Thứ Hai, 23 tháng 11, 2009

Niềm vui neo giữ phận người

Niềm vui neo giữ phận người
ĐÀO TẤN TRỰC
(GV THPT Lê Thành Phương, Phú Yên)

Tôi bước vào trường sư phạm như một sự tình cờ, nếu không nói là bất đắc dĩ.

Số là ngày trước tôi học một ngành khác, ngành y. Năm 1996 tôi tốt nghiệp y sĩ hệ chính quy, đây là khóa y sĩ chính quy cuối cùng trong hệ thống đào tạo cán bộ y tế cơ sở. Ra trường, tôi tình nguyện xin về công tác tại một xã miền núi nhưng lần lữa mãi mấy năm trời không được. Không biết vì lý do gì. Sau đó tôi xin đi dự thi lớp bác sĩ hệ chuyên tu tại Huế với nguyện vọng sau này về phục vụ cho xã nhà. Bởi quê tôi là một xã miền núi nên từ trước đến tận bây giờ vẫn không có một bác sĩ nào chịu về công tác.

Tôi khăn gói lên đường tiến thẳng cố đô. Được vài ngày, tôi nhận tin từ phòng đào tạo trường y báo hồ sơ của tôi không hợp lệ, phải có giấy chứng nhận công tác ở địa phương. Tôi trở về xã mong xin được tờ giấy đó nhưng rồi không được...! Tôi nghĩ, chẳng lẽ cuộc đời mình chấm hết ở đây! Tôi sẽ chứng minh khả năng của mình cho mọi người xem. Thế là tôi nộp đơn thi vào trường sư phạm.

Vào môi trường mới, tôi không ngừng cố gắng. Có nhiều kỷ niệm về trường lớp, thầy cô, bạn bè học tập thật đáng nhớ, song nhớ nhất là ngày đi thực tập sư phạm. Sau tiết dạy đầu tiên, cô giáo hướng dẫn chuyên môn bảo: "Nhìn tướng mạo trông giống thầy giáo thật đấy, sau này em có khả năng trở thành một giáo viên giỏi về chuyên môn". Nghe vậy, tôi mừng rơn nói với cô rằng em sẽ cố gắng hết sức. Sau đợt thực tập, tôi được nhà trường đánh giá, xếp loại xuất sắc.

Trở thành sinh viên sư phạm, công việc của nghề cũ gần như trôi vào dĩ vãng. Không phải tôi quên nhưng những gì cần làm tôi phải làm. Ngoài học, tôi còn tập trung vào nghiên cứu và sáng tác, phải nói rằng tôi là người hơi có duyên với văn chương cho nên những năm sinh viên tôi có bài đăng thường xuyên trên các tờ báo. Việc làm đó kéo tôi về với văn chương sách vở gần hơn.

Ngày ra trường, so với nhiều bạn bè cùng khóa, tôi vinh dự có được hai tờ quyết định đi làm cùng một lúc (có lẽ ông trời bù lại lúc trước): một của sở giáo dục gọi đi dạy và một của một cơ quan báo chí hợp đồng làm phóng viên. Tôi thấy khó khăn với sự lựa chọn của mình. Mẹ bảo: "Con làm thầy giáo sau này sẽ có nhiều học trò và được gần nhà, công việc ổn định". Ngoài gia đình, nhiều bạn tôi cũng khuyên như vậy nhưng tôi thì chán gần nhà lắm rồi; vả lại tôi thích được tự do, đi nhiều, tôi muốn làm nghề báo... Một thời gian ngắn cần phải quyết định, cuối cùng tôi nghe lời mẹ, tôi thành thầy giáo.

Tôi được phân công dạy ở một trường THPT lớn nhất huyện. Mấy tuần đầu tiên lên lớp vui nhiều. Học trò cứ ngơ ngẩn hỏi lâu giờ thầy dạy ở trường nào. Tôi bảo tôi mới vào nghề nhưng học trò không tin. Các em bảo thầy lớn rồi mà mới vào nghề. Tôi nói các em nên tin đi, làm thầy giáo không nói dối ai bao giờ, nhất là với học trò.

Chủ nhiệm lớp là một niềm vui riêng trong những ngày đi dạy. Giáo viên không nhận được công tác chủ nhiệm khác nào gia đình thiếu vắng trẻ thơ. Cũng may năm sau tôi được nhà trường phân công chủ nhiệm lớp ban C. Ngày nhận lớp 10, nhìn em nào cũng hiền từ trong sáng và thơ ngây, tôi hỏi bây giờ các em bầu chọn bạn nào làm lớp trưởng. Các em bảo lớp mình toàn nữ, thôi bây giờ thầy làm lớp trưởng luôn đi. Tôi nói đồng ý, cả lớp vỗ tay hoan hô lớp trưởng, thật đúng là học trò hết chỗ nói... Ngày đầu tiên lớp tôi chủ nhiệm thế đấy.

Ngày tháng trôi đi, ba năm qua nhẹ nhàng như một giấc mơ. Ba năm có biết bao niềm vui, kỷ niệm; ba năm cũng không tránh khỏi những nỗi buồn nhẹ len từ hai phía. Lớp có 44 học sinh, tôi biết tính tình, hoàn cảnh gia đình, sức học của từng em một; ngược lại các em cũng biết tôi, kiến thức, lòng đam mê rồi khả năng của thầy... Biết để gắn bó, đồng cảm sẻ chia, biết để cùng nhau khắc phục khó khăn phấn đấu tiến bộ trong cuộc sống ngày mai...

Buổi liên hoan chia tay ngày các em ra trường thật vui và tình cảm, ai cũng nói ra những điều rất thật từ trong lòng mình. Những lời nói thật khiến cảm xúc con người nhiều khi không thể kiềm nén được buộc phải nghẹn ngào. Các em tốt nghiệp ra trường, bây giờ đang là sinh viên của nhiều trường cao đẳng, đại học trên cả nước. Các em có cuộc sống, môi trường và thầy cô mới; cũng như thầy, thầy sẽ có những lớp học trò mới, cũng dễ thương, học giỏi và đôi lúc nghịch ngợm như các em ngày trước. Thế đấy, cuộc sống hợp tan là lẽ thường mà chúng ta là người phải biết chấp nhận.

Thời gian đi dạy chưa gọi là dài lắm so với nhiều người khác nhưng bao nhiêu đó cũng đủ để tôi cảm thấy yêu nghề. Tình yêu đó không rõ hình bóng và cũng không thể định hình; tình yêu đó đủ để tôi biết nói lời cảm ơn với lời khen của cô giáo ngày xưa, đủ để tôi cảm thấy vững vàng yên tâm mỗi sáng mai xách cặp đến trường và khỏi khập khiễng khi bước lên bục giảng. Theo tôi, yêu nghề là gắn với trường lớp, công việc, học sinh, là tinh thần trách nhiệm, sự tận tâm và không ngừng học tập nghiên cứu, yêu nghề cũng phải biết tự trọng và biết đấu tranh bảo vệ lẽ phải, chống lại những gì gọi là a dua, ích kỷ và bảo thủ, yêu nghề cũng gắn với những trở trăn suy nghĩ, tìm tòi phương pháp cho bài học tương lai...

Phải nói, gắn với trường lớp quen rồi, những ngày nghỉ phép hoặc đi công tác, tôi cảm thấy như thiếu vắng một cái gì đó, hoặc những khi bản thân có điều không vui, vào lớp nhìn thấy gương mặt trong sáng thơ ngây của học trò, những muộn phiền cuộc sống tan biến đi đâu không biết.

Nghề giáo là một nghề được xã hội tôn vinh từ xưa đến giờ. Bằng chứng chỉ rõ vào những việc làm thiết thực mà Nhà nước ta đã và đang thực hiện. Trên bình diện chung của cả nước và truyền thống hiếu học của dân ta, tôi rất tự hào với công việc của mình. Nhưng ở một góc độ nào đó, hình tượng người thầy giáo trong cách nhìn của nhiều người ngày nay, giá trị không còn nguyên vẹn như xưa nữa. Biết giải thích làm sao đây. Một điều thật lạ kỳ, ngày nay người người nhà nhà cho con đi học, ai cũng mong muốn con mình thành người, tại sao lại có cái nhìn lệch hướng về người thầy như vậy.
Biết rằng không thể tránh khỏi những chấm đen nhỏ đáng tiếc hằng năm mà báo đài đã lên tiếng, song đất nước ta ngày ngày vẫn có hàng triệu triệu thầy cô giáo miệt mài chèo đò trên dòng sông rộng gian lao. Ở đó hình ảnh người thầy trong mắt của bao thế hệ người Việt Nam cứ lung linh tỏa sáng không ngừng. Thế mà, trong bộn bề cuộc sống hôm nay, đôi khi ngoảnh mặt nghe nhiều câu mà bản thân mình làm thầy giáo không khỏi bùi ngùi. Đồng ý thầy giáo nghèo vật chất, nhưng nghèo về tinh thần xin nói là không. Có người bảo lương không cao làm sao tâm sáng được? Xin nói lương tâm không liên quan gì với lương bổng, chỉ sợ cái khác thôi.

Hơn năm năm đi dạy, buồn vui va chạm có rồi. Có lúc tôi muốn chuyển nghề để đạt được nhiều mục đích khác nhưng rồi thôi. Cái duyên trong đời nhiều khi không ngờ được, và chính những điều không ngờ đó đã buộc chặt mình với một ai.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét