Chủ Nhật, 29 tháng 11, 2009

Ba và con

Ba và con

PHAN MAI THƯ NHÃ


Nắng hôm nay nhẹ nhàng thanh thoát, từng cơn gió lặng lẽ ướt ban mai. Những bóng người thưa thớt đang vội vã bước chân trên con đường nhỏ để chuẩn bị hòa vào dòng đời tấp nập.Từng ngọn cỏ còn đọng mướt sương đêm đang chầm chậm đung đưa, nũng nịu với những viên sỏi bàng bạc cát bụi, với những búp hoa còn chưa hé mắt chào ngày…

Đường con về thơm nồng mùi nhựa đất, mùi bùn nặng và mùi của cỏ dại hương xa…Trái tim con như muốn òa vỡ giữa không gian bình yên, thân thương này. Đứng giữa con đường tinh sương còn nhuốm màu nằng nặng của màn đêm, nhìn lên những ngôi sao đang dần tan biến trên bầu trời mênh mông, chợt tự hỏi mình lớn tự bao giờ!!? Làn gió lành lạnh thổi òa vào chiếc cổ gài không kín nút, con bất giác rùng mình nhìn xuống đôi bàn tay đang ghì chặt bó hoa tươi còn trong suốt sương đêm, sao thấy lòng ngổn ngang suy niệm…

Con nhớ trên con đường này, ngày ngày đến trường con luôn đi một mình, tự tin và phấn khởi vì… biết rằng đằng sau, ba luôn dõi theo cái bóng nhỏ bé của con và dõi theo bước con về… Ba gieo vào lòng con niềm đam mê đọc sách từ ngày đó, con ê a lật từng trang sách mỏng và nghẹn ngào khi lật lại những ngày dại khờ năm xưa, những chuỗi ngày cứ nằm yên trong chiếc hộp kí ức, thỉnh thoảng được lên dây cót và nhẹ nhàng li la những nốt nhạc du dương khiến lòng con chùng lại, xốn xang… Nước mắt nào làm nên tuổi thơ…? Lúc đó con lên cấp hai, ngày đầu tiên háo hức đi học đã bị bạn bè xầm xì to nhỏ rằng con là con cưng của giáo viên, rằng đằng nào mà con chẳng được điểm cao… Nhìn những ánh mắt xoi mói, ngang ngược ấy, con òa khóc chạy về nhà. Nước mắt, tóc và mồ hôi bết đầy trên má con, con trùm kín chăn nức nở, mấy bạn xấu quá đi, con không thích đi học nữa, con muốn ở nhà với mẹ… Ba nhíu mày nhìn con nhẹ nhàng hỏi: “Chạy về như vậy có hèn lắm không con?”, nhìn dáng ba lầm lũi quay đi, con chợt thấy nặng lòng… Con hư lắm phải không ba?!!!

Phượng vẫn đều thay lá đổi hoa, con vô tư bước vào tuổi mười sáu, vô tư mang cái nắng gió của miền quê thân thương lên thành phố, bỏ lại những tháng ngày bình yên sống dưới bóng mát của ba. Đôi lúc cũng thấy sợ hãi trước những cái lớn lao của cuộc đời, nhưng mỗi khi nghĩ đến ba, nghĩ về sức mạnh ba đã tặng con thì con lại được tiếp thêm niềm tin và tự hào tiến lên phía trước. Cả bầu trời trong con luôn có hình dáng của ba thân yêu và cái sức mạnh tưởng chừng như vô hình ấy…

Hôm qua là Tết thầy cô, con về muộn mất rồi. Căn nhà màu tím hiện rõ trong màn sương vốn còn đang ngái ngủ. Dáng ba đang hì hục tưới những chậu cây cảnh xanh tươi làm con quặn lòng. Nghẹn ngào nhìn cái dáng thân thương ấy và nghẹn ngào gọi ba ơi… Ba quay lại đón con bằng cái nhìn trìu mến, nụ cười rạng rỡ làm lòng con ấm lại… Con òa vào lòng ba và tự hỏi con đã thật sự lớn chưa hả ba… Nụ cười ba cho con cả hạnh phúc và yêu thương này…


Gửi về cô giáo dạy Văn

Gửi về cô giáo dạy Văn

NGUYỄN THỤY DIỄM CHI

Có thể bây giờ cô đã quên em
Học trò nhiều quá, làm sao cô nhớ hết
Xa trường rồi, em cũng đi biền biệt
Vẫn nhớ lời tự nhủ, sẽ về thăm.

Có thể bây giờ chiếc lá bàng non
Của ngày em đi đã úa màu nâu thẫm
Ai sẽ nhặt giùm em xác lá
Như em thuở nào ép lá giữa trang thơ?

Ước gì… Hiện tại chỉ là mơ
Cho em được trở về chốn ấy
Giữa bạn bè nối vòng tay thân ái
Được vui - buồn - cười – khóc hồn nhiên.

Em nhớ hoài tiết học đầu tiên
Lời cô dạy: “Văn học là nhân học”
Và chẳng ai học xong bài học làm người!
Chúng em nhìn nhau khúc khích tiếng cười
Len lén chuyền tay gói me dầm cuối lớp.

Rồi giờ đây theo dòng đời xuôi ngược
Vì chua cay thuở nào cứ thấm đẫm bờ môi
Những lúc buồn em nhớ quá – cô ơi!
Bài học cũ chẳng bao giờ xưa cũ…

Thiên Bình yên ả

Thiên Bình yên ả



NGUYỄN ĐẶNG TƯỜNG VI




Truyện ngắn này mình lấy hình tượng một người anh lớn của mình. Nếu anh đọc mà thấy ngờ ngợ thì gọi điện cho em nha!! :D



Tặng anh N.!








Thầy giáo về làng!



Tiếng hét của lũ bạn đang chơi dưới gốc đa đầu làng làm chị em tôi buông thúng rau, chạy lên xem "thầy giáo về làng". Thầy - một chàng trai trẻ, vầng trán cao, đôi mắt sáng, vóc người cao gầy. Thầy mặc áo màu xanh tình nguyện - chiếc áo mà suốt thời gian giảng dạy sau này thầy luôn mặc, gìn giữ và nói đến với một ánh mắt sáng rực. Nghe tiếng reo của lũ trẻ con chúng tôi, thầy dừng lại, xoa đầu mấy đứa, mỉm cười. Nụ cười của thầy thật hồn hậu. Chợt thầy hướng ánh mắt về phía chị em tôi, và thầy gật đầu với chị tôi. Bàn tay tôi bỗng thấy đau vì cái siết tay của chị.



Chị tôi 17 tuổi, xinh gái nhất làng. Từ trước đến nay, chưa một chàng trai nào bước vào được trái tim chị. Thế mà, sau cái gật đầu của thầy chiều hôm ấy, chị lúc nào cũng nói với tôi về thầy.



Thầy được phân công dạy lũ trẻ lớp 1 chúng tôi ở trường làng. Ngày ấy, làng tôi nghèo lắm. Ngôi trường lợp bằng lá lụp xụp, trời mưa to một chút là dột ướt cả, gió to hơn mọi ngày thì chỉ chực đổ sụp xuống. Lũ trẻ con 7, 8 tuổi lít nhít đen đúa, bẩn thỉu, lúc nào cũng tíu tít hỏi thầy đủ thứ chuyện về thành phố. Thầy trả lời hết, từng câu một. Tôi nhớ, đã có lúc, tôi muốn lớn lên mình sẽ sống ở thành phố khi nghe lời thầy kể.



Thành phố đẹp thế, sao thầy không dạy ở thành phố mà về đây hả thầy?
Vì thầy yêu các em!



Lớp học vỡ òa với những tràng cười. Mãi tận sau này, khi đã đủ lớn, mỗi chúng tôi mới hiểu lời thầy nói đâu chỉ là một câu pha trò.





Những lúc rảnh, thầy theo chúng tôi đi bắt ốc, bắn chim, cấy dặm. Nhà đứa nào neo đơn, thầy hay lui tới đỡ đần công việc trong nhà. Thầy không ngại việc gì hết, chúng tôi làm gì, thầy làm nấy. Trên môi thầy luôn là nụ cười hiền tươi tắn. Chẳng hiểu sao, nhìn thầy, tôi luôn thấy một niềm hạnh phúc lạ lẫm với cái đầu bé xíu của tôi. Một niềm hạnh phúc trong khó khăn mà tôi chưa từng thấy.



***



Cạnh trường học là một dòng sông rộng. Chị gọi nó với cái tên Thiên Bình, có nghĩa là bình an. Mùa lũ, nước sông đục ngầu phù sa và dữ tợn. Chị bảo Thiên Bình đang khóc, vì hai bờ phải xa nhau.
Nhà tôi ở ngay cạnh trường. Đôi lúc, chị đứng ngoài cửa sổ lớp học lõm lời thầy giảng. Tôi thấy chị tập viết. Ban đầu, chị mắc cỡ, lén lấy que củi viết lên đất. Dần dà, có những chữ khó không viết được, chị mới mon men sang nhờ tôi giúp. Chẳng biết thầy phát hiện chị đứng ngoài cửa lớp nghe lén từ lúc nào mà một buổi chiều, thầy sang nhà tôi. Gặp chị, thầy hỏi có muốn học viết chữ không. Gò má chị ửng đỏ. Chị gật đầu.



Từ đó, thầy sang nhà tôi vào mỗi buổi tối tập viết cho chị. Chị rất năng học bài, chẳng hiểu vì ham học hay vì thầy.



Chị mơ mộng hơn trước. Chiều chiều, chị thường ra bờ sông mân mê những bông cải vàng. Chị hay cười, và có lẽ vì nụ cười và niềm hạnh phúc ấy, mà tôi thấy, dường như, chị đẹp lên thật nhiều.
Mùa hè đến, chúng tôi tổng kết năm học và có ba tháng hè vui chơi. Thầy bảo thầy phải về quê thăm nhà, đã lâu lắm rồi thầy không về. Buổi tối trước hôm đi, thầy đến nhà tôi như thường lệ. Nằm trong phòng, tôi nghe thầy bảo với chị: "Ngày mai thầy về quê!". "Bao lâu hả thầy?". "Thầy không biết!". Rồi im lặng. Thật lâu sau đó, tôi nghe tiếng thầy kéo cửa ra về, và chị chạy ào vào ôm tôi khóc. Chị khóc suốt đến gần sáng.



Chị bảo chị không ra tiễn thầy đâu. Chị sợ thầy thấy đôi mắt sưng húp của chị. Chị đứng trong nhà lấp ló nhìn ra bến sông. Tôi muốn mắng chị sao lại tự làm khổ mình như thế. Nhưng chợt thấy đôi mắt tội nghiệp của chị, tôi lại thôi.



Lũ trẻ chúng tôi bu quanh thầy bên bến sông để tặng quà. Qùa của chúng tôi đơn giản chỉ là chục trứng, kí khoai, con vịt xiêm… Điều đáng quý là đứa nào cũng rất quý và lo lắng cho thầy.



Thầy đi rồi về nhen thầy!





Tôi muốn thay chị nói với thầy như thế. Thầy không hứa, chỉ xoa đầu tôi mỉm cười.



Tàu xuất bến, thầy đứng ở mũi thuyền vẫy tay chào chúng tôi. Trong một thoáng, tôi thấy đôi mắt thầy hướng về phía chị, mỉm cười và gật đầu chào như lần đầu gặp chị. Nhìn vào trong nhà, chị đã đứng hẳn ra sân, vừa khóc vừa vẫy tay chào thầy.



Thầy đi thật lâu. Thời gian ấy, chị tôi buồn tê tái. Chiều chiều, chị ra bờ sông ngồi như ngóng chờ ai đó. Đôi mắt chị luôn ngân ngấn như sắp khóc. Chị đánh dấu từng ngày lên tờ lịch nhỏ treo trong phòng. Thầy đi hai tháng, hơn 60 ngày chị mòn mỏi chờ mong, tờ lịch chi chít những dấu vạch.



Thế rồi, thầy cũng về vào một buổi hoàng hôn. Đang chơi bắt nẻ một mình ngoài sân, trông thấy dáng thầy trên một con thuyền đang tiến vào bờ. Tôi hét to:



A! Thầy về!



Tôi chạy khắp xóm reo to báo với mọi người. Đám trẻ túa ra bao quanh bờ sông chờ thầy đáp thuyền. Chị tôi đang bệnh nằm trong giường chợt chạy ào ra vòng tay ôm chầm lấy thầy, và khóc. Cả lũ chúng tôi đang ríu rít vui mừng, vác hành lí hộ thầy bỗng chùng xuống im lặng. Thầy nhẹ nhàng xoa đầu chị:



Ngốc ạ! Thầy đi rồi về mà!



Mấy ngày sau đó, thầy tu sửa trường lớp chuẩn bị cho năm học mới. Từ thành phố về, thầy mang cho chúng tôi rất nhiều quà: sách vở, cặp sách, bút, cả quần áo, và dép cao su nữa. Đứa nào cũng vui hớn hở vì nhận được quà.



Thầy tặng cho chị tôi một cây bút và quyển vở thật đẹp đã phóng sẵn mấy trang chữ. Chị khoe với tôi cùng một gương mặt rạng rỡ. Có đôi lúc, tâm trí tôi thảng hoặc sự lo lắng cho chị, mặc dù tôi biết thầy là người đáng tin cậy.



Mùa lũ đến. Sau những trận mưa xối xả, làng quê tôi xao xác. Trường xiêu vẹo và gần như đổ sụp. Thầy vất vả đi chặt lá dừa lợp mái. Lũ con nít chúng tôi chia nhau giúp đỡ thầy. Có đôi lúc, tôi thấy thoáng trên gương mặt thầy sự mệt mỏi. Nhưng đôi mắt thầy vẫn chưa bao giờ tắt đi sự nhiệt tình và niềm hạnh phúc.



Lũ về. Ào ạt. Hình như Thiên Bình của chị đang nhớ thương ai đó, nên nước mắt mới chảy nhiều như thế. Chiều chiều, chị hay ra đứng bên bờ sông. Chị bảo chị muốn nói chuyện với Thiên Bình, có như thế Thiên Bình mới thôi nhớ thương và không khóc nữa.



Một buổi tối, thầy đến nhà dạy chữ cho chị tôi như thường lệ. Tối hôm ấy, thầy ở nhà tôi đến tận khuya. Khi thầy ra về, chị tôi đòi theo tiễn. Hai người đi thật lâu. Sau đó, chị tôi về với một đôi mắt ướt và rạng rỡ hạnh phúc. Đêm ấy, chị ôm tôi, thút thít bảo thầy nói yêu chị. Cả đêm, chị không ngủ được. Tôi giả vờ ngủ, nhưng sự thật, tôi không chợp mắt đến tận sáng. Không biết từ khi nào, tình yêu của chị dành cho thầy đã lớn đến như thế.



Sáng hôm sau, thầy qua đời khi cố gắng cứu một đứa trong lớp nghịch dại bị rơi xuống sông.



***



Chị đã thôi không khóc nữa. Chẳng biết nỗi đau đã vơi đi, hay nước mắt chị cạn mất rồi. Những buổi hoàng hôn, tôi thường thấy chị ngồi bên bờ sông, tay đung đưa nghịch làn nước đục ngầu phù sa.



Chị cũng không gọi sông là Thiên Bình nữa. Đứng trước sông, tôi thấy đôi mắt chị ráo hoảnh đến lạ lùng. Đôi mắt chị chưa bao giờ vô hồn như vậy.



Một buổi chiều, đang ngồi bên bờ sông, chị đột nhiên ngoắc tay gọi tôi. Tôi líu ríu xỏ đôi dép nhựa chạy ra ngồi xuống bên chị. Chị vòng tay, hôn lên trán tôi một cái thật sâu. Rồi hai chị em tôi ngồi như thế. Lâu, tôi than mỏi chân và chạy vào nhà. Chị níu tay tôi lại, nhìn tôi. Tôi chợt có linh cảm rằng chị sắp đi xa. Chị đang ngồi trước mặt tôi, nhưng đôi mắt chị đã đi đến một nơi nào xa lắm. Khi bước chân vào nhà, tôi nghe sau lưng mình có tiếng thút thít của chị.



Buổi chiều hôm ấy, chị không về nữa.



Tôi đã để chị đi.



***



Không ai tìm thấy chị. Mọi người dị nghị rằng chị tự tử. Chỉ có tôi biết, buổi chiều hôm ấy, chị đã đi. Tôi tự hỏi, nếu ngày ấy thầy không nói yêu chị, liệu chị có đi, hay nằm lại nơi dòng sông này? Tôi đã nhủ với lòng mình, nếu mai này có thóang gặp chị trên bất cứ một chặng đường nào, tôi cũng sẽ không gọi chị đâu. Bởi với tôi, buổi chiều ấy, chị đã hóa thành dòng Thiên Bình xinh đẹp nơi này rồi.





Không ai bảo ai, mọi người đều đặt bàn thờ thầy trong nhà. Ở nơi trang trọng nhất trong nhà tôi, bức hình của thầy và của chị hướng về nhau, và luôn mỉm cười.



Có một thầy giáo khác về dạy chúng tôi. Nhưng vị trí của thầy trong trái tim chúng tôi thì không ai có thể thay thế được. Mỗi đứa ấp ủ cho riêng mình một ước mơ có màu xanh tình nguyện như chiếc áo thầy vẫn mặc.



Tôi học, lớn lên. Tôi lên thành phố trọ học. Thành phố đẹp như lời thầy nói, lấp lánh ánh đèn và đô hội, nô nức. Tôi cũng đã hiểu vì sao thầy rời thành phố đến với chúng tôi. Có lẽ, trong trái tim thầy, đám trẻ con bẩn thỉu, ngôi trường làng xiêu vẹo đẹp đẽ hơn thành phố này. Và chị đẹp hơn bất cứ người con gái thành phố sang trọng nào.



Mùa hè năm ấy, tôi mặc chiếc áo xanh, bước đến bờ sông chào thầy và chị. Rồi lên đường.



Khi ngoái đầu lại, tôi thoáng thấy nụ cười của thầy và chị lấp lánh trên dòng sông Thiên Bình yên ả.



Họ cười thật hạnh phúc.

Thăm thầy

Thăm thầy

ĐOÀN ĐẠI TRÍ



Lâu rồi con mới về thăm



Ai ngờ thầy đã hoa râm mái đầu



Tóc xanh nhuộm những dãi dầu



Thời gian ơi cứ làm đau lòng người.




Con ngồi nghe tiếng thầy cười



Như mưa rơi nhẹ xuống đời long đong.



Xưa thầy từng dạy con rằng



Tương lai đẹp lắm những trang vui buồn




Mang theo lời ấy lên đường



Con đa mang với văn chương tháng ngày



Xác xơ chữ mỏng câu gầy



Thầy ơi thơ cũng đắng cay muôn phần!




Xứ người đi mãi chồn chân



Thôi xin về lại quê mình ngày xưa.



Vang trong xa lắc xa lơ



Lời thầy vọng giữa bến bờ nhân gian…

Thứ Hai, 23 tháng 11, 2009

Còn không bụi phấn?

Còn không bụi phấn?


NGUYỄN LÃM THẮNG
(Huế)


Sẽ có một ngày em hỏi tôi còn không bụi phấn?
Có còn không phấn nhuộm tóc thời gian
Ừ! Em ạ! Có thể là như thế!
Nắng có thể xanh và nắng có thể vàng...

Rồi có lúc... và bây chừ đã có
Nét bút đen viết lên bảng mi-ca
Và giáo án đã mang màu điện tử
Thời đại thông tin có bụi phấn bao giờ?

Và tôi biết sẽ còn nhiều câu hỏi
Em hỏi tôi, tôi có thể trả lời
Bút không bụi mà cuộc đời lầy bụi
Tóc còn xanh mà năm tháng bạc rồi.

Dẫu như thế... nhưng em ơi! Bụi phấn
Vẫn còn rơi trong nếp nghĩ con người
Một màu trắng vẫn là tinh khiết trắng
Đừng bao giờ đồng nhất phấn và vôi.

Niềm vui neo giữ phận người

Niềm vui neo giữ phận người
ĐÀO TẤN TRỰC
(GV THPT Lê Thành Phương, Phú Yên)

Tôi bước vào trường sư phạm như một sự tình cờ, nếu không nói là bất đắc dĩ.

Số là ngày trước tôi học một ngành khác, ngành y. Năm 1996 tôi tốt nghiệp y sĩ hệ chính quy, đây là khóa y sĩ chính quy cuối cùng trong hệ thống đào tạo cán bộ y tế cơ sở. Ra trường, tôi tình nguyện xin về công tác tại một xã miền núi nhưng lần lữa mãi mấy năm trời không được. Không biết vì lý do gì. Sau đó tôi xin đi dự thi lớp bác sĩ hệ chuyên tu tại Huế với nguyện vọng sau này về phục vụ cho xã nhà. Bởi quê tôi là một xã miền núi nên từ trước đến tận bây giờ vẫn không có một bác sĩ nào chịu về công tác.

Tôi khăn gói lên đường tiến thẳng cố đô. Được vài ngày, tôi nhận tin từ phòng đào tạo trường y báo hồ sơ của tôi không hợp lệ, phải có giấy chứng nhận công tác ở địa phương. Tôi trở về xã mong xin được tờ giấy đó nhưng rồi không được...! Tôi nghĩ, chẳng lẽ cuộc đời mình chấm hết ở đây! Tôi sẽ chứng minh khả năng của mình cho mọi người xem. Thế là tôi nộp đơn thi vào trường sư phạm.

Vào môi trường mới, tôi không ngừng cố gắng. Có nhiều kỷ niệm về trường lớp, thầy cô, bạn bè học tập thật đáng nhớ, song nhớ nhất là ngày đi thực tập sư phạm. Sau tiết dạy đầu tiên, cô giáo hướng dẫn chuyên môn bảo: "Nhìn tướng mạo trông giống thầy giáo thật đấy, sau này em có khả năng trở thành một giáo viên giỏi về chuyên môn". Nghe vậy, tôi mừng rơn nói với cô rằng em sẽ cố gắng hết sức. Sau đợt thực tập, tôi được nhà trường đánh giá, xếp loại xuất sắc.

Trở thành sinh viên sư phạm, công việc của nghề cũ gần như trôi vào dĩ vãng. Không phải tôi quên nhưng những gì cần làm tôi phải làm. Ngoài học, tôi còn tập trung vào nghiên cứu và sáng tác, phải nói rằng tôi là người hơi có duyên với văn chương cho nên những năm sinh viên tôi có bài đăng thường xuyên trên các tờ báo. Việc làm đó kéo tôi về với văn chương sách vở gần hơn.

Ngày ra trường, so với nhiều bạn bè cùng khóa, tôi vinh dự có được hai tờ quyết định đi làm cùng một lúc (có lẽ ông trời bù lại lúc trước): một của sở giáo dục gọi đi dạy và một của một cơ quan báo chí hợp đồng làm phóng viên. Tôi thấy khó khăn với sự lựa chọn của mình. Mẹ bảo: "Con làm thầy giáo sau này sẽ có nhiều học trò và được gần nhà, công việc ổn định". Ngoài gia đình, nhiều bạn tôi cũng khuyên như vậy nhưng tôi thì chán gần nhà lắm rồi; vả lại tôi thích được tự do, đi nhiều, tôi muốn làm nghề báo... Một thời gian ngắn cần phải quyết định, cuối cùng tôi nghe lời mẹ, tôi thành thầy giáo.

Tôi được phân công dạy ở một trường THPT lớn nhất huyện. Mấy tuần đầu tiên lên lớp vui nhiều. Học trò cứ ngơ ngẩn hỏi lâu giờ thầy dạy ở trường nào. Tôi bảo tôi mới vào nghề nhưng học trò không tin. Các em bảo thầy lớn rồi mà mới vào nghề. Tôi nói các em nên tin đi, làm thầy giáo không nói dối ai bao giờ, nhất là với học trò.

Chủ nhiệm lớp là một niềm vui riêng trong những ngày đi dạy. Giáo viên không nhận được công tác chủ nhiệm khác nào gia đình thiếu vắng trẻ thơ. Cũng may năm sau tôi được nhà trường phân công chủ nhiệm lớp ban C. Ngày nhận lớp 10, nhìn em nào cũng hiền từ trong sáng và thơ ngây, tôi hỏi bây giờ các em bầu chọn bạn nào làm lớp trưởng. Các em bảo lớp mình toàn nữ, thôi bây giờ thầy làm lớp trưởng luôn đi. Tôi nói đồng ý, cả lớp vỗ tay hoan hô lớp trưởng, thật đúng là học trò hết chỗ nói... Ngày đầu tiên lớp tôi chủ nhiệm thế đấy.

Ngày tháng trôi đi, ba năm qua nhẹ nhàng như một giấc mơ. Ba năm có biết bao niềm vui, kỷ niệm; ba năm cũng không tránh khỏi những nỗi buồn nhẹ len từ hai phía. Lớp có 44 học sinh, tôi biết tính tình, hoàn cảnh gia đình, sức học của từng em một; ngược lại các em cũng biết tôi, kiến thức, lòng đam mê rồi khả năng của thầy... Biết để gắn bó, đồng cảm sẻ chia, biết để cùng nhau khắc phục khó khăn phấn đấu tiến bộ trong cuộc sống ngày mai...

Buổi liên hoan chia tay ngày các em ra trường thật vui và tình cảm, ai cũng nói ra những điều rất thật từ trong lòng mình. Những lời nói thật khiến cảm xúc con người nhiều khi không thể kiềm nén được buộc phải nghẹn ngào. Các em tốt nghiệp ra trường, bây giờ đang là sinh viên của nhiều trường cao đẳng, đại học trên cả nước. Các em có cuộc sống, môi trường và thầy cô mới; cũng như thầy, thầy sẽ có những lớp học trò mới, cũng dễ thương, học giỏi và đôi lúc nghịch ngợm như các em ngày trước. Thế đấy, cuộc sống hợp tan là lẽ thường mà chúng ta là người phải biết chấp nhận.

Thời gian đi dạy chưa gọi là dài lắm so với nhiều người khác nhưng bao nhiêu đó cũng đủ để tôi cảm thấy yêu nghề. Tình yêu đó không rõ hình bóng và cũng không thể định hình; tình yêu đó đủ để tôi biết nói lời cảm ơn với lời khen của cô giáo ngày xưa, đủ để tôi cảm thấy vững vàng yên tâm mỗi sáng mai xách cặp đến trường và khỏi khập khiễng khi bước lên bục giảng. Theo tôi, yêu nghề là gắn với trường lớp, công việc, học sinh, là tinh thần trách nhiệm, sự tận tâm và không ngừng học tập nghiên cứu, yêu nghề cũng phải biết tự trọng và biết đấu tranh bảo vệ lẽ phải, chống lại những gì gọi là a dua, ích kỷ và bảo thủ, yêu nghề cũng gắn với những trở trăn suy nghĩ, tìm tòi phương pháp cho bài học tương lai...

Phải nói, gắn với trường lớp quen rồi, những ngày nghỉ phép hoặc đi công tác, tôi cảm thấy như thiếu vắng một cái gì đó, hoặc những khi bản thân có điều không vui, vào lớp nhìn thấy gương mặt trong sáng thơ ngây của học trò, những muộn phiền cuộc sống tan biến đi đâu không biết.

Nghề giáo là một nghề được xã hội tôn vinh từ xưa đến giờ. Bằng chứng chỉ rõ vào những việc làm thiết thực mà Nhà nước ta đã và đang thực hiện. Trên bình diện chung của cả nước và truyền thống hiếu học của dân ta, tôi rất tự hào với công việc của mình. Nhưng ở một góc độ nào đó, hình tượng người thầy giáo trong cách nhìn của nhiều người ngày nay, giá trị không còn nguyên vẹn như xưa nữa. Biết giải thích làm sao đây. Một điều thật lạ kỳ, ngày nay người người nhà nhà cho con đi học, ai cũng mong muốn con mình thành người, tại sao lại có cái nhìn lệch hướng về người thầy như vậy.
Biết rằng không thể tránh khỏi những chấm đen nhỏ đáng tiếc hằng năm mà báo đài đã lên tiếng, song đất nước ta ngày ngày vẫn có hàng triệu triệu thầy cô giáo miệt mài chèo đò trên dòng sông rộng gian lao. Ở đó hình ảnh người thầy trong mắt của bao thế hệ người Việt Nam cứ lung linh tỏa sáng không ngừng. Thế mà, trong bộn bề cuộc sống hôm nay, đôi khi ngoảnh mặt nghe nhiều câu mà bản thân mình làm thầy giáo không khỏi bùi ngùi. Đồng ý thầy giáo nghèo vật chất, nhưng nghèo về tinh thần xin nói là không. Có người bảo lương không cao làm sao tâm sáng được? Xin nói lương tâm không liên quan gì với lương bổng, chỉ sợ cái khác thôi.

Hơn năm năm đi dạy, buồn vui va chạm có rồi. Có lúc tôi muốn chuyển nghề để đạt được nhiều mục đích khác nhưng rồi thôi. Cái duyên trong đời nhiều khi không ngờ được, và chính những điều không ngờ đó đã buộc chặt mình với một ai.

Thứ Bảy, 21 tháng 11, 2009

Mẹ và cô

Mẹ và cô

PHAN MAI THƯ NHÃ




Thời gian trôi nhanh quá mẹ nhỉ? Mới lấm tấm thu vương trên lá giờ đã vội vàng những giọt mưa đông… Mưa chuyển mùa lạnh lắm những chiều vu vơ. Lắng tai nghe phút giao mùa đặc biệt… lao xao…lao xao… Con nghe gió thu vẫn còn đọng trong nắng, nắng chuyển mùa vàng rực cả không gian…

Một hôm chuyển mùa nào, mẹ hay vuốt tóc con kể chuyện ngày xửa ngày xưa, chuyện nàng Bạch Tuyết xinh đẹp là bạn thân của bảy chú lùn, con thích chí cười tít mắt. Sương long lanh trong mắt mẹ xoa mát rượi lòng con… Mẹ kể chuyện chàng Thạch Sanh hiền lành bị Lý Thông hãm hại lấp dưới vực sâu, con òa lên nức nở giận mẹ… Rồi giấc ngủ lịm đi trên đôi vai gầy của mẹ… Con hạnh phúc lớn lên từ những câu chuyện cổ tích, trong từng giọt nắng, giọt mưa rơi trên áo mẹ ngày ngày…

Ngày đầu tiên đến trường, con không hề sợ hãi vì tin rằng ánh mắt mẹ luôn dõi theo từng bước con đi. Con tập đọc, tập viết ê a cùng mẹ và thích được mẹ xoa đầu khen con gái mẹ giỏi. Con hồn nhiên kể chuyện bạn Tin ở lớp ngủ gục hư quá nè, bạn Mi vẽ rất đẹp lại hát hay nữa, rồi cô giáo con xinh như một nàng tiên… Ánh mắt mẹ âu yếm nhìn con rạng ngời hạnh phúc buổi bình minh. Con ngả đầu vào lòng mẹ nũng nịu. Mẹ hát “à ơi cái bống mày ngủ cho ngon”, giấc ngủ con say nồng… Bầu trời xanh quá…

Ngày Tết thầy cô, mẹ hái cho con những bông hoa tươi nhất vườn dặn con đem đến lớp tặng cô và chúc cô những lời đẹp nhất. Con hôn lên trán mẹ rồi tung tăng chân sáo đến lớp, con muốn mình là người đầu tiên tặng hoa cho cô. Nhưng mẹ ơi, ở lớp bạn nào cũng có những bó hoa thật đẹp và con đâu phải là người đầu tiên. Con phụng phịu nhìn bạn Mi hát tặng cô bài hát “Mẹ và cô là hai cô giáo, cô và mẹ í hai mẹ hiền”. Tiếng hát bạn Mi trong quá, hay quá mẹ ạ, nhưng tự nhiên cổ họng con nghẹn đắng, rồi con khóc… Con khóc không phải bạn í hát hay mà con… ngỡ ngàng nhận ra hôm nay mình đã quên một việc quan trọng… Con chạy ào ra khỏi lớp.

Khói bếp làm mắt con cay xè. Dáng mẹ thổi cơm còng lưng khiến con chạnh lòng. Con vòng tay ôm lấy cổ mẹ lí nhí gọi mẹ trong tiếng nấc. Mẹ lo lắng ôm lấy con, xoa đầu con, lau những giọt mồ hôi và nước mắt cho con. Con chìa những nhành hoa còn ướt sương về phía mẹ, ngọng nghịu hát bài “Mẹ và cô”. Bài hát không trọn vẹn vì con chợt thấy từ nơi khóe mắt mẹ có những giọt long lanh không phải sương sớm bình minh… Con tung tăng với những chùm hoa bên cạnh mẹ, nhẹ nhõm và thanh thản đặt bàn tay bé nhỏ của mình nằm gọn trong tay mẹ. Con sẽ tặng một nửa bó hoa cho cô giáo và hạnh phúc biết bao khi con có cả hai người mẹ, mẹ nhỉ!

Ký ức trường xưa

Ký ức trường xưa



ĐOÀN ĐẠI TRÍ


Buổi tựu trường hôm ấy đọng trong tôi
Niềm tự hào: cậu học trò trường huyện
Rộn rã trống trường vọng tim mình những dư âm tuổi trẻ
Suốt một đời đam mê.


Nghĩ về trường nhớ da diết mảng rêu
Đang thẫm xanh trên ngôi nhà cấp bốn
Nhớ bạn bè nhớ hộc bàn bề bộn
Nào ô mai sách bút với chì màu.


Tôi nhớ trưa về mồ hôi ướt đầm lưng áo
Trên con đường ngoằn ngoèo dưới thẳng tắp phi lao
Dép nhựa đứt quai vẩy bụi đường mù mịt
Mà tiếng cười trong trẻo nước sông quê...


Tựu trường này sau mấy chục năm sau
Lại đứng trước cổng trường chuyên văn toán
Ký ức cũ vòng xe quay ngược dốc
Đưa tôi về tiếng trống báo ra chơi...

Lời con muốn nói với cô

Lời con muốn nói với cô

CAO THỊ KIM THOA



Ngày ấy xa rồi phải không cô, cái ngày cô bước vào lớp và giới thiệu bằng vẻ tự tin đến hiếm thấy ở một giáo viên mới, nhất là trước bao ánh mắt ngơ ngác nhưng đầy tinh quái lớp em, lũ học trò đã bao phen khiến cô dở khóc dở cười. Nhưng cô bảo cô không sợ học trò nghịch, cũng không sợ học trò lười, cô chỉ sợ học trò không có ước mơ. Đó là buổi học đầu tiên, cũng là buổi dạy thay duy nhất để một năm sau đó cô xuất hiện với cương vị của một giáo viên chủ nhiệm.


Dường như hai chữ “ước mơ” ấy còn xa lạ lắm với học trò miền núi như chúng em.Nhưng chính cô đã đến và kéo gần khoảng cách ấy lại. Cô bảo ngày xưa cô cũng như chúng em, cô cũng trưởng thành từ ngôi trường này. Bất ngờ và sững sờ một chút nhưng chúng em bắt đầu tin hơn vào hai chữ “mơ ước”.


Em còn nhớ mãi cái buổi học cô cố tìm giọt nước mắt của học trò khi đọc đến đoạn chị Dậu bán cái Tí (“Tắt đèn” – Ngô Tất Tố). Cô bảo ngày xưa cứ mỗi lần đọc đến chỗ ấy là cổ họng cô nghẹn đắng, nước mắt không biết từ đâu cứ lăn dài trên má, không cách nào ngăn lại được. Cô gọi đấy là tín hiệu cho cuộc đời sẽ gắn bó với nghiệp văn của cô. Và quả thật cô đã trở thành giáo viên dạy văn, dạy bằng cả cuộc đời… Cô gọi em đọc và em những mong mình có được chút duyên với nghiệp văn, nhưng em đã không khóc được. Trái lại một cảm giác trống rỗng cứ lan mãi trong tâm hồn em, sự vô cảm đó thật khủng khiếp…


Không hẹn mà gặp, em lại bước theo con đường một thời cô đi. Sau bao nhiêu miệt mài, em cũng có một chút vốn kha khá đủ lấy làm tự hào với một đứa học trò miền núi. Rồi em xa nhà, xa cô đến một phương trời mới nhiều hứa hẹn hơn nhưng cũng đầy thách thức. Ngày ấy em hí hửng khoe với cô về ngôi trừơng mơ ước mà em đã đậu vào bằng cả cố gắng. Cô cười thật hiền: “Đã đến lúc cô học trò cứng đầu của cô phải cất cánh bay rồi” . Cô bảo, đôi khi em sâu sắc nhưng lại vụng về không biết che giấu cảm xúc của mình. Những lời ấy trôi qua trong em như những đám mây mùa hạ không vướng bận, em mải miết với niềm vui về một chân trời mới.


Em bắt đầu những tháng ngày miệt mài sách vở. Đôi lúc mệt mỏi, nản lòng, em hay nghĩ về gia đình, về cô, về những tháng ngày xưa cũ, chợt sợ hãi những kỉ niệm bỏ quên. Nhủ lòng để dành những tâm sự cho ngày trở về. Em lao vào với những thử thách, và rồi em đã chiến thắng cô ạ! Sung sướng biết bao khi nghĩ đến ngày về…


Cô sẽ nói gì khi em kể cho cô về những thành công bước đầu của em nhỉ? Có lẽ cô sẽ cười thật hiền…


Nhưng… em đã mãi mãi không còn cơ hội nói cho cô những điều ấy nữa rồi. Thượng đế đã mang cô đi khi mà em còn mải miết theo đuổi những ước vọng xa xôi. Trời hôm ấy đầy nắng nhưng chẳng thể nào hong khô những dòng lệ ràn rụa trên mi mắt em. Một cảm giác trống rỗng cứ lan ra mãi trong tâm hồn em. Là hụt hẫng khi bị lấy cắp đi yêu thương, hay là ích kỉ đến vô cảm…Giá như em lại vụng về như ngày xưa mà oà khóc lên sẽ tốt hơn biết bao. Nhưng sao em lại không khóc được cơ chứ? Em đã đọc được ở đâu đó rằng món quà cuối cùng ta có thể làm cho người đã khuất đó là hãy quên họ đi. Nhưng rồi em lại tin rằng “mọi người ra đi nhưng không ai thực sự biến mất”. Có lẽ cô cũng chỉ đến một chân trời mới cô nhỉ? Ở đó cô vẫn sẽ nhìn thấy và chắp cánh cho ước mơ của tụi em đúng không cô?

Chùm ảnh Ngày Nhà giáo Việt Nam - Ảnh: An Bang












































































Thứ Sáu, 20 tháng 11, 2009

Màu thương nhớ

Màu thương nhớ

NGUYỄN THỊ HẬU


Em đã thấy một màu phấn trắng
Qua tháng năm bạc mái đầu thầy
Cả một đời vui buồn đưa đẩy
Nặng đò đầy đưa khách sang song

Bến bờ kia thầy vẫn ngóng trông
Em bước vào đời bao niềm vui mới
Sóng giảng đường đẩy đưa vời vợi
Nơi trường xưa thầy vẫn mong chờ

Em bay xa theo đuổi những giấc mơ
Thầy vẫn bảo hãy luôn yêu cuộc sống
Và lặng lẽ mang một niềm ước vọng
Khách sang sông giúp ích cho đời

Dù phương nao em vẫn gọi thầy ơi!
Em không trách phấn giảng đường vô ý
Có đôi lúc tháng năm thành vô vị
Khi tóc thầy bạc trắng trước thời gian

Chúng em đi trong nỗi nhớ vô vàn
Mái trường xưa và tóc thầy bạc trắng
Hương hoa sữa thoảng qua hồn lẳng lặng
Thầy hãy tin thành đạt sẽ quay về!

Viết cho ngày 20- 11

Viết cho ngày 20- 11

NGUYỄN ĐẶNG TƯỜNG VI


Tặng tất cả những người thầy




Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã từng nói: “Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý”. Thế hệ trẻ là tương lai của đất nước. Vì vậy, giáo dục nên một thế hệ trẻ có đủ kiến thức, đủ bản lĩnh và sự tự tin để tiến lên “ sánh vai với các cường quốc năm châu” là một nhiệm vụ cấp thiết. Và nhà nước, cộng đồng đã đặt trọng trách nặng nề đó lên vai người thầy. Người thầy không chỉ giáo dục cho học trò kiến thức và nhân cách sống, mà còn là người dẫn dắt, xây dựng, bảo vệ tương lai của tổ quốc.



Người ta thường nói rằng:



Sang sông phải bắt cầu kiều



Muốn con hay chữ phải yêu kính thầy



Tiếng thầy ra đời tự bao giờ, chẳng ai biết. Chỉ biết, từ khi ra đời nó đã mang trong mình thiên chức giáo dục con người. Người thầy giáo giống như chiếc cầu nối con sông kiến thức và mọi con sông của đời người cho học trò bước đi. Từ thuở còn thơ, thuở còn nắn nót chữ o cho tròn nét, đối với chúng em, thầy cô giống như người mẹ, người cha thứ hai, giống như những ông bụt, bà tiên trong cổ tích. Lớn lên, em mới biết, thầy cô không chỉ có cuộc sống trên bục giảng, mà còn có nỗi lo cơm áo gạo tiền. Ngoài những giờ giảng bài trên lớp, thầy cô còn phải tất bật với cuộc sống mưu sinh. Đôi lúc, em bắt gặp thầy trên đường trong bộ áo quần cũ, vai vác cuốc. Thầy cười với em, nụ cười nồng hậu, chân chất, xua đi những giọt mồ hôi trưa ướt đẫm lưng áo em. Những sáng hôm sau, em lại thấy thầy say mê trong từng câu giảng. Thầy cô chỉ có một cuộc đời, mà có đến hai thế giới để sống. Thầy phải trăn trở xem làm thế nào để bài giảng thật hay, học trò hiểu bài, không những hiểu mà còn vận dụng tốt. Thầy phải thức thật khuya để soạn bài, chuẩn bị bài giảng. Dường như, mọi nỗi lo với cuộc sống đời thường không làm lời giảng của thầy vơi đi niềm say mê, yêu thương với chúng em. Đôi lúc, em tự hỏi, có phải chăng, cái nghèo nàn, chua chát nơi dải đất miền Trung nắng gió nhưng con người đất biển luôn chân thành, lạc quan đã nhuốm vào từng câu giảng của thầy hay không. Mà sao, lời giảng của thầy luôn rì rào, êm ả như sóng biển quê mình, luôn xanh bát ngát như ruộng lúa mênh mông xứ mình, luôn nặng trĩu những yêu thương như cánh cò lặn lội.



Từ lúc được cắp sách đến trường, em chẳng bao giờ nghe thầy than vãn một câu nào cả. Dường như, lúc nào thầy cũng tràn ngập niềm tin, tràn ngập lý tưởng sống. Chính vì thế mà lời giảng của thầy chẳng bao giờ mệt mỏi, ngơi nghỉ giữa cái xô bồ của cuộc sống. Thầy giống như người gỡ đi mọi đá núi kềnh càng cho dòng sông chúng em đi luôn phẳng lặng. Thầy không chỉ chở em một chuyến đò, mà chở em đi suốt cả cuộc đời. Mỗi chúng em hạnh phúc biết bao nhiêu khi chỉ một mình mình mà được bao người lái đò điệu nghệ chở che. Để rồi từ lời giảng đó, chúng em bước ra cuộc sống, trở thành những con người luôn cống hiến cho đất nước, cho cuộc đời. Có biết bao tấm gương học trò sống đẹp trên mọi miền tổ quốc: Nguyễn Ngọc Ký, Lê Bá Khánh Trình, hay những kỹ sư, những bác sĩ và những thầy giáo… họ đều bước ra từ những lời giảng chan chứa yêu thương của thầy để đi đến thành công.



20-11, mở cửa, bước ra đường, thấy bao nhiêu cô bé, cậu bé xúng xính quần áo đẹp, tay cầm những bông hồng đỏ thắm và những món quà be bé nô nức đến tặng thầy cô. Cái se se của không khí không làm cho má các em thôi ửng hồng, nụ cười các em thôi nở trên bao khuôn mặt dễ thương. Mười năm trước, tôi cũng là một cô bé như thế. Còn hôm nay, tôi đã là cô bé mười tám. Mười tám chẳng có gì ngoài những bông hồng tươi thắm thay cho tất cả tấm lòng của chúng em mong thầy cô hạnh phúc, để những tà áo dài của cô thôi vướng bụi phấn, để mái tóc của thầy thôi bạc đi vì mỗi đêm thức khuya.



Thầy cô ơi, em muốn nói, dù mai này em có bước đi trên những đất nước nào, xuất hiện trên sân khấu nào, làm việc trong cơ quan nào… em cũng chẳng bao giờ quên những đêm thầy cô thức khuya để soạn bài, chấm bài cho chúng em, không bao giờ quên công ơn thầy cô dạy dỗ ngày hôm nay.



Con sông thì có bên lở, bên bồi. Nhưng đối với chúng em, mọi con sông có thầy cô dẫn đường, chỉ lối luôn chỉ có hai bên bồi vững chãi, và có một chuyến đò cả đời tần tảo chở bao cuộc đời qua sông.
Mai này, khi đôi cánh đủ vững chãi, chúng em sẽ bay đi khắp mọi phương trời. Nhưng xin thầy cô đừng quên rằng, đôi cánh ấy luôn lưu luyến con đò đã chở mình đi suốt một thời thơ ấu.

Thứ Năm, 5 tháng 11, 2009

Thầy tôi

Thầy tôi

PHẠM NGỌC HIỀN

Có gì đâu tấm áo cũ bạc màu
Chiếc xắc nhỏ theo đời thầy giản dị
Tóc chớm bạc ngả hai màu mưa nắng
Là thầy tôi vẫn cặm cụi tháng năm

Ai đi lâu rồi nhớ lớp học xa xăm
Khúc dân ca qua lời thầy ấm mãi
Giếng nước, sân đình, lũy tre làng...hiện lại
Cả cánh cò thanh thoát rất dân gian...

Như phù sa cho đồng lúa bạt ngàn
Bao tâm huyết thầy dành cho con trẻ
Mỗi tiết học vẫn thêm nhiều mới mẻ
Mà đời thường sao thầy chẳng bận tâm?

Đã lâu rồi con thăm lại trường xưa
Trường có đổi thay mà đời thầy vẫn vậy
Vẫn giọng giảng say mê, bao điều chưa nói hết
Năm tháng ơi, xin chớ vội vàng trôi!

Ngọn lửa của thầy

Ngọn lửa của thầy


NGUYỄN THỊ LÂM


Thầy dạy tôi môn toán năm lớp tám. Ngày đầu tiên tiếp xúc với thầy, tôi đã nghĩ thầy cũng chỉ là một người bình thường như bao người thầy khác mà thôi. Nhưng không phải vậy. Thầy đã dành cho tôi rất nhiều, cả kiến thức, sự quan tâm và cả tình thương của một người anh, người cha mà tôi không có.


Người ta bảo, trẻ con mà có được cái nôi ấm áp thì sẽ ngủ ngon, có được vòng tay yêu thương của mẹ, bờ vai vững chắc của cha sẽ có một tuổi thơ hạnh phúc, đứa trẻ đó sẽ sống lạc quan, cởi mở và lớn lên trong sự ngọt ngào. Tôi lại không có được những điều đó. Cha tôi mất khi tôi chưa kịp chào đời, mẹ tôi trở thành trụ cột gia đình, vật lộn với cái nắng, cái gió, cái khô cằn nứt nẻ của miền Trung để nuôi tôi khôn lớn. Khi gia đình tôi chuyển vào miền Nam này, mẹ vẫn phải bươn chải, vất vả hàng ngày. Tôi có được rất nhiều tình thương và sự chăm sóc của mẹ, nhưng lại thiếu cái mạnh mẽ, cương trực, thiếu bờ vai vững chắc của một người cha. Cho nên sự quan tâm thầy dành cho tôi ngày ấy thiêng liêng và quan trọng lắm.


Không phải là giáo viên chủ nhiệm, nhưng thầy đã lặng lẽ tìm hiểu hoàn cảnh gia đình tôi. Thầy thường mua cho tôi sách vở và những món quà nho nhỏ dành cho việc học tập. Cuối mỗi giờ học, thầy vẫn thường nán lại để giảng giải cho tôi những chỗ mà tôi chưa hiểu, chưa làm được, điều mà trước đây tôi chưa nhận được bao giờ.


Buổi cắm trại xuân năm ấy, thầy đã ngồi bên tôi rất lâu, bên đống lửa trại đã tàn, trong khi ngoài trời sương rơi lạnh buốt… Thầy kể với tôi rất nhiều điều, về thầy, về gia đình thầy, về cuộc sống, con đường mà thầy đã chọn… Thầy bảo thầy chọn nghề giáo, bởi thầy yêu nghề, yêu cái công việc của người chèo đò tri thức. Và cũng bởi vì thầy yêu học trò, thầy muốn chia sẻ và truyền đạt cho học trò mình học nhiều điều để chúng có thể tự tin hơn trong cuộc sống. Và, tôi chính là cái người mà thầy muốn chia sẻ nhiều nhất. Bởi lần đầu tiên khi nhìn vào mắt tôi, thầy đã hiểu rằng điều mà thầy có thể làm tốt nhất là tiếp thêm sức mạnh cho tôi, là cho tôi một điểm tựa, một niềm tin để tôi vững vàng đi tới… Đêm ấy tôi đã ngồi lặng lẽ bên thầy và nước mắt lại rơi.


Tôi đã có được một hình ảnh rất đẹp về người thầy. Ước mơ được trở thành nhà giáo đã ươm mầm trong tôi từ đó. Bây giờ tôi đang ngồi trên giảng đường đại học, tiếp thu tri thức và rèn luyện nhân cách để trở thành một người thầy. Mỗi lần nghĩ tới thầy, tôi lại tự tin và thấy mình phải cố gắng nhiều hơn nữa. Bởi để trở thành một người thầy đã khó rồi và trở thành một người thầy tốt, người thầy giỏi lại càng khó khăn hơn nữa. Người thầy giáo gánh trên vai không phải trọng trách dạy dỗ một người, một lớp học mà là một thế hệ, nhiều thế hệ. Người thầy không chỉ dạy học trò tri thức mà còn dạy chúng biết yêu thương, biết chia sẻ, dạy chúng cách sống ở đời. Ai đó đã từng nói việc dạy học không phải là rót đầy mà là đốt lên một ngọn lửa. Điều đó là rất đúng. Ngọn lửa người thầy đốt lên ở học trò là ánh sáng của tri thức trong đêm đen, là ngọn lửa của sức mạnh, niềm tin, nghị lực trong giông bão, là ngọn lửa của tình yêu thương chia sẻ trong đêm dông buốt giá. Ngọn lửa ấy, đáng trân trọng và đáng quý biết bao!

Áo trắng ra chơi

Áo trắng ra chơi




NGUYỄN NHẬT ÁNH

Giọt nắng nào rơi trúng vai tôi
Tôi ngước lên, mùa đã xuân rồi
Tình như áo cũ lâu không mặc
Chiều lòng nắng mới lấy ra phơi

Tiếng chim nào rơi trúng vai tôi
Tôi ngước lên, mùa vải chín rồi
Tu hú về bên hè đánh thức
Ngôi sao buồn mọc phía xa xôi...


Chiếc lá nào rơi trúng vai tôi
Tôi ngước lên, trời chớm thu rồi
Chợt thấy mây giăng ngoài cửa lớp
Biết rằng áo trắng đã ra chơi…

Bụi phấn bay ngoài lớp

Bụi phấn bay ngoài lớp

NGUYỄN ANH DÂN


Tôi hít một hơi thật dài để lấy lại bình tĩnh rồi từ từ bước vào lớp. Tất cả mọi người đều đứng dậy chào tôi. Tôi mỉm cười mãn nguyện, gật đầu. Mọi người ngồi xuống. Bỗng một tiếng nói vang lên từ cuối lớp:

- Thầy ơi, thầy đẹp trai quá!

Tôi nghiêm mặt. Cả lớp im bặt.

Có lẽ là sợ hãi.

- Em nào vừa nói gì?

Cả lớp dường như nín thở, chờ đợi hình phạt của tôi. Không ai dám đứng lên nhận lỗi.

- Em nào vừa nói gì? Sao nói... đúng vậy!

Tôi chưa kịp cười thì cả lớp đã cười nghiêng ngả. Vậy là tiêu tan buổi lên lớp đầu tiên cho thật mô phạm. Tôi đã hứa với lòng mình biết bao lần là phải nghiêm khắc với lũ học trò. Cô hiệu phó đã nhắc đi nhắc lại rằng lớp này vốn là một thành phần “bất hảo” trong trường. Tôi đã cảnh giác cao độ nhưng không hiểu sao khi giáp mặt với chúng, bao nhiêu “chiêu thức” chuẩn bị trước đều tan thành mây khói.

- Thầy ơi, thầy giới thiệu về mình đi.

Tôi chưa kịp lấy sách giáo khoa ra thì chúng lại chọc đúng chỗ “ngứa” của tôi rồi. Định làm lơ cái tên của mình nhưng sợ chúng bảo mình kiêu nên đành... hăm hở giới thiệu thôi!

- Thầy tên Quang.

- Quang trong “quang gánh” hay “quang tài” thầy ơi! (Học trò miền Trung vẫn thường “phớt lờ” ngữ âm như vậy đó).

- Quang trong “vinh quang” ấy...

- Dạ thầy...

Tôi chưa kịp nói hết lời thì một cô học trò ở giữa lớp đứng dậy, dáng vẻ thẹn thùng.

- Chuyện gì vậy em?

- Dạ thầy... Em ưng thầy rồi ạ!

Cả lớp cười như lúa rạp sau bão. Tôi mặt đỏ bừng. Cô bé ngồi xuống đầy tự tin, hẳn cô bé không biết đã “đả thương” ông thầy tội nghiệp của cô trên bục giảng. Cô bé thật dễ thương trong cái cách làm tôi lúng túng.

oOo

Tôi không được làm chủ nhiệm. Một cậu sinh viên mới ra trường, xin được dạy hợp đồng ở một trường trong thành phố cũng là may mắn lắm rồi. Nếu ước mơ giàu có, tôi đã đi học những ngành khác rồi, nhưng tôi lại đi học sư phạm bởi tôi yêu nghề dạy, yêu lũ học trò ma quỷ.

Lớp tôi dạy tổ chức tập văn nghệ. Chúng mời tôi đến tham dự cho vui. Nếu không đến thì chẳng biết làm gì sau những tiết dạy trên lớp, tôi nhận lời chúng. Tất nhiên, tôi đã chuẩn bị một ít xoài, cóc, ổi để làm quà “hối lộ”, có lẽ chúng sẽ rất thích.

Chúng đón tôi bằng những nụ cười ngây thơ đến khó tin. Nhìn chúng mà thấy chạnh lòng quá. Ở trên lớp và ở nhà sao mà chúng khác nhau ghê vậy. Trên lớp chúng thật quỷ quái. Ở nhà chúng... càng quỷ quái hơn nữa! Nhưng càng nhìn càng thấy chúng đáng yêu.

Chúng trao cho tôi vị trí trang trọng trước sân để nhìn chúng tập luyện. Cũng hoành tráng lắm chứ. Cứ như là tôi đang xem opera trong một nhà hát lớn vậy. Chỉ khác một điều là các diễn viên nghiệp dư trước mặt tôi đang bắt tôi xem những màn múa hát chẳng khác nào... tra tấn.

- Chúng em tập răng thầy?

- Ừ... cũng được. (Đành an ủi chúng chứ biết sao).

Chúng vui mừng giải lao mặc dù mới tập được một chút. Cả lũ quây quần quanh tôi, làm như tôi là một minh tinh màn bạc không bằng.

- Thầy ơi, quê thầy ở mô rứa?

Tôi chưa kịp trả lời, một đứa khác tiếp lời:

- Em biết rồi, thầy ở Hà Nội phải không? Giọng thầy dễ thương tệ!

- Ờ, thầy ở ngoại thành Hà Nội, cách có... vài trăm cây thôi!

Lũ học trò cười nghiêng ngả. Chúng giống bầy sẻ non, lúc nào cũng tung cánh trên những khoảng đồng xanh của chiều quê yên ả. Sau những tiết học, tôi lại cùng chúng chuyện trò, những câu chuyện trở thành chiếc cầu nối bất tận của tình yêu thương. Tôi đã hòa lòng mình vào những phút giây được ở cùng chúng. Sự vất vả của cái nghiệp dạy rồi cũng nhạt dần theo thời gian...

oOo

- Dạ thầy...

Tôi cố gắng ngồi dậy mở cửa phòng. Bất ngờ quá! Cô học trò nhỏ đáng yêu trong lớp tôi dạy đang đứng trước cửa.

- Mời em vào!

- Mấy hôm rày thầy không lên lớp, em nghĩ thầy bệnh.

- À... ừ... thầy cảm nhẹ thôi... Mời em ngồi.

Cái vóc dáng nho nhỏ của cô học trò dường như rất hợp với căn phòng trọ chật hẹp của tôi. Sự xuất hiện của cô bé làm cho căn phòng thêm ấm áp. Cái ấn tượng về câu nói buổi hôm nào lại tràn về. “Em ưng thầy...”. Cô bé cũng “can đảm” thật, dám trêu cả thầy!

Tôi cũng chẳng biết nói chuyện gì với cô bé. Hai thầy trò cứ ngồi lặng yên trong một buổi chiều mùa đông lặng lẽ. Bỗng nhiên tôi cảm thấy biết ơn cô học trò của mình biết bao nhiêu. Cái thân ở trọ một mình hình như được an ủi phần nào.

- Sao em lại khóc? Thầy xin lỗi... Có chuyện gì sao?

Cô bé làm tôi bối rối thật sự vì những giọt nước mắt đột nhiên chảy dài trên gò má. Trước mặt tôi không còn là một cô học trò “ngổ ngáo” như mọi ngày, mà đó là một cô gái hết sức mong manh... Tôi không được dạy để đối phó với những tình huống như thế này... Tôi “đầu hàng” thật sự...
- Tại... tại em thương thầy quá...

- Ơ kìa... hay thật... thương thầy sao lại khóc? Thầy sẽ buồn đó...

- Dạ thầy... em xin lỗi, em sẽ không khóc nữa.

Cô bé nhoẻn miệng cười làm lóng lánh những giọt nước chưa kịp khô trên má...

oOo

Gần một năm sau, tôi bỏ dạy. Không phải vì tôi đã chán dạy mà đơn giản là vì tôi không thể nuôi sống mình chỉ bằng ý thích. Đồng lương hợp đồng không đủ cho tôi trang trải. Tôi rời khỏi ngôi trường mà không báo trước với lũ học trò, sợ chúng buồn. Tôi cũng chuyển chỗ trọ, vì ngại gặp lại chúng, tôi sẽ không kìm lòng được trước những ánh mắt hồn nhiên ấy - những ánh mắt chưa phải tính toán đến chuyện nuôi sống bản thân.

Thỉnh thoảng sau những ca làm ở một công trình nào đó, tôi giở lại những kỷ niệm về những ngày được đi dạy. Đó là một miền thăm thẳm trong trái tim tôi. Đôi khi đọc được ở đâu đó những dòng tin về người này người kia mang danh nhà giáo làm những điều tổn hại đến uy tín của hai chữ thiêng liêng ấy, tôi thấy giận tím người.

Nhiều lúc thèm đi dạy quá chừng, muốn xin dạy ở đâu đó cho đỡ nhớ nghề nhưng lại thôi. Tôi biết rằng mình còn phải trang trải nhiều điều trong cuộc sống hơn là sống cho sở thích. Bởi vậy tôi lại ngậm ngùi sáng sáng đúng giờ đạp xe lên công trường xây dựng, nơi mà một thời gian nữa thôi sẽ mọc lên một khách sạn cao tầng nhất cả thành phố này. Nhiều lúc tôi ước họ cứ xây mãi, xây mãi... tôi sẽ có việc làm ổn định.

oOo

- Ơ... thầy! Dạ thầy!

Tôi giật mình quay lại. Đã lâu lắm rồi mới có người gọi mình bằng tiếng “thầy”. Tự dưng thấy lòng xốn xang quá đỗi.

Trước mặt tôi là cô học trò đáng yêu hồi nào. Mới hai năm trước đây thôi mà tôi tưởng chừng như từ lâu lắm rồi. Cô bé vẫn vậy, có cao hơn một chút nhưng vẫn là đôi mắt óng ánh niềm tin cùng sự dễ thương vốn có.

- Răng thầy đi mà không nói với em? À... với chúng em?

- Ờ... tại thầy không muốn các em buồn.

- Giờ thầy dạy ở mô rồi ạ?

- Ờ... thầy dạy cũng gần đây thôi. (Tôi không đủ can đảm để nói sự thật với cô bé, tôi sợ cô bé buồn).

- Rứa ạ...

- Thầy đi nhé! Cho thầy gửi lời chào các bạn nhé!

Tôi leo lên chiếc xe đạp, muốn đạp thật nhanh để thoát qua ánh mắt của cô bé. Sự gặp gỡ này dường như có chút gì đó trớ trêu. Không hiểu sao mà tôi cảm thấy cay cay nơi sống mũi.

- Dạ thầy...

Cô bé gọi tôi với một âm điệu tha thiết. Tôi dừng xe nhưng vẫn không dám quay mặt lại.

- Răng ngày nớ thầy không trả lời thư em?

- Tại ngày đó em chưa lớn.

- Bây chừ em đã là sinh viên đại học, thầy bảo em lớn chưa?

- Còn phải xem cách em nói câu nói ngày ấy thế nào đã.

- Em... yêu thầy.

- Vậy mà bảo là lớn sao?

- Em... em yêu... anh!

Một tiếng “anh” thật nhỏ nhưng cũng đủ làm cho cả trời đất cuồng quay. Tôi ngập tràn trong hạnh phúc. Những kỷ niệm ngày nào lại trỗi dậy trong lòng với một cảm xúc khó tả. Chiếc bàn, chiếc ghế, bục giảng, những gương mặt ăm ắp thương yêu và bụi phấn cứ bay bay trong trái tim của một người thầy lần đầu tiên biết yêu là gì...

Thầy khai tâm

Thầy khai tâm

NGÔ PHAN LƯU



Lớp tuổi tôi, lứa "ngũ thập tri thiên mệnh" (thú thật tôi chẳng "tri" được cái gì cả, nói cho sang vậy thôi!) phần nhiều vẫn nhớ đến thầy khai tâm, tức thầy dạy chữ đầu tiên cho mình. Cũng có khi gọi thầy vỡ lòng...


Thế hệ tôi/ Khai tâm tôi/ Vỡ lòng tôi/ Không có cô mà chỉ có thầy


Thầy khai tâm tôi/ Một nông dân/ Gân guốc/ Thầy đi cày thầy đi núi/ Mái trường là bụi chuối hè sau


Dưới hương cau/ Áo bà ba trắng mồ hôi muối/ Thầy dạy chữ A chữ B/ Thầy dạy ăn dạy nói/ Dạy đánh tranh bắt cá/ Dạy cả thương người/ Dạy cười hiền thục


Giờ ra chơi con gà cục tác/ Gió mát rối bời/ Nhảy lò cò phụ thầy tắm bò


Thầy khai tâm tôi/ Thầy vỡ lòng tôi/ Chữ thầy nghèo lắm/ Không có giáo trình/ Cũng không sư phạm/ Nhưng giàu tình thương...


Lứa con tôi, tôi hỏi về thầy khai tâm, chúng không nhớ là ai. Việc này tuyệt nhiên không thể bảo chúng vong ân được. Chúng quên thật. Còn vong ân là vẫn biết mà cứ quên lại hoàn toàn khác.


Thầy khai tâm tôi nay quá già. Chữ nghĩa cũng theo sức khỏe mà vơi. Nhưng điều này đâu cản trở thầy. Thầy có dạy lớp cao mà lo, chỉ dạy vài con trẻ nơi vùng thôn dã nghèo khó hẻo lánh. Đó là do người ta gửi cho thầy để khai tâm, để vỡ lòng.


Đời cả gió và thầy như diều giấy/ Tay trẻ còn cầm diều vẫn bay cao


Thầy chỉ dạy con trẻ tại nhà. Thầy dạy chữ cái, dạy đánh vần, dạy ăn, dạy nói, dạy đi, dạy ngồi... Thầy muốn dạy gì hay, đẹp, có ích thì thầy cứ dạy. Chẳng có ai thanh tra, chẳng có ai quở trách. Có rổ khoai, thầy cho học trò ngừng học, dạy ăn khoai. Học trò giẫm phải gai, thầy nhổ, dạy nhổ gai... Lòng thầy, lòng trò đều bình dị, không giả dối, không phân biệt. Thầy có một bó roi tre lởm chởm gai lúc nào cũng vắt vẻo mái hiên nhà, nhìn sáng trưng như sao chổi nhưng chưa bao giờ thầy lấy xuống để dùng.


Sau này khi lớn khôn (ừ, lớn thì có, nhưng chưa chắc đã khôn!), tôi mới biết chái hè sau nhà thầy là học đường thơ mộng nhất của cuộc đời mình. Học đường ấy trú ngụ trong sâu thẳm tâm hồn tôi suốt cuộc đời.


Năm trước, tôi có thăm thầy một lần. Thầy gần đất xa trời, sức khỏe quá suy vi mà tinh thần lạc quan, dí dỏm vẫn không mất. Thầy nói thều thào:


- Thầy vẫn nhớ anh hồi nhỏ đấy. Bố phải cầm roi "lùa" anh đi học. Người ta lùa bò làm sao thì bố anh lùa anh như vậy. Thế mà nay chữ nghĩa của anh cũng khá, thầy mừng.


- Thưa thầy, lúc ấy con biếng học lại nghịch ngợm nên đang uống nước vò, tiện tay thầy đập cái gáo vào đầu con, vỡ toác mụn ghẻ càng. Con ngã vật, khóc thét.


- Nhưng thử hỏi cột pháo vào đuôi chó, châm lửa thì không đánh đòn làm sao được? Nay qua nửa thế kỷ rồi, anh còn giận tôi à?


- Ồ, không đâu! Sự cố ngoạn mục ấy nay đã đơm hoa thành một kỷ niệm đẹp. Vỡ mụn ghẻ càng chảy ra được máu nghịch ngợm, làm sao mà giận. Việc này con phải cảm ơn chứ?


- Anh nói nghe được lắm.


Thầy khai tâm cười, ló chiếc răng duy nhất nom như chốt cửa. Nhìn cái "chốt" lung lay theo hơi nói, tôi bèn đề nghị:


- Sao thầy không nhổ cái răng ấy cho khỏi vướng?


- Nhổ làm gì? Một sáng đẹp trời nào đó, tôi súc miệng... nó văng ra thôi.


Thầy trò lại cười. Thầy khai tâm lại nói:


- Nghe anh nói thường "cày trên giấy". Nhưng anh có biết "cày trên giấy" khác với cày ruộng chỗ nào không?


- Thưa thầy, để con về nhà suy nghĩ xem đã.


- Có gì mà phải suy nghĩ? "Cày trên giấy" là cày vào chính mình, càng cày sâu càng đơm hoa kết trái. Còn cày bên ngoài mình, việc ấy chính là "cày ruộng".


Đột nhiên, tôi thấy mình vẫn là trò như thuở ấu thơ”...

