Một giấc mơ hạnh phúc dở dang…
Một tình yêu khắc khoải gần như vô vọng…
Một chiếc lá mờ xa lấp lánh màu huyền thoại…
Tất cả đã kết tinh lại trong một bài thơ ám ảnh bao nhiêu tâm hồn qua bao nhiêu thế hệ. Có thể với mỗi chúng ta “Lá diêu bông” chỉ là một đoản khúc nhỏ không được biết đến nhiều như “Bên kia sông Đuống”, nhưng riêng với Hoàng Cầm thì dường như tất cả tinh hoa, tâm huyết của cả một đời đã dồn nén cả vào bài thơ nhỏ này. “Lá diêu bông” chứa đựng cả hồn thơ, tình thơ Hoàng Cầm ẩn hiện trong không gian Kinh Bắc cổ kính, lung linh,, thấm đẫm màu huyền thoại.
“Váy Đình Bảng buông chùng cửa võng
Chị thẩn thơ đi tìm
Đồng chiều
Cuống rạ
Chị bảo
Đứa nào tìm được Lá Diêu bông
Từ nay ta gọi là chồng”
Không gian Kinh Bắc mở ra êm đềm mà sâu lắng. Câu thơ như cũng buông chùng để không gian huyền thoại trải rộng mênh mang. Kinh Bắc xưa là cái nôi văn hóa của người Việt với cả một bề dày văn hóa 4000 năm. Nhắc về Kinh Bắc là nhắc đến nếp sống cổ kính, mộc mạc nhưng cũng rất đỗi hào hoa của đất và người. Hình ảnh người chị mang đầy đủ những nét biểu trưng cho hình ảnh người con gái Việt Nam nết na thuần hậu nhưng cũng dịu dàng và đầy nữ tính. Điều lạ ở đây là chị không xuất hiện trong không gian êm đềm khép kín, phía sau một lũy tre nào đó như từ bao đời vẫn chị vẫn tần tảo sớm hôm không ai hay, không ai biết. Chị xuất hiện giữa cái mênh mông gần như rợn ngợp “đồng chiều, cuống rạ” Chỉ những ai đã sống ở những miền quê mới có thể cảm nhận hết cái mênh mang của cánh đồng trơ lại những cuống rạ sau một mùa gặt hái nhất là giữa trời điểm bóng chiều đã ập xuống trên đầu. Người con gái ấy tìm gì? Cái dáng điệu thơ thẩn làm ta khó hiểu. Tại sao lại “thẩn thơ” giữa một không gian, thời gian mà lẽ ra người ta phải vội vàng. Và rồi lời chị bảo lại càng làm ta chợt băn khoăn. “Đứa nào tìm được lá diêu bông. Từ nay ta gọi là chồng”. Lá diêu bông ấy là lá gì? Tại sao lại phải lấy làm chồng. Phải chăng vì một lời nguyền nào trong cổ tích…
Chiếc lá diêu bông đã xuất hiện như vậy đấy!..Nó mang theo bao nhiêu là câu hỏi không thể trả lời nên cũng chính vì thế mà trở thành huyền thoại.Chiếc lá ấy đã ám ảnh không ít người. Những câu hỏi ấy đã ám ảnh không ít người. Và cậu bé trong bài thơ cũng thế. Có thể coi hình ảnh của cậu bé ấy là hóa thân của tác giả cũng có thể không. Từng ấy năm qua là từng ấy ý kiến tranh cãi. Có người còn dẫn cả mấy câu thơ “nghé cây bài em tìm hơi tóc ấm/ em đừng lớn nữa chị đừng đi” (Cây tam cúc_Hoàng Cầm) để cam đoan đó chính là tác giả. Có người lại bảo là chưa chắc. Sở dĩ phải dài dòng nhắc lại từng ấy lời là để muốn nhấn mạnh rằng dù cho cậu bé ấy có phải tác giả không cũng chẳng ảnh hưởng gì đến những tầng nghĩa của bài thơ và rằng với “Lá diêu bông” hình ảnh trung tâm nhất, ám nhất chính là hình ảnh người chị. Chị thơ thẩn đi tìm…chị đi tìm chiếc lá diêu bông nào đó với một lời nguyền. Và cậu bé đã đi tìm cho chị…
Hai ngày Em tìm thấy Lá
Chị chau mày
Đâu phải Lá Diêu bông
Mùa đông sau Em tìm thấy Lá
Chị lắc đầu
Trông nắng vãn bên sông
Ngày cưới Chị
Em tìm thấy Lá
Chị cười xe chỉ ấm trôn kim
Chị ba con
Em tìm thấy Lá
Xòe tay phủ mặt Chị không nhìn
Hành trình đi tìm của cậu bé cũng chính là hành trình của người chị đi qua hết một đời con gái. Hai ngày sau…mùa đông sau…ngày cưới chị…ngày chị ba con…từng thời điểm một mỗi thời điểm lại tạo ra một sức ám ảnh khác nhau. Hai ngày sau, chị chau mày, cái chau mày của thất vọng. Chiếc lá ấy đâu dễ tìm đến vậy. Mùa đông sau, chị lắc đầu, dường như đã có một sự chán nản. Mỗi mùa qua là mỗi lần thêm xa vời vợi. Chiếc lá ấy thật sự khó tìm đến thế sao? Ngày cưới chị, chị chỉ cười, nụ cười chấp nhận, đầu hàng. Người con gái ấy đã an phận theo chồng. Không thể nào chờ đợi thêm được nữa. “Xe chỉ ấm trôn kim” rồi mà sao chiếc lá ấy vẫn cứ vời xa. Chị ba con, chị không buồn nhìn nữa. Phải chăng cái thời còn gái mơ mộng ấy đã xa xôi lắm. Và cuối cùng ta như chợt hiểu ra. Chiếc lá diêu bông ấy chỉ là sự hóa thân cho ước vọng hạnh phúc của mỗi đời người. Cả một thời con gái chị mải mê kiếm tìm chiếc lá dể rồi cho đến lúc tuổi xanh đã phôi pha hạnh phúc ấy vẫn chỉ mãi mãi là ước vọng. Cậu bé ấy cũng bỏ cả cuộc đời để đi tìm chiếc lá. Chưa hẳn để được chị gọi là chồng. Câu thơ "em đừng lớn nữa chị đừng đi" đồng vọng lại trong ta một ước mơ giản dị nhưng vô cùng thành thật. Hai cuộc hành trình đuổi theo nhau và cùng chạy theo một chiếc lá diêu bông dường như chỉ có trong huyền thoại. Chiếc lá ấy tượng trưng cho thứ hạnh phúc đích thực trong đời, thứ hạnh phúc âi cũng khao khát đi tìm nhưng liệu có mấy ai tìm thấy được. Bỏ một đời đi tìm hạnh phúc. Có vô vọng quá chăng? Hay biết đâu chính mong muốn đi tìm và hành trình đi tìm gian nan ấy lại chính là hạnh phúc.
Từ thuở ấy
Em cầm chiếc lá
Đi khắp đầu non cuối bể
Gió quê vi vút gọi
Diêu bông hỡi!
...ới Diêu bông hời...!
Có lẽ không cần thiết phải lý giải ở đây về cấu tứ và cái siêu cấu tứ của bài thơ bởi chính bản thân những câu thơ ấy đã đủ để tạo nên những rung động thẳm sâu trong lòng người đọc. Gió quê vi vút. Chiếc lá mờ xa. Không gian mở ra rồi lặng lẽ khép mình lại cổ kính thâm nghiêm. Kinh Bắc từ ngàn năm nay vẫn thế. Chỉ để lại đôi lời đồng vọng khắp đầu non cuối bể, giữa đồng chiều cuống rạ mênh mông, lời đồng vọng về một chiếc lá diêu bông cổ tích.
Em cầm chiếc lá. Lá diêu bông? Cũng có thể là không phải. Chiếc lá ấy dường như không có thực trong đời. Lại một điểm nữa Hoàng Cầm khiến người ta thắc mắc. Nhưng chính những thắc mắc ấy lại khiến cho bài thơ như được một không khí huyền thoại phủ mờ. Huyền thoại lá diêu bông.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét