Chờ một bầu trời mưa
CAO THỊ KIM THOA
Tôi gặp Đạt lần đầu tiên trong cuộc giao lưu giữa hai ngôi trường. Vẻ ngoài nhút nhát, ít nói chỉ có ánh mắt là dường như rất chăm chú nhìn mọi người, nếu không nhìn ánh mắt ấy tôi có lẽ sẽ nhầm Đạt là một cậu bạn của ai đó kéo theo đầy lạ lẫm. Ấn tượng về Đạt ngày ấy không đủ cho tôi nhớ cậu ta trong buổi học đầu tiên vào cấp III.
Tôi trở thành học sinh THPT và mọi thứ dường như quay ngược một trăm tám mươi độ. Trái với một liên đội trưởng hoạt bát năng nổ luôn cừ khôi trong tất cả mọi thứ: học tập, đoàn đội, bạn bè, gia đình… tôi thành một kẻ bình thường, hết sức bình thường, nhiều khi nhìn lại tôi ngỡ đánh mất mình. Đạt thì khác cậu ấy nhanh chóng biết dành sự chú ý, tin cậy của mọi người và không lạ gì khi Đạt trở thành bí thư lớp tôi. Ấn tượng về sự hoàn hảo của cậu bạn không chỉ tôi cảm nhận được mà dường như Đạt tuyệt vời trong mắt của tất cả học sinh và cả thầy cô trong trường. Còn tôi lại phải học dần cách kìm nén những thói quen của một lãnh đạo, của một học sinh ưu tú, làm quen với một vị trí tầm thường. Không ai bắt cả, tôi tự nguyện, dù biết không dễ dàng nhưng với tôi thì dường như là không còn cách nào khác. Rồi tôi bắt đầu quen dần với vị trí này và ít nhất là cảm thấy dễ chịu với cảm giác được tự do theo đuổi những ý nghĩ của riêng mình. Duy nhất có một thói quen tôi không bỏ được đó là ngồi lì ở Dạ Khúc, cái nơi mà những kẻ thủ lĩnh thường hay kéo tới túm tụm, có khi là một kế hoạch phối hợp tác chiến, có khi là tán gẫu về tương lai, những triết lí non trẻ chợt nhận ra trong cuộc sống dở dở, ương ương, già hơn tuổi trẻ con nhưng chưa đủ để sáp nhập vào thế giới của người lớn. Chọn một góc bàn khuất sau hòn non bộ, vơ đại một cuốn sách nhưng rồi để đó không buồn đọc, tôi ngắm nhìn lũ cá cảnh đang tung tăng bơi quanh mỏm đá. Chợt nhận ra có lẽ mình cũng giống một trong số những chú cá ấy, muốn bơi ngược dòng hay nhảy lên một cách đầy hưng phấn nhưng không đủ sức mà đúng hơn là không đủ can đảm thế là lại bơi theo đàn, chấp nhận một quỹ đạo buồn tẻ.
Đạt đến bên tôi khi nào không hay, có lẽ cậu ấy đi cùng với những chiến hữu của cậu ấy vì một dịp gì đấy, là bí thư Đoàn trường cơ mà. Đạt cắt ngang dòng suy nghĩ của tôi bằng một câu hỏi như thể chúng tôi đã quen nhau từ lâu lắm rồi.
- Cậu có vẻ khác nhiều so với ngày xưa?
Câu hỏi của Đạt, dĩ nhiên tôi nghe đến nhàm tai những câu tương tự từ lũ bạn. Bọn chúng có lẽ đang tiếp tục sự nghiệp tung hoành ở một ngôi trường nào đó, chỉ có tôi sớm từ bỏ. Không hẳn là buồn, một chút gì như bứt rứt khi tôi nghe nó. Điều làm tôi ngạc nhiên là câu hỏi của Đạt chứng tỏ hay ít nhất là mách bảo tôi rằng những gì cậu ấy biết về tôi nhiều hơn tôi nghĩ.
- Ừ chắc vậy! Còn cậu thì lại thay đổi quá nhiều, ngược lại với tớ. Hay đấy nhỉ? - Tôi thừa nhận như một kẻ đã sẵn sàng từ lâu cho sự thua cuộc.
- Cậu có nghĩ là con người ta luôn thay đổi vì một lí do nào đó không?
Tôi im lặng hồi lâu vì không biết phải trả lời cậu ấy như thế nào. Ngay chính bản thân tôi cũng không biết chắc vì sao mình bỗng dưng dừng lại. Chỉ là tôi thấy mình cần lựa chọn nó, một chút gì đó như mệt mỏi, e ngại khi cuộc sống trước mắt mở ra quá lớn.
Trên lớp tôi luôn quan sát tất cả mọi cử chỉ của Đạt, cũng may Đạt ngồi đầu dãy còn tôi cuối lớp, không khó khăn lắm để làm điều đó. Đôi khi cả lớp nhao lên vì một câu nói vui của thầy cô, Đạt thường kín đáo dành về tôi một ánh nhìn trìu mến và ấm áp. Tôi thấy rõ mình đang bối rối thực sự trước cái nhìn ấy, nhưng lòng thì lại như vừa dạo lên một khúc nhạc. Rồi tôi cũng biết cách che đi sự ngượng ngùng của mình trước khi tụi cùng bàn phát hiện ra điều khác lạ và còn bởi tần số cậu ấy nhìn tôi cũng tăng dần lên, tôi cũng thấy mình đang học cách cười lại với cậu ấy bằng ánh mắt. Thật kì lạ, nhưng tôi và cậu ấy đã nhìn nhau như thế cho đến gần hết năm học, không tiến triển gì thêm. Đôi khi những ánh mắt quá gần nhau làm chúng tôi thấy bối rối, chẳng hạn như khi cả hai đứng ở lan can tầng ba ngắm xuống sân trường đầy mưa. Sau lần đó tôi phát hiện ra chỉ tôi và cậu ấy có cái sở thích kì quặc này, tụi cùng lớp thấy mưa mừng húm vì không phải tập thể dục giữa giờ dưới cái nắng chang chang, kéo nhau vào lớp tán gẫu hay túm tụm dưới căn tin. Chỉ có tôi, Đạt và mưa. Tôi cách Đạt một ô lan can, chúng tôi cách mưa một mái hiên mà thấy tất cả thật gần.
Rồi mùa hè đến, trời không mưa mà xanh thẳm một màu tuyệt đẹp tuy vậy tôi vẫn mong chờ cái bầu trời màu xám tro để thấy một ánh mắt thật gần. Ngày chia tay cuối năm Đạt dí vào tay tôi một mẩu giấy nhỏ “Chiều nay, 2h ở Dạ Khúc. Tớ chờ cậu."
Không hiểu sao tôi có cảm giác như đây là lần hẹn hò đầu tiên của mình nên căng thẳng đến mức đã đến trễ gần mười phút, Đạt đã chờ tôi từ khi nào, cậu ấy ngồi ngay ở cái bàn tôi vẫn thường ngồi. Thấy tôi cậu ấy lại nở một nụ cười trìu mến. Tôi thấy bước chân mình thật lạ.
- Cậu có kế hoạch gì cho kì nghỉ hè chưa? Đạt hỏi tôi.
- À! Kế hoạch á? Tớ nghĩ sẽ làm những gì mình muốn nên từ từ sẽ lên kế hoạch sau.
- Thế à ? Đạt gật gù nhưng hình như còn muốn nói điều gì đó.
- Thực ra tớ muốn rủ cậu cùng tham gia Mùa hè xanh với bọn tớ.
Chiều hôm đó Đạt đã thành công khi dụ khị được tôi cùng tham gia vào chiến dịch Mùa hè xanh với câu lạc bộ Green Teen của cậu ấy. Và tôi đã có một mùa hè thực sự vui và ý nghĩa: đạp xe vì môi trường, tổ chức hội nghị “xanh”, rồi thì về với bản làng trở thành những thầy cô giáo trẻ của học trò miền núi, đêm đêm bập bùng bên ánh lửa cao nguyên, rộn ràng trong điệu nhảy Arap… Lúc mùa hè kết thúc cũng là lúc chúng tôi phải nói lời chia tay với bản làng , rời xa những nương ngô, rẫy sắn, những đôi mắt rưng rưng ngấn lệ…
Tôi trở về đen nhẻm vì nắng gió, mẹ nhìn trách móc : “Con gái mà chẳng biết giữ gìn gì hết trơn!” Nhưng ánh mắt mẹ ánh lên niềm vui vì mẹ biết con gái mẹ đã tìm lại được mình. Sau này khi ngồi đọc lại những trang nhật kí mà tôi và Đạt đã ghi chung vẫn thấy bồi hồi nhớ lại những ngày hè tuyệt vời nhất trong đời và tôi cũng biết được bí mật vì sao ngày ấy Đạt thay đổi. Có những khi ta có một ảnh hưởng đặc biệt tới người khác mà chính ta cũng không biết được.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét