Thứ Bảy, 21 tháng 3, 2009

Cuộc thi viết "Đôi mắt & Những ước mơ"

Cuộc thi viết "Đôi mắt & Những ước mơ"

Các me và bạn bè của me ới ời!
MT đang có cuộc thi viết nè, giải thưởng hấp dẫn quá! Nhưng cuộc thi chỉ diễn ra trong vòng 1 tháng thôi, ai muốn xí phần thì viết liền trong hôm nay, ngày mai hoặc mốt gửi chị ngay, để kịp đăng những kì đầu tiên (MT 879, 880, 881...). Gửi vào email mới baiduthi2009@gmail.com
Chị Song Khê

Mời các bạn tham gia cuộc thi viết do Báo Mực Tím và nhãn hàng New V-Rohto (Công ty Rohto Mentholatium Việt Nam) hợp tác tổ chức.

Đối tượng dự thi: học sinh, sinh viên là công dân quốc tịch Việt Nam hoặc người có quốc tịch nước ngoài đang sinh sống và học tập ở Việt Nam, độ tuổi từ 15 -22.


Thời gian nhận bài: từ 25/ 3 đến 25/4/2009

Qui định về bài viết:

- Tản văn không quá 500 chữ
- Nội dung: đôi mắt với cái nhìn lạc quan, mới mẻ và sâu sắc về cuộc sống, con người, những ước mơ…

- Bài dự thi phải là sáng tác mới chưa xuất bản trên bất kì phương tiện truyền thông nào. Mọi hình thức sao chép nguyên văn, một phần hay ý tưởng của tác giả khác đều không hợp lệ.
- BTC khuyến khích tác giả gửi kèm hình minh hoạ cho bài viết (ảnh do chính tác giả chụp, nếu mượn ảnh của người khác thì phải ghi rõ nguồn).
- Mỗi tác giả có thể gửi dự thi nhiều bài và nhiều lần.
- Bài gửi về toà soạn báo Mực Tím hoặc email: baiduthi2009@gmail.com
Giải thưởng:
- Một giải nhất: 10.000.000 đồng
- Một giải nhì: 5.000.000 đồng
- Một giải ba: 2.000.000 đồng
- Ba giải khuyến khích: 500.000 đồng/ giải

Những bài dự thi đã qua vòng sơ khảo sẽ được chọn đăng trên báo Mực Tím và MTO, có nhuận bút cho mỗi bài.

Kết quả chung cuộc sẽ được công bố vào tháng 5.2009.

Một ước mơ

Một ước mơ


LÊ THỊ BẢO TRÂM

Chị nói rằng: "Chị sẽ làm một việc gì đó để dân ta bớt khổ". Ấy cũng chỉ là ước mơ chung của bất kì một công dân Việt Nam nào thôi, nhưng sao khi nghe những lời ấy tôi thấy ở chị một nghị lực phi thường, một tấm lòng nhân hậu, yêu thương vô hạn.



Ba năm trước, một cái Tết nhuốm màu buồn bã! Một không khí ảm đạm, đau buồn bao phủ khắp căn nhà chị. Chị đã đi và không bao giờ chúng tôi có thể nhìn thấy chị được nữa. Và đó cũng là điều hối hận lớn nhất của tôi khi không nhìn thấy chị lần cuối. Chị đã ra đi khi mà ước mơ của chị chỉ mới bắt đầu, khi chị chỉ mới khẳng định được mình và đó cũng là lúc chị biết mình cần phải làm gì.
Ngày hôm ấy, một ngày định mệnh đối với chị. Đó là một sự mất mát quá lớn. Chị đã đi và không bao giờ quay lại. Ánh nắng của chị đã tan vào ánh hoàng hôn, thoảng theo gió và cùng lượn với muôn cánh chim.




Tốt nghiệp trường Đại học Ngoại Ngữ, có một việc làm ổn định, chị không khỏi suy nghĩ khi chứng kiến những người dân lao động phải bán mặt cho đất bán lưng cho trời. Và chị cũng thế, chị cảm thấy mình không khác gì một con rô bốt để họ sai khiến. Chị đã nghĩ thế và chị buồn rất nhiều.



Chị ra đi và mang theo ước nguyện còn dở dang. Có ai thấu hiểu được nỗi lòng của chị? Ai biết chị đã khổ biết bao nhiêu, khóc biết bao nhiêu khi chứng kiến những người dân làm việc vất vả. Ngay cả chị chị cũng chẳng biết mình làm vì đam mê hay là vì quy luật cuộc sống.



Tôi muốn gửi những lời chưa nói để nàng gió mang đến bên chị: "An tâm chị nhé! Em sẽ tiếp tục hoàn thành ước mơ của chị!"

Phong cảnh Sài Gòn
















Thứ Hai, 16 tháng 3, 2009

Mời bạn đọc tham gia Cuộc thi viết "Góc nhà bình yên" 2009

Mời bạn đọc tham gia Cuộc thi viết "Góc nhà bình yên" 2009

Để tạo điều kiện cho mọi người có những giây phút nhìn lại cuộc sống gia đình mình, những khoảnh khắc hạnh phúc đáng nhớ, những kỷ niệm đầm ấm đã diễn ra trong ngôi nhà của mỗi người… ban biên tập báo Tuổi Trẻ quyết định mở cuộc thi "Góc nhà bình yên" 2009.

1. Chủ đề: chủ đề cuộc thi “Góc nhà bình yên" 2009 là những câu chuyện có thật đã, đang xảy ra trong mỗi gia đình, mỗi tổ ấm... Đó là những câu chuyện đời thường về mối quan hệ vợ chồng, cha mẹ - con cái, về sự gắn bó giữa các thành viên trong gia đình. Đó cũng có thể là những kỷ niệm sâu sắc gắn với ngôi nhà của bạn, để lại “dấu ấn” trong cuộc đời mỗi người…

2. Đối tượng tham gia: tất cả bạn đọc đều có thể tham gia.

3. Thể lệ: bài dự thi có độ dài khoảng 1.000 chữ, chưa đăng trên các phương tiện thông tin đại chúng. Ưu tiên những bài viết có kèm ảnh liên quan đến câu chuyện.
Người viết có thể sử dụng bút danh, nhưng cần cung cấp đầy đủ họ tên thật, địa chỉ liên lạc, số điện thoại và email (nếu có).

4. Giải thưởng:

* Giải thưởng cho bài hay nhất hằng tháng: 5 triệu đồng.

* Giải thưởng chung cuộc:

- 1 giải nhất 12 triệu đồng.

- 5 giải nhì, mỗi giải 8 triệu đồng.

- 5 giải ba, mỗi giải 4 triệu đồng.

- 10 giải khuyến khích, mỗi giải 2 triệu đồng.

Những bài được chọn đăng trên Tuổi Trẻ sẽ có nhuận bút.

5. Thời gian nhận bài dự thi: từ 15-3-2009 đến hết ngày 15-10-2009. Kết quả cuộc thi sẽ được đăng trên Tuổi Trẻ vào giữa tháng 11-2009. Lễ tổng kết và trao giải sẽ được tổ chức vào đầu tháng 12-2009.

6. Địa chỉ nhận bài: bài dự thi xin gửi về tòa soạn Tuổi Trẻ, 60A Hoàng Văn Thụ, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM. Ngoài bì thư ghi rõ “Bài dự thi Góc nhà bình yên 2009”. Hoặc email: 360yeu@tuoitre.com.vn.

Rất mong được bạn đọc hưởng ứng và tham dự cuộc thi.

BÁO TUỔI TRẺ

Chủ Nhật, 15 tháng 3, 2009

Câu lạc bộ Sáng tác trẻ Phú Yên





















Lời Con Gái muốn nói…


Lời Con Gái muốn nói…


VŨ THỊ HUYỀN TRANG


“Dạo này trời lạnh lắm, đi ra ngoài đường lúc nào cũng phải mặc thêm áo ấm, kẻo về lại sụt sịt không học bài được nghe con”… đấy là những lời mà ba luôn dặn dò Con Gái qua điện thoại vì cả con và ba đều ở xa nhau…




Ba đi làm xa từ khi Con Gái mới học lớp 2 thôi. Hồi đó Con Gái ngây thơ không biết ba đi làm vất vả để có tiền nuôi con ăn học. Thế nên Con Gái vẫn cứ vô tư sống, vô tư cười. Lòng con trẻ nhỏ dại hay chạnh lòng khi nhìn bạn bè lúc nào cũng có ba đưa đón…




10 năm qua nhanh như thoáng chốc. Con Gái giờ đã 17 rồi đấy. 17 trẻ trung, yêu đời và đầy sinh lực. 10 năm ba vẫn đi làm xa. Con Gái và ba vẫn thường gặp nhau qua điện thoại. Cuộc trò chuyện nào ba cũng nhắc đi nhắc lại lời dặn dò ấy khiến con có thể thuộc lòng.




Con Gái học xa nhà chuyện tiền nong bao giờ cũng khiến con suy nghĩ nhiều nhất. Nhà mình khổ nên ba phải đi làm xa. Những lần nhận tiền ba mẹ gửi, con thấy nghèn nghẹn, xót xa nên không dám chi tiêu nhiều.




Con Gái rất yêu và tự hào về ba. Dạo này trời lạnh Con Gái lại thưong ba làm xa bên đó, không biết có bệnh không. Khuôn mặt ba sạm đen vì nắng gió, đôi mắt sâu, mệt mỏi, ánh lên bao nỗi lo toan. Ba hay đùa: “Cơ thể ba xuống cấp rồi, bây giờ nó chẳng chịu nghe lời ba nữa, cứ đau nhức hoài”. Nước mắt Con Gái tự lúc nào chảy dài, đăng đắng. Con Gái quay đi khóc một mình. Bao nhiêu dằn vặt lẫn yêu thương giờ tuôn trào khiến Con Gái không ngăn lại được. Ba cười nói với cả nhà, hình như bao lo toan, vất vả không còn nữa. Ba vẫn là ba của cái thời con học lớp 2, lúc nào cũng làm cho mọi người cảm thấy yên tâm và vững chãi. Có ba ở nhà, con như thấy được cái rộng lớn của một bóng mát chở che cho cả gia đình.




Con gái 17 rồi, đã hiểu những khổ cực của ba mẹ, thấy thương ba thương mẹ thật nhiều. Con Gái lúc nào cũng tự nhủ phải cố gắng học và sống thật tốt để ba yên lòng.
Kính yêu ba!

Tiếng rao

Tiếng rao

NGUYỄN THỊ KIM CHUNG

11 Sử Địa, THPT Lương Văn Chánh



Giữa trưa hè nắng cháy

Ai đó cất tiếng rao

Tiếng rao của phiên chợ muộn

Phiên chợ người mua không đi


Mà người bán đem đến tận nhà

Đi qua từng ngõ phố

Trong cái nắng hạ

Rát bỏng da.


Mẹ ta cất tiếng rao khan cả cổ

Tiếng rao lam lũ cả một đời

Mớ cá rô, rau chua trong rổ

Cũng thuộc lòng tiếng rao ấy bên chiếc nón cơi.

Lắm khi muốn giành mẹ một bữa rao

Giọng con thanh lắm

Mẹ ở nhà nghỉ

Con rao bán mớ cá đồng

Nhưng trong lòng

Không sao cất tiếng được

Vì khi con ê a:

Ai mua cá?

Là nghẹn dòng nước mắt

Mẹ ơi khổ thế tiếng rao một đời...

Yêu nháp

Yêu nháp
TRUYỆN NGẮN CỦA NHÀ VĂN ĐOÀN THẠCH BIỀN


Hai mươi mốt tuổi mà chưa biết yêu thì đúng là “anh em ruột thịt” với con cù lần. Nhưng con cù lần là con gì há? Bạn khỏi phải mất công vào sở thú tìm kiếm nó. Bạn cứ nhìn mặt tôi thì rõ. Thật đáng buồn, tôi đã giống y chang con vật lù khù đáng ghét đó.

Nếu trong một kỳ thi vấn đáp, giáo sư hỏi tôi :

- Yêu là gì?

Ðối với một sinh viên khoa Văn năm thứ hai như tôi, câu trả lời dễ dàng như ăn ớt Ðà Lạt.

- Dạ thưa thầy, theo thi sĩ Xuân Diệu: “Yêu là chết trong lòng một ít”. Còn theo tự điển Tiếng Việt của nhà xuất bản Khoa học Xã hội, trang 893: “Yêu là cảm thấy gắn bó, trìu mến, hài lòng, thích thú, say mê... với người hay vật có sức mạnh thu hút”.

Trả lời đúng bài bản như thế chắc chắn tôi sẽ được điểm 10. Nhưng nếu giáo sư hỏi tiếp :

- Làm thế nào yêu được và được yêu?

Tôi sẽ đứng gãi đầu một hồi rồi đành chịu điểm 0. Bởi lý thuyết về tình yêu, tôi đã học thuộc lòng rất nhiều từ sách vở. Nhưng thực hành thì... chưa bao giờ.

Bạn đừng hiểu lầm tôi là một kẻ nhát gan, sợ “chết ở trong lòng một ít”. Không đâu. Nếu yêu là bắt buộc phải “chết luôn tại chỗ”, tôi mới ớn lạnh xương sống và lắc đầu quầy quậy từ chối. Còn chết “một ít” thì có gì đáng sợ. Ai trong chúng ta mỗi ngày không chết “một ít” trong cõi đời 100 năm này?

Còn “Cảm thấy gắn bó, trìu mến, hài lòng, thích thú, say mê... với vật có sức mạnh thu hút”, thì tôi đã cảm thấy rõ ràng rồi. Tiền luôn luôn là vật có sức mạnh thu hút tôi kỳ lạ. Như vậy tôi đã hội đủ những điều kiện “ắt có và đủ” để yêu. Vậy mà đến bây giờ tôi vẫn chưa được biết hương vị của tình yêu. Thế là thế nào? Tại trời đất quá bất công với tôi hay tại tất cả những cô gái đã đối xử quá bất công với tôi?

Sau bao nhiêu ngày tự gãi đầu để suy nghĩ đến nỗi rụng cả một mảng tóc, tôi vẫn không sao giải đáp nổi những thắc mắc trên. May thay tôi chợt nhớ ra câu ông bà đã dạy: “Học thầy không tày học bạn”. Tôi vội đi đến “gãi đầu” Cường, một bạn thân học cùng lớp. Cường nổi tiếng “đắt đào” ở trường đời nên tôi tin hắn sẽ giúp tôi “gỡ rối tơ lòng” dễ dàng hơn, nhanh chóng hơn và hiệu quả hơn các vị giáo sư vốn nổi tiếng ở trường học.

Cường đang ngồi vừa đàn vừa hát ở trong nhà, thấy tôi hớt hải, chạy vào không thèm gõ cửa, hắn bỏ đàn xuống bàn, hỏi :

- Có chuyện gì mà nghiêm trọng vậy?

Tôi vừa thở vừa nói nhát gừng.

- Tối... nghiêm trọng. Tối... nghiêm trọng.

Cường rót một ly nước đầy đưa cho tôi.

- Uống cho mát cổ họng rồi hãy nói.

Tôi uống ực một hơi hết ly nước đầy rồi ngồi xuống ghế, bình tĩnh nói :

- Cậu hãy giúp mình giải đáp thắc mắc này.

- Ðề thi ở trường à?

- Không. Ðề thi ở đời: Làm thế nào để yêu được và được yêu?

Cường nhìn thẳng vào mắt tôi, hỏi :

- Cậu định “diễu” mình hả?

- Diễu gì? Mình hỏi thật lòng.

Cường nhíu mày suy nghĩ một lúc rồi nói :

- Khi làm bài thi ở trường, cậu thường viết thẳng vào giấy thi hay làm bài nháp trước đã.

- Thi cử là chuyện quan trọng bậc nhất của đời sinh viên, nên phải làm bài nháp cho chắc ăn rồi mới chép sạch sẽ vào giấy thi.

Cường nghiêm mặt nói :

- Tình yêu cũng là chuyện quan trọng của một đời người, nên cậu phải tập “yêu nháp” trước khi yêu thật.

Tôi trố mắt hỏi :

- Cậu định “diễu” mình hả?

- Diễu gì. Mình nói thật lòng.

- Nhưng cũng phải hiểu biết chút chút mới “nháp” được chớ.

- Chẳng có gì khó hiểu cả. Nhà cậu có mở cửa thì nắng gió mới vào được. Trái tim cậu có “mở cửa” thì tình yêu mới len lỏi vào được.Tôi liền cởi hai nút áo để phanh lồng ngực.

- Tưởng gì chứ “mở cửa” thì dễ quá rồi.

Tôi vui vẻ bắt tay Cường ra về, lòng hí hửng như người ta chụp trúng cái đuôi của chân lý.

Sau một thời gian tình nguyện mở cửa trái tim, tôi đã chẳng thấy một người đẹp hay xấu nào bước vào mà chỉ có nắng gió, khói xe và bụi bặm bay vào làm tôi ho muốn bể lồng ngực. Tôi lại phải đến “gãi đầu” Cường. Hắn ôm bụng cười chảy nước mắt rồi nói :

- Cậu mở cửa trái tim như người ta mở một cái bẫy chuột. Vậy cô nào dám bước vào.

Tôi đỏ mặt cãi lại.

- Trái tim tôi đã chụp X quang. Bác sĩ nói cũng bình thường như mọi người. Sao cậu dám nói nó giống cái bẫy chuột?

- Cần gì phải chụp X quang. Cứ nhìn cậu đối xử với những cô bạn trong lớp là mình rõ. Cậu còn “tự ái” nhiều quá: Nghĩa là còn tự yêu mình nhiều quá nên chẳng còn chút tình yêu nào dành cho người khác. Mà tình yêu phải luôn luôn hướng đến người khác. Nếu chỉ yêu chính mình thì khác chi con rắn tự cắn đuôi nó, làm sao tiến lên được. Cậu đã bao giờ mời một cô bạn gái đi uống nước, nghe ca nhạc, dự sinh nhật của nàng? Hay cậu chỉ biết giương mắt nhìn người ta rồi ăn uống một mình?

Tôi gật đầu nói :

- Cậu có lý. Mình sẽ tập “yêu nháp” lại.

Nghe lời Cường, ngay buổi chiều hôm đó, sau khi tan học, tôi đã mời mười cô bạn cùng lớp đi uống nước dừa xiêm. Mười cô đều nói cười, trò chuyện vui vẻ với nhau và tôi cũng vui vẻ lây. Chiều hôm sau, mười cô khác. Rồi chiều hôm sau nữa, mười cô khác. Rồi chiều hôm sau nữa, mười cô khác. Vậy là tôi đã làm nhiệm vụ chiêu đãi nước dừa tất cả các cô bạn trong lớp, không bỏ sót một ai. Xong chầu nước dừa, đến chầu hủ tíu Nam vang. Ði coi đại nhạc hội. Rồi gửi quà tặng sinh nhật của mỗi cô...

Tôi đã luôn luôn bù đầu lo “hướng đến người khác”, như Cường chỉ bảo. Nhưng sao tôi vẫn chưa cảm thấy hương vị ngọt ngào của tình yêu? Trái lại tôi chỉ cảm thấy xây xẩm mặt mày khi nhìn vào sổ chi tiêu cho đợt tập yêu này, tốn hết 242.150 đồng (chưa kể tiền gửi xe gắn máy). Trời đất! yêu người khác mà tốn kém dữ như vậy, chắc tôi đành tự yêu tôi cho đỡ tốn hơn.

Một hôm thấy mặt mũi tôi ỉu xìu như cái dầu cháo quảy nhúng vô tô nước lèo nguội ngắt, Cường vỗ vai tôi hỏi :

- Cậu đã yêu được cô nào chưa?

Tôi lắc đầu ngao ngán thở dài.

- Yêu mất... nhiều quá.

- Cậu sợ mất thì giờ hay mất tự do?

- Không. Mất tiền nhiều quá. Mình đã phải bán cái máy cassette nghe nhạc để chi tiêu cho việc “yêu nháp”.

Tôi móc túi lấy sổ chi tiêu hàng ngày đưa cho Cường coi. Hắn đọc xong rồi bật cười.

- Trời ơi! Làm gì có chuyện tình yêu tập thể. Cậu hãy chọn lấy một cô trong số ba mươi cô trong lớp. Yêu nhiều người cùng một lúc là kể như chưa yêu ai. Ðấy không phải là tình yêu. Ðấy là tình bạn hay tình... đồng bào. Cậu hãy ráng tập yêu một người. Chỉ một người mà thôi.Nghe lời Cường, tôi mở căng mắt quan sát những cô bạn trong lớp để cố tuyển chọn lấy một cô. “Chỉ một cô mà thôi”. Cuối cùng tôi đã tự bỏ phiếu chọn Tuyết Sương. Lý do: Sương học hành cũng làng nhàng như tôi, cao cũng bằng tôi, ốm cũng bằng tôi. Nếu hai người tay cầm tay đi dạo phố thì thật xứng đôi vừa lứa, hệt như một đôi “đũa tre xuất khẩu”. Nhưng điều quan trọng là nàng cũng có xe gắn máy như tôi. Như vậy xe ai nấy lái, hồn ai nấy giữ. Nếu rủi ro có bị tai nạn xe cộ, không ai có thể đổ lỗi cho ai.

Sau khi mời Sương đi uống cà phê máy lạnh, tôi mời nàng đi ăn miến cua tô đặc biệt rồi mời nàng đi xem phim “Tình là...”. Trong rạp chiếu bóng tôi đã mạnh dạn cầm tay nàng rồi hôn lên cánh tay nàng. Và Chúa ơi, thật sung sướng cho tôi, nàng cũng đã mạnh dạn hôn đáp lại lên... đầu tôi.

Dù hằng ngày gặp nhau trong lớp, chúng tôi vẫn viết thư tình gửi cho nhau kẹp trong những cuốn sách giả đò cho nhau mượn, vừa bảo đảm đến tay người nhận vừa đỡ tốn tiền mua tem. Cứ như thế tình yêu của tôi kéo dài được 2 tháng 27 ngày rưỡi.

Chiều nay, buổi học cuối năm, tôi đã nhận được thư nàng. Tôi nghĩ chắc nàng mời mùng một Tết năm nay, tôi đến xông đất nhà nàng. Rồi chúng tôi cùng đi đến Lăng Ông xem đá gà, đi hội chợ vui xuân thảy vòng vào đầu vịt, đi xem đại hội tấu hài để suốt năm cùng cười...Buổi tối về nhà, cơm nước xong, tôi vào phòng đóng kín cửa lại, hút một điếu thuốc thơm rồi chậm rãi mở thư nàng ra đọc.

Anh Biền thân mến,

Cám ơn anh rất nhiều trong ba tháng Sương tập yêu. Nhờ vậy Sương tìm đưọc người yêu đích thực của mình, 28 Tết này, gia đình anh ấy sẽ đến làm lễ dạm ngõ nhà Sương và đến hè sang năm sẽ làm đám hỏi.Vậy Tết này Sương đã là một người khác, không thể đi chơi vui Xuân với anh được. Mong anh thông cảm.

Một lần nữa xin thành thật cám ơn anh đã giúp Sương biết tình yêu đích thực là gì? Sương mong khi đám cưới của Sương sẽ không vắng mặt anh.

Thân chào anh

SƯƠNG

Trời đất! Không ngờ tôi đã vô tình giúp nàng hoàn tất xuất sắc giai đoạn “yêu nháp”. Còn tôi đến bao giờ mới chấm dứt giai đoạn hắc ám đó đây? Hay suốt đời, tôi chỉ là một kẻ tập yêu? Như vậy mùng một Tết năm nay tôi sẽ đi đâu?

Chắc các bạn nghĩ tôi là người cao thượng, tôi sẽ đến nhà Sương chúc mừng hạnh phúc của nàng. Không đâu. Tôi chỉ cao có 1m50. Tôi chẳng dại gì bắt chước người cao 1m80, với đến những gì ở tầm cao trên 2 mét, để rồi té ngã gây chân càng lùn thêm.

Mùng một Tết năm nay, tôi sẽ đi... vào sở thú. Tôi sẽ nhờ một người thợ chụp hình màu tôi đang đứng bắt tay chúc mừng năm mới một chú cù lần. Bạn đừng nghĩ bị thất tình rồi tôi đâm ra bi quan. Không đâu. Tôi đang rất lạc quan yêu đời. Không có tình yêu thì tôi cũng có “tình anh em ruột thịt”. Tôi đâu đã cô đơn như một số người khác mà bạn phải chia buồn.

Nắng ban mai

Nắng ban mai


ĐÀO THỊ KHÁNH DUY


Nắng ban mai khẽ lướt ngang ô cửa

Thoáng giật mình em choàng tỉnh giấc mơ

Gió lao xao gọi mời hương ngày mới

Hạt sương đêm nấp vội cánh hoa hồng.


Nắng ban mai nô đùa trên đường phố

Nghịch ngợm vuốt từng sợi tóc ai

Tà áo trắng bay bay nhu mì quá

Chạm vào ai ánh mắt say nồng.


Nắng ban mai yên bình và trong trẻo

Tựa hồn em e ấp tinh khôi

Chào ngày mới, ai thẹn thùng ngơ ngẩn

Ta bắt đền lỗi tại nắng mai...

Thứ Bảy, 14 tháng 3, 2009

Hành trình sau lưng bố

Hành trình sau lưng bố




CAO THỊ KIM THOA



Như bao lần đi xa, hôm nay con lại bắt đầu cuộc hành trình phía sau lưng bố.



Con chẳng thể nhớ nổi con đã quen với tấm lưng của bố tự bao giờ. Theo năm tháng bố vẫn luôn dẫn con vào đời bằng tấm lưng ấy. Con đến trường, tấm lưng vững chãi của bố như một thiên thần hộ mệnh đem lại may mắn cho con mỗi lần đi thi. Cho đến tận bây giờ với con nó vẫn mang thiên chức ấy.



Lũ bạn con hay kể về những ông bố tuyệt vời của chúng . Như ông bố nghệ sĩ của cái Trang, ông bố tâm lý của Trà My, ông bố vui tính của cái Vi... Bố của con thì khác, nếu chẳng phải có việc gì cần thiết thì hầu như con và bố ít trò chuyện với nhau. Đó cũng chính là lý do mà cuộc hành trình sau lưng bố với con chỉ toàn im lặng. Bố con mình trò chuyện bằng một thứ ngôn ngữ đặc biệt – ngôn ngữ không lời. Và dường như thứ ngôn ngữ ấy nó dào dạt, mãnh liệt và chân thành hơn mọi thứ ngôn ngữ trên đời.



Bố có biết con luôn cảm thấy tự hào về tấm lưng của bố? Tấm lưng cho con sự bình an, yên tâm thực sự vì có bố ở bên. Đã có lúc trời mưa tầm tã, nắng như đổ lửa, những sáng sương giăng trắng xóa, những đêm mịt mù không trăng, bố vẫn không nề hà chở con đi học. Con luôn thấy vững tin khi núp dưới lưng bố. Những lúc bố phóng xe thật nhanh, con ôm bố thật chặt, chẳng phải vì con sợ hãi mà vì con muốn bố hiểu rằng con gái luôn cần bố, luôn tin tưởng tuyệt đối vào bố.



Cái cách bố dành yêu thương cho chị em con thật khác, nó không lộ liễu và vồn vã như bao ông bố khác. Bố đã quan tâm tới chúng con bằng hành động. Bố dạy chúng con bằng chính cuộc đời mình. Hồi con còn bé, bố đã từng đánh con bằng roi tre thật đau nhưng cũng chính bố là người bảo mẹ thoa dầu cho con, cái thông điệp không lời ấy đã nói lên tất cả tình yêu thương của bố dành cho con. Bố luôn chỉ cho con thấy mục đích cần đạt tới và nhắc nhở con cố gắng nhưng chưa bao giờ bố phàn nàn khi con chưa chạm đến cái đích thành công vì bố luôn tin vào sự cố gắng của con.
Là một nông dân nhưng chưa bao giờ bố ngừng học hỏi. Những tấm bằng khen nông dân sản xuất giỏi vẫn chưa là cái đích cuối cùng của bố. Vì con biết bố vẫn luôn muốn mang lại một cuộc sống thật ấm no, hạnh phúc cho vợ con.


Cái ngày con học hết lớp 9 cũng là lúc bố phải đưa ra một quyết định khó khăn: Cho con thi vào một ngôi trường danh giá. Chấp nhận cho con học ở đó đồng nghĩa bố mẹ phải nuôi con học “đại học sớm”. Vì bố không muốn con thiệt thòi như bố ngày xưa.


Con gái bố không dám chắc sẽ đem vinh quang về cho gia đình nhưng chắc chắn con sẽ không làm mọi người thất vọng. Hãy tin vào sự cố gắng của con bố nhé!


Sáng nay, con lại ngồi phía sau bố để vượt qua một chặng đường hơn 60 cây số trở lại trường học. Con lại tiếp tục cuộc hành trình phía sau lưng bố và đang chờ đợi ngày đến đích...

Nhạt nhòa


Nhạt nhòa


LÊ THỊ LỆ HẰNG



“Những cái nơ thật là đẹp! Công nhận đồ hiệu có khác, chẳng mấy khi chị Hai lại hào phóng tặng cho tôi cái áo đắt tiền thế này. Xem nào, mình cũng xinh đấy chứ...”



- Ê, “lượm” đâu cái áo đẹp rứa? Nhỏ Viên có vẻ ngạc nhiên.



- Mi hôm nay đổi đời hả? Hay là vừa biến đổi gen?



Tôi gắt:



- Con gái mà lị.



- Ôi giời ơi, hôm nay nữ yêu biến thành công chúa nên lớp mình mới được thay thầy giáo trẻ dạy


Hóa đấy.



- Bà nói cái gì cơ? Tôi tròn xoe mắt.



- Mi mà cũng quan tâm đến thầy, này, thầy trẻ lắm, hình như mới ra trường, đẹp trai khủng luôn, ôi ta xí thầy, ta xí thầy rồi đó nghe.



Khiếp! Có gì hay đâu. Nó còn đòi “xí” thầy cơ đấy, để xem thầy “bản lĩnh” đến mức nào. Những ý nghĩ nghịch ngợm của một con nữ yêu chính hiệu lại bắt đầu nảy nở trong tôi.



oOo



Thầy đến lớp trong bộ trang phục giản dị - một chiếc quần âu dài và cái áo sọc xanh da trời. Bọn con gái ré lên inh ỏi khi thầy vừa mới đi ở đầu hành lang. Tiếp theo đó là hai (chứ không phải một) tràn pháo tay kéo dài. Thầy nở nụ cười rất ư là... baby, giới thiệu đôi nét rồi tiến đến bàn giáo viên. Bọn con gái ngất nga ngất ngưởng vì sung sướng. Chỉ mỗi tôi là hồi hộp, hồi hộp đón xem màn kịch có âm mưu tầm cỡ quốc tế chuẩn bị diễn ra.



- Thưa thầy...



Thằng Tiến ở góc lớp từ từ đứng lên. Ánh mắt khó hiểu của thầy như muốn bảo: Em cứ tự nhiên. Lũ kẹp tóc thót tim lại nhìn ánh mắt hình dấu hỏi của thầy.



- Dạ, thầy cầm 5.000 của em bỏ quên trên ghế giáo viên đó ạ.



Thầy nhìn 5.000 đồng tiền giấy cũ mèm, một góc đã bị rách mất trên tay, sững sờ. Cả lớp nhao nhao: “Đâu đâu, sao thầy lại lấy tiền của nó...”



Những tiếng xầm xì bắt đầu nổi lên. Thầy gõ gõ xuống bàn sau... 5 phút lấy lại phong độ.



- À thầy định hỏi em nào bỏ quên này.



- Dạ, thầy cho em xin lại, nhà em nghèo lắm, thầy đừng lấy của em, xin thầy đừng lấy của em...



Tiếng cười vỡ òa ra trong không gian. Cả lớp cười lăn cười bò, cười chảy cả nước mắt, có đứa còn không nén nổi xúc động gõ rầm rầm lên bàn. Thầy cười méo xệch: Lớp mình vui tính quá!



Trong buổi dạy đầu tiên, thầy đã rơi vào tình thế dở khóc dở cười như vậy đấy. Chắc hẳn không nữ yêu nào lợi hại hơn tôi đâu. Gã Tiến nhìn tôi nháy mắt tinh nghịch, tôi cười rung cả ghế. Chẳng biết thầy có bắt mạch được không mà nhìn tôi lạ lùng. Không đâu, làm sao thầy có thể nhận ra thủ phạm thật sự qua một chiếc áo len hồng dịu dàng thế này cơ chứ! Thầy còn... “kém” lắm.



oOo



Bọn đệ tử của tôi dạo này khá lắm chả uổng công tôi dạy dỗ chu đáo. Để xem thầy còn “điển trai”, vui tính nữa không. Thằng Sơn ngoắc tay tôi, cả hai đứa đồng thanh yeah cho một kế hoạch mới.
Trưa tháng mười hãy còn nóng lắm. Ngày thứ hai đi dạy mà xe thầy đã bị xẹp lốp. Ai đó đã chọc thủng lốp xe của thầy (?). Thầy loay hoay. Thầy lúng túng. Mồ hôi nhễ nhại trên khuôn mặt... tương đối “dễ nhìn” của thầy. Nhìn dáng thầy dắt chiếc xe cồng kềnh giữa cái nắng chang chang mà tôi thấy... thương thương. Bỗng lúc đó, bọn con gái từ các lớp thầy dạy xúm lại quanh thầy, đứa lau mồ hôi trên trán thầy, đứa đẩy xe, đứa hò reo... Tôi cảm thấy mặt mình nóng bừng mà không hiểu vì sao. Tôi ghét thầy.



oOo



Quần jean, áo pull, một cái đuôi gà cao và đôi giày thể thao khá chuẩn cho mẫu người cá tính như tôi. Tôi mở cửa phòng và lao nhanh xuống cầu thang.



- Happy brithday to you! Happy brithday to you!



Tôi cười tít mắt, hôm nay là sinh nhật tôi mà. Năm nào cả nhà cũng chu đáo như thế này. Mẹ vuốt tóc tôi mắng yêu:



- Con gái lớn rồi, thêm một tuổi là thêm nữ tính nghe con. Con gái coi chừng ế chồng bây giờ.



Tôi nũng nịu nép vào lòng mẹ. Mẹ mà biết con mèo ngoan này tinh quái đến cỡ nào chắc mẹ xỉu mất...



- Tôi vào được chứ.



- Ôi anh Phong, vào đi! Cả nhà đang chờ anh đấy! Tiếng chị tôi vẻ mừng rỡ. Tôi quay lại. Ai thế kia? Cái gương mặt cười méo xệch bữa trước, không nói chắc mọi người cũng đoán là ai rồi. Mắt chữ O, miệng chữ A, tôi ngạc nhiên tột độ.



- Xin giới thiệu với cả nhà, đây là anh Phong, người yêu của con, người mà có lần con đã nhắc đến ạ.
Thầy cúi đầu chào cả nhà. Tôi hụt hẫng vô cùng. Thầy là người yêu của chi Hai và là anh rể của tôi ư? Một nỗi buồn man mác dậy lên trong tôi thật khó hiểu.



- Em làm gì mà ngạc nhiên dữ, cô bé. Anh tặng sinh nhật em nè.



- Thầy! Không nên gọi như vậy.



Tôi cố tránh cái nhìn của thầy.



- Sắp là người một nhà rồi, khách sáo như vậy làm gì. Đó là anh chưa tính cái tội em mặc cái áo len anh tặng chị em hôm trước. Em biết không bữa dạy đầu tiên anh cứ ngờ ngợ mãi.



Tôi cười, cũng nụ cười méo xệch như thầy hôm nọ.



oOo



Sáng đến lớp, trông tôi buồn như mụ phù thủy thất trận trong đôi dày búp bê thầy tặng. Bọn con gái xúm xít trầm trồ. Bọn con trai cười ngất ngưởng chỉ chỉ trỏ trỏ. Tôi vô cảm.



- Hạ Vi!



Thầy gọi tôi lên bảng làm bài tập. Bài tập Hóa dễ òm. Cả lớp ai cũng nghĩ điểm mười với một đứa super Hóa như tôi là bình thường. Tôi bước lên bảng, cầm viên phấn. Đôi giày làm chân tôi rát bỏng cũng chỉ vì chân tôi lớn hơn chân chị hai. Thầy có lẽ nghĩ về chị Hai – thầy đang yêu mà. Tội nghiệp mấy đứa con gái, nếu biết thầy có người yêu chắc tụi nó thất vọng lắm. Thế còn bản thân mình thì sao? Đáng nhẽ phải vui cho chị Hai, đằng này lại... thầy tệ quá, chỉ vì tôi là em gái của chị hai sao? Tim tôi đập thình thịch. Mình sao thế! Đồ con gái! Thầy chỉ được cái vẻ bề ngoài thôi. Không, thầy rất tốt bụng và đáng yêu. Sai rồi, thầy tốt cũng vì mình sắp là “người một nhà” với thầy. Nhưng thầy cũng rất cá tính! Ôi không! Tôi nhắm nghiền mắt lại, má đỏ đỏ bừng bừng... thầy ác quá!



- Hết thời gian rồi, về chỗ đi!



Tôi giật mình nhìn lên bảng - những con số lạ hoắc. Tôi đang làm gì thế này? Tái mặt. Sững sờ. Tôi đứng bất động. Cả lớp à lên kinh ngạc.



Thầy lắc đầu:



- Tệ, sao nghe nói em giỏi nhất lớp môn Hóa. 2 điểm.



Lúc ấy, tôi không hiểu mình về chỗ bằng cách nào và tiếp tục đối diện với sự thật ra sao. Giá như tôi có thể chui xuống đất. Nhưng nền xi măng vẫn cứ láng bóng như thách thức tôi. Tôi không có cánh. Nên cũng không thể bay lên trời.



... Tôi mơ hồ thấy mình đang ở một nơi bình yên, nơi mà không có chị Hai, không có gia đình và bạn bè, nơi mà thầy không thể tìm thấy tôi được. Nơi đó chỉ có bướm, hoa, tiếng nhạc ru êm và đôi giày búp bê xinh xắn...



Hy vọng, ngày mai, lúc mặt trời lên, thầy sẽ trả em về với con người thật trước đây, thưa thầy!

Thứ Sáu, 13 tháng 3, 2009

Xa vắng

Xa vắng

HOÀNG VŨ
12 Toán 2, THPT Lương Văn Chánh



Thế là hết chẳng yêu nhau được nữa
Đàn chim bỏ đi, mỏ cắp theo mùa
Dùng dằng lá giữa hai chiều phiến gió
Trong mắt chiều ngán ướt một cơn mưa



Thế là hết chẳng yêu được nữa
Lớp chia tay, bạn nghẹn nửa môi cười
Trái đất kia, ngàn triệu năm xưa cũ
Cũng không biết bao nhiêu sự sinh sôi

Thế là hết chẳng yêu nhau được nữa
Một vệt sông tối sẫm cái bóng dài
Con đò ấy biết khi nào cập bến
Để rồi chìm trước một sớm ban mai

Thế là hết chẳng yêu nhau được nữa
Cổ tích ngày xưa xin buộc cọng rơm vàng
Kỷ niệm ấy vầng trăng cất giữ
Trôi qua đời những bong bóng thời gian

Nội và con

Nội và con



PHAN MAI THƯ NHÃ



Đường về nhà nội rợp bóng màu tre dại. Bước con đi lặng lẽ chốn bình an. Xa xa là những cánh đồng thênh thang mạ non, xanh rì nhựa sống, trắng muốt cánh cò lờ lững, chập chờn như giấc mộng con ngày thơ trẻ. Bụi dúi ven đường níu tóc con bằng nhành cây gầy ốm, thoang thoảng mùi dúi chín, chợt nghe sống mũi cay cay. Màu hoa ổi rừng nhuộm hồng một khoảng trời bé nhỏ, nhuộm đỏ cả bước chân con…





Dáng nội lom khom hì hục thổi bếp. Con nao lòng đứng nhìn ngẩn ngơ, nội chẳng hay đứa cháu nhỏ xa nhà đang nghẹn ngào vì cái lưng còng xiu xíu thân quen. Bất giác con ôm chầm nức nở: “Nội ơi, con về rồi!”. Khẽ giật mình, nội xoay người nhìn con bằng đôi mắt đậm đầy vết chân chim, tha thiết và ngậm ngùi. Nội cốc đầu con mắng yêu: “Giờ mới nhớ đến tôi đấy à?” Giọng nội ấm áp thương yêu làm tâm hồn con trẻ lại, lòng con mang niềm phấn khởi dại khờ… Nhìn vào mắt con, nội hoảng hốt: “Mắc chi lại khóc!?” Nhẹ nhàng ôm lấy đôi vai gầy của nội, con thì thầm: “Con có khóc đâu, khói bếp cay xè đó chứ!” và nhẹ nhàng nhận ra con cao hơn nội thật nhiều.



Chiều nay con đi chăn trâu cùng nội. Dưới gốc đa già con xếp những bông hoa cúc dại thành chiếc vương miệng nho nhỏ, vàng dịu nắng trời. Nội cặm cụi giật những bụi cỏ mềm đút vào miệng trâu, chiếc nón tròn che cả thân hình ấy, nắng chang chang chẳng quấy được chút gì. Ôi thương quá bóng hình nội, bóng hình tồn tại mãi trong kí ức của một người cháu cả tuổi thơ gắn liền với vườn ổi sau hè, với cánh đồng bất tận, với dòng sông êm đềm trôi suốt và những câu chuyện cổ tích đong đưa niềm mơ ước của nội. Nhớ buổi trưa hè năm ấy, con nghịch dại bị té từ cây ổi cao, con nói không sao nhưng mắt nội long lanh màu lo lắng. Từ đó con bên nội những chiều nhóm bếp, những sáng ra đồng và những trưa hè êm ả. Cứ thế tuổi thơ con trôi qua thanh thản, nội hiền hoà theo từng bước con đi…



Bây giờ xa lắm rồi thời thơ trẻ, nhưng…con vẫn bên nội. Con kéo nội vào gốc đa, nhẹ nhàng: “Nội ngồi im nha, con tặng nội cái này!”, và con cài chiếc vương miệng bằng hoa cúc dại lên mái tóc bàng bạc khói sương của nội. Nội ngỡ ngàng một phút rồi mỉm cười tháo chiếc vương miệng cài lên tóc con. Nhìn cô cháu gái xinh xắn, nội bật cười: “Con giống nàng công chúa lắm!” Nụ cười móm mém thương yêu.







Thứ Ba, 10 tháng 3, 2009

Lời thì thầm của hương



Lời thì thầm của hương



HOÀNG PHỤNG THUYÊN



Mỗi buổi sáng thức dậy, khẽ nhón chân mình bước ra khu vườn nhỏ tràn đầy hương hoa. Em tự ước mình sẽ là nàng công chúa nhỏ và hoàng tử sẽ bước ra từ những bông hoa thanh tú ấy.



Trên tay chàng là chiếc giày thủy tinh lấp lánh nhưng rồi chiếc giày bỗng... vỡ òa trong nắng. Em luôn mơ mộng thế đấy vì khi được ở bên hoa em thấy mình tựa như tà áo trắng của tuổi học trò. Hồn nhiên, vô tư, không lo nghĩ chuyện gì. Em yêu hoa, yêu những gì mà hoa dâng đến cho đời.



Em thường hay đố anh biết người yêu hoa và người thích hoa có khác nhau không? Có đấy, rất khác là đằng khác. Người thích hoa thì chỉ muốn hoa thuộc về mình mà vô tình để hoa tàn đi theo năm tháng, còn yêu hoa thì luôn lo lắng, chăm sóc cho hoa để vẻ đẹp ấy sẽ đi vào vĩnh hằng. Hãy trân trọng em nhé, vì em cũng giống như hoa, mong manh và tinh khiết. Em yêu hoa không hẳn vì hương vì sắc mà em yêu những lời thì thầm của hương hoa.



Đừng bảo có loài hoa không hương, có cả đấy chỉ là do tùy thuộc vào tâm hồn người thưởng hoa mà thôi. Em có khờ không khi rung động trước vẻ rụt rè nhút nhát của nàng hoa mắc cỡ hay chỉ là đóa cúc dại ven đường. Em có vô tư quá khi cười giòn tan trong nắng vì được ai đó tặng đóa hồng nhung kiêu sa. Còn bây giờ em đang chìm mình vào những làn hương dịu nhẹ, mở cửa trái tìm mình để chiêm ngưỡng những sắc hoa.



Những sắc hoa phải chăng là những sắc cầu vồng với bảy sợi chỉ màu nối kết bảy vạn bảy trăm bảy mươi bảy nghìn trái tim của những người đang yêu, sắp yêu và sẽ yêu. Là khắc sâu trong trái tim mỗi người những chữ: ta yêu em.

Nguyện ước nào cho mẹ…

LẠI THỊ NGỌC THƯ

*21 tuổi, hiện đang là sinh viên năm 2 Khoa Ngữ Văn, Trường ĐH Quy Nhơn.

*Là thành viên tích cực trong CLB Văn Nghệ Trẻ của Trường ĐH Quy Nhơn.
*Ước mơ: làm cô giáo ( để được mặc áo dài ^_^).
*Câu nói yêu thích: " Ở đâu có nhiều lời hoa mỹ, ở đó không có tình yêu chân thật".


Đôi lời: Mình được thừa hưởng niềm đam mê văn học từ bố, nên mình đến với văn chương từ rất sớm.Với mình, văn là những âm vọng từ quá khứ, là dáng mẹ hao gầy, là mái tóc ba điểm bạc, là tiếng tơ lòng rung động khi bắt gặp câu nói của "ai đó": "nghĩ về em thật nhiều...". Mỗi bài viết là một chiêm nghiệm. Văn của mình luôn có dáng dấp của nỗi buồn. Có khi đó là cả tâm sự của mình lúc bế tắc mà mình không thể tỏ cùng ai...

Nguyện ước nào cho mẹ…



LẠI THỊ NGỌC THƯ




Gửi đến Mẹ thân yêu...




Có ai đó nói rằng con người cầu nguyện Thượng Đế cho mình một Thiên Thần và Thượng Đế đã cho con người có Mẹ! Tôi tin điều đó lắm. Khi tôi hỏi bất kì một ai rằng: "Mẹ bạn nấu ăn ngon không?" thì câu trả lời sẽ là: "Mẹ tôi nấu ăn ngon lắm!" - một lời khẳng định hùng hồn và đầy tự hào mà gần như tôi chưa bao giờ gặp phải ngoại lệ.



Trong con mắt của những đứa con, hình ảnh người Mẹ thường gắn liền với căn bếp ,với những bữa ăn ngon và dù con còn bé xíu hay đã lớn khôn trưởng thành thì Mẹ vẫn luôn là người đầu bếp tuyệt vời nhất.Chỉ vì đơn giản một điều: Mẹ là người duy nhất trên đời hiểu rõ khẩu vị của con. Là người duy nhất có thể nấu những món ăn mà con thích theo cách riêng của con. Vâng! Chỉ Mẹ mà không ai khác...



Tôi còn nhớ như in trong những chuyến đi chơi của bố con tôi, đều vắng một người: đó là Mẹ. Trong những ngày Tết rộn ràng, Mẹ luôn là người ở nhà để bố con tôi đi chơi. Và khi bố con tôi trở về, lúc nào Mẹ cũng đang nấu cơm và chờ bố con tôi. Bố tôi thích đưa thằng em tôi đi theo trong những chuyến đi chơi dài ngày mà trường bố tổ chức. Có lần đi chơi biển với bố về, nó chạy ào vào nhà bếp và ôm lấy Mẹ. Tôi chợt hiểu rằng: Ừ,biển của Mẹ là nhà bếp!



Bây giờ, tôi đi học xa nơi xứ người. Buổi sáng phải vào học sớm, tôi chưa kịp ăn sáng. Ngồi gặm miếng bánh mì khô khốc. Tôi bỗng thèm lắm bát cơm cá kho của Mẹ, mà nghe nước mắt chấp chới trên mi. Tôi muốn khóc quá đỗi! Bởi vì chỉ cần cơm của Mẹ nấu thì một quả trứng luộc cũng thành ngon!



Mẹ luôn ở bên tôi trong những lúc tôi gục ngã. Và kể cả những lúc không còn ai trên đời này bên tôi, thì Mẹ vẫn âm thầm sát cánh bên tôi và nâng tôi dậy. Như mọi người,Thượng Đế cũng cho tôi một thiên thần: đó là Mẹ. Nhưng ngày 8/3 này liệu tôi có thể lần đầu tiên nấu cho Thiên Thần một bữa thật ngon không? Ngon như những bữa cơm ngày xưa và bây giờ Thiên Thần vẫn mang đến cho tôi?

Chợt



Chợt




NGUYỄN THỊ THANH SANG
12C, THPT Lê Thành Phương





Tự nhiên đậm nhạt bất ngờ
Sắc màu muôn lối trải bờ mắt nâu
Khi thì lách tách mưa ngâu
Lúc nồng sực cái nhìn đầu xuyến xao
Khép hờ lại thấy chiêm bao
Mờ mờ ảo ảo ngôi sao khó gần
Với tay nắm lấy một phần
Chợt bâng quơ, chợt tần ngần hỏi trăng
Giữa khuya níu cái dùng dằng
Sợ người phản đối can ngăn giấc nồng
Chút tình gửi cõi thinh không
Sân si xin ném vào dòng hư vô.


Thứ Bảy, 7 tháng 3, 2009

Truyện ngắn Đào Trung Uyên

Đào Trung Uyên

*24 tuổi, hiện đang là phóng viên của T/c Thế Giới Tiêu Dùng Tp.Hồ Chí Minh.
*Cựu học sinh trường THPT Nguyễn Huệ (2000-2003).
*Là học sinh đầu tiên ở Phú Yên đoạt giải nhất quốc gia môn Văn.
*Đoạt nhiều giải thưởng trên các báo Tuổi Trẻ, Áo Trắng, Mực Tím…
Truyện ngắn ĐTU không có cốt truyện gay cấn, li kì mà thường dẫn dụ người đọc bằng một thứ ngôn từ giản dị, đậm chất thơ, rất duyên, cực kỳ thông minh và dí dỏm.


“Thưa má, con mới về!”

ĐÀO TRUNG UYÊN
(Giải ba cuộc thi Truyện rất ngắn Báo Mực Tím 2008)



Nhỏ thèm chạy vù từ Sài Gòn về miền Trung mỗi khi stress. Về quê có má lo cơm ngày ba bữa ngon hơn bất cứ hàng quán nào. Ngồi bẹp dưới nền xi măng mát rượi, nhỏ chống chân phải lên, nhóp nhép nhai cơm, mắt dán vô ti vi. Má vừa gắp thức ăn chất vào chén nhỏ vừa hăm he: “Mày ăn kiểu gì từ chuối trồng đến chuối trổ mà chưa xong dzậy con?” Nhỏ thích lắm cách mắng yêu của má.

Về quê, cái đầu nhẹ tưng, không nghĩ đến chuyện học chuyện thi. Sáng, tung tẩy đi tắm biển, khèo khèo trái bóng chuyền vài cái cho có chút dáng thể thao. Chiều, chạy ào xuống biển thả diều, gặm xoài, hít hà dĩa ốc hấp sả. Tối lại tíu tít bạn bè. Nhiều lúc má trách: “Mày đi đứt bóng. Má sinh mày đâu phải năm ngựa mà đi dữ dzậy!”

Giờ, nhỏ thèm về quê để được nắm tay má xem gân nổi nhiều hay ít, lụi hụi khua nồi niêu nấu cho má tô canh chua, khuấy cho má li sữa hay cọc cạch đạp xe chở má đi dạo biển... Nghĩ vậy, nhỏ thấy mình hiếu thảo quá chừng!

Vậy là nhỏ được về quê thật. Nhỏ ào vào như bão, vòng tay ngọt xớt:

- Thưa má, con mới về!

Má mừng rối rít. Nhưng cái chân của nhỏ không chịu ngồi yên. Nhỏ lại líu ríu với bạn bè suốt cả ngày. Má nấu cơm. Nhỏ chưa về. Má dọn cơm. Nhỏ chưa về. Má bốc điện thoại gọi. Nhỏ nói vội:

- Má ăn trước nghen. Chắc con về trễ lắm.

Tối mịt nhỏ về. Mệt phờ sau chuyến đi, nhỏ lăn ra ngủ. Chập chờn nhận ra như có tay má vuốt tóc, đắp cho cái mền. Hôm sau, điện thoại nhỏ lại reo như chim hót với những cuộc hẹn. Đến ngày quay lại Sài Gòn, nhỏ vòng tay ngọt xớt:

- Thưa má, con đi!

Được chục bước, nhỏ ngoái nhìn nhà mình. Ngôi nhà nhỏ giữa gió biển lồng lộng. Nhỏ thót bụng nhớ ra tô canh chua nhỏ chưa nấu, li sữa nhỏ chưa khuấy, cả chuyến đưa má dạo phố bằng xe đạp cũng chưa... Má ơi! Con xin lỗi... Đợi con đến kì nghỉ sau nghen má? Má chẳng nghe thấy đâu vì nhỏ nói rất thầm. Má vẫn còn đứng bên cửa nhìn theo, hình như má đang đưa tay chùi nước mắt.

Thứ Sáu, 6 tháng 3, 2009

Con gái và những ưu thế...

Con gái và những ưu thế...


CHÂU THỊ PHƯƠNG DIỆU
12A3, THPT Trần Quốc Tuấn




Ai bảo làm con gái là không tuyệt nào. Này nhé: Con gái mà có lúm đồng tiền sâu như thung lũng gì trên Đà Lạt í, lại kèm theo nụ cười duyên này, đôi mắt huyền lúc nào cũng long lanh này. (Suỵt!) Phái nam nhà ta cũng phải chết dài dài ấy chứ.



Mà nói thật mấy chàng cũng rất là “hư”. Cứ chạy theo sau con gái trêu ghẹo hoài, đến khi nào các nàng nổi giận lên mới thôi. Bọn con trai ấy à, hễ trông thấy một nàng nào đó xinh xinh một tý là cậu này nháy mắt cậu kia, cậu kia vỗ vai cậu nọ, cậu nọ ra hiệu cho một cậu khác nữa. Và thế là không ít những cặp mắt “trộm liếc” làm việc cật lực đến nỗi nàng ta ngượng đỏ cả mặt.



Cánh con trai hay bảo con gái chanh chua, hờn dai, bệnh nắng mưa thời tiết. Thật ngộ nói thì nói vậy mà có chàng nào không thích đưa đón, năn nỉ, dỗ dành và ao ước được làm vừa lòng bạn gái kia chứ.


Còn nữa nè! Con gái có mái tóc dài, buộc lên, xuyến thêm vài cái nơ nhỏ xíu trông xinh ơi là xinh. Dù xúng xính trong một bộ váy thật điệu, tha thướt trong tà áo dài hay giản dị với chiếc quần tây các bạn nữ bao giờ cũng làm cho các bạn nam ngơ ngẩn. Cánh mày râu có muốn cũng không được đâu nhé!


Vậy nên được làm con gái thật là thích phải không các bạn.

Mẹ tôi

Mẹ tôi


TRẦN THỊ MỸ NINH

12C, THPT Lê Thành Phương


Một đời vất vả lo toan

Mẹ mong con được cơm ngon, áo lành

Cầu cho con được thành danh

Ước mơ của mẹ có thành... trong tôi?


Bao nhiêu nước mắt, mồ hôi
Mẹ đem nhuộm nắng cho môi tôi hồng
Mẹ là con của nhà nông
Con làm cây lúa dòng sông nặng đầy.


Bao nhiêu tuổi bấy nhiêu ngày
Bóng trăng qua cửa đã gầy guộc thêm
Và hàng cây đã lớn lên
Lá xanh như thuở màu trên vườn nhà.

Con xin làm hạt phù sa
Chảy về phía mẹ, phía cha ngược dòng
Con đò mắc nợ dòng sông
Còn tôi mắc nợ trời hồng bao la...

Gửi mẹ

Gửi mẹ


NGUYỄN THỊ HỒNG DIỄM

11D, THPT Ngô Gia Tự



Lại một đêm nữa con nghe tiếng mẹ thở dài, rất khẽ, tựa hồ như sợ con nghe thấy. Trằn trọc, con nhè nhẹ trở mình, ngọn gió lành lạnh nơi đâu chợt lùa vào làm con bừng tỉnh. Mẹ vẫn chưa ngủ. Kể từ ngày bố đi mẹ lúc nào cũng thế, lặng lẽ như một chiếc bóng.


Con nhớ một hôm, bố trở về sau mấy tháng công tác xa nhà, dúi vội vào tay con món quà gói nơ hồng xinh xắn, hôn con rồi đi, nhanh như gió. Thế mà mẹ vẫn chẳng nói gì, không hề níu giữ bố lại. Con nhìn mẹ rồi lại nhìn theo làn khói khi xe bố nổ máy cho đến khi mất hút, cảm giác bất an chợt xâm chiếm ngập lòng. Đó là lần cuối cùng con gặp bố trong hơn một năm sau.


Thế rồi bố trở về, lần này trông bố gầy và tiều tụy đi nhiều. Con thấy lúc ra mở cửa cho bố, mắt mẹ ươn ướt rồi chợt ráo hoảnh. Mẹ hỏi bố bằng giọng nói nghẹn ngào, chua chát và cay đắng pha lẫn đứt quãng:


- Anh... anh về cái nhà này làm gì nữa?


Rồi mẹ đóng cửa mặc bố khẩn cầu, van xin mẹ tha thứ. Mẹ bỏ mặc bố ngoài mưa. Những hạt mưa nặng trĩu vồ rát vào mặt bố, mẹ vẫn mặc. Con không thể hiểu được mọi hôm mẹ vẫn yêu bố cơ mà, những hôm bố đi làm không mang theo áo mưa chẳng phải mẹ đã rất lo lắng sợ bố bị cảm lạnh đó sao, thế sao bây giờ...


Xoay vội nắm cửa con chạy ra ngoài, hình như có tiếng mẹ gọi con rất to, kệ, con vẫn chạy ra, sà vào lòng bố khóc nức nở. Con nhớ bố. Những giọt nước mắt của con, của bố và của mẹ nữa rơi xuống làm lạnh cả khoảng trống trong lòng, chúng hòa vào những giọt mưa làm con có cảm giác bức bối. Con muốn hét to lên rằng con cần bố, cần mẹ chứ không cần những món quà buộc nơ kia.


Rồi bố đi, sau khi mẹ bước đến giằng mạnh con ra khỏi người bố. Con chới với trong sự hụt hẫng về mẹ, về bố. Con tự hỏi vì sao lúc ấy mẹ không nói gì mà chỉ nhìn bố với ánh mắt lạnh lùng, sập mạnh cửa bước vào nhà và vội vàng lấy khăn lau nước mưa cho con.


- Còn bố - con nức nở - Còn bố thì sao, ai sẽ lau cho bố hở mẹ?


Không có tiếng trả lời, chỉ có sự im lặng lạnh lẽo bao trùm lấy không gian đầy tiếng mưa rơi.


Mẹ ơi, con biết bố là người có lỗi. Bố đã phản bội mẹ, đã bỏ rơi mẹ để đi cùng người đàn bà khác. Những tháng ngày cô đơn quạnh quẽ chỉ có hai mẹ con mình, con biết mẹ rất đau khổ. Nhưng chẳng phải bây giờ bố đã trở về rồi đó sao? Đã cầu xin mẹ tha thứ sao mẹ vẫn không chấp nhận?


Mẹ à, hãy mở lòng mình ra đi mẹ, con cần bố và mẹ, bố cần mẹ và con, chẳng lẽ mẹ chỉ cần riêng con thôi sao. Con hiểu lòng kiêu hãnh đã không cho phép mẹ nhận sự hối lỗi từ bố, lòng tự ái đã dẹp lời khẩn cầu của bố. Nhưng mẹ ơi, mẹ vẫn còn lòng khoan dung cơ mà. Và cả con và bố đều cần sự khoan dung đó từ mẹ, mẹ biết không!


Đêm nay, lại một đêm nữa con nghe tiếng mẹ thở dài, rất khẽ, con chợt hiểu rằng vì sao thế giới này cần sự khoan dung.

Cách xa nào

Cách xa nào

HUỲNH THỊ THANH HUYÊN
12C, THPT Lê Thành Phương


Dừng lại sao mãi vòng vèo
Người ta còn bé đừng theo làm gì
Nói thật sao cứ cười… khì
Đây mà bực bội có khi mất lòng
Nói rồi lại cứ như không
Chẳng quen chi hết lòng vòng tới lui


Người đâu lại thích làm đuôi
Theo chân người khác, một người kì ghê!
Từ đây đi cũng như về
Cách xa ba mét có thề được không?
Gật đầu sung sướng trong lòng
Thà xa ba mét có còn hơn không

Thứ Năm, 5 tháng 3, 2009

Hai-cư bốn mùa

Hai-cư bốn mùa

HÀ THÁI HIỀN
ĐH Văn Hiến


Xuân
Nắng tô màu vạn thọ
Gió quyện rim gừng vào hương Tết
Phố tắm ánh xuân

Hạ
Giọt nước cuộn tròn mình
Ngái ngủ lá sen xanh xanh nõn
Nguyệt khẽ đắp chăn bạc

Thu
Giòn rụm tiếng lá khô
Ngoại hun mùa thu trong bếp khói
Lặng lẽ chiều


Đông
Gió đuổi lá bàng khô
Lũ ếch con nhảy trong mưa ì oạp
Bếp ửng hồng

Truyện ngắn Nguyễn Thiên Ngân


NGUYỄN THIÊN NGÂN
Sinh năm 1988 tại Đắc Lắc. Hiện là sinh viên năm 3 Khoa Ngữ Văn, Trường ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn Tp.HCM.

Đoạt giải nhất truyện ngắn cuộc thi “Chân dung tuổi mới lớn” lần 2 (2005) của Báo Mực Tím.

Tác phẩm đã xuất bản:

* Những phố dài ướt mưa (NXB Kim Đồng)
*Hai chiếc xe khóa chặt vào nhau (NXB Kim Đồng)
*Cặp vòng mây (NXB Văn hóa Sài Gòn)
*Ngôi nhà mặt trời (NXB Phụ Nữ)
*Đường còn dài, còn dài…(NXB Trẻ)

“Thiên Ngân có một trí tưởng tượng dồi dào và tôi tin ngân sẽ còn tiến rất xa nếu vẫn giữ lòng nhiệt thành và say mê viết văn…” (Nhà văn Đoàn Thạch Biền)

“Thế mạnh lớn nhất của Ngân vẫn là viết về tâm lý giới trẻ, tuổi mới lớn, với những tâm lý phức tạp mà người lớn có khi không hiểu nổi. (…). Tâm lý nhân vật chính xác, và hầu hết đó là những nhân vật sống có nội tâm, chiều sâu, những nhân vật dù có cá tính rất riêng nhưng đều… hiền lành, biết điều, do có học hành và được giáo dục tốt” (Nhà văn Nguyễn Đông Thức)






Gặp lại





NGUYỄN THIÊN NGÂN





Tốt nghiệp đại học xong, Di không đi làm. Anh đột ngột rời Sài Gòn quay về tiếp quản tiệm bánh của gia đình.



Ngày Di về cũng là ngày chúng tôi chia tay. Trước hôm đó, tôi chưa bao giờ biết đến dự định này của Di. Mọi thứ xảy ra quá bất ngờ.



Tôi biết gia đình Di có một tiệm bánh nhỏ ở Đà Lạt, nhưng đối với Di, đó là công việc để gia đình anh sinh sống chứ không phải là ước mơ, dự định hay cái gì đó đại loại như thế mà anh hằng ấp ủ. Nên tôi không hình dung nổi cụ thể Di sẽ làm gì khi trở về. Xắn tay vào làm bánh? Đi ra đi vào kiểm tra quầy tính tiền? Hay phát triển nó thành một thương hiệu lớn vươn khỏi tầm địa phương?
Chúng tôi yêu nhau thời đại học. Anh hơn tôi hai tuổi, học khoa Anh, tôi học khoa Pháp. Hai đứa quen nhau ở lớp tiếng Tây Ban Nha buổi tối của thầy Antonio. Di thông minh, nhanh nhẹn và viết lách tốt. Thời sinh viên anh làm đủ mọi công việc từ dịch thuật cho đến chạy event (tổ chức sự kiện), viết báo. Dường như lúc nào Di cũng tất bật. Anh kéo tôi vào sự bận rộn của anh, khiến cho ngày tháng sinh viên êm ắng của tôi như được phủ lên một làn sinh khí mới. Trước đó, lúc rảnh rỗi tôi chỉ biết lên thư viện đọc sách, sống nhờ tiền hằng tháng của ba mẹ gửi vào và không hề có thôi thúc nội tại nào về việc phải tự thân vận động, tìm kiếm cho mình những cơ hội. Tôi nghĩ thời sinh viên thì phải làm sinh viên, cùng lắm là sinh viên ba tốt, chứ không thể làm một cái gì khác hơn được.



Vậy mà bên Di, tôi dần trở thành một con người khác. Tôi từ bỏ ý nghĩ trở về tỉnh nhỏ của mình đi dạy tiếng Pháp, hăm hở lao đầu vào những thử thách mới. Ban đầu Di giới thiệu cho tôi dịch sách. Rồi anh kéo tôi theo làm những chiến dịch PR, những hãng lớn nhỏ. Sau nữa tôi xin vào thực tập trong vài agency quảng cáo, khéo léo tạo lập các mối quan hệ. Những việc ấy chuẩn bị cho một tương lai - theo tôi và Di là - tốt đẹp sau khi ra trường.



Khi tôi dường như bắt kịp Di thì anh đột ngột dừng lại, để tôi một mình.



Tôi suy sụp trong khoảng hơn một tháng, nhưng sau đó tôi tự nhủ mình phải đứng dậy, tiếp tục mọi thứ. Tôi vào làm việc ở một công ty quảng cáo toàn cầu. Hai năm sau tôi xin học bổng sang Pháp học thạc sĩ về truyền thông, rồi quay về quản lý nội dung cho một công ty mạng vừa mở văn phòng tại Việt Nam. Trong thời gian này tôi quen N. trong một chuyến du lịch. Anh là một chuyên viên phân tích tài chính, hiền lành nhưng dí dỏm. Chúng tôi sẽ đính hôn vào cuối năm nay. Mọi chuyện sau vài năm bỗng trở nên ổn thỏa hơn bao giờ hết, dù đôi khi tôi nhìn lại con đường mình đi, vẫn thấy thấp thoáng bóng Di đâu đó.



Mùa xuân, N. rủ tôi lên Đà Lạt ngắm mai anh đào nở. Chúng tôi đi chuyến xe đêm, đến nơi trời vừa hửng sáng. Hai đứa ngồi uống cà phê nóng bên bờ hồ, ngắm mặt trời lên. N. quàng tay ôm vai tôi và tôi cảm thấy mình dường như hạnh phúc. Lâu lắm rồi tôi không lên Đà Lạt, sợ sẽ gặp Di đâu đó. Thành phố quá nhỏ bé, mà cuộc đời thì đầy những tình cờ.



Chúng tôi thuê tầng áp mái trong một biệt thự cũ ngay sát thung lũng mai anh đào. Trong căn phòng, mùi gỗ thông thơm sực nức. Chiều hôm đó trời đổ một cơn mưa lớn. N. dựa vào tường đọc sách. Tôi cũng giở sách ra nhưng chỉ lật được vài trang thì thấy không có tâm trạng, bèn nằm nghe nhạc. Tôi chọn folder (thư mục) nhạc có tên là "On the go" trong Ipod của N. Một loạt những bài Sarah Mclaughlin hát. Nhạc phát ra từ tai nghe không thể nào lấp hết những âm thanh vây bủa chung quanh, nên tôi tưởng chừng mình đang chìm trong những bản hợp xướng kỳ dị.



Giọng hát nhẹ như khói của Sarah Mclaughlin trôi vào trong tiếng mưa. Tôi nhìn N. chăm chú. Sống mũi thẳng, môi hơi mỏng, ria mép lờ mờ, kính cận lấp loáng, thi thoảng lật nhẹ một trang sách. Anh đang đọc một cuốn du ký. N. lúc nào cũng vậy, dịu êm như mặt hồ. Bên anh, tôi không cần phải biến thành ai khác. Đó có lẽ là lý do tôi chọn anh là người đàn ông của mình, dù không hẳn đã yêu anh nhất trong số những người tôi quen sau này. Hồi hai mươi tuổi tôi nghĩ mình thà chết chứ không thể lấy một người mình không yêu say đắm, nhưng bây giờ tôi biết hôn nhân chỉ đơn giản nghĩa là hai người có thể chia sẻ với nhau cuộc sống này.



Rồi tôi miên man nghĩ đến Di. Không biết bây giờ Di có còn ở Đà Lạt? Tôi lơ mơ nhớ lại quãng đời sinh viên, giờ học vui nhộn ở lớp thầy Antonio, cách Di phát âm từ "ensueno"... Mọi thứ vừa rõ nét như mới hôm qua, lại vừa xa cách như nghìn trùng. Lời bài hát ngấm vào tôi một nỗi buồn bất chợt mà rợn ngợp "...from the wreckage of your silent reverie" - "từ những mảnh vỡ của ước mơ lặng lẽ”. Tôi không nhớ mình đã có ước mơ gì và nó đã tan vỡ lúc nào, nhưng tôi biết những mảnh vỡ đã luôn còn đó.



N. chạm vào tay tôi, lay lay. Anh hỏi gì đó. Tôi thấy môi anh mấp máy. Tôi tháo tai nghe ra.



- Anh nói gì?



- Sao tự nhiên em thần người ra vậy?



- Không, em nghe nhạc chăm chú quá thôi.



N. gật đầu. Anh tiếp tục đọc sách. Ngoài trời vẫn mưa. Tôi nhón chân đi đến gần cửa sổ nhìn xuống thung lũng. Sàn gỗ lạnh toát. Mưa như vầy chắc mai anh đào sẽ rụng tơi bời hết cả.



Đến sáng hôm sau trời mới hửng. N. nắm tay tôi đi dạo qua những con phố ướt át. Tôi nhìn quanh quất những tiệm bánh trên phố chính, ngỡ vừa thấy Di đâu đó nhưng rồi anh lập tức biến mất.



N. đề nghị vào quán nghỉ chân. Tôi nhìn theo hướng tay N. chỉ. Phía dưới dốc có một tiệm cà phê nhỏ. Hàng hiên rộng trồng dây leo, bàn phủ khăn carô đỏ, ghế sắt uốn sơn trắng, thực đơn viết bằng phấn màu trông rất xinh. Tên quán làm tôi giật mình. "Julio & Juliana". Tôi biết đó là tiệm cà phê của Di.



Juliana là tên của tôi trong lớp tiếng Tây Ban Nha ngày xưa, do thầy Antonio đặt, nghĩa là "nàng tóc mềm". Julio là tên tiếng Tây Ban Nha của Di tự chọn cho mình. Vì lý do này mà tôi và Di bị thầy và bạn bè trong lớp cáp đôi với nhau hoài, rồi thành thật lúc nào không rõ.



Khi dòng suy nghĩ còn miên man chưa dứt, tôi thấy mình đã ngồi cạnh N. ở chiếc bàn ngay hàng hiên quán. Người phục vụ bước ra, lịch sự giới thiệu với chúng tôi menu của quán. Tôi bảo muốn thử bánh ngọt.



- Chị có thể vào trong chọn bánh - người phục vụ gợi ý.



Tôi tần ngần một chút rồi đứng dậy. N. mỉm cười ra hiệu cho tôi cứ đi đi. Anh gọi một tách cà phê rồi rút quyển sách trong túi áo ra. Có lẽ cuốn sách rất hấp dẫn. Anh tranh thủ mọi lúc để đọc nó.



Trong quán hơi tối, có vài bóng đèn vàng ấm áp. Tôi thấy người con trai quen thuộc một thời đang đứng lúi húi sau tủ ướp sáng choang. Anh mặc áo polo đen, đeo tạp dề màu đỏ, một tay bê khay bánh đủ loại, tay kia cầm chiếc kẹp gắp. Hình như anh đang cho thêm bánh vào trong tủ ướp. Thấy khách đẩy cửa vào, anh nhỏm lên.



- Chị cần... - Di bỏ dở câu nói. Anh kịp nhận ra tôi.



Hai đứa nhìn nhau ngượng ngùng một vài giây. Rồi Di mỉm cười, chậm rãi đặt những thứ đang cầm trên tay xuống bệ tủ ướp rồi lại ngước lên nhìn tôi.



- Em xinh ra nhiều!



- Còn anh thì mập lên.



- Anh suốt ngày phải thử bánh...



Tôi vẫn giữ thái độ điềm nhiên nhưng lòng đầy ngỡ ngàng. Năm năm không gặp, những câu đầu tiên tôi và Di nói với nhau lại nhạt nhẽo như vậy. Tôi thấy mình thật vô lý. Tôi còn mong chờ gì?



Anh bước ra khỏi quầy, mang theo hai tách trà. Chúng tôi ngồi xuống chiếc bàn gần đó.



- Em lên đây với ai?



- Chồng sắp cưới của em - tôi liếc ra hàng hiên qua ô cửa kính.



Di nhìn theo. Ngoài kia, N. vẫn chăm chú đọc sách.



- Còn anh, đã có gia đình chưa?



- Chưa. Di quay lại nhìn thẳng vào mắt tôi, trả lời đơn giản.



- Em tưởng anh tiếp quản tiệm bánh của gia đình?



- Ừ. Vài năm trước. Giờ công việc tạm ổn rồi, anh mở thêm bên này. Cũng mới khai trương ít lâu thôi.



- Đừng có nói với em mấy năm qua anh học làm thợ bánh đấy nhé! - tôi liếc nhìn tủ bánh ngọt đủ loại, nói đùa.



- Nhưng mà thật đấy - mặt Di đầy vẻ nghiêm túc.



- Anh học làm bánh ngọt thật ư?



- Ừ, em thử xem nhé! - Di nhỏm dậy lấy cho tôi một cái tiramisu. Anh vẫn còn nhớ loại bánh tôi ưa thích. Mở tủ, gắp bánh vào đĩa, đóng tủ, lấy thìa. Mắt tôi đăm đăm thu nhận những động tác của Di. Chúng được thực hiện một cách nhanh nhẹn, chính xác như đã thuần thục từ lâu lắm rồi.



Tôi xắn được một muỗng bánh, thấy miếng bánh trám nghẹn trong cổ họng. Di háo hức nhìn tôi - Ngon không em?



- Ngon, nhưng hơi ngọt! - Tôi vớ lấy tách trà, uống một ngụm cho trôi miếng bánh.



Di lại cười.



- Ừ, đúng là hơi ngọt. Nếu làm riêng cho em, anh sẽ bớt đường. Anh hứa đấy, nếu có dịp.



Tôi cảm thấy khó chịu. Anh bây giờ không còn là anh mà tôi từng biết. Tôi cắt ngang lời anh.



- Em hỏi anh một chuyện được không Di?



- Ừ, em hỏi đi.



- Tại sao anh thay đổi nhiều đến vậy?



- Em thấy anh thay đổi không tốt sao?



- Em chỉ không hiểu thôi.



Di im lặng một quãng lâu, vừa đủ để cảm thấy ngột ngạt. Rồi anh đột ngột lên tiếng, chậm rãi rõ ràng.



- Là như thế này: lúc ấy anh "ra đời" - tạm gọi là vậy nhé - quá sớm. Đến khi ra trường, anh đã mất đi tất cả những háo hức, mơ mộng về cuộc đời. Anh cảm thấy chán ngán, mệt mỏi với mọi thứ.



- ...



- Bây giờ anh sống rất tự do. Mỗi ngày anh làm bánh, rồi anh dạo chơi, thỉnh thoảng anh có nhận dịch sách. Anh cảm thấy rất bình yên với cuộc sống hiện tại.



- Đó là tất cả những gì anh cần ư?



- Không, còn thiếu em.



Tôi bỗng thấy căm ghét Di ghê gớm. Anh nói cái câu đưa đẩy đó nhẹ như không. Tôi cảm thấy tình cảm của tôi dành cho Di lâu nay bị anh làm tổn thương.



- Em đừng giận dữ. Hồi đó anh rời Sài Gòn đột ngột vì anh không muốn kéo theo em vào cuộc trốn chạy dở hơi của anh. Với anh lúc ấy, mọi thứ đã kết thúc, trong khi em dường như mới chỉ bắt đầu... - Di nói tiếp, giọng vẫn đều đều.



- Giờ anh nói ra cũng còn ích gì nữa đâu.



- Nói ra để anh và em cùng thấy nhẹ nhàng, vậy thôi.



Tôi im lặng, không biết nói gì thêm.



- Em và anh ấy hiểu nhau chứ? - Di nhìn ra cửa sổ.



- Không hẳn, nhưng có thể thông cảm với nhau nhiều điều.



- Anh cũng chỉ mong tìm được một người như vậy.



oOo



Tôi đẩy cửa bước ra. N. rời mắt khỏi trang sách nhìn tôi ngạc nhiên.



- Em chọn bánh lâu dữ vậy?



- Em gặp lại một người bạn cũ.



- Em có muốn trò chuyện thêm không? Hay mình vào đó ngồi cùng?



- Không cần đâu N... Anh ấy cũng đang bận.



- Ừ -



Tôi nghe giọng N. mừng vui nhẹ nhõm một cách rất trẻ con.



N. lại tiếp tục đọc sách, sau khi uống một ngụm cà phê thật lớn. Tôi ngồi xuống, tựa đầu vào vai N. và luồn tay vào bàn tay to ram ráp của anh, ngắm nhìn những dây leo trên mái hiên đang đong đưa trong gió mùa xuân. N. khẽ cười siết nhẹ tay tôi, mắt vẫn không rời trang sách. Tôi biết bờ vai này, tiếng cười này là thực tại của tôi. Giấc mơ tuổi hai mươi, và Di nữa, tất cả thật sự đều đã qua rồi.

Thứ Ba, 3 tháng 3, 2009

Những chuyến đò…



Những chuyến đò…
Kính tặng thầy Đào Tấn Trực

NGUYỄN THỊ ANH THƯ


Thời gian vụt bay, xa rồi dĩ vãng
Kỉ niệm ngày xưa níu kéo một thời
Thời áo trắng nghiêng mình qua ô cửa
Lẳng lặng ngắm nhìn cô bé thơ ngây

Phía cuối góc bàn ai có biết
Một người âm thầm đếm giọt thời gian
Thời gian đấy trên tóc thầy thêm bạc
Bụi phấn bay bay đánh dấu một thời

Ta giận hờn trách mình vô cớ
Trách bụi phấn kia sao nỡ vô tình
Để chùm mây trắng lộ dần thêm rõ
Cho những đứa con kiến thức thêm dày

Thầy chắp cánh cho con bay mãi
Bay đến những thế giới không cùng
Ở phía ấy vẫn dáng thầy lặng lẽ
Có những chuyến đò rời xa…