Thứ Sáu, 23 tháng 10, 2009

Học quên để… nhớ cho nhiều

Học quên để… nhớ cho nhiều

ĐẶNG VƯƠNG HƯNG


Học quên để… nhớ cho nhiều
Học hờn giận để… cưng chiều đấy thôi.

Học lẻ loi để… có đôi
Học ghen là để… cho người thêm yêu.

Em thì xa vắng bao nhiêu
Tôi đành học cách nói điều vu vơ.

Học sắc sảo để… dại khờ
Học già dặn để… ngây thơ thuở nào…

Tôi giờ còn lại chiêm bao
Cố trần tục để… thanh tao kiếp người

Mải mê học khóc cho… cười
Quên hờ hững để cùng người đam mê…


Tháng 1-2000

Lời bình:

Tục ngữ Anh có câu: “Biết tất cả nghĩa là không biết gì hết” (To know everything is to know nothing).

Đặng Vương Hưng đã diễn tả rất thơ một cách đa diện, nhiều chiều suy tư của con người vốn rất người, do luôn tồn tại trong mình những “mặt đối lập”.

Mục đích “đi học” của nhà thơ là nhằm ở mặt đối lập ấy.
Có lẽ chỉ những người từng trải và chiêm nghiệm cuộc sống mới hiểu hết được sự dụng công “đi học” này!”

Đắc Lê

Mỗi câu thơ có hai mặt đối lập. Nhà thơ “đi học” một mặt này là nhằm vào cái mặt đối lập kia của nó: quên để nhớ, hờn giận để cưng chiều, lẻ loi để có đôi, ghen để thêm yêu… Và đặc biệt là: “Học sắc sảo để dại khờ/ Học già dặn để ngây thơ thuở nào”…

Nghĩa là, người ta học là để sống cuộc sống thật sự của con người, chứ không phải để trở thành những vị thánh!

Triết lý giản dị ấy, trong đời ai cũng gặp, nhưng đâu phải ai cũng nhận ra!
Vũ Nho

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét