn mỹ. Nhưng những ca từ ấy đôi lúc làm thủ đô thân yêu bỗng trở nên xa lạ trong tôi. Với Nồng nàn Hà Nội thì khác, Nguyễn Đức Cường đã cho tôi cái nhìn thật mới mẻ, thật gần gũi mà cũng thật khác biệt. Hà Nội với quán cóc ven đường "ngồi ăn một quán ven đường, Hà Nội nhẹ nhàng ấm áp, dịu dàng đậm chất thơ”. Sự gần gũi đó không chỉ đến với tôi bằng những ca từ bình dị, những hình ảnh đời thường có chọn lọc mà còn ở cách tác giả trình bày ca khúc của mình. Nguyễn Đức Cường hát Nồng nàn Hà Nội trên tiếng đàn ghita một cách mộc mạc, với chất giọng khàn khàn đã tạo hiệu ứng đặc biệt trong lòng công chúng tiếp nhận.



Cảm giác của tôi lần đầu tiên nghe Nguyễn Đức Cường hát Nồng nàn Hà Nội chỉ có thể diễn tả trong một từ "lạ”. Lạ trong cách sáng tác, lạ trong cách lựa chọn hình ảnh và lạ cả trong việc truyền cảm xúc cho người nghe. Điều đó thể hiện cái tôi, mới mẻ và sáng tạo trong việc tìm hướng đi riêng của nhạc sĩ trẻ ngày nay. Ví như từ câu ca hát Đưa em đi qua phố phường, bao sắc màu, bao ánh đèn chuyển sang câu hát ở đoạn kế tiếp Đưa em đi qua thăng trầm, bao tháng năm đã úa màu, gọi tên từng phố cổ là cả một sự sáng tạo của tác giả trong cách dùng từ. Sự chuyển biến từ khái niệm cụ thể "phố phường" sang khái niệm trừu tượng "thăng trầm" đã truyền tải được bao ý nghĩa không gian và thời gian.



Không quá mượt mà về câu chữ, cũng không quá trau chuốt ngôn từ, Hà Nội hiện lên trong sáng tác Nồng nàn Hà Nội của Nguyễn Đức Cường tuy thân quen nhưng cũng không kém phần mới lạ. Đó là một Hà Nội thật khác dưới cái nhìn của một nhạc sĩ trẻ hôm nay.

Kí ức

Kí ức

NGUYỄN ĐẶNG TƯỜNG VI


Chiếc hăc-mô-ni-ca màu gió
Rạo rực xanh giữa miền kí ức nhọc nhằn
Màu gió không nhạt nhoà dù đã qua cơn bão
Em chẳng ngừng yêu anh dù tơi tả nhớ thương

Tự hỏi
Đi bao nhiêu mới qua con đường kí ức
Nhìn bao nhiêu mới hết ngần ấy mặt người
Tê tái bao nhiêu mới xoá nhoà đau đớn
Thức bao nhiêu đêm nữa mới không còn nước mắt
Khóc một người chỉ còn trong kí ức mông lung?

Em rêu phong tuổi 18
Như gió rêu phong lên chiếc hăc-mô-ni-ca xưa cũ
Nỗi nhớ anh rêu phong trong miền kí ức
Chẳng chịu buông tay dù đã mệt nhoài

Anh có vậy không?Yêu một kí ức
Là chông chênh và đau khổ
Hay đã delete em khỏi con dốc nhọc nhằn?


11-10-2009

Rock rất... nồng nàn

Rock rất... nồng nàn
NGUYỄN ĐỨC PHÚ THỌ
(An Giang)


Khi chưa đến với rock, mỗi lần nghe người khác nói về rock tôi lại cảm thấy hết sức khó chịu. Nhưng trong lần tình cờ, khi xem một đêm live show của chương trình “Bài hát Việt” được tường thuật trực tiếp trên kênh VTV3, tôi đã thật sự bị chinh phục bởi một ca khúc nhạc rock.

Đó là bài Nồng nàn Hà Nội, được nhạc sĩ trẻ Nguyễn Đức Cường sáng tác và tự thể hiện. Ca khúc ấy khiến tôi thích thú đến nỗi sau khi xem xong chương trình, tôi đã lao ngay lên net và download về để được thưởng thức thêm nhiều lần nữa.

Nồng nàn Hà Nội cho thấy một sự kết hợp tinh tế giữa truyền thống và hiện đại. Một Hà Nội trầm mặc, cổ xưa bỗng nhiên xuất hiện trong một không gian mới lạ, trẻ trung của rock. Âm điệu của ca khúc không ồn ào, khuynh đảo như tôi vẫn thường thấy mà bồng bềnh, nồng nàn và khơi gợi rất nhiều xúc cảm:

“... Đưa em đi qua phố phường bao sắc màu, bao ánh đèn/ Ngồi ăn một quán bên đường/ Hà Nội nhẹ nhàng, ấm áp, dịu dàng đậm chất thơ/ Một ngày xa... Một cảm giác/ Lòng chợt nhớ...

Đưa em đi qua thăng trầm bao tháng năm đã úa màu/ Gọi tên từng phố cũ/ Chiều nhạt nhòa hồ Gươm lung linh, ngọt ngào hoa sữa thơm/ Gọi tên thu về thật lâu.../ Để lòng biết... nồng nàn...”.

Tiếng guitar trầm bổng, giọng hát nhịp nhàng, giai điệu và ca từ của bài hát như quyến rũ người nghe chìm sâu trong một không gian ký ức gần gũi, ấm áp nhưng cũng hết sức mới lạ, khỏe khoắn. Viết về Hà Nội, đã có không ít nhạc sĩ tên tuổi với những ca khúc bất hủ. Hầu hết những ca khúc ấy đều được đặt trong không gian trữ tình và lãng đãng của các thể loại nhạc nhẹ và truyền thống. Nồng nàn Hà Nội khác biệt, bởi nó mang xu hướng thời đại của giới trẻ qua giai điệu của rock nhưng vẫn không kém phần nồng nàn, lãng mạn. Ca từ đã thể hiện được lối tư duy tinh tế và táo bạo của tác giả Nguyễn Đức Cường. Anh đã làm mới từ trong cái cũ. Chính điều đó khiến tôi càng thêm nể phục khả năng sáng tạo của nhạc sĩ. Và có thiện cảm nhiều hơn với rock.

Sau đó, tôi thoải mái hơn khi tìm đến các bản nhạc rock. Những ca khúc như Đám cưới chuột (sáng tác của Lê Tiến Đạt, được thể hiện thành công với nhóm Gạt Tàn Đầy), hay Thềm nhà có hoa (nhạc sĩ Thanh Tâm, ca sĩ Hải Yến)... đều gợi lên trong tôi những tình cảm tích cực. Tôi nhận ra được vẻ đẹp và ý nghĩa của từng ca khúc. Bên cạnh sự sôi động và khỏe khoắn còn là sự nồng nàn, bay bổng với rất nhiều cung bậc của rock. Đó là một không gian thắm đượm màu sắc dân gian, với những hình ảnh cổ truyền của làng tranh Đông Hồ được hòa quyện, xoắn xuýt trong thế giới nội tâm đầy rẫy những ám ảnh, và những suy nghĩ rất hình tượng về sự cô đơn của người trẻ. Đó là một chuỗi cảm xúc đẹp về tình yêu đôi lứa gắn với những hình ảnh gợi cảm, biến hóa đầy mới mẻ...

Đôi khi, tôi vẫn nghĩ, thường thì khi chưa tiếp nhận đầy đủ thông tin về một vấn đề nào đó hoặc chúng ta nhìn nhận nó ở một góc độ hoàn toàn chủ quan thì dễ dẫn đến những sai lầm và thiếu sót nghiêm trọng. Cũng giống như nói về nhạc rock. Khi tôi đã thật sự nhập tâm và nghiêm túc tiếp cận nó, tôi sẽ nhận ra rất nhiều điều lý thú, cũng như tự mình điều chỉnh được những sai sót của bản thân về cách đánh giá, cảm thụ và nhìn nhận thể loại âm nhạc mới mẻ này. Tôi tin tưởng rock là một thể loại lành mạnh và phù hợp với giới trẻ. Và tôi vô cùng tâm đắc về điều mà mình đã khám phá được ở rock. Đó là, rock tuy ồn ào, khỏe khoắn nhưng rock cũng rất... nồng nàn!

Đừng nhìn em như thế

Đừng nhìn em như thế

LÊ THỊ KIM

Đừng nhìn em như thế
Cháy lòng em còn gì
Sự nồng nàn của bể
Cuốn mất hồn em đi

Đừng nhìn em như thế
Khắc giờ thành thiên thu
Mắc nợ đời dâu bể
Mắc nợ đời thơ si

Em đành làm chim nhỏ
Đứng hót chơi trong chiều
Thả đôi lời hoa cỏ
Cho đời bớt tịnh liêu

Bởi tình yêu có thật
Vĩnh cửu trong cuộc đời
Bở ghen tuông có thật
Xuống mồ biết có thôi

Đừng nhìn em như thế
Sự dịu dàng nhường kia
Sẽ làm em chết ngạt
Hết một đời thơ si

Lời ru cho phố, cho tuổi thơ

Lời ru cho phố, cho tuổi thơ

HOÀNG THỊ THU HUYỀN
(Ca khúc Hát ru, nhạc sĩ: Nguyễn Vĩnh Tiến, ca sĩ: Thùy Chi)


Có những tình cờ khiến ta phải ngỡ ngàng khi bắt gặp. Một buổi tối chủ nhật ở nhà, nó vô tình lắng nghe bài Hát ru mang giai điệu buồn man mác nhưng hồn nhiên, trong trẻo đến lạ kỳ:

À ơi! Taxi đi ngủ, đèn đường ham chơi, cá vàng thôi bơi, đồng hồ vẫn chạy.

À ơi! Bắp ngô đêm thơm, tiếng rao đêm thơm, thơm về ven sông.

Cả giai điệu, từng câu, từng lời là những tình cảm mơ hồ nhưng rộng mênh mang, nhẹ nhàng mà da diết, sâu lắng... Những điều bình thường, ngày nào cũng bắt gặp và cả những điều chỉ có trong ký ức, tuổi thơ lần lượt hiện lên, trở về sống động, lung linh mang đầy màu sắc. Ô! Nó ngạc nhiên nhìn bể cá nhỏ bên cạnh, cười rồi chạy ra bancông nhìn xuống đường. Một vài chiếc taxi im lìm dưới ánh đèn đường lặng lẽ. Lắng nghe đâu đó, tiếng rao bánh chưng bánh giò đêm đang văng vẳng từ xa vọng lại. Thế rồi để mặc suy nghĩ nó trôi theo từng nốt nhạc.

À ơi! Rắn con mơ ngủ, chuột chù đi ăn, thức cùng ông trăng, từng dòng chữ nhỏ.
À ơi! Tiếng ru bay lên, nhớ nhung không tên, tơ nhện rung rinh.

À ơi! Chiếc gương ai soi bên trên mặt người, gạn dần mùa lại còn một đêm nay.

À ơi! Mắt sao cay cay, gió sao không bay trôi qua cửa sổ, chuyến phà tháng năm.

Mơ màng mà đẹp tinh tế đến thế là cùng - nó tự thốt lên với mình như thế. Từ trước đến nay, nó chỉ biết đến lời ru là những cánh cò trắng nơi cuối chân trời, của một vùng quê nào đấy rất yên bình, với tiếng võng cọt kẹt sớm khuya chứ không phải là: "À ơi, phố ngủ cho ngoan. À ơi, cây ngủ cho say". Cuộc sống nơi đô thành hối hả, quay cuồng, mấy khi có thể tự mình ru mình vào lòng phố, để tìm lại những giây phút hồn nhiên thế. Hồn nhiên để giữa phố thị vẫn thấy:

Đồng rộng thênh thang cá bơi lạc lối, đồng rộng thênh thang, bóng ai mỏi gối.

Đồng rộng thênh thang cua đi ngập càng, đồng rộng thênh thang, gió luồn sau lưng.

Đêm ru phố để được trở về với tuổi thơ, của những ngày tháng hồn nhiên cười, hồn nhiên chạy băng qua cánh đồng, qua những thuở ruộng ngập nước. Cả bản nhạc là dòng chảy của cả thời gian và không gian. Lời ru của đương đại mà vẫn không mất đi vẻ trữ tình của những lời ru dân gian.

Trở lại vào nhà, tự chìm vào giấc ngủ, nó thấy trong giấc mơ mình là những con đường với hàng cây đang say sưa ngủ cùng những chiếc taxi đậu bên dưới. Bên trên đó là ánh đèn đường vẫn thì thầm nói những câu chuyện với ánh trăng khuya. Xa hơn một chút đó là dòng sông đang uốn khúc quanh co. Đó là nơi ngăn cách giữa tuổi thơ và hiện tại. Vượt lên cả không gian, thời gian. Nó trở về nơi ấy cùng lời ru, trong trẻo và nguyên vẹn.

Con gái

Con gái

NGUYỄN HỮU HỒNG MINH


Con gái cắt tóc “đờ mi”
Ra đường lắm kẻ lầm lì đi theo
Rống chít chít, kêu meo meo
Giả con chuột, giả con mèo chán ghê!

Con gái mà để tóc thề
Mơ màng khối gã đêm về nằm mơ
Gã viết nhạc gã làm thơ
Gã đau hàng tháng, gã ngơ hàng ngày

Con gái, con gái, ô hay!
Gặp nhau một chốc chia tay không đành
Quả đất tròn, bầu trời xanh
Ngẩn ngơ “cub” đụng cong vòng bánh xe

Học quên để… nhớ cho nhiều

Học quên để… nhớ cho nhiều

ĐẶNG VƯƠNG HƯNG


Học quên để… nhớ cho nhiều
Học hờn giận để… cưng chiều đấy thôi.

Học lẻ loi để… có đôi
Học ghen là để… cho người thêm yêu.

Em thì xa vắng bao nhiêu
Tôi đành học cách nói điều vu vơ.

Học sắc sảo để… dại khờ
Học già dặn để… ngây thơ thuở nào…

Tôi giờ còn lại chiêm bao
Cố trần tục để… thanh tao kiếp người

Mải mê học khóc cho… cười
Quên hờ hững để cùng người đam mê…


Tháng 1-2000

Lời bình:

Tục ngữ Anh có câu: “Biết tất cả nghĩa là không biết gì hết” (To know everything is to know nothing).

Đặng Vương Hưng đã diễn tả rất thơ một cách đa diện, nhiều chiều suy tư của con người vốn rất người, do luôn tồn tại trong mình những “mặt đối lập”.

Mục đích “đi học” của nhà thơ là nhằm ở mặt đối lập ấy.
Có lẽ chỉ những người từng trải và chiêm nghiệm cuộc sống mới hiểu hết được sự dụng công “đi học” này!”

Đắc Lê

Mỗi câu thơ có hai mặt đối lập. Nhà thơ “đi học” một mặt này là nhằm vào cái mặt đối lập kia của nó: quên để nhớ, hờn giận để cưng chiều, lẻ loi để có đôi, ghen để thêm yêu… Và đặc biệt là: “Học sắc sảo để dại khờ/ Học già dặn để ngây thơ thuở nào”…

Nghĩa là, người ta học là để sống cuộc sống thật sự của con người, chứ không phải để trở thành những vị thánh!

Triết lý giản dị ấy, trong đời ai cũng gặp, nhưng đâu phải ai cũng nhận ra!
Vũ Nho

Khoa Văn

Khoa Văn

NGUYỄN THỊ VIỆT NGA


Nhìn đâu cũng toàn… con gái
Nên con trai hóa… kim cương
Thầy giáo đau đầu… phân phát
Lớp nào cũng muốn phần hơn

Ra đường thấy ai lãng đãng
Thiên hạ bảo: Người Khoa Văn
Kim, cổ, đông, tây xa lắc
Mở trang sách ra thấy gần

Giờ văn nụ cười, nước mắt
Nghẹn ngào, thanh thản đan xen
Thầy đau nỗi niềm dâu bể
Trò day dứt cùng thế nhân

Nhìn đâu cũng toàn mơ ước
Lời thầy dạy – biết yêu thương
Đã đành cuộc đời đen trắng
Dối gian, hèn nhát xin đừng

Người khoa văn chân thành lắm
Người yêu văn nhân hậu nhiều
Cha mẹ dạy con mai lớn
Chọn người khoa ấy mà… yêu

Tượng

Tượng

K.I.M
Khi tôi sinh ra, tôi đã là một bức tượng - hình thiếu nữ chơi đàn. Tôi đứng đó, khoác trên người một mảnh vải mỏng tang. Tay khảy đàn mà không bao giờ lên một nốt nhạc.

Miệng luôn hé nở mà chưa bao giờ thật sự cười hay khóc. Vì tôi là một bức tượng bất động trước con người.

Tôi trắng toát bởi màu vôi. Mùa mưa, tôi tắm mưa, lạnh lẽo và đau đớn. Những dòng vôi trắng từ cơ thể tôi rã ra trôi theo dòng nước mưa lạnh buốt, vô tình.

Mùa nắng tôi cứ đứng chang chang ngoài trời mà không sợ bị ung thư da hay đen sì. Không phải vì tôi có loại kem dưỡng da gì đặc biệt. Bạn biết đấy: tôi chỉ là một bức tượng.

Đến mùa xuân, bác bảo vệ lại bôi bôi quét quét một chất bột sền sệt trắng xóa vào người tôi - con người gọi đó là vôi. Và tôi lại được trắng toát thêm nữa.

Tôi đã chán ở mãi tư thế cầm đàn nhạt nhẽo này lắm rồi. Tôi đã chán phải nở nửa môi suốt một đời mà không bao giờ thật sự cười hay khóc. Tôi chán phải bất động. Tôi đã bất động quá lâu rồi (bao nhiêu lâu tôi cũng không biết nữa, có lẽ từ lúc tôi được hình thành).

Dẫu rất chán như vậy nhưng tôi vẫn có niềm vui an ủi vào những chiều không mưa. Chàng họa sĩ trẻ với giá vẽ và giấy bút đến với tôi. Với đôi mắt ấm áp, mái tóc nghệ sĩ xù lên như một tổ chim thật ấn tượng, anh làm tôi xúc động. Anh nhìn tôi rất lâu. Cái nhìn làm tôi muốn rã ra và cử động... Anh vẽ tôi. Chiều nào cũng thế. Tôi luôn thắc mắc tại sao anh chọn tôi và mỗi một mình tôi thôi. Trong khi ở công viên còn nhiều bức tượng khác đẹp và lạ hơn rất nhiều.

Khi thì anh đứng bên góc phải, lúc bên góc trái, lúc chệch nghiêng, khi thì chính diện và mãi mãi là tôi, bức tượng duy nhất được anh vẽ.

Thỉnh thoảng anh chạm tay vào tôi, và tôi thấy mắt anh long lanh lạ kỳ. Nhưng tôi không thể bật khóc vì vui sướng. Tôi cũng không thể giả vờ giận dỗi. Tôi không thể run lên bần bật. Tôi là một bức tượng.

Tôi thấy yêu đôi mắt anh. Tôi thấy thương đôi bàn tay nghệ sĩ ấy. Và tôi khao khát được chạm nhẹ vào tóc anh. Nhưng tôi không thể. Tôi chỉ là một bức tượng.

Giá như tôi có thể khóc. Giá như tôi có thể cười... Tôi sẽ làm tất cả điều đó cùng anh. Nhưng tôi biết làm gì ngoài việc bất động. Công việc của một bức tượng là bất động mà.

Con người qua lại nơi đây, họ nhìn tôi và bỏ đi. Tôi chỉ là một vật trang trí trong công viên này. Tình yêu là thứ xa lạ với một bức tượng. Thật nực cười!

Rồi một hôm, tôi thấy anh vào công viên mà trên tay không có giá vẽ, cũng không đi một mình mà cùng đi với một cô gái. Rồi cô gái bật khóc và ném trả những bức tranh về phía anh. Những bức tranh không phải vẽ tôi mà là cô ấy, một con người sống động và uyển chuyển. Cô ấy bỏ đi và nói một câu rất khó hiểu, một câu xa lạ với tôi:

- Em không yêu anh! Mãi mãi là thế!

Tôi thấy anh ngồi đó, bất động như chính tôi. Anh không cười cũng không khóc. Bất động là lặng câm.

Giá như có phép mầu, giá như tôi được làm người trong một giờ, ồ chỉ cần một phút thôi, tôi sẽ đến bên anh, nói với anh rằng: hãy chạm nhẹ vào tóc em, hãy cười với em…

Tôi sẽ hôn anh mà không sợ có lớp vôi trắng và nói rằng:

- Anh đừng buồn, vì em sẽ yêu, thật đấy!

Từ đó, hằng đêm tôi nguyện cầu với thiên thần bóng đêm: "Xin cho tôi được làm người!". Thiên thần cho tôi biết chỉ có thể thực hiện được điều đó nếu có một con người muốn hoán đổi vị trí với tôi. Nhưng làm sao có một con người nào muốn trở thành bức tượng? Tôi sẽ mãi là một bức tượng với tình yêu tuyệt vọng...

oOo

Một hôm, tôi được thiên thần bóng đêm báo tin vui : "Cô sẽ được làm người, đã có người hoán đổi vị trí cho cô!".

Thiên thần tặng tôi một váy trắng, món quà dành cho tôi để bước vào thế giới con người. 12 giờ đêm, tôi sẽ là một con người, một cô gái xinh đẹp và sống động. Tôi cử động, tôi biết cười, biết khóc và biết nói rằng: em yêu anh!

Tôi vui mừng như sắp rạn vỡ. Tôi sẽ làm gì đây? Đúng rồi, tôi sẽ đi tìm anh để nói lên điều mà bấy lâu nay tôi ấp ủ: em yêu anh, dù em chỉ là một bức tượng... Ồ, đó là câu nói ngu ngốc vì tôi có còn là một bức tượng đâu, tôi đã là một con người kia mà…

Tôi ngọ nguậy trong đau đớn, từng lớp thạch cao vỡ ra. Tôi hóa thành người như một giấc mơ diệu kỳ.

Tôi tìm anh, nhưng anh - người yêu dấu, chàng họa sĩ của tôi - đâu rồi. Tôi tìm mãi mà chẳng thấy anh đâu, chỉ có sự im lặng đáp trả. Tôi chợt nhận ra một bức tượng thạch cao kỳ lạ. Chàng họa sĩ trẻ với giá vẽ trên tay, bất động ngồi đó với đôi mắt buồn. Anh - người tôi yêu - đã là một bức tượng...

Tim tôi như ngàn mũi dao đâm thấu. Từng giây phút được sống kiếp người của tôi phải trả giá bằng chính cuộc sống của anh. Tại sao? Tại sao? Tại sao anh từ chối kiếp sống của một con người để trở thành một bức tượng lẻ loi?

Tôi hôn lên vai anh. Nụ hôn đầu tiên, nhẹ nhàng như hơi thở. Tôi hái tặng anh đóa tường vi, đặt nơi giá vẽ.

Xin thần đêm hãy để tôi mãi là một bức tượng, hãy để con người kia sống trọn kiếp người. Tôi viết tặng anh bài thơ trên tấm thạch cao. Lá thư đầu tiên và cuối cùng tôi viết tặng anh, vì mãi mãi tôi không thể nói cùng anh:

Tim em dù là đáVẫn yêu mãi ngàn đờiDù cuộc sống ngắn ngủiXin yêu trọn kiếp người.

oOo

Tôi chợt tỉnh sau một giấc mơ kỳ lạ.

Lạc lối hay mộng du vào công viên? Bức tượng cao quen thuộc vẫn ngồi đó, nơi khóe mắt là những giọt sương đêm hay nước mắt? Một giấc mơ dài. Tôi đã thấy nàng hôn tôi. Từng cơn gió thổi bay những cánh hoa tường vi. Phảng phất yêu thương. Tượng đá cũng biết buồn sao? Tôi nghĩ về tôi, về Mây - mối tình tuyệt vọng. Tôi sẽ không sống được nếu không yêu, giống như Xuân Diệu, nhưng tình yêu vẫn có thể hồi sinh và biến đổi mà. Từng chồi xanh còn cố vươn lên sau những ngày dông tố, huống chi tôi - là một kiếp người…

Tặng chiếc răng khểnh

Tặng chiếc răng khểnh

TẠ VĂN SĨ


Đều đặn thế, tự nhiên lơ đễnh mọc
Hạt răng ngà – một chiếc đứng so le
Nửa ngậm miệng nửa để vờ vĩnh hở
Cứ vô tình, cố ý – giấu rồi khoe!

Như răng người, ta đứng vậy so le
Đành khổ sở, không xếp vào đâu được
Đành tội nghiệp, như một lần lạc bước
Lỡ mê người không biết cách nào ra!

Tình ta chắc một đời như răng khểnh
Chắc một đời khập khểnh đứng so le
Để trang điểm chút duyên thầm con gái
Người không đành giấu giếm, cứ đem khoe!

Lũ miền Trung

Lũ miền Trung


NGUYỄN THỊ LY LY
ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn Tp.HCM





Sao năm nào lũ cũng kéo về miền Trung vậy trời? Một câu hỏi dường như quá chua xót, đớn đau với những đứa con của mảnh đất miền Trung. Miền Trung thân yêu ơi ! Tôi muốn thét lên thật lớn lời thầm gọi ấy, muốn ôm chầm lấy những đứa con của mảnh đất miền Trung mà bật khóc khi hay tin mùa nước lũ lại về.




Xa nhà, xa quê hương chúng tôi mang niềm ước vọng lên con tàu tri thức vào mảnh đất Sài Gòn. Để rồi hôm nay, ánh mắt nhìn xa xăm, giọt nước mắt lăn dài trên gò má, lòng thổn thức một tình yêu một niềm đau về nơi ấy. Nơi ấy miền Trung mà quanh năm chỉ có hai mùa: mưa, nắng. Nơi ấy không có cái nắng ấm áp bao dung cả đất trời, không có cơn gió nhẹ nhàng e ấp mùi hoa sữa khi mùa thu gõ cửa. Nắng miền Trung khắc nghiệt! Nắng kéo theo cơn gió Nam hanh khô như để khẳng định thêm sức mạnh ghê gớm đó. Nắng làm bỏng rát cái lưng trần của ba, làm giọt mồ hôi mặn chát lăn dài trên má mẹ, nắng làm đau lòng những đứa con như chúng tôi khi miên man nghĩ về quê hương.




Nắng là vậy đó! Và con người miền Trung cũng vậy. Họ chọn cách sống giản dị, có chút gì đó khô khan của nắng nhưng lại thừa hưởng sự mạnh mẽ của nắng, biết chấp nhận và vượt qua khó khăn khi mùa mưa bão kéo đến. Mưa miền Trung! Những cơn mưa dài bất tận, rỉ rả suốt ngày đêm. Những cơn mưa mà ngày xưa tôi rất thích. Tôi hạnh phúc, sung sướng khi cả nhà sum vầy bên nồi cơm còn nghi ngút khói trong cái se se lạnh của ngày mưa. Có tiếng cười đùa trêu chọc của ba tôi, có tiếng cãi nhau chí chóe của mấy anh em, và nụ cười hiền hao gầy của mẹ. Tất cả những giây phút êm đềm ấy chỉ có trong những ngày mưa. Những ngày mưa ba mẹ sẽ không ra đồng, người anh của tôi sẽ không đi làm thuê. Và chúng tôi sẽ được vui đùa với nhau mỗi ngày. Tôi đã trông cho trời cứ mưa mãi... Tôi yêu những cơn mưa từ đó. Tôi thấy mưa thật hiền, thật đáng yêu. Một hôm nào tuổi vừa mới lớn, tôi đã không còn yêu mưa nữa. Tôi ghét những cơn mưa. Mưa lạnh lùng và hung dữ quá! Những cơn mưa xối xả, dữ tợn trút xuống quê tôi tạo thành lũ. Lũ đến rồi đi cuốn trôi những mái nhà, mang theo những mái trường của bao em thơ. Lũ còn tàn nhẫn cướp đi tình thương của cha, của mẹ, của những người thân yêu trong một mái nhà. Lũ phá tan những gì mà con người đã cố công vun đắp, dựng xây.




Từng đợt mưa vẫn liên tục trút xuống, từng đợt gió hung bạo, vun vút, gầm gừ lao tới sẵn sàng xô ngã bất cứ vật cản nào. Chỉ còn lại là nỗi sợ hãi, tiếng la thét như đứt từng đoạn ruột của những đứa con xa quê như chúng tôi. Làm sao không phải xót xa với những tiếng thét gào của những đứa trẻ sợ hãi ôm chầm lấy mẹ khi quanh chúng những mảnh ngói rơi xuống vỡ nát. Người cha lặn lội trong mưa để cố sức ngăn cho mái ấm duy nhất của nhà mình không bị quật ngã. Những dòng người quật lộn với dòng lũ để cứu vớt những số phận bất hạnh đang trôi dạt trong dòng nước vô tình khủng khiếp kia. Tiếng mưa rỉ rả cùng tiếng người bì bõm mãi không ngừng. Bão đến nhanh, rồi đi cũng thật nhanh. Nhưng những gì nó để lại còn vang mãi đau thương. Những người mẹ ngồi chồm hổm khắc khổ nhặt nhạnh những gì còn sót lại trong đống đổ nát tan hoang mà cơn bão ban phát mỗi năm. Bưng bát mì tôm được tiếp tế mà lòng người quặn thắt, lót dạ hôm nay không biết ngày mai sẽ ra sao ? Ánh mắt nhìn xa xăm nơi cuối trời như để oán trách "không biết năm sau bão có ghé qua nữa không?


Thầm cầu mong bão sẽ đi xa mãi mãi...

Hoa sữa

Hoa sữa

NGUYỄN PHAN HÁCH

Tuổi 15 em lớn từng ngày
Một buổi sáng bỗng thành thiếu nữ
Hôm ấy mùa thu anh bỗng nhớ
Hoa sữa thơm ngây ngất bên hồ

Tình yêu đầu mang hương sắc mùa thu
Mùa hoa sữa trong áo em và mái tóc
Tình yêu đầu tưởng không gì chia cắt
Vậy mà tan trong sương gió mong manh

Tại mùa thu, tại em hay tại anh
Tại sang đông không còn hoa sữa
Tại siêu hình tại gì không biết nữa
Tại con bướm vàng có cánh nó bay

Đau khổ nhiều nhưng éo le thay
Không phải thời Rômêô và Juyliét
Nên chẳng có đứa nào dám chết
Đành lòng thôi mỗi đứa một phươg

Chỉ mùa thu trọn vẹn nhớ thương
Hương hoa sữa cứ trở về mỗi độ
Hương của mối tình đầu nhắc nhở
Có hai người xứa đã yêu nhau…

Thứ Ba, 20 tháng 10, 2009

NHƯ MỘT LỜI TRI ÂN


Như một lời tri ân..!..


“Thêm một người trái đất sẽ chật hơn

Nhưng thiếu mẹ thế gian đầy nước mắt”

(Lê Thiếu Nhơn)




Xin được mượn hai câu thơ của Lê Thiếu Nhơn để bắt đầu cho bài viết nhỏ này. Không phải vì không tìm ra được một cái tứ hay để bắt đầu mà chính vì ngàn lời nói dường như là vẫn thiếu nên đành phải dùng đôi câu thơ để hy vọng có thể lấp đầy. Thơ ca Việt Nam đã có và sẽ có hàng ngàn bài thơ viết về mẹ. Phải chọn ra một bài thơ hay nhất trong số đó quả là khó khăn. Nhân dịp 20-10, chuyên mục xin được giới thiệu một trong số những bài thơ hay nhất viết về mẹ để thay một lời tri ân đến một nửa thế giới này.


Nguyễn Khoa Điềm là một nhà thơ trước khi là một nhà chính trị. Sáng tác của ông không nhiều nhưng lại tạo được một phong cách riêng vô cùng nổi bật. Thành công của ông là đã tạo ra được những tứ thơ sâu sắc về triết lý nhân sinh nhưng lại được chuyển tải bằng ngôn ngữ thơ nhẹ nhàng nhuần nhị mà đầy tinh tế. “Mẹ và quả” là tứ thơ độc đáo và cảm động khi viết về mẹ.


Những mùa quả mẹ tôi hái được
Mẹ vẫn trông vào tay mẹ vun trồng
Những mùa quả lặn rồi lại mọc
Như mặt trời, khi như mặt trăng



Có những bài thơ buộc người ta phải hiểu. Có những bài thơ chỉ có thể cảm mà không sao cắt nghĩa được rạch ròi. Thơ Nguyễn Khoa Điềm nói chung và Mẹ và quả nói riêng thì khác không thể hiểu hay cảm nhận một cách đơn thuần. Sự sâu sắc của tứ thơ kết hợp với những cách thể hiện và ngôn từ độc đáo tạo nên một chất suy tưởng rất riêng. Cái chất suy tưởng đã làm nên thành công cho Đất nước thì giờ đây một lần nữa ta lại bắt gặp tronmg Mẹ và quả.


Phải dài dòng văn tự như thế bởi nhiều khi đọc qua những bài thơ như thế này ta cảm thấy bình dị, dường như là chẳng có gì. Quả không chỉ là những thứ quả mẹ vẫn trồng trong vườn nhà. Quả còn là hình ảnh tượng trưng cho sự sống mà mẹ chính là người gieo hạt chăm bón và mong mỏi đến ngày được hái. Những mùa quả lặn rồi lại mọc. Chữ mọc rất bình thường vẫn được dùng nhiều khi nói đến cây trồng nhưng đến chữ lặn thì lại là cả một sự sáng tạo mới mẻ của nhà thơ. Nó thể hiện sự chuyển dịch không ngừng nghỉ của cả thời gian và không gian. Hiểu rộng hơn là cả sự chuyển dịch không ngừng của sự sống của những cuộc đời. Sức sống ấy là bất diệt, luôn luôn bùng cháy, luôn luôn trỗi dậy. Hình ảnh người mẹ Việt Nam luôn sẵn trong tiềm thức của mỗi chúng ta lại chợt hiện lên với những nét bình dị tảo tần. Cả cuộc đời mẹ phải chăng là tập hợp của những lần gieo trồng không ngừng nghỉ như thế?


Lũ chúng tôi từ tay mẹ lớn lên
Còn những bí và bầu thì lớn xuống
Chúng mang dáng giọt mồ hôi mặn
Rỏ xuống lòng thầm lặng mẹ tôi.


Nguyễn Khoa Điềm ghi dấu dấn trong lòng người đọc bằng một giọng thơ điềm đạm, sâu lắng và đôi chút khiêm nhường. Ta bắt gặp trong Mẹ và quả một sự giao hoà giữa con người với thiên nhiên. Quả của thiên nhiên hay cũng chính là những đứa con lớn lên từ chính đôi tay mẹ bế bồng. Lũ chúng tôi từ tay mẹ lớn lên. Chính chúng tôi cũng là một thứ quả trên đời. Thứ quả của mẹ và riêng của mẹ thôi. Ở đây nhà thơ không nói con mà nâng lên thành chúng con để tăng thêm độ khái quát nới rộng sức lan tỏa tình cảm. Nó thể hiện sự sâu sắc trong trải nghiệm của một hồn thơ ở một lứa tuổi đã nếm trải mọi biến động của cuộc sống. Những bí những bầu quen thuộc trong vườn mẹ đã được nhà thơ nâng tầm lên thành những biểu tượng để thể hiện triết lý của riêng mình. “Những bí và bầu thì lớn xuống”… Dường như cách nói của nhà thơ đi ngược lại với quy luật thông thường. hai chữ lớn lên đã quen thuộc trong cách nói của mỗi chúng ta cả trong lời ăn tiếng nói hằng ngày và cả trong văn chương nghệ thuật. Lớn lên, lớn về thể chất, hình khối…lớn lên trong cả tinh thần và ý nghĩ. Nhưng khi Nguyễn Khoa Điềm buông ra hai chữ lớn xuống, không hẳn là ông lạ hóa ngôn ngữ hay đang chơi một trò chơi chữ nghĩa đánh đố người đọc. Có thể gọi ông là người đầu tiên phát hiện sự lớn xuống hướng về mặt đất của quả. Không phải bằng độ oằn cong của cành mà chính là sự lớn xuống về kích thước của quả. Sự lớn xuống ấy phải chăng là để thể hiện sự hàm ơn đối cới công lao dưỡng dục sinh thành.



Nhà thơ đã mở rộng trường liên tưởng của mình với so sánh giọt mồ hôi của mẹ. Hẳn phải có một con mắt, một cái nhìn tinh tế và tấm lòng nhân hậu thiết tha nhà thơ mới có thể nhận phía sau những bí những bầu bình dị ấy là cả một sự chắt chiu của nguồn sống, nguồn yêu thương. Giọt mồ hôi kết tinh thành một khối sừng sững giữa không gian như một tượng đài nhưng lại mang trong mình vẻ đẹp thuần khiết sáng trong. Tượng đài ngôn ngữ ấy tạc nên hình ảnh người mẹ cơ cực mà đẹp rạng ngời, sống cuộc đời nghèo khó kham khổ và vẫn rất bình thản ung dung. Chữ rỏ đông kết mà lan tỏa ấm nóng sự cộng hưởng của tình người. Rất kvà dường như là không thể tìm được chữ nào thay thế để vừa giữ được sự tôn kính thiêng liên vừa tỏa rộng một tấm lòng ấm áp nhân hậu.


Và chúng tôi, một thứ quả trên đời
Bảy mươi tuổi mẹ đợi chờ được hái
Tôi hoảng sợ ngày bàn tay mẹ mỏi
Mình vẫn còn một thứ quả non
xanh?


Day dứt và ám ảnh nhất là đoạn cuối khi nhà thơ bất chợt giật mình thảng thốt. Cái giật mình đầy tính nhân văn. Một sự thú nhận rất thật buộc ta phải nhìn nhận lại mình. Và đến đây ta lại chợt nhận ra một tầng nghĩa hoàn toàn mới. Phải chăng quả kia cũng là tượng trưng cho chính cuộc đời của mẹ. Khi quả kia lớn xuống cũng chính là lúc mẹ đã gần với đất lắm rồi. Bảy mươi tuổi mẹ mong chờ được hái để có thể ra đi hoàn toàn thanh thản và bình yên. Ta chợt nhìn lại mình. Cũng bàng hoàng thảng thốt như thế. Phải chăng ta thật sự vẫn là một thứ quả non xanh. Phải chăng giữa dòng đời này ta vẫn còn cần lắm một bàn tay mẹ hiền. Những tầng nghĩa cứ lẩn vào trong nhau. Khó có thể cắt nghĩa hết. Quả và mẹ. Quả và chúng ta. Nhưng ngày bàn tay mẹ mỏi thì ai cũng hiểu. Cái ngày ấy mới gần làm sao mới đáng sợ làm sao. Ta không thể đợi cũng không thể níu. Ta chỉ có thể làm mình đừng mãi là một thứ quả non xanh.



Một bài thơ không dễ để cảm và để hiểu. Nó đòi hỏi mỗi chúng ta có thời gian để suy tưởng và trải nghiệm. Nhưng thời gian thì không hào phóng thế bao giờ. Hãy biết trân trọng những gì ta có ngay từ hôm nay. Hãy hạnh phúc vì ngay tại đây, thời điểm này ta vẫn còn có mẹ để yêu thương và được yêu thương. Có lẽ những gì nhà thơ muốn nhắn nhủ đến chúng ta cũng giản dị và gần gũi như thế mà thôi.


NHÂN NGUYỄN

THƯƠNG NHỮNG TIẾNG....À ƠI....!...


Thương những tiếng ..à ơi..!.



“Ta đi trọn kiếp con người

Cũng không đi hết mấy lời mẹ ru”

(Nguyễn Duy)


À ơi…kẽo kẹt võng đưa. Con tự hỏi mình có gì ngọt ngào hơn những lời ru của mẹ? Lời ru xua đi cái nóng oi nồng những trưa hè. Lời ru che chở cái giá lạnh mỗi đêm đông. Con đã lớn dần lên theo những lời ru ấy. Dẫu giờ đây con có đi xa…Dẫu giờ đây mẹ đã không còn bên con nữa…Con vẫn nghe đâu đó sâu thẳm giữa lòng mình: vang vọng tiếng à ơi…!


Một bộ phim Việt Nam có lẽ ít người còn nhớ: “Của để dành”. Nhưng cũng chính cái bộ phim ấy đã để lại cho đời một bài hát mà ít người có thể quên. Mỗi lần giai điệu ấy cất lên qua giọng hát ngọt ngào trong trẻo của Trần Thu Hà con lại chợt thấy lòng mình rưng rưng nước mắt. “Lời ru cho con”…Lời ru mẹ mang theo suốt cả đời mình. Lời ru đi qua ngàn năm tháng.


Ngồi nghe biển hát rì rào
Như lời ru từ thuở ấu thơ
Nghe lời mẹ hát mơ màng con say.
Dòng đời đã cuốn xa vòng tay mẹ!
Bao nhiêu đắng cay, đắng cay u buồn
Lời ru của mẹ vẫn thắm đượm tình yêu thương.



Có lẽ chẳng cần phải trở về bên biển…có lẽ chẳng cần phải ngồi nghe biển hát rì rào lòng những đứa con xa mới chợt nhớ một lời ru. Biển cả mênh mông. Lòng mẹ cũng nào biết đâu là bờ bến. “Biển cả bao la không đong đầy tình mẹ”. Bao nhiêu đêm con vẫn thường nhắc nhớ lòng mình. Những đêm dài cô đơn con ao ước được về gần bên mẹ dù chỉ để nghe một lời trách, một câu mắng…để con biết rằng mình vẫn còn được yêu thương. Dòng đời cuốn trôi con theo những ước mơ gần như là ảo vọng. Dòng đời bỏ quên mẹ phía sau với những cay cực xót xa. Đã có những lúc con quên hay tự cho phép mình quên con vẫn còn có mẹ. Con buông trôi đời mình theo những cuộc vui để rồi khi nhận ra giữa đời mình chỉ còn lại bao nhiêu là cay đắng con mới nhận ra chỉ có mẹ là vĩnh cửu trên đời. Rượu thì cay…thuốc thì đắng ngắt…những ngọt ngào chỉ còn có mỗi mẹ thôi.! Bao nhiêu là yêu thương thắm đượm trong lời ru của mẹ. Phải đến khi xa lắm rồi con mới biết yêu thương. Lời ru nhắc nhớ một thưở ấy thơ bình yên và trong trẻo. Con say trong lời ru, say giữa những ngọt ngào thấm trong lời mẹ hát.


Lời ru còn đó vang vọng bốn bề
Nơi tim con, lời ru mãi ghi nhớ âm thầm
Thời gian trôi qua thật mau
Bóng dáng mẹ đã phôi pha theo tháng ngày...
Và giờ mỗi đứa một phương
Bao nhiêu giọt yêu thương đã chia hết rồi
Lời ru xa rồi giấc mơ thơ ấu...



Bài hát lặng lẽ xua đi những lo toan, cay cực giữa dòng đời. Bài hát lặng lẽ đưa con về bên mẹ. Con dường như chẳng nghe những giai điệu, chẳng để tâm đến những ý nghĩa phía sau từng câu hát. Con chỉ đơn giản thả hồn mình về với ngọn nguồn của những yêu thương. Bóng dáng mẹ phôi pha giữa phố thị ồn ào tất bật. Con dường như đã lãng quên cùng với những giấc mơ thơ ấu. Chỉ có mẹ vẫn đó, lặng thầm nơi góc trời quê ngóng theo con trên những bước đời. Bao nhiêu đứa con là bấy nhiêu giọt yêu thương mẹ chia đều cho tất cả, là ngần ấy phương xa mẹ mòn mỏi ngóng về. Con nào đâu hay. Con nào đâu biết. Lòng mẹ dịu hiền vẫn ấm áp bao dung. Mẹ cho đi hết thảy chẳng cần phải nhận lại cho mình.


Có xa thật không những lời ru ấy? Nơi xứ người lời mẹ có theo được mỗi bước chân con. Giữa cuộc mưu sinh, đến cả ước mơ con cũng trở thành một cái gì quá ư là chật hẹp. Mỗi ngày qua là một ngày con lao mình theo vòng xoáy cuộ đời dữ dội. Có phút nào con dừng lại để thương để nhớ, mẹ ơi. Nhưng lời ru mẹ vẫn đó thật xa nhưng cũng thật gần. Vang vọng giữa không gian và âm thầm ghi nhớ giữa lòng con. Để rồi một phút nào con chợt nhận ra lại thấy mình hạnh phúc vô ngần vì vẫn còn có mẹ.


Vẫn mong cho con, ấm êm một đời
Hạnh phúc khi con cười
Yên lòng khi thấy con vui
Mẹ đã nâng con dậy, khi con ngã trên đường đời
Dù cho nắng đã phai tàn
Dù cho tóc đã pha màu buồn
Cho dù mắt nhắm tay buông
Dành cho con hết mọi nguồn yêu thương...



Vẫn mong cho con…chỉ mong cho con. Mẹ ơi lòng mẹ mênh mông quá! Thuở ấu thơ, con chập chững bước những bước đầu tiên luôn có mẹ ở bên chở che dìu dắt. Giờ đây lớn khôn, giữa dòng đời con phải tự bước đi. Vẫn có những lúc con lạc chân vấp ngã, vẫn có những lúc con cần một bàn tay nâng con đứng dậy. Đôi khi chỉ để khóc òa lên. Đôi khi chỉ để biết lòng con không phải là đá cuội. Đâu phải đã lớn khôn là không còn những phút yếu lòng. Mẹ chẳng thể nào giúp con không vấp ngã nhưng mẹ có thể cho con niềm tin, để con đứng dậy vững vàng hơn để lại tiếp tục bước đi. Trong mắt mẹ yêu con là tất cả. Hạnh phúc của mẹ là thấy con cười, bình yên của mẹ là được thấy con vui. Thế giới bao la của con cũng chính là thế giới trong mắt mẹ. Con đi xa. Lời ru kia chính là chiếc cầu nối những yêu thương. Cho mẹ luôn ở bên con. Và cả cho con được về bên mẹ



Dù cho nắng…

Dù cho tóc…

Dù cho cả thể giới này sụp đổ…tình mẹ vẫn thế…lời ru kia vẫn thế vẫn luôn bên con ấm áp chở che vĩnh hằng và bất diệt. Con không dám nghĩ đến nhưng con vẫn luôn tin rằng nếu một ngày kia “mắt nhắm tay buông”…trái tim kia vẫn đập vì con…ngàn yêu thương vẫn hướng về con và lời ru kia vẫn dành con tất cả…

vẫn mong cho con ấm êm một đời

hạnh phúc khi con cười

yên lòng khi thấy con vui…


NHÂN NGUYỄN