Như một lời tri ân..!..
“Thêm một người trái đất sẽ chật hơn
Nhưng thiếu mẹ thế gian đầy nước mắt”
(Lê Thiếu Nhơn)
Xin được mượn hai câu thơ của Lê Thiếu Nhơn để bắt đầu cho bài viết nhỏ này. Không phải vì không tìm ra được một cái tứ hay để bắt đầu mà chính vì ngàn lời nói dường như là vẫn thiếu nên đành phải dùng đôi câu thơ để hy vọng có thể lấp đầy. Thơ ca Việt Nam đã có và sẽ có hàng ngàn bài thơ viết về mẹ. Phải chọn ra một bài thơ hay nhất trong số đó quả là khó khăn. Nhân dịp 20-10, chuyên mục xin được giới thiệu một trong số những bài thơ hay nhất viết về mẹ để thay một lời tri ân đến một nửa thế giới này.
Nguyễn Khoa Điềm là một nhà thơ trước khi là một nhà chính trị. Sáng tác của ông không nhiều nhưng lại tạo được một phong cách riêng vô cùng nổi bật. Thành công của ông là đã tạo ra được những tứ thơ sâu sắc về triết lý nhân sinh nhưng lại được chuyển tải bằng ngôn ngữ thơ nhẹ nhàng nhuần nhị mà đầy tinh tế. “Mẹ và quả” là tứ thơ độc đáo và cảm động khi viết về mẹ.
Những mùa quả mẹ tôi hái được
Mẹ vẫn trông vào tay mẹ vun trồng
Những mùa quả lặn rồi lại mọc
Như mặt trời, khi như mặt trăng
Có những bài thơ buộc người ta phải hiểu. Có những bài thơ chỉ có thể cảm mà không sao cắt nghĩa được rạch ròi. Thơ Nguyễn Khoa Điềm nói chung và Mẹ và quả nói riêng thì khác không thể hiểu hay cảm nhận một cách đơn thuần. Sự sâu sắc của tứ thơ kết hợp với những cách thể hiện và ngôn từ độc đáo tạo nên một chất suy tưởng rất riêng. Cái chất suy tưởng đã làm nên thành công cho Đất nước thì giờ đây một lần nữa ta lại bắt gặp tronmg Mẹ và quả.
Phải dài dòng văn tự như thế bởi nhiều khi đọc qua những bài thơ như thế này ta cảm thấy bình dị, dường như là chẳng có gì. Quả không chỉ là những thứ quả mẹ vẫn trồng trong vườn nhà. Quả còn là hình ảnh tượng trưng cho sự sống mà mẹ chính là người gieo hạt chăm bón và mong mỏi đến ngày được hái. Những mùa quả lặn rồi lại mọc. Chữ mọc rất bình thường vẫn được dùng nhiều khi nói đến cây trồng nhưng đến chữ lặn thì lại là cả một sự sáng tạo mới mẻ của nhà thơ. Nó thể hiện sự chuyển dịch không ngừng nghỉ của cả thời gian và không gian. Hiểu rộng hơn là cả sự chuyển dịch không ngừng của sự sống của những cuộc đời. Sức sống ấy là bất diệt, luôn luôn bùng cháy, luôn luôn trỗi dậy. Hình ảnh người mẹ Việt Nam luôn sẵn trong tiềm thức của mỗi chúng ta lại chợt hiện lên với những nét bình dị tảo tần. Cả cuộc đời mẹ phải chăng là tập hợp của những lần gieo trồng không ngừng nghỉ như thế?
Lũ chúng tôi từ tay mẹ lớn lên
Còn những bí và bầu thì lớn xuống
Chúng mang dáng giọt mồ hôi mặn
Rỏ xuống lòng thầm lặng mẹ tôi.
Nguyễn Khoa Điềm ghi dấu dấn trong lòng người đọc bằng một giọng thơ điềm đạm, sâu lắng và đôi chút khiêm nhường. Ta bắt gặp trong Mẹ và quả một sự giao hoà giữa con người với thiên nhiên. Quả của thiên nhiên hay cũng chính là những đứa con lớn lên từ chính đôi tay mẹ bế bồng. Lũ chúng tôi từ tay mẹ lớn lên. Chính chúng tôi cũng là một thứ quả trên đời. Thứ quả của mẹ và riêng của mẹ thôi. Ở đây nhà thơ không nói con mà nâng lên thành chúng con để tăng thêm độ khái quát nới rộng sức lan tỏa tình cảm. Nó thể hiện sự sâu sắc trong trải nghiệm của một hồn thơ ở một lứa tuổi đã nếm trải mọi biến động của cuộc sống. Những bí những bầu quen thuộc trong vườn mẹ đã được nhà thơ nâng tầm lên thành những biểu tượng để thể hiện triết lý của riêng mình. “Những bí và bầu thì lớn xuống”… Dường như cách nói của nhà thơ đi ngược lại với quy luật thông thường. hai chữ lớn lên đã quen thuộc trong cách nói của mỗi chúng ta cả trong lời ăn tiếng nói hằng ngày và cả trong văn chương nghệ thuật. Lớn lên, lớn về thể chất, hình khối…lớn lên trong cả tinh thần và ý nghĩ. Nhưng khi Nguyễn Khoa Điềm buông ra hai chữ lớn xuống, không hẳn là ông lạ hóa ngôn ngữ hay đang chơi một trò chơi chữ nghĩa đánh đố người đọc. Có thể gọi ông là người đầu tiên phát hiện sự lớn xuống hướng về mặt đất của quả. Không phải bằng độ oằn cong của cành mà chính là sự lớn xuống về kích thước của quả. Sự lớn xuống ấy phải chăng là để thể hiện sự hàm ơn đối cới công lao dưỡng dục sinh thành.
Nhà thơ đã mở rộng trường liên tưởng của mình với so sánh giọt mồ hôi của mẹ. Hẳn phải có một con mắt, một cái nhìn tinh tế và tấm lòng nhân hậu thiết tha nhà thơ mới có thể nhận phía sau những bí những bầu bình dị ấy là cả một sự chắt chiu của nguồn sống, nguồn yêu thương. Giọt mồ hôi kết tinh thành một khối sừng sững giữa không gian như một tượng đài nhưng lại mang trong mình vẻ đẹp thuần khiết sáng trong. Tượng đài ngôn ngữ ấy tạc nên hình ảnh người mẹ cơ cực mà đẹp rạng ngời, sống cuộc đời nghèo khó kham khổ và vẫn rất bình thản ung dung. Chữ rỏ đông kết mà lan tỏa ấm nóng sự cộng hưởng của tình người. Rất khó và dường như là không thể tìm được chữ nào thay thế để vừa giữ được sự tôn kính thiêng liên vừa tỏa rộng một tấm lòng ấm áp nhân hậu.
Và chúng tôi, một thứ quả trên đời
Bảy mươi tuổi mẹ đợi chờ được hái
Tôi hoảng sợ ngày bàn tay mẹ mỏi
Mình vẫn còn một thứ quả non xanh?
Day dứt và ám ảnh nhất là đoạn cuối khi nhà thơ bất chợt giật mình thảng thốt. Cái giật mình đầy tính nhân văn. Một sự thú nhận rất thật buộc ta phải nhìn nhận lại mình. Và đến đây ta lại chợt nhận ra một tầng nghĩa hoàn toàn mới. Phải chăng quả kia cũng là tượng trưng cho chính cuộc đời của mẹ. Khi quả kia lớn xuống cũng chính là lúc mẹ đã gần với đất lắm rồi. Bảy mươi tuổi mẹ mong chờ được hái để có thể ra đi hoàn toàn thanh thản và bình yên. Ta chợt nhìn lại mình. Cũng bàng hoàng thảng thốt như thế. Phải chăng ta thật sự vẫn là một thứ quả non xanh. Phải chăng giữa dòng đời này ta vẫn còn cần lắm một bàn tay mẹ hiền. Những tầng nghĩa cứ lẩn vào trong nhau. Khó có thể cắt nghĩa hết. Quả và mẹ. Quả và chúng ta. Nhưng ngày bàn tay mẹ mỏi thì ai cũng hiểu. Cái ngày ấy mới gần làm sao mới đáng sợ làm sao. Ta không thể đợi cũng không thể níu. Ta chỉ có thể làm mình đừng mãi là một thứ quả non xanh.
Một bài thơ không dễ để cảm và để hiểu. Nó đòi hỏi mỗi chúng ta có thời gian để suy tưởng và trải nghiệm. Nhưng thời gian thì không hào phóng thế bao giờ. Hãy biết trân trọng những gì ta có ngay từ hôm nay. Hãy hạnh phúc vì ngay tại đây, thời điểm này ta vẫn còn có mẹ để yêu thương và được yêu thương. Có lẽ những gì nhà thơ muốn nhắn nhủ đến chúng ta cũng giản dị và gần gũi như thế mà thôi.
NHÂN NGUYỄN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét