Thứ Hai, 22 tháng 11, 2010

Thèm đi dạy

Thèm đi dạy

http://tuoitre.vn/Van-hoa-Giai-tri/412043/Them-di-day.html

Về học vấn, hắn là cử nhân văn chương đại học sư phạm. Nói sợ buồn, chứ giăng mẻ lưới tại sở giáo dục tóm cả thúng văn bằng như thế mà chủ nhân của chúng đang dài cổ chờ việc.

Về gia cảnh, cha hắn theo vợ nhỏ, mẹ chưa già nhưng đau bịnh kinh niên. Hai mẹ con hắn sống với hai sào rưỡi ruộng cùng mảnh vườn nhỏ đơn côi giữa đồng, tứ bề gió thổi. Hắn chẳng mấy đẹp trai lại nhút nhát, thiệt thà và... hơi khờ. Toàn bộ tính cách hắn đóng khung vô hai chữ “đáng thương”.

Minh họa: Nguyễn Ngọc Thuần
Bốn năm trời ròng rã, hắn cút kít đạp xe từ miền quê xuống thành phố, hơn hai chục cây số cả đi lẫn về, học cho xong đại học sư phạm. Nghe mà thấy khổ cơ nào!

Cái thời kiếm đỏ mắt mới ra người học văn lẫn kẻ dạy văn có cảm xúc, cảm thán, cảm thức gì đó chuyện nghề, chuyện đời để viết góp đôi dòng văn chương, trong khi ấy hắn có nhiều cái tạp bút dễ thương về trường lớp, mấy chục bài thơ hay hay về tình bạn, tình thầy trò, năm bảy cái tiểu luận về ca dao tục ngữ, về nông thôn đăng lên báo, trải dài từ thời hắn học phổ thông. Giới văn nghệ cấp tỉnh phán một câu về hắn: “Xem ra nó cũng có chút tài đấy!”.

Đợt hắn thực tập sư phạm, có cô bé giỏi văn lớp 11 viết bài báo ca ngợi hắn tận mây xanh mây vàng, đại ý là: Thầy rất nhiệt tâm, say mê với nghề. Thầy giảng văn rất hay, rất cuốn hút. Tương lai thầy sẽ là một giáo viên giỏi, đúng mực với học sinh, hết lòng với sự nghiệp đã chọn. Bài báo điểm trúng “huyệt hành sư” của hắn.

Tốt nghiệp xong, hắn nộp đơn chờ bổ nhiệm ở sở giáo dục, rồi quay về giúp mẹ làm ruộng, nuôi gà. Mỗi ngày hắn mất 2.000 đồng tới tiệm net để liên lạc với bút nhóm Sao Xanh; do hồi kiến tập ở trường trung học phổ thông chuyên, học sinh nghe danh tìm đến bầu hắn làm trưởng nhóm. Bút viên Sao Xanh coi hắn như bậc thầy đúng nghĩa. Hắn lén thương một cô em trong nhóm rồi gửi hồn vào thơ, chứ cái nghèo đã tàn bạo chặn đứng tình cảm dạt dào trong hắn.

Ông thầy dạy văn hắn hỏi thăm:

- Em nộp đơn xin việc những đâu?

- Dạ, em chỉ nộp đơn ở sở giáo dục.

- Sao thế, em có năng khiếu viết lách mà, sao không xin vô đài phát thanh truyền hình hay tòa soạn báo thử coi?

- Thưa thầy, em chỉ duy nhất muốn đi dạy, nghề dạy học em thấy hay quá. Em thèm cảm giác đứng trên bục giảng nhìn đôi - mắt - đàn - em - long - lanh...

- Thầy hắn tủm tỉm cười. Thiệt ra, muốn làm thầy đâu nhứt thiết phải đi dạy. Có kẻ cả đời đi dạy mà có ai tôn là thầy đâu. Có người không đứng lớp ngày nào vẫn có học trò tôn vinh đó thôi. Hắn hiểu chuyện đó quá đi chứ. Nhưng người lớn nên nhìn sự việc bằng con mắt trẻ trung phơi phới mới hiểu hắn thèm đi dạy biết bao. Đúng là “cá trong lờ đỏ mắt, cá ngoài lờ lúc lắc muốn vô”.

Một đàn anh từng bỏ nghề giáo sang làm nghề văn hỏi hắn:

- Nè, tạp chí Sông Ba thiếu chân biên tập, thích làm không anh xin cho? Họ cần người làm được việc chứ không cần đứa nhiều tiền.

Hắn run run trả lời:

- Dạ để em coi đã.

- Coi cái gì, có được phân công đi dạy đâu mà coi.

- Dạ lỡ vô làm, năm tới nẫu kêu đi dạy, tiếc lắm.

Người đó lấy tay day vô trán hắn:

- Em có “vấn đề” đấy nghen. Thời buổi này sao có đứa còn mê đi dạy dữ không biết!

Sáng sớm nọ “giới chữ nghĩa” tụ họp uống cà phê ở Thư Quán. Một đàn anh giỏi làm báo chí hỏi hắn:

- Ê, đài phát thanh tỉnh thiếu người biên tập trang văn nghệ đó, có làm không tao nói giúp một tiếng?

Hắn im lặng một lúc rồi mím môi nói lý nhí:

- Dạ em chỉ muốn đi dạy thôi.

Người kia đập bàn:

- Nói thiệt nghen, mấy đàn anh ngồi đây bực mình mày lâu nay rồi đó. Đi dạy hay ho gì, cứ mở miệng ra là đòi đi dạy, mà ai cho mày dạy. Mày rất đáng thương nhưng bây giờ đáng ghét lắm. Thiệt thà quá cũng đáng ghét.

Hắn cứ mãi chờ đợi “được đi dạy” mỏi mòn thân xác, mòn mỏi tinh thần. Hết xuân rồi hạ, hết thu sang đông, buồn tê tái vào mỗi dịp khai trường, ngày Hiến chương nhà giáo, ngày thành lập Đoàn... Khốn nỗi khi viết văn, văn phải vui tươi; khi làm thơ, thơ phải lạc quan yêu đời thì tác phẩm mới mong xuất hiện trên báo chí. Hắn đem mấy đồng nhuận bút đưa mẹ, mẹ hắn mắng yêu: “Cái thằng làm bộ làm tịch không à!”.

Khá lâu sau hắn đến nhà thầy dạy văn, mặt mày xanh xám nói như khóc: “Em chỉ còn mỗi con đường tự tử thôi”. Thầy hắn nghe rùng mình. Thầy thân chinh xuống sở giáo dục, phẫn nộ: “Cái thằng thiệt tốt vậy sao mấy ông không cho nó đi dạy? Nó đợi bốn năm rồi đấy, nó đòi tự tử đấy”.

Liền năm sau sở phân ngay cho hắn đi dạy trung học cơ sở ở một rẻo cao của tỉnh; đó được coi là nghĩa cử hiếm gặp của phòng tổ chức sở. Từ ngày đó đến nay đã ba bốn năm trời, không ai thấy hắn có bài thơ, tạp bút nào đăng báo nữa. Hắn lặn mất tăm trong mắt giới văn nghệ tỉnh nhà.

Ngày kia, một đàn anh làm ở hội văn học nghệ thuật có chuyến công tác miền núi, gặp hắn phụ vợ bày hàng khô ra chợ bán lúc sương sớm còn giăng giăng thung núi phía xa. Đàn anh thay mặt hội rủ hắn, một cựu hội viên, qua bên kia đường uống cà phê. Hắn sang, ẵm nách theo thằng con chừng hai tuổi, tóc lơ thơ vài cọng, mũi dãi lòng thòng. Ngó qua bên kia chợ, thấy vợ hắn ngồi vắt chân trên sạp hàng, miệng mời chào lảnh lói, mặt xinh đanh đá.

Coi như xong. Hắn viết văn làm thơ gì nổi nữa! Hắn đứng trên bục giảng có còn thấy mắt - đàn - em - long - lanh?

Truyện 1.159 chữ của PHÙNG HI

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét