Chủ Nhật, 12 tháng 12, 2010

Yêu lại từ đầu

Yêu lại từ đầu

BÙI THANH TUẤN


Rừng đang mùa thay lá



loài người đang yêu nhau


tôi đang mùa chay tịnh


sống bằng hơi thở đầu






Đã qua đi ngày cũ


đã xa xăm bóng người


đã thanh tân trở lại


lòng bình yên lên ngôi






Xin tình yêu đừng đến


như nước lũ về sông


hãy là giọt sương trắng


đọng trên cánh hoa hồng






Xin người yêu đừng thấy


một phần xưa trong tôi


hãy nhìn vào đôi mắt


hãy hôn lên đôi môi






Hãy yêu tôi trẻ nhỏ


hồn nhiên và trong lành


chuyện cũ buồn quá độ


tôi kể ra không đành






Rừng qua mùa thay lá


loài người vẫn yêu nhau


đã hết mùa chay tịnh


tôi yêu lại từ đầu!


Thứ Hai, 22 tháng 11, 2010

Thèm đi dạy

Thèm đi dạy

http://tuoitre.vn/Van-hoa-Giai-tri/412043/Them-di-day.html

Về học vấn, hắn là cử nhân văn chương đại học sư phạm. Nói sợ buồn, chứ giăng mẻ lưới tại sở giáo dục tóm cả thúng văn bằng như thế mà chủ nhân của chúng đang dài cổ chờ việc.

Về gia cảnh, cha hắn theo vợ nhỏ, mẹ chưa già nhưng đau bịnh kinh niên. Hai mẹ con hắn sống với hai sào rưỡi ruộng cùng mảnh vườn nhỏ đơn côi giữa đồng, tứ bề gió thổi. Hắn chẳng mấy đẹp trai lại nhút nhát, thiệt thà và... hơi khờ. Toàn bộ tính cách hắn đóng khung vô hai chữ “đáng thương”.

Minh họa: Nguyễn Ngọc Thuần
Bốn năm trời ròng rã, hắn cút kít đạp xe từ miền quê xuống thành phố, hơn hai chục cây số cả đi lẫn về, học cho xong đại học sư phạm. Nghe mà thấy khổ cơ nào!

Cái thời kiếm đỏ mắt mới ra người học văn lẫn kẻ dạy văn có cảm xúc, cảm thán, cảm thức gì đó chuyện nghề, chuyện đời để viết góp đôi dòng văn chương, trong khi ấy hắn có nhiều cái tạp bút dễ thương về trường lớp, mấy chục bài thơ hay hay về tình bạn, tình thầy trò, năm bảy cái tiểu luận về ca dao tục ngữ, về nông thôn đăng lên báo, trải dài từ thời hắn học phổ thông. Giới văn nghệ cấp tỉnh phán một câu về hắn: “Xem ra nó cũng có chút tài đấy!”.

Đợt hắn thực tập sư phạm, có cô bé giỏi văn lớp 11 viết bài báo ca ngợi hắn tận mây xanh mây vàng, đại ý là: Thầy rất nhiệt tâm, say mê với nghề. Thầy giảng văn rất hay, rất cuốn hút. Tương lai thầy sẽ là một giáo viên giỏi, đúng mực với học sinh, hết lòng với sự nghiệp đã chọn. Bài báo điểm trúng “huyệt hành sư” của hắn.

Tốt nghiệp xong, hắn nộp đơn chờ bổ nhiệm ở sở giáo dục, rồi quay về giúp mẹ làm ruộng, nuôi gà. Mỗi ngày hắn mất 2.000 đồng tới tiệm net để liên lạc với bút nhóm Sao Xanh; do hồi kiến tập ở trường trung học phổ thông chuyên, học sinh nghe danh tìm đến bầu hắn làm trưởng nhóm. Bút viên Sao Xanh coi hắn như bậc thầy đúng nghĩa. Hắn lén thương một cô em trong nhóm rồi gửi hồn vào thơ, chứ cái nghèo đã tàn bạo chặn đứng tình cảm dạt dào trong hắn.

Ông thầy dạy văn hắn hỏi thăm:

- Em nộp đơn xin việc những đâu?

- Dạ, em chỉ nộp đơn ở sở giáo dục.

- Sao thế, em có năng khiếu viết lách mà, sao không xin vô đài phát thanh truyền hình hay tòa soạn báo thử coi?

- Thưa thầy, em chỉ duy nhất muốn đi dạy, nghề dạy học em thấy hay quá. Em thèm cảm giác đứng trên bục giảng nhìn đôi - mắt - đàn - em - long - lanh...

- Thầy hắn tủm tỉm cười. Thiệt ra, muốn làm thầy đâu nhứt thiết phải đi dạy. Có kẻ cả đời đi dạy mà có ai tôn là thầy đâu. Có người không đứng lớp ngày nào vẫn có học trò tôn vinh đó thôi. Hắn hiểu chuyện đó quá đi chứ. Nhưng người lớn nên nhìn sự việc bằng con mắt trẻ trung phơi phới mới hiểu hắn thèm đi dạy biết bao. Đúng là “cá trong lờ đỏ mắt, cá ngoài lờ lúc lắc muốn vô”.

Một đàn anh từng bỏ nghề giáo sang làm nghề văn hỏi hắn:

- Nè, tạp chí Sông Ba thiếu chân biên tập, thích làm không anh xin cho? Họ cần người làm được việc chứ không cần đứa nhiều tiền.

Hắn run run trả lời:

- Dạ để em coi đã.

- Coi cái gì, có được phân công đi dạy đâu mà coi.

- Dạ lỡ vô làm, năm tới nẫu kêu đi dạy, tiếc lắm.

Người đó lấy tay day vô trán hắn:

- Em có “vấn đề” đấy nghen. Thời buổi này sao có đứa còn mê đi dạy dữ không biết!

Sáng sớm nọ “giới chữ nghĩa” tụ họp uống cà phê ở Thư Quán. Một đàn anh giỏi làm báo chí hỏi hắn:

- Ê, đài phát thanh tỉnh thiếu người biên tập trang văn nghệ đó, có làm không tao nói giúp một tiếng?

Hắn im lặng một lúc rồi mím môi nói lý nhí:

- Dạ em chỉ muốn đi dạy thôi.

Người kia đập bàn:

- Nói thiệt nghen, mấy đàn anh ngồi đây bực mình mày lâu nay rồi đó. Đi dạy hay ho gì, cứ mở miệng ra là đòi đi dạy, mà ai cho mày dạy. Mày rất đáng thương nhưng bây giờ đáng ghét lắm. Thiệt thà quá cũng đáng ghét.

Hắn cứ mãi chờ đợi “được đi dạy” mỏi mòn thân xác, mòn mỏi tinh thần. Hết xuân rồi hạ, hết thu sang đông, buồn tê tái vào mỗi dịp khai trường, ngày Hiến chương nhà giáo, ngày thành lập Đoàn... Khốn nỗi khi viết văn, văn phải vui tươi; khi làm thơ, thơ phải lạc quan yêu đời thì tác phẩm mới mong xuất hiện trên báo chí. Hắn đem mấy đồng nhuận bút đưa mẹ, mẹ hắn mắng yêu: “Cái thằng làm bộ làm tịch không à!”.

Khá lâu sau hắn đến nhà thầy dạy văn, mặt mày xanh xám nói như khóc: “Em chỉ còn mỗi con đường tự tử thôi”. Thầy hắn nghe rùng mình. Thầy thân chinh xuống sở giáo dục, phẫn nộ: “Cái thằng thiệt tốt vậy sao mấy ông không cho nó đi dạy? Nó đợi bốn năm rồi đấy, nó đòi tự tử đấy”.

Liền năm sau sở phân ngay cho hắn đi dạy trung học cơ sở ở một rẻo cao của tỉnh; đó được coi là nghĩa cử hiếm gặp của phòng tổ chức sở. Từ ngày đó đến nay đã ba bốn năm trời, không ai thấy hắn có bài thơ, tạp bút nào đăng báo nữa. Hắn lặn mất tăm trong mắt giới văn nghệ tỉnh nhà.

Ngày kia, một đàn anh làm ở hội văn học nghệ thuật có chuyến công tác miền núi, gặp hắn phụ vợ bày hàng khô ra chợ bán lúc sương sớm còn giăng giăng thung núi phía xa. Đàn anh thay mặt hội rủ hắn, một cựu hội viên, qua bên kia đường uống cà phê. Hắn sang, ẵm nách theo thằng con chừng hai tuổi, tóc lơ thơ vài cọng, mũi dãi lòng thòng. Ngó qua bên kia chợ, thấy vợ hắn ngồi vắt chân trên sạp hàng, miệng mời chào lảnh lói, mặt xinh đanh đá.

Coi như xong. Hắn viết văn làm thơ gì nổi nữa! Hắn đứng trên bục giảng có còn thấy mắt - đàn - em - long - lanh?

Truyện 1.159 chữ của PHÙNG HI

Thứ Sáu, 22 tháng 10, 2010

Cà phê phố thị và khói rạ...

Cà phê phố thị và khói rạ...


LƯU THỊ CẨM HUYÊN
Đã bảo là đừng nhớ...


Chất rock phố thị len lén vào tôi


Tiềm thức chẳng bao giờ ngủ yên


Trỗi dậy ào ạt

Đưa hồn tôi bay về lãng đãng nơi cánh đồng






Mùa rất ngoan hiền như sợi nắng


Cà phê đắng khỏa lấp bâng khuâng đang đong đầy.


Chuyến tàu chạy trong sương


Đưa tôi đi, vô tình đánh rơi tâm hồn nơi gốc rạ






Giữa phố thị đèn màu chợt mộng du


Tôi thấy mình đi về phía tiếng ầu ơ của mẹ

Đi ngang qua làn gió mang mùi khét của khói rạ ban chiều


Nằm ngủ vùi giữa cánh đồng khô nứt nẻ






Nghe đất quê tôi than thở thèm phù sa.


Chất rock dội vào tai


Tan biến nhanh khi tôi mơ về những khúc hát dịu êm


Gió hát rạo rực như khát khao thinh không






Con dế rù rì tụng bài ca tháng nắng.


Cảm được mình non nớt nên thèm lắm tình thương


Và nắng Sài thành hiền như tình mẹ


Rơi rớt trên bờ vai






Hôn lên tôi như cái vuốt tóc của ba ngày bé dại.


Tiềm thức chẳng bao giờ chịu ngủ yên


Trỗi dậy giết chậm hồn tôi

Nên giữa phố thị chợt mông lung




Khói cà phê dựng hình làn khói rạ

Và chất rock tan thành tiếng ầu ơ, nhẹ bẫng

Lặng lẽ...

Tôi ẵm nuối tiếc chạy thẳng vào đời.

Thứ Bảy, 9 tháng 10, 2010

Em ơi, Hà Nội phố

Em ơi, Hà Nội phố
                               Tác giả: Phan Vũ

                                             Gửi những người Hà Nội đi xa

1.


Em ơi! Hà Nội – Phố!


Ta còn em mùi hoàng lan


Ta còn em mùi hoa sữa


Tiếng giày ai gõ nhịp đường khuya


Cọt kẹt bước chân quen


Thang gác thời gian


Mòn thân gỗ


Ngôi sao lẻ lạc vào căn xếp nhỏ






Ta còn em chấm lửa


Điếu thuốc cuối cùng


Xập xòe


Kỷ niệm


Một con đường


Một ngôi nhà


Khuôn mặt ai


Dừng trong khung cửa


Những phong thư bỏ quên trong hộc tủ


Không tên người


Không tên phố


Người gửi không tên






Ta còn em chút vang động lặng im


Âm âm tiếng gọi


Trong lòng phố






2.


Em ơi! Hà – Nội – Phố!


Ta còn em một gốc cây


Một cột đèn


Ai đó chờ ai


Tóc cắt ngang


Xõa xõa bờ vai


Khung trời gió


Con đường như bỏ ngỏ






Ta còn em khăn choàng màu tím đỏ


Thoáng qua


Khuôn mặt chưa quen


Bỗng xao nỗi nhớ


Mỗi góc phố một trang tình sử…






3.


Em ơi! Hà Nội – Phố


Ta còn em rì rào cơn mưa trong chùm lá


Những hạt nhỏ đọng trên mái tóc ai


Vòm trên cao chuông hồi đổ xuống


Nhà thờ Cửa Bắc


Tan chiều lẻ


Kinh cầu còn mãi ngân nga






Ta còn em đôi mắt buồn


Dõi cánh chim xa


Trên hè phố


Chàng Trương Chi ôm ghi ta


Ngước lên cửa sổ


Một ngày nào


Trống không ô cửa


Tiếng hát Trương Chi


Ngợi một số nhà


Ta còn em chuyến tàu khuya


Về muộn


Vào ga…






4.


Em ơi! Hà Nội – Phố!


Ta còn em quả bóng lăn


Một mình


Trên sân cỏ






Cơn mưa đầy


Chiếc thuyền giấy


Lang thang không bến đỗ


Thằng bé qua tuổi thơ


Bâng khuâng


Vội vã






Ta còn em cánh cửa sắt


Lâu ngày không mở


Nhà ai


Qua đó


Nao nao nhớ tuổi học trò…






Ta còn em dàn thiên lý chết khô


Những chùm hoa năm xưa


Thơm hò hẹn


Cuộc tình đầu ngọt lịm


Nụ hôn còn xanh mãi trên môi…






5.


Em ơi! Hà Nội – Phố!


Ta còn em chuỗi cười vừa dứt


Chút nắng còn le lói vườn hoang


Vàng vàng cỏ


Cô gái nhẹ buông rèm cửa


Chàng mũ lệch diễu qua


Lời tỏ tình hôm qua dang dở






Ta còn em ngày vui cũ


Tàn theo mùa hạ


Tiếng ghi ta


Bập bùng tự sự


Đêm kinh kỳ


Thuở ấy


Xanh lơ…






6.


Em ơi! Hà Nội – Phố!


Ta còn em tiếng tíc tắc


Chiếc đồng hồ quả lắc


Đong đưa tiếng gõ






Nhịp thời gian chậm chậm


Già nua


Căn phòng trống


Mệt nhoài


Bóng lẻ…






Ta còn em hồi chuông thu không


Ngôi chùa ẩn trong cùng hẻm phố


Những hàng xoan


Nghiêng nghiêng bóng đổ






Đầu ngõ sót cây hoa gạo


Từng sợi nắng rớt theo màu đỏ


Lao xao tiếng phố


Chợ chiều còn họp giữa kinh đô






7.


Em ơi! Hà Nội – Phố!


Ta còn em những ngọn đèn mờ


Trên nóc cao


Vầng trăng không tỏ


Tiếng rao đêm lạc giọng


Ơ hờ…






Người phu xe đợi khách bến đầu ô


Lão Mozart hàng xóm


Bẩy nốt cù cưa


Từng đêm quên giấc ngủ






Ta còn em tiếng dương cầm


Căn nhà đổ


Lả tả trên thềm


Bettho và Sonate Ánh Trăng


Những nốt nhạc thiên tài


Lẫn trong mảnh vỡ…






Ta còn em một đam mê


Một vật vã


Một trống không


Tan tiệc


Tàn đêm


Cô gái áo đỏ Venise


Một bản valse dang dở


Những phím đàn long


Một kiếp người






8.


Em ơi! Hà Nội – Phố!


Ta còn em khuya phố mênh mông


Vùng sáng nhỏ


Bà quán ê a chuyện nàng Kiều


Rượu làng Vân lung linh men ngọt


Mắt cô nàng lúng liếng đong đưa


Ngơ ngẩn bao chàng trai Kẻ Chợ


Cơn say quá dài thành một cơn mê…






9.


Em ơi! Hà Nội – Phố!


Ta còn em tiếng hàng ngày


Reo vang đường phố


Lanh canh! Lanh canh!


Tia hồi quang chớp xanh


Toa xe điện lên đèn


Người soát vé áo bành tô sờn rách


Ai xuống Bờ Hồ!


Ai đi Mơ!


Ai lên Bưởi!






Lanh canh! Lanh canh!


Một đời cơ nhỡ


Trăm ngày ngược xuôi


Đầm đìa nước mắt


Áo vã mồ hôi


Bơ gạo mớ rau


Mẹ về buổi chợ


Lanh canh! Lanh canh!


Lá bánh, củ khoai


Đàn con trên bến đợi


Cuối ngày…






10.


Em ơi! Hà Nội – Phố!


Ta còn em ráng đỏ chiều hôm


Đôi chim khuyên gọi nhau trong bụi cỏ


Đôi guốc bỏ quên bên ghế đá


Gã đầu trần thơ thẩn đường mưa…






Ta còn em một tên thật cũ Cổ Ngư


Chiều phai nắng


Cành phượng vĩ la đà


Bông hoa muộn in hình ngọn lửa






Chiếc lá rụng


Khởi đầu nguồn gió


Lao xao sóng biếc Tây Hồ


Hoàng hôn xa đến tự bao giờ?


Những bước chân tìm nhau


Vồi vội


Cuộc tình hờ bỗng chốc nghiêm trang


Ta còn em ngọn gió Nghi Tàm


Thoáng mùi sen nở muộn


Nhớ Nhật Tân


Mùa hoa năm ấy


Cánh đào phai






11.


Em ơi! Hà Nội – Phố!


Ta còn em cơn mưa rào


Lướt nhanh qua phố


Chiếc lá bàng đầu tiên nhuộm đỏ






Cô gái băng qua đường


Chợt hồng đôi má


Một chút xanh hơn


Trời Hà – Nội


Hôm qua…






Ta còn em cô hàng hoa


Gánh mùa thu qua cổng chợ


Những chùm hoa tím


Ngát


Mùa thu…






12.


Em ơi! Hà Nội – Phố!


Ta còn em con đê lộng gió


Dòng sông chảy mang hình phố


Cô gái dựa lưng bên gốc me già


Ngọn đèn đường lặng thinh


Soi bờ đá…






Ta còn em mùa nước xuống


Mất tăm bãi giữa sông Hồng


Chiếc bè nứa xuôi qua


Lặng lờ


Không ghé bến


Con tàu nhổ neo


Hồi còi vọng


Như tiếng than dài


Mùa này trăng vỡ trên sông


Trong trống vắng






“Người đi! Ừ nhỉ! Người đi thực”


Lữ khách khẽ ngâm bài Tống biệt:


“Mẹ thà coi như chiếc lá bay…”[1]






Ta còn em hàng cây khô


Buồn như dãy phố


Người bỏ xứ


Quay nhìn lần cuối


Những ngôi nhà cửa đóng


Im lìm






13.


Riêng về một chuyến đi


Ga Hàng Cỏ.


Những người con lên đường.


Năm khởi chiến.


Tuổi mười tám trong hàng quân.


Đầu đời


Chàng trai nhận nụ hôn


Từ cô gái trong đám đông đưa tiễn…






Con tàu chở những người lính.


Về phía Nam vào trận đánh


Chở theo những căn phố.


Những con đường.


Chở nguyên Hà Nội nhớ.


Với những vết môi hôn.






Anh lính trẻ


Nghe tiếng súng khai trận.


Bỗng bàng hoàng.


Bỡ ngỡ.


Và thật bất ngờ.


Như nhận nụ hôn…






14.


Em ơi! Hà – Nội – Phố!


Ta còn em chiếc xe hoa


Qua hàng liễu rủ


Cánh tay trần trên gác cao


Mở cửa


Mùa xuân trong khung


Chi chít chồi sinh


Ước vọng in hình xanh nõn lá


Giò phong lan


Điệp vàng rực rỡ






Ta còn em tà áo nhung huyết dụ


Bờ môi ai đậm đỏ bích đào


Những gót son dập dìu đại lộ


Đất nghìn năm còn mãi dáng kiêu sa


Phường cũ lưu danh người đẹp lụa


Bậc thềm nào in dấu hài hoa?






15.


Em ơi! Hà – Nội – Phố!


Ta còn em đường lượn mái cong


Ngôi chùa cổ


Năm tháng buồn


Xô lệch ngói âm dương


Ai đó còn ngồi bên gốc đại?


Chợt quên vườn hồng đã ra hoa


Chợt quên bên đường ai đứng đợi


Cuộc đời có lẽ nào


Là một thoáng bâng quơ!






Ta còn em một cuộc tình


Như một bài thơ


Những nỗi đau gặm mòn phận số


Nhật ký sang trang


Ghi thêm nỗi khổ…






16.


Em ơi! Hà – Nội – Phố!


Ta còn em lô xô màu ngói cũ


Hiu quạnh


Một ngôi nhà


Oa oa tiếng khóc






Ngày ra đời


Cơn bão rớt


Bẻ gãy cành đa


Con vừa lớn


Chinh chiến gần kề trước cửa






Ta còn em con đường đá


Lát bao niên kỷ


Cây si kia trồng tự năm nào


Nhớ ngày tóc mẹ chưa lên trắng


Chiều nay qua sông vắng


Xót mẹ


Còng lưng


Gánh tuổi già…






17.


Em ơi! Hà – Nội – Phố!


Ta còn em đống kim ngân


Đổ đầy Hàng Mã


Lâu đài, cung điện


Võng, lọng, ngựa, xe


Những hình nhân


Xênh xang áo mão


Một thời nào


Ngập ngụa vàng son…






Ta còn em mớ tro than


Tiền giấy


Mịt mù mặt phố


Che mờ


Khổ ải


Trần gian…






18.


Em ơi! Hà Nội – Phố!


Ta còn em một Hàng Đào


Không bán đào


Một Hàng Bạc


Không còn thợ bạc


Đường Trường Thi


Không chõng, không lều


Không ông nghè bái tổ vinh quy…






Ta còn em tiếng gọi trong đêm


Người trở về


Ngày đi nặng nỗi mang tên Nhớ


Ngày về căn nhà không biển số


Phố cũ quên tên


Quên bậc đá


Quên mái hiên


Quên cây táo trồng ngay trước cửa


Ngày về ra rả tiếng ve kêu


Thuở ấu thơ thỏa thích leo trèo


Võng trưa hè


Đung đưa kẽo kẹt






“À ơi! Trống đánh ngũ liên


Bước chân xuống thuyền


Nước mắt như mưa”[2]






Bài tập đọc


Quốc văn giáo khoa thư


Bà ru cháu ngủ…






Người về sững sờ bên cánh cửa


Tiếng ơi à


Gọi lại


Mảnh đời quên…






14.


Em ơi! Hà Nội – Phố!


Ta còn em mảnh đại bác


Ghim trên thành cũ


Một thịnh


Một suy


Thời thế


Lẽ hưng vong


Người qua đó hững hờ bài học sử…






Ta còn em dãy bia đá


Danh hình hội tụ


Rêu phong gìn giữ nét tài hoa


Ly rượu đầy xin rót cúng cha


Nghìn lạy cúi đầu thương đất tổ


Bến nước nào đã neo thuyền ngự


Đám mây nào in bóng rồng bay?






Ta còn em những giấc mơ nhã nhạc


Lộng lẫy xiêm y


Nhịp nhàng dáng vóc cung phi


Những hào kiệt


Những anh hùng


Vương triều nào cũng có


Những kẻ cuồng si cũng có


Thắp nén hương nhớ người tri kỷ






20.


Riêng về một tháng Chạp


Tháng Chạp


Những tàng cây óng ả sợi tơ hồng


Tháng Chạp thủ thỉ lời hò hẹn:


“Qua đợt gió mùa


Ngày mai ta đến với mùa xuân”






Tháng Chạp


Đôi tân hôn chưa kịp nằm chiếu hoa


Đã có tên


Trong vòng hoa tưởng niệm


Một tháng Chạp


Trắng khăn sô


Khói hương dài theo phố…


Một tháng chạp.


Thâu đêm.


Mẹ.


Thức.


Hóa vàng…






Một tháng chạp.


Con đường ngẩn ngơ.


Dãy phố không người ở.






Những khu trắng nằm trong tọa độ.






Sập gụ, tủ chè, sách xưa và bình cổ.


Dòng chữ phấn ghi trên cánh cửa.


Tất cả thí thân cho một mất một còn.


Lời thề ra đi của những người bỏ phố.


“Còn một đống gạch còn trở về nhà cũ!”






Một tháng chạp.


Phường phố rền vang còi hụ.


Cái chết đến tự phương nào?


Cách Thủ đô bao nhiêu cây số?


Giọng Hà Nội thật ngọt ngào.


Cô gái loan truyền tin bão lửa.


“Hỡi đồng bào! Hỡi đồng bào!”






Một tháng Chạp


Cây bàng mồ côi mùa đông


Mảnh trăng mồ côi mùa đông


Nóc phố mồ côi mùa đông…


Tháng Chạp năm ấy in hình bao mộ phố






21.


Em ơi! Hà Nội Phố!


Ta còn em năm cửa ô


Năm cửa gió.


Cơn bão những năm nào qua đó.


Ba mươi sáu phố


Bao nhiêu mảnh vỡ?






Ta còn em một màu xanh thời gian


Một màu xám hư vô


Chợt nhòe


Chợt hiện


Chợt lung linh ngọn nến


Chợt mong manh


Một dáng hình


Nhợt nhạt vàng son


Đậm đầy cay đắng






Người nghệ sĩ lang thang hoài trên phố.


Bỗng thấy mình không nhớ nổi con đường!


Một mình giữa bóng chiều sa


Tha hương ngay trước cổng nhà mẹ cha


Một bầu trời mãi mãi của riêng ta


Những nỗi buồn vô cớ!


Luôn luôn rất lạ






22.


Em ơi! Hà Nội – Phố!


Ta còn em cánh nhạn chao nghiêng.


Những giọt sương nhòa bóng điện.


Mặt nước Hồ Gươm.


Bỗng nhiên trở lạnh.


Tháp Rùa bóng nước lung linh.






Người ra đi mang theo buốt giá.


Áo choàng không ấm thân gầy.


Cầm bằng theo cánh chim bay.






Người đi tìm khoảng cách


Để quên.


Nào biết nơi phương xa.


Tháng năm mài mòn.


Đôi mắt nhớ.






23.


Em ơi! Hà Nội – Phố!


Ta còn em mùi hoàng lan


Ta còn em mùi hoa sữa


Tiếng giày ai gõ nhịp đường khuya


Thang gác thời gian


Mòn thân gỗ,


Ngôi sao lẻ lạc vào căn xếp nhỏ…






Ta còn em!


Ta còn em


Ta còn em






Mãi mãi…



                                                               Mùa đông 1972

Tôi viết bài thơ Em ơi, Hà Nội phố

Tôi viết bài thơ Em ơi, Hà Nội phố
                                               PHAN VŨ
Tôi viết Em ơi, Hà Nội phố từ năm 1972 nhưng trong một thời gian dài, vì những lý do riêng, bài thơ chưa đến với độc giả. Cho đến năm 2009, nguyên tác bài thơ mới in trong tập Thơ Phan Vũ. Ở Huế, tôi đã đọc bài thơ dưới ánh sáng của một ngọn nến, trong một căn nhà cổ cho một số bạn Huế yêu thơ. Ở Sài Gòn, tôi đã đọc tại quán Guitare Gỗ do nhạc sĩ Châu Đăng Khoa đệm đàn và viết một ca khúc phụ họa. Như vậy là gần nửa thế kỷ bài thơ viết về Hà Nội, tại Hà Nội vẫn chưa trở về Hà Nội. Và tôi vẫn mong đợi một dịp được lần đầu đọc Em ơi, Hà Nội phố giữa thủ đô.
                                                                            ***
Tháng chạp năm 1972, khi B-52 của Mỹ bắn phá thủ đô với lời hăm he “đưa Hà Nội trở lại thời kỳ đồ đá!”, tôi khởi viết những câu đầu tiên: Em ơi, Hà Nội phố... Ta còn em, mùi hoàng lan, ta còn em mùi hoa sữa... Điệp từ Ta còn em, ta còn em... được lặp lại trong từng đoạn của bài thơ. Có người nghĩ điệp từ này có ý nghĩa thách thức với lời hăm dọa của ông Nixon. Tôi không có ý đó, chỉ thấy lòng mình chùng xuống vì âu lo trước cảnh tượng đất đai Hà Nội bị bom đạn cày xới và máu người Hà Nội đổ trên phố phường nên đọc một câu “niệm chú” để tự trấn an. Ta còn em... là còn những hoài niệm yêu thương của tôi về Hà Nội mà đôi lần khi trong trạng thái cần nương tựa, an ủi, tôi lại tìm về.

Nhưng “Em ơi, Hà Nội phố” không phải là một lời thủ thỉ tự tình, đó là một tiếng kêu thương tha thiết... Tháng chạp bi tráng năm ấy, những sự việc hằng ngày đã khắc ghi những đường rãnh trong ký ức, giữ lại cho con người một nỗi nhớ xót xa, sâu đậm. Chỉ một đêm xuống phố Khâm Thiên sau trận bom, nghe tiếng than khóc của dân phố, nhìn những vành khăn tang trắng xóa trong đêm và ngửi mùi hương cúng đã hình thành ngay hoài niệm để một đời không thể nào quên.

Tôi cũng phải nói thêm điệp từ Ta còn em... còn có nghĩa “ta mất em...”. Đó là sự tiếc nuối về những gì “thật Hà Nội” không còn nữa! Không chỉ do chiến tranh mà có thể vì những sai lầm, những vô ý, vô tình của người đời, không ngoại trừ sự quên lãng của thời gian, đã gây ra những đổ vỡ không thể hàn gắn được. Chỉ cần mấy câu thơ của người xưa Dấu xưa xe ngựa hồn thu thảo, nền cũ lâu đài bóng tịch dương... cũng làm chúng ta rung động huống hồ những xót đau, mất mát thuộc về tâm linh, một thứ để thờ phụng, khiến con người có thể thí mạng để bảo vệ, gìn giữ. Và tinh thần của người Hà Nội trong tháng chạp năm ấy đã chứng tỏ rõ ràng.

Tôi đã sống một mình trên căn gác suốt 12 ngày đêm khốc liệt của Hà Nội. Bao hoài niệm thật đẹp mà tôi đã có trong quãng thời gian được gọi là “chàng trai Hà Nội” đã trở về trên căn gác, tại một khu trắng triệt để sơ tán vì gần Nhà máy điện Yên Phụ, một mục tiêu oanh kích. Những hình ảnh, những ngôn từ dồn dập kéo đến, đan xen, chồng chéo, không theo một thứ tự thời gian, không gian.

Tôi như đang trong một giấc mơ giữa ban ngày với đôi mắt mở! Em ơi, Hà Nội phố với 25 khổ thơ đã ra đời trong khoảng cách những hồi còi hụ trên nóc Nhà hát Lớn, với giọng Hà Nội thật chuẩn của cô phát thanh viên báo tin những đợt B-52 vào thành phố. Tôi ghi lại một cách vội vàng, theo sự tình cờ, bất chợt, không xếp đặt. Tất nhiên, trong một quá trình dài dặc nửa thế kỷ, bài thơ không thể nằm yên trong ngăn kéo mà luôn cựa quậy, bắt tôi phải chỉnh sửa nhiều lần. Nhiều khi có vài ly rượu ngà ngà lại chợt nhớ, chợt thương một nỗi niềm, chợt tìm thấy một dáng, một hình, một con chữ cần thêm, cần bớt.

Tôi cũng thường bỏ công chép cả bài thơ dài dặc để tặng ai đó, nhưng khi khách ra về lại hí hoáy sửa lại vì trong lúc chép tặng chợt phát hiện một câu, một chữ chưa vừa ý. Do đó Em ơi, Hà Nội phố đã thành tam sao thất bản, đến mức tác giả cũng không sao phân biệt được!

Cho đến năm 1985, một lần gặp Phú Quang, một đoạn thơ đã được phổ nhạc. Khi ca khúc Em ơi, Hà Nội phố đã nổi tiếng với nhiều khen tặng, có người đến nói về giá trị phần ca từ của tôi, nhưng tôi vẫn nghĩ sự xứng đáng thuộc về Phú Quang với những giai điệu mượt mà, du dương quen thuộc của anh; cả về công lao của Phú Quang với ca khúc ấy đã giới thiệu một bài thơ còn lận đận, chưa ra đời! Mấy câu thơ của tôi, một tâm tư mang tính cá nhân, là nỗi đau thầm lặng, nỗi buồn da diết riêng mang không có tính cộng đồng.

Ngày ấy, có một nhà thơ lớn khi đọc bài thơ này đã thật lòng khuyên tôi không nên phổ biến vì có thể chuốc vạ vào thân. Tôi cũng mệt mỏi vì nhiều sự phiền hà văn chương của giai đoạn ấy nên cũng nghe lời bỏ xó.
                                                                                 ***

Tôi hi vọng lần đọc đầu tiên bài thơ ở Hà Nội cũng là đọc bản chính thức cuối cùng của Em ơi, Hà Nội phố. Bởi với tuổi 85, hành trình đi qua trần gian, hay nói theo Trịnh Công Sơn là quãng đời “ở trọ trần gian” của tôi cũng đã quá dài so với bao nhiêu bè bạn. Giữa Hà Nội hôm nay bỗng nhiên tôi nghĩ đến những nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ, họa sĩ cùng đứng với tôi trong ban chấp hành đầu tiên của Chi hội Văn nghệ Nam bộ thành lập từ năm 1952 giữa rừng U Minh, như các anh Diệp Minh Châu, Hà Mậu Nhai, Đoàn Giỏi, Quách Vũ, Dương Tử Giang, Huỳnh Văn Gấm, Chi Lăng, Ngọc Cung, Trương Bỉnh Tòng...

Trong số đó, có người tập kết ra Hà Nội đã nằm lại trong lòng đất thủ đô, những người ở lại miền Nam bị bắt bớ, tù đày cũng đã qua đời. Các anh ấy chỉ biết Hà Nội trong tưởng tượng, càng không thể hình dung có một Hà Nội của thơ như hôm nay với người cuối cùng còn sót lại của ban chấp hành xa xưa trở về Hà Nội đọc thơ!

Tôi cũng nghĩ tới những người bạn đã kết thân khi tôi từ miền Nam trở về Hà Nội năm 1956, đó là các anh Tử Phác, Đặng Đình Hưng, Trần Dần, Lê Đạt, Bùi Xuân Phái, Nguyễn Sáng, Dương Bích Liên, Phùng Quán, Phùng Cung, Hoàng Cầm, Hữu Loan... tất cả các anh ấy đều có một số phận không may và đã lần lượt kéo nhau ra đi về “Bến lạ” (tên một tập thơ của Đặng Đình Hưng). Và tôi lại trở thành một trong những kẻ sống sót để thụ hưởng những gì mà đáng lẽ các anh ấy đều được hưởng!
                                                                                                                       Nguồn: Tuổi Trẻ Cuối Tuần

Thứ Tư, 22 tháng 9, 2010

Tin dzui đây!

Tin dzui đây! Tin dzui đây! 100% các nhóc clb đã đậu đại học, tên tuổi các nhóc đã được xướng danh ở khắp các trường Đại học lớn Bắc - Trung - Nam:

Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh: NGUYỄN THỊ NGỌC HUYỀN, HOÀNG PHỤNG THUYÊN, LÊ THỊ YẾN LY, ĐÀO THỊ KHÁNH DUY, NGUYỄN ĐẶNG TƯỜNG VI, PHAN MAI THƯ NHÃ.

Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh: CAO THỊ KIM THOA, NGUYỄN THỊ KIM CHUNG, NGUYỄN THỊ ANH THƯ, LÊ THỊ BẢO TRÂM.

Đại học Quy Nhơn: BÙI THỊ THÁI HUỆ.

Đại học Báo chí & Tuyên truyền Hà Nội: BÙI NGUYÊN BẢO.

Chủ Nhật, 18 tháng 7, 2010

Chúc mừng mấy nhóc nhà mình vừa vượt vũ môn kỳ thi ĐH!

Vậy là mấy nhóc đã hoàn thành kỳ thi trọng đại của đời mình.
Lo lắng và hồi hộp lắm không hả nhóc?
Chúc các nhóc nhà mình nhanh nhanh có tin vui, sớm đậu ĐH và một tương lai xa rộng!

Thứ Sáu, 23 tháng 4, 2010

Cuộc sống và tách cà phê

Cuộc sống và tách cà phê

PHƯƠNG ĐÔNG

 
Cuộc sống chính là cà phê, còn công việc, tiền bạc và địa vị xã hội chính là những chiếc tách.

Một nhóm sinh viên, sau khi tốt nghiệp ra trường đều có công việc tốt, rủ nhau về thăm thầy giáo cũ. Sau một hồi trò chuyện, họ bắt đầu phàn nàn về những căng thẳng trong công việc cũng như trong cuộc sống. Nghe vậy, người thầy đi vào bếp và quay trở ra với một bình cà phê lớn cùng những chiếc tách khác nhau: chiếc bằng sứ, chiếc bằng nhựa, chiếc thuỷ tinh, chiếc bằng pha lê, có vài chiếc tách trông rất đơn giản, nhưng cũng có cái rất đắt tiền. Người thầy bảo các học trò tự chọn tách và rót cà phê cho mình.
Sau khi mỗi người đều đã có một tách cà phê, người thầy bắt đầu nói:
_ Nếu các em chú ý thì sẽ nhận ra điều này: những chiếc tách đắt tiền và đẹp đều đạ được lấy hết, chẳng ai đụng đến những chiếc tách rẻ tiền cả. Có lẽ mọi người sẽ cảm thấy điều này thật bình thường vì ai chẳng muốn chọn cho mình cái tốt nhất, nhưng điều ấy lại chính là nguồn gốc của mọi vấn đề rắc rối trong cuộc sống của các em.
Điều mà chúng ta thực sự cần là cà phê, chứ không phải chiếc tách, nhưng ai cũng vội vàng chọn những chiếc tách tố nhất, rồi sau đó còn liếc mắt qua người bên cạnh để xem tách của họ có đẹp hơn tách của mình không.
Bây giờ mọi người hãy suy ngẫm điều này nhé: Cuộc sống chính là cà phê, còn công việc, tiền bạc và địa vị xã hội chính là những chiếc tách. Chúng là công cụ để giữ và chứa đựng cuộc sống, và không làm thay đổi chất lượng cuộc sống chúng ta. Đôi khi, vì chúng ta cứ tập trung vào chiếc tách, mà bỏ qua việc thưởng thức hương vị cà phê mà cuộc sống cho chúng ta. Vì thế, đừng để những chiếc tách ảnh hưởng đến bạn mà thoải mái nhâm nhi cà phê của mình.

Thứ Sáu, 5 tháng 2, 2010

Xuân mới

Xuân mới


PHAN MAI THƯ NHÃ



Hai Bảy, Hai Tám Tết… mệt nhoài trong mớ giẻ lau, suốt ngày cặm cụi bên những chiếc cửa gương hì hục lau lau, rửa rửa…mệt thì mệt nhưng miệng đứa nào cùng toe toét cười không suy nghĩ, ngô ngô thấy lạ… Nhành mai vàng hiếm hoi trong vườn cây cảnh của ba mới làm nhòa hết những giọt mồ hôi trên thái dương của chị em nhỏ, màu vàng yêu thương và đoàn tụ… Nhìn căn nhà đang lẫn lộn trong mớ bòng bong của năm cũ, nhỏ chợt bật cười, mình đã sống trong mớ lộn xộn này một năm rồi cơ đấy, nhanh thật! Đẩy nhỏ em vào trong chiếc tủ gỗ, bắt nó lục những tờ giấy loại quăng ra ngoài, hệt như con chuột đang chui rúc trong cái ổ đất sau vườn, nhỏ ôm bụng cười sặc sụa. Nghe tiếng động lạ, nhỏ em chui ra, nhìn chị nó lăn lộn cười nhiệt tình dưới sàn, nó nhún vai không hiểu rồi chui vào cái ổ của mình làm việc tiếp… Nhỏ vẫn còn cười ngất vì cái bộ dạng dễ thương của em mình, đang cười bỗng một lọn giấy cuộn tròn nặng trịch ném xoạt vào mặt nhỏ đau điếng, nhỏ giật mình ôm mặt la lên và…nghe trong cái ổ chuột đằng kia có tiếng cười hi hí và tiếng con chuột thích thú: “đáng đời!”…


Nhỏ bước ra sân, ngồi xuống bậc tam cấp, lặng lẽ tận hưởng cái không khí tuyệt diệu của đất trời… Ngoài đường, người ta tấp nập với những chậu mai vàng nở rộ, ai cũng có khuôn mặt sáng rực của một mùa mới, nụ cười ai cũng thấp thoáng sự hài lòng, mãn nguyện… những chiếc giỏ cặp đi chợ cũng ríu rít đu tay chủ để hưởng thụ niềm vui. Tiếng nhà máy xay xình xịch nổ, vội vã cho ra đời những thúng nếp thơm tho, cho những chiếc bánh cốm ngọt ngào hương vị đồng quê, cho tiếng trẻ con la lối mừng vui ầm ĩ vì dành nhau chiếc bánh ngày xuân…đó là lộc của con người… Nhỏ nhắm mắt lắng nghe mọi tiếng động, cứ như một bản tình ca mùa xuân êm mượt… như nhung… để mặc ánh nắng chiếu thẳng vào khuôn mặt đã bắt đầu đỏ ửng của mình…


- Chưa tỉnh ngủ hả? Hay là đang mơ chàng hoàng tử đến dọn nhà giùm?


Tiếng chị Hai lảnh lót vang lên, nhỏ mở choàng mắt tìm kiếm cái giọng mỉa mai đó. Chị Hai đứng đó, xoay lưng lại với nhỏ, vắt từng chiếc áo gối phơi lên hàng rào trước nhà… Những giọt nước còn thấm trong áo gối rơi tung tóe xuống sàn nền, long lanh, mát rượi… Chị Hai mặc bộ quần áo cũn cỡn đến đầu gối, sau lưng có in hình con mèo mướp đang cuộn tròn ngủ trông thật ngộ nghĩnh, khuôn mặt vẫn còn phụng phịu nét trẻ thơ dù đã hai mươi lúc này chắc đang tủm tỉm cười, chị sở hữu một khuôn mặt ngô nghê đến lạ, khuôn mặt luôn khiến cho người đối diện phải bật cười vì vui lây. Nhỏ thích nghe chị Hai la oai oái mỗi khi đánh nhau với nhỏ, thích cái cảnh chị bật cười nắc nẻ khi đá được nhỏ lọt tỏm xuống giường… Lòng nhỏ lúc này tràn ngập yêu thương…


Ba lúc này không có nhà. Sáng sớm ba đã cùng mấy chú bạn đi đào cây mai rừng trên núi. Ba nói mai rừng không đẹp bằng mai nhà, nhưng được cái lạ và có mùi thơm của núi rừng hoang dã. Chắc giờ này ba đã lên tới núi rồi, nghĩ đến ba, nhỏ bất giác quay xuống bếp. Má đáng cặm cụi chăm lo cho nồi mứt dẻo thơm lựng, tỉ mỉ tỉa những bông hoa bằng quả đu đủ nhỏ nhỏ, xinh xinh… Vầng trán má lấm tấm mồ hôi nhưng nụ cười vẫn nở rộ như bông mai vàng ngoài sân, nụ cười như nhuốm cả vào những món lộc mà má dành cho cả nhà vào tiết trời Xuân thắm… Nhỏ bông muốn ôm tất cả vào lòng, mọi người cứ như những thiên sứ vây quanh nhỏ, che chở và… yêu thương… Nhỏ muốn hét lên thật to với cả trời đất rằng nhỏ yêu tất cả, yêu cả cuộc đời này…


Có người từng nói với nhỏ rằng ước mơ của mình là được đi với người yêu thương nhất trong tuyết… nhưng… mùa xuân không có tuyết… Không có tuyết thì nhỏ muốn đi cùng người đó trong mưa lộc của mùa xuân. Chiếc lá nào rơi xuống thềm nhà làm nhỏ giật mình… có gì đâu… Chỉ là mùa xuân đang khẽ lướt qua tim nhỏ đấy mà…