Bài toán tặng thầy

Bài toán tặng thầy

NGUYỄN ĐẶNG TƯỜNG VI


Em muốn nhân tình yêu của ông Tú lên thật nhiều
Rồi chia đều tình yêu ấy cho mọi ngóc ngách trái tim người vợ
Để những tảo tần không còn mang chữ “nợ”
“Thân cò” chẳng phải “eo sèo” mãi nơi bến “đò đông”

Thầy có thể cộng cho thời gian tăng mãi được không?
Cho chút ánh sáng lưu lại nơi phố huyện nghèo tù túng
Cho Hà Nội sưởi ấm lòng những con người cơ cực
Và chị em Liên chẳng nuối tiếc khi chuyến tàu đời mãi lấp lánh trong những giấc mơ

Em cũng muốn trừ đi hết những bất công
Để xã hội chỉ còn những con người lành hiền như đất
Anh Chí biết tình yêu còn chất ngất
Giữa những chật vật cuộc đời có lắm niềm đau

Em muốn chia bớt mỏi mệt của một kiếp “sống mòn”
Lão Hạc chẳng phải bán cậu Vàng cho nuôi no cái miệng
Đời chẳng còn thừa khi hoài bão và tình thương cùng hòa quyện
Thương số vẹn nguyên là hai chữ “Con Người”

Và thầy ơi! Giờ chỉ còn lại tình thương
Thế giới này không còn đau khổ nữa
Thầy chẳng hoài công khi em đã hiểu
Bài toán thầy dạy em là bài toán làm người

THƯƠNG VỀ MIỀN TRUNG

THƯƠNG VỀ MIỀN TRUNG

Hà Kiều My

Bão tan rồi, Phú Yên lại đối mặt với cơn đại hồng thủy.

Sáng nay, mẹ điện vào, bảo: “Nước ngập vô đến sân trước rồi. Quê ta đang oằn mình lên chống lũ con à”. Mình nín thể cầu mong cho nước đừng vô nhà. Tan trường, cùng nhỏ bạn dạo bước trên con đường về kí túc. Mình hỏi gia đình nhỏ đi qua mùa bão, có bị sao không? Nhỏ lặng thinh, chỉ buộc miệng một câu ngắn ngủi: “không liên lạc được”, rồi bỗng dưng nước mắt tuôn trào. Lẳng lặng đi bên nhỏ, mà nghe bước chân mỗi lúc một lỗi nhịp, một nặng nề hơn. Có lẽ lòng ta cũng đang tan nát theo từng giọt nước mắt đang rơi của ai kia. Miền Trung ơi, đèo bồng chi những sóng gió của biển khơi để mỗi mùa mưa về, đôi vai gầy guộc vì sương gió khắc nghiệt lại bần bật run lên những tiếng kêu ai oán? Miền Trung ơi, phải chăng “nợ trời” chưa dứt nên mỗi năm, tháng mười về, lại canh cánh một mối lo bão lũ? Đã từng chứng kiến những cảnh tượng hãi hùng của những cơn bão trước, đã từng chứng kiến cảnh người dân Miền trung đứng trước nhà đối diện mà không sao vào được nhà mình, rồi hình ảnh hàng trăm người khác co cụm trong căn phòng chật chội le lói ánh đèn dầu cầu nguyện bão tan mau...Những hình ảnh về cơn bão lúc có, lúc không, lúc tỏ lúc nhòe hiện ra trên Ti vi cũng chỉ tái hiện được một góc nhỏ trong bức tranh toàn cảnh Miền Trung trong cơn bão dữ.



Hình ảnh tôn bay, cây đổ, nước dâng, nhà tốc mái ... vẫn còn buốt đau và ám ảnh trong lòng người.
Không thể hình dung cảnh tượng người dân bì bõm lội nước trong chính ngôi ngà của mình. Và cả ánh mắt của những em thơ đói lã bên tô mì. Năm nay, miền Trung vẫn đang tất tả dọn dẹp tàn dư “cuộc chơi của ông trời”.

Đã tắt đèn, nằm dài trên sàn, và nghĩ ngợi lung tung. Có lẽ sau những ngày mệt nhoài vì mưa bão, phố nhỏ cũng ngủ rồi. Chỉ có con nước là vẫn thức để ... tiến lên bờ, tràn vào nhà thôi. Miền Trung, những ngày này, phố bỗng là dải lụa mênh mang nước. Miền Trung, vẫn những con phố nhỏ ngổn ngang dây điện đứt, cây đổ, đường dầu tối om, và vắng cả tiếng cười.
Ai cũng nói người miền Trung kiên cường nên rồi mọi chuyện sẽ mau chóng “đâu lại vào đó”, nhưng sao lòng ta vẫn cứ thổn thức lo cho những số phận. Ta vẫn luôn tự hỏi, sau mùa mưa bão, miền Trung sẽ còn lại được bao mái nhà ấm?

Sáng nay, nhỏ bạn gọi điện về nhà vẫn chỉ nghe tiếng tút tút. Nghe nói mấy bữa trước lũ về, có ngôi nhà, buổi tối gia đình còn đầy đủ bên nhau. Sáng ra thấy lênh láng nước, và một ngôi nhà trống trơn, mọi người bị lũ cuốn đi cả rồi. Nghĩ đến mà đắng cả lòng.
Sáng nay, nhỏ bạn mếu máo một hai đòi lên xe về quê. Cũng ra bến xe với nhỏ mà lòng nghẹn đắng. -"Tao phải khóa điện thoại đây. Ngoài đó điện cúp mấy hôm rày, chắc ko sạc pin được. Có gì tao liên lạc. Chuẩn bị vận động bà con cứu trợ cho tao. Nhỏ cười, cái cười chua chát và bước vội lên xe. - Chào nhé, bạn yêu. Tao ko thể về cùng mày được. Về lo được gì cho gia đình, bà con thì gắng lo. M quay đi, nước mắt dàn dụa trên má. Lại điện về cho bố - "Nước vẫn chưa rút con à. Đừơng về nhà nội ngoại, ngập trắng rồi, tắc nghẽn ko đi được. Ngân hàng cũng chưa làm việc nên ko gửi tiền cho con được. Thôi bố con ta cùng chiến đấu vậy". -"Nhà chị bị tốc mái, ba má chưa gửi tiền vô. Đang đói!" (chị Mỹ). "- Chị gọi điện về nhà hỏi thăm chưa? Làm gì mà mấy hôm rày ko gọi gì vậy?" (Huê), "Qua giờ tui ăn mì tôm quá chừng" (Pháp)...Ai cũng như mình cả. Điện thoại cũng hết, mà tiền túi lại không...Thôi thì cùng chịu đừng. Chúng mình cùng chống lũ theo cách sinh viên mọi người nhá.

Hôm qua, ngồi dán mắt lên laptop, năm sáu lần sửa lại cái thư ngỏ và thư kêu gọi ủng hộ đồng bào bị lũ lụt "Vì đất Phú thân yêu". Sáng nay, mắt sưng bụp. Chạy đôn, chạy đáo đi đưa cho mấy bạn trong BLL SVPY để mọi người cùng quyên góp và kêu gọi bạn bè. -"Vẫn chưa liên lạc được chị ạ", -"Hết tiền nhưng đâu dám gọi điện than. Nghe ba mẹ kể: chạy thụt mạng chứ có mang theo được gì nữa. Nước cuốn trôi hết..." Chính cả những thành viên của BLL cũng khốn khó ko gì bằng. Mọi người cùng chung cảnh ngộ mà. Nhưng sẽ cùng cố gắng hết sức mọi người nhỉ.

Mấy hôm trước, ai cũng sôi nổi bàn đủ kế hoạch Tết này về ăn chơi, về thấy Phú Yên thay da đổi thịt và chúng ta có thể tự hào về một thành phố Tuy Hòa đang trỗi dậy, căng tràn sức sống. Nhưng hôm nay, mặt ai cũng :(( "biết bao giờ PY mới được như trước".
Mỗi lần đi học về, chỉ muốn bay thẳng tới cái lap, lật tung mấy trang web xem tình hình bão lũ sao rồi. Biển nước vẫn lênh láng ngập. Những ngôi nhà giờ chỉ còn thấy nóc. Người thì không biết sống chết thế nào nữa. Không lo nhiều cho nhà mình lắm (dù nhà ở gần sông, nhưng trong thành phố, lại ở vùng đất cao nên nước chỉ ngấp ngó ở cửa), chỉ lo người dân mình có đủ kiên cường để vượt qua những tan hoang và đớn đau này. Thương quá miền Trung ơi! "Đưa nhau ta đi về, nơi có hàng dừa xanh, có dòng sông bên lở bên bồi"...câu hát ấy sao giờ hóa thành xa xôi quá đỗi. Qua mùa mưa bão, hàng dữa xanh cũng nằm ngổn ngang bên đường, và dòng sông thì trắng xóa nướ, chẳng còn bên lở bên bồi... Chưa bao giờ thấy lòng buồn và ngổn ngang tâm sự như lúc này. Chẳng thể nào tập trung vào học được khi mà lòng vẫn đăm đăm dõi về miền quê yêu dấu.

ĐÔI BỜ

Đôi bờ

Quang Dũng

Thương nhớ ơ hờ , thương nhớ ai ?
Sông xa từng lớp lơp mưa dài
Mắt kia em có sầu cô quạnh
Khi chớm heo về một sớm mai

Rét mướt mùa sau chừng sắp ngự
Bên này em có nhớ bên kia
Giăng giăng mưa bụi qua phòng tuyến
Quạnh vắng chiều sông lạnh bến tề

Khói thuốc xanh dòng khơi lối xưa
Ðêm đêm sông Ðáy lạnh đôi bờ
Thoáng hiện em về trong đáy cốc
Nói cười như chuyện một đêm mơk

Xa quá rồi em người mỗi ngả
Bên này đất nước nhớ thương nhau
Em đi áo mỏng buông hờn tủi
Dòng lệ thơ ngây có dạt dào ?