Thứ Năm, 5 tháng 11, 2009

Thầy khai tâm

Thầy khai tâm

NGÔ PHAN LƯU



Lớp tuổi tôi, lứa "ngũ thập tri thiên mệnh" (thú thật tôi chẳng "tri" được cái gì cả, nói cho sang vậy thôi!) phần nhiều vẫn nhớ đến thầy khai tâm, tức thầy dạy chữ đầu tiên cho mình. Cũng có khi gọi thầy vỡ lòng...


Thế hệ tôi/ Khai tâm tôi/ Vỡ lòng tôi/ Không có cô mà chỉ có thầy


Thầy khai tâm tôi/ Một nông dân/ Gân guốc/ Thầy đi cày thầy đi núi/ Mái trường là bụi chuối hè sau


Dưới hương cau/ Áo bà ba trắng mồ hôi muối/ Thầy dạy chữ A chữ B/ Thầy dạy ăn dạy nói/ Dạy đánh tranh bắt cá/ Dạy cả thương người/ Dạy cười hiền thục


Giờ ra chơi con gà cục tác/ Gió mát rối bời/ Nhảy lò cò phụ thầy tắm bò


Thầy khai tâm tôi/ Thầy vỡ lòng tôi/ Chữ thầy nghèo lắm/ Không có giáo trình/ Cũng không sư phạm/ Nhưng giàu tình thương...


Lứa con tôi, tôi hỏi về thầy khai tâm, chúng không nhớ là ai. Việc này tuyệt nhiên không thể bảo chúng vong ân được. Chúng quên thật. Còn vong ân là vẫn biết mà cứ quên lại hoàn toàn khác.


Thầy khai tâm tôi nay quá già. Chữ nghĩa cũng theo sức khỏe mà vơi. Nhưng điều này đâu cản trở thầy. Thầy có dạy lớp cao mà lo, chỉ dạy vài con trẻ nơi vùng thôn dã nghèo khó hẻo lánh. Đó là do người ta gửi cho thầy để khai tâm, để vỡ lòng.


Đời cả gió và thầy như diều giấy/ Tay trẻ còn cầm diều vẫn bay cao


Thầy chỉ dạy con trẻ tại nhà. Thầy dạy chữ cái, dạy đánh vần, dạy ăn, dạy nói, dạy đi, dạy ngồi... Thầy muốn dạy gì hay, đẹp, có ích thì thầy cứ dạy. Chẳng có ai thanh tra, chẳng có ai quở trách. Có rổ khoai, thầy cho học trò ngừng học, dạy ăn khoai. Học trò giẫm phải gai, thầy nhổ, dạy nhổ gai... Lòng thầy, lòng trò đều bình dị, không giả dối, không phân biệt. Thầy có một bó roi tre lởm chởm gai lúc nào cũng vắt vẻo mái hiên nhà, nhìn sáng trưng như sao chổi nhưng chưa bao giờ thầy lấy xuống để dùng.


Sau này khi lớn khôn (ừ, lớn thì có, nhưng chưa chắc đã khôn!), tôi mới biết chái hè sau nhà thầy là học đường thơ mộng nhất của cuộc đời mình. Học đường ấy trú ngụ trong sâu thẳm tâm hồn tôi suốt cuộc đời.


Năm trước, tôi có thăm thầy một lần. Thầy gần đất xa trời, sức khỏe quá suy vi mà tinh thần lạc quan, dí dỏm vẫn không mất. Thầy nói thều thào:


- Thầy vẫn nhớ anh hồi nhỏ đấy. Bố phải cầm roi "lùa" anh đi học. Người ta lùa bò làm sao thì bố anh lùa anh như vậy. Thế mà nay chữ nghĩa của anh cũng khá, thầy mừng.


- Thưa thầy, lúc ấy con biếng học lại nghịch ngợm nên đang uống nước vò, tiện tay thầy đập cái gáo vào đầu con, vỡ toác mụn ghẻ càng. Con ngã vật, khóc thét.


- Nhưng thử hỏi cột pháo vào đuôi chó, châm lửa thì không đánh đòn làm sao được? Nay qua nửa thế kỷ rồi, anh còn giận tôi à?


- Ồ, không đâu! Sự cố ngoạn mục ấy nay đã đơm hoa thành một kỷ niệm đẹp. Vỡ mụn ghẻ càng chảy ra được máu nghịch ngợm, làm sao mà giận. Việc này con phải cảm ơn chứ?


- Anh nói nghe được lắm.


Thầy khai tâm cười, ló chiếc răng duy nhất nom như chốt cửa. Nhìn cái "chốt" lung lay theo hơi nói, tôi bèn đề nghị:


- Sao thầy không nhổ cái răng ấy cho khỏi vướng?


- Nhổ làm gì? Một sáng đẹp trời nào đó, tôi súc miệng... nó văng ra thôi.


Thầy trò lại cười. Thầy khai tâm lại nói:


- Nghe anh nói thường "cày trên giấy". Nhưng anh có biết "cày trên giấy" khác với cày ruộng chỗ nào không?


- Thưa thầy, để con về nhà suy nghĩ xem đã.


- Có gì mà phải suy nghĩ? "Cày trên giấy" là cày vào chính mình, càng cày sâu càng đơm hoa kết trái. Còn cày bên ngoài mình, việc ấy chính là "cày ruộng".


Đột nhiên, tôi thấy mình vẫn là trò như thuở ấu thơ”...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét