Những bờ vai yêu thương…
CAO THỊ KIM THOA
Ngoại tôi có một thói quen kì lạ, bất cứ đi đâu cũng đều đi bộ, ra chợ mua bó rau, con cá, lên thăm thằng chắt ngoại hay cụ bạn làng trên bị ốm… Ngoại từ chối tất thảy lời đề nghị để con cháu chở đi với một lí do rằng “Tao còn khoẻ thì tụi bay cứ để tao đi bộ, chừng nào tao yếu thì để tụi bay chở đi”. Ngoại tôi năm nay đã gần tám mươi nhưng vẫn nhanh nhẹn, duy chỉ một cái tật là hay nháy mắt. Nhưng kì lạ thay từ hồi có thằng chắt nội, suốt ngày nó theo ngoại rồi bị lây tật của bà cố. Một ngày ngoại tuyên bố: “Từ bữa nay bà cố sẽ không nháy mắt nữa, thằng Tùng cũng phải làm theo nha”. Thế mà một tháng sau hai bà cháu khỏi thật. Sự dẻo dai của ngoại khiến những đứa cháu như tôi thấy cảm kích vô cùng, yêu và kính trọng ngoại hơn bao giờ hết.
Từ nhỏ tôi đã lớn lên trong vòng tay của bà nội. Gia đình nội tôi khi xưa từng là một trong những gia đình danh giá trong làng, ông nội tôi là giáo viên luôn phải đi dạy học xa nhà, cả gia đình gần chục miệng ăn, đều một tay bà tôi chăm lo. Làm hợp tác xã, chạy chợ, vớt củi, buôn gạo… nội tôi làm không trừ một việc nào. Ngay cả khi đã thấp thập cổ lai hy, sống với con cái đã ổn định nội tôi cũng không chịu ngồi yên, lại cặm cụi trồng giàn trầu, nấu nồi nước chè, cất vò rượu, mở một sạp nhỏ trong chợ. Tuổi thơ tôi là những buổi trưa thấp thỏm chờ tiếng hát dân ca trên đài phát thanh vì lúc ấy là lúc nội tôi trở về sau phiên chợ, trong quang gánh thế nào cũng dành dụm cho chị em tôi chút quà bánh. Năm lớp 1 tôi đã chuyển sang ngủ hẳn với nội, những buổi tối mùa hè hai bà cháu nằm ở chiếc trõng tre ngoài hiên,một tay nội phe phẩy chiếc quạt nan, một tay gãi lưng cho tôi. Rồi mỗi ngày dằm, tôi lại lẽo đẽo theo nội lên chùa, cúng bái và chờ được chia lộc. Bố mẹ tôi ngày ấy bận bịu với những chuyến hàng chợ, giao hẳn tôi cho nội. Cũng vì thế mà trong tuổi thơ tôi bóng nội in đậm hơn ai hết.
Mẹ tôi là một người phụ nữ tảo tần và đảm đang. Nhà ngoại nghèo, mẹ tôi chỉ học đến lớp bảy, về làm dâu nhà nội mẹ gần như đảm nhận vai trò của con dâu cả trong đại gia đình. Những buổi chợ lúc nửa đêm chẳng bao giờ cho mẹ được tròn giấc. Về nhà lại tất bật cơm nước, vậy mà chưa bao giờ mẹ làm ai phật ý. Dậy từ nửa khuya, mỗi sáng tinh mơ tôi thức dậy là lúc mẹ trở về, thế mà mỗi buổi đến trường mẹ vẫn chăm chút cho chúng tôi từng chút một, cột cho tôi bím tóc thật xinh mỗi sáng đến trường. Rồi gia đình tôi chuyển đến nơi định cư mới, bắt đầu lại từ đầu quả là không dễ, lại một lần nữa, việc lớn, việc nhỏ mẹ đều chung vai cùng bố gánh vác. Thế nhưng cuộc sống bận rộn chưa bao giờ khiến tình yêu dịu dàng mẹ dành cho gia đình tôi thay đổi. Những ngày nghỉ ngắn ngủi chị em tôi đi học xa trở về, lúc nào nhà cũng rôm rả. Chị em tôi tranh thủ tíu tít với mẹ đủ thứ chuyện, mẹ mỉm cười hưởng ứng và chưa bao giờ quên đưa ra những lời khuyên đầy tâm lí. Vì thế mà giờ đây dù đã đi xa những mỗi khi nghĩ về gia đình tôi lại thấy ấm lòng.
Đâu hẳn chỉ phía sau người đàn ông thành đạt mới có bóng dáng của người phụ nữa. Mà phía sau chính cuộc đời mỗi người đều có bóng dáng của những người phụ nữ giàu đức hy sinh. Bờ vai vững chãi của người cha, người anh trong gia đình đem đến cho ta một chỗ dựa vững chãi, đầy tin tưởng nhưng chính trái tim yêu thương dịu dàng, nhu mì của người phụ nữ mới chính là sức mạnh tạo nên cội nguồn tinh thần vững chắc để mỗi đứa con vin vào.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